Năm 2019, tôi theo đoàn công tác đến Trung Quốc. Lần đầu đứng trước quảng
trường Thiên An Môn. Bức chân dung Mao to vật treo giữa bàn dân. Người đông như
kiến. Phải lách nhau mà đi, qua các cố cung, mệt và khát nhưng đang trong “liệu
trình” nên ai nấy đều cố. Đến khi được cắt ra 15 phút vào nhà vệ sinh, mừng
phát khóc. Ai dè, hơn cả ám ảnh. Đường trở ra, tôi đi như ai đuổi, rời khỏi nó
cả mấy trăm mét mà cứ còn mùi khai, tới tận chỗ ảnh Mao, vẫn nặng mùi xú uế.
Có một buổi chào và trao đổi với ban tuyên giáo thành ủy Thượng Hải. Họ
đón tiếp trọng thị. Mình xã giao bặt thiệp. Hai bên cứ đứng lên ngồi xuống phát
biểu. Nhớ tới đoạn phía bên kia báo cáo việc in tờ rơi nhằm tuyên truyền, vận động
nhân dân (về cái gì đấy không thể nhớ), kết quả đạt sự đồng thuận rất cao, nhất
là trong giới trẻ, các đoàn viên thanh niên…; thì hàng dưới, phía bên này thì
thầm “sao cũng giống giống bên mình quá héng!”.
Ở Thượng Hải, đoàn có ghé thăm di tích lịch sử là nơi tổ chức đại hội
toàn quốc thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc (23-31.7.1921) - từng là khu tô giới
Pháp. Từng đoàn người xếp hàng dài. Hỏi mới biết, trong ấy có nhiều đoàn từ các
huyện, tỉnh xa đang thực hiện “Về nguồn” (cái này cũng học hỏi tuyên giáo ta
luôn, về nguồn miết thôi!). Nhiều người vừa được kết nạp Đảng là được về, nhiều
đoàn đăng ký về để thực hiện nghi thức tuyên thệ… Tôi hòa vào đám đông, kiên nhẫn
theo dõi suốt 2 cuộc tuyên thệ, để ý nhiều gương mặt trong số “tân đảng viên”
đen nhẻm, gầy gò, tay họ nắm chặt, vung cao, hô to; chỉ có cặp mắt là nửa ngơ
ngác nửa cứ ngó nghiêng, nhìn ngắm tứ phía. Từ mắt, mặt đến động tác, đài từ chẳng
ăn nhập vào đâu.
Tôi chăm chăm nhìn họ, tự hỏi, ngay lúc này họ đang nghĩ gì.
Cách đó mấy bước chân, trong một căn phòng dài, được phủ màn hình led
khổng lồ trước mặt chiếu Tập Cận Bình với khẩu khí hùng hồn phát biểu ở khắp
các nơi, tất nhiên tôi không hiểu gì. Nhưng khi cả khuôn mặt ông ta “chảy dài”
trên trần nhà - lắp toàn bộ màn hình led - rồi màu cờ lan ra, như thể một bầu
trời máu. Tôi rùng mình, bỏ ra.
Từ hôm qua đến nay, theo dõi trên các phương tiện truyền thông quốc tế,
không hiểu sao cứ nhớ những ánh mắt ngơ ngác, đen nhẻm ở Thượng Hải. Và sợ cả
cái “bầu trời” kia sẽ trùm phủ lên chính họ lần nữa.
Ngay sau thảm sát Thiên An Môn, vào năm 1990, Đặng Tiểu Bình đề ra
“Bình tĩnh quan sát và phân tích, giữ vững lập trường của chúng ta, kiên trì thực
hiện thay đổi, che giấu khả năng và chờ đúng thời điểm, ẩn mình, không bao giờ
đòi hỏi vị thế lãnh đạo, khiêm tốn thực hiện mục tiêu”. Là cách ông ta ứng phó
và chi phối bàn cờ quốc tế. Nhưng trong lòng xã hội Trung Quốc, với nhân dân
Trung Hoa, chả gì “che giấu” và “ẩn mình” được, để hôm nay, dưới thời Tập Cận
Bình, “đúng thời điểm”, cái điểm nút cuối cùng của zero-covid đã dẫn tới một
làn sóng phẫn nộ, trỗi dậy, chống trả, kêu đòi. Nó bùng phát trên diện rộng lẫn
tự trong chiều sâu của tâm lý, thái độ và cuối cùng, như thể là sự chọn lựa duy
nhất, “tồn tại hay không tồn tại”.
Lão Tử đã chẳng nói “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh” - nhận biết người
ta là thông minh, nhận biết bản thân mới là sáng suốt. Karl Marx luận, sự nhận
thức bản thân của dân chúng là điều kiện hàng đầu của thông minh.
Một khi không nhận ra điều kiện hàng đầu ấy ở nhân dân để cứ bất chấp,
đạp bằng, dồn ép thì cũng có nghĩa cái chính thể ấy, đảng phái ấy tự đánh mất sự
sáng suốt, nếu không muốn nói là tăm tối và bất nhẫn. Tự nó đi đến diệt vong.
.
No comments:
Post a Comment