Monday, November 21, 2022

BỎ ĐIỆN THAN ĐỂ THỰC HIỆN CAM KẾT KHÍ HẬU : THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Thanh Phương / RFI)

 



Bỏ điện than để thực hiện cam kết khí hậu: Thách thức lớn đối với Việt Nam

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 19/11/2022 - 13:42Sửa đổi ngày: 19/11/2022 - 13:44

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20221119-r

 

Làm sao tiến tới từ bỏ điện than để thực hiện các cam với với quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đó chính là thách thức rất lớn đối với Việt Nam, trong bối cảnh mà Việt Nam hiện đang phải nhập thêm than để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện năng trong nước.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0eebc876-6748-11ed-8980-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP070919090665.webp

Nhà máy điện than Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 19/09/2007. AP - Chitose Suzuki

 

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập ( 6-18/11/2022 ), phái đoàn Việt Nam đã “tái khẳng định cam mẽ” cam kết của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

 

Trước đó, tại hội nghị về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, ngày 04/11/2021, khoảng 40 nước, trong đó có Việt Nam, cùng với nhiều vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức, đã cam kết dần dần ngừng sử dụng than đá trong các nhà máy nhiệt điện. Các nước tham gia thỏa thuận này cam kết không đầu tư vào những nhà máy điện than mới ở trong nước và ở nước ngoài.

Theo kế hoạch được chính phủ Anh công bố vào lúc đó, các nước giàu sẽ giảm dần sản xuất điện than trong những năm 2030. Thời hạn này sẽ được kéo dài đến những năm 2040 cho những nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Cam kết nói trên của Việt Nam được quốc tế lúc ấy rất chú ý, bởi vì Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng điện than nhiều nhất thế giới. 

 

Kể từ khi ký kết hiệp định khí hậu Paris 2015, Việt Nam đã tỏ quyết tâm giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch, và trong những năm qua đã đưa ra nhiều biện pháp để cắt giảm lượng tiêu thụ các loại nhiên liệu này. 

 

Nhưng gần đây, chính sách năng lượng của Việt Nam đã thay đổi theo chiều ngược lại, cụ thể là với việc chính phủ Hà Nội thông báo sẽ tăng nhập khẩu than trong vòng 13 năm tới. 

 

Các số liệu cho thấy lượng than tiêu thụ trong nước đã tăng nhanh từ 27,8 triệu tấn năm 2011 lên đến khoảng 53,52 triệu tấn năm 2021, tức là đã tăng gấp 2 lần trong vòng 10 năm.  

 

Theo bản dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam do bộ Công Thương đưa ra, với nhu cầu sử dụng than tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào 2030-2035, Việt Nam sẽ phải tăng nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

 

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng than của Việt Nam sẽ lên đến khoảng từ 94-97 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên lên đến đỉnh khoảng 125-127 triệu tấn vào năm 2030. Sau đó nhu cầu sẽ giảm dần do nhiều nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau năm 2035, theo lộ trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam để đáp ứng mục tiêu giảm khí phát thải. Đến 2045, nhu cầu than sẽ giảm còn 73-76 triệu tấn/năm.

 

Trước mắt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm này, Việt Nam đã nhập đến 24,3 triệu tấn than để phục vụ các ngành công nghiệp. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu than từ 3 thị trường chính gồm Úc, Indonesia và Nga.

 

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, hiện nay điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất điện năng ở Việt Nam: 

 

“ Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào điện than, cụ thể là vào thời điểm này, xét về mặt công suất các nhà máy, điện than vẫn chiếm gần 50%, phần còn lại tiếp theo là điện khí, mà khí cũng là từ các mỏ trong nước, thế rồi thủy điện cũng còn có một vai trò. Mấy năm gần đây bắt đầu nổi lên điện gió và điện Mặt trời, nhưng tỷ lệ chỉ mới chiếm khoảng 10 hay 15% và việc phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

 

Do đó, trong thời gian trước mắt, điện than vẫn đóng vai trò gần như là chủ lực. Hiện nay than sản xuất trong nước bắt đầu bị “lép vế” so với than nhập khẩu. Than nhập khẩu tăng mãi, lấn át than sản xuất trong nước. 

 

Nhưng mà trong bản gọi là Quy hoạch điện 8 vẫn đề ra mục tiêu đến năm 2050 đạt trung hòa carbon. Muốn như vậy, bản quy hoạch này ghi rõ đến năm 2050, điện than sẽ là zero. Cho nên điện than chỉ tăng cho đến thời gian trước mắt, nhưng sau năm 2045 sẽ giảm dần xuống còn 0, bởi vì điện than hiện nay, tuy chỉ mới ở mức đó thôi nhưng về phát thải khí CO2 chiếm đến 70%. Các năng lượng còn lại là chiếm 30% về phát thải CO2. Nhưng mình lại đưa ra cam kết, mà cam kết này cũng rất đúng, đó là không thể tăng lượng khí phát thải lên”. 

 

Để giảm bớt lượng khí phát thải để thực hiện cam kết về khí hậu, Việt Nam phải tiếp tục phát triển các loại năng lượng khác, nhất là năng lượng tái tạo. Nhưng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực này: 

 

“ Dạng điện năng ít khí phát thải nhất vẫn là năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo của mình như điện gió và điện Mặt trời mấy năm nay phát triển khá mạnh. Bây giờ chúng ta cũng đã bắt đầu phát triển điện gió ngoài khơi, với công suất dự báo là sẽ tăng lên khá nhiều. Nhưng cũng có nhiều khó khăn, ngay cả về mặt pháp lý.

 

Ví dụ như điện gió và điện Mặt trời ở Việt Nam vài năm gần đây vẫn phải dựa vào giá khuyến khích. Giá khuyến khích là cao hơn giá thông thường, thì các nhà đầu tư mới đầu tư được. Nhưng bây giờ giá khuyến khích lần thứ hai cũng đã hết hạn rồi, trong khi đó rất nhiều đối tác tham gia vào các dự án này. Do đó cơ sở pháp lý phải làm thế nào cho thật tốt để mọi người cùng tham gia thị trường tự do về điện, khuyến khích được các đầu tư, nhưng vẫn bảo đảm được lợi ích của những người tham gia.

 

Cho nên, bước trung gian có thể là phát triển điện khí. Điện khí thì có hai loại, trước hết là khí dẫn từ mỏ về nhà máy, chúng ta có những nhà máy như vậy với công suất cũng là khá lớn. Nhưng nguồn điện năng này cũng rất là hạn chế, vì nguồn mỏ khí ở ngoài biển đâu có nhiều. Do đó phải nghĩ đến chuyện nhập các khí hóa lỏng và xây dựng các nhà máy điện dùng khí hóa lỏng. Coi như là đến năm 2030, điện khí hóa lỏng trong nước có mấy nhà máy lớn, công suất tổng cộng khoảng 7.500 MW. Thế nhưng, sắp tới sẽ có 11 dự án điện khí và khí hóa lỏng, nhập khí hóa lỏng từ bên ngoài vào. Trong mấy năm tới, tổng công suất của chúng sẽ lên đến gần 20.000 MW. Đó sẽ là thành phần chủ yếu trong cơ cấu điện năng. 

Ngay cả điện khí hóa lỏng và điện than thì cũng phải cả tiến công nghệ thì mới giảm được lượng khí CO2 và có được hiệu quả sử dụng. 

 

Như vậy, chúng ta cũng có những khó khăn nhất định trong việc bảo đảm được một con đường giảm thiểu khí CO2 theo cam kết trung hòa carbon năm 2050, trong khi đó điện than hiện nay vẫn nắm vai trò chủ đạo.”

 

Cũng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, trên con đường từ bỏ dần điện than, Việt Nam có thể áp dụng các công nghệ của những nước tiên tiến, đồng thời phải hoàn thiện về thể chế cho việc phát triển năng lượng sạch:

 

" Ở các nước tiên tiến thì trong sản xuất điện than, có một hướng phát triển mới là than được đốt kèm với sinh khối và amoniac. Việt Nam cũng có kế hoạch sau 2035 sẽ đưa công nghệ này vào, một triển vọng rất lớn. Nhưng, như tôi nói khi nảy, bản thân Việt Nam phải hoàn thiện thể chế về thị trường điện, bởi vì bây giờ có rất nhiều đối tác nhảy vào, ví dụ như để làm khí hóa lỏng. Khí hóa lỏng đó phải được chở bằng những tàu khá lớn, phải có cảng nước sâu, phải có kho chứa. 

 

Những điều này đã có trong kế hoạch của Việt Nam, nhưng bây giờ xây dựng như thế nào và phải làm sao để cho nhiều thành phần có thể tham gia vào thị trường này, mà vẫn bảo đảm được pháp luật và bảo đảm được lợi nhuận của các bên tham gia. Đó là một thách thức nữa của Việt Nam, chứ không chỉ có thách thức về công nghệ.

 

Việc hợp tác với  các nước tiên tiến như các nước G7 phải được đặt ra. Mới đây, ví dụ như Indonesia, qua hội nghị COP 27, đã được các nước tiến tiến hứa giúp thoát khỏi điện than. Chắc là họ phải có những kế hoạch rất cụ thể. Do đó hợp tác với các nước tiên tiến và tận dụng các kỹ thuật của những nước đó là rất quan trọng."

 

Theo trang thông tin QUARTZ của Mỹ, để hỗ trợ Việt Nam trên con đường từ bỏ điện than, đẩy mạnh phát triển các năng lượng tái tạo, các nhà ngoại giao từ các nước trong nhóm G7 gần đây đã đề nghị Việt Nam làm ứng viên cho chương trình “ Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng Công bằng”, Just Energy Transition Partnership (JETP), trong thời gian diễn ra COP 27 ở Ai Cập. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào về thỏa thuận này, do những bất đồng trong nước cũng như bất đồng của quốc tế về vấn đề nhân quyền, nợ quốc gia, tốc độ chuyển tiếp sang năng lượng sạch của Việt Nam và về các vấn đề khác. 

 

Cũng theo trang thông tin QUARTZ, vào đầu năm nay, các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc cũng đã thương lượng với Việt Nam về một thỏa thuận trị giá 5 tỷ đôla để giúp Việt Nam đóng cửa các nhà máy điện than, nhưng Hà Nội vẫn ngần ngại, vì trong thỏa thuận này, Việt Nam phải chấp nhận một khoản nợ công rất lớn, mà Việt Nam thì không muốn phải vay tiền, cho dù được vay với lãi suất ưu đãi đến mức nào.





No comments:

Post a Comment