Tuesday, November 29, 2022

BIỂU TÌNH CHỐNG CHÍNH SÁCH ZERO COVID : BẮC KINH THẤT BẠI TRONG CHÍNH SÁCH TUYÊN TRUYỀN (Thanh Hà / RFI)

 



Biểu tình chống chính sách zero Covid : Bắc Kinh thất bại trong chính sách tuyên truyền

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 28/11/2022 - 14:43

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221128-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-ch%C3%ADnh-....AAn-truy%E1%BB%81n

 

Giọt nước làm tràn ly. Urumqi phá vỡ tường thành kiên cố chống Covid-19 của Bắc Kinh ? Hơn một tháng sau Đại Hội, đảng Cộng Sản Trung Quốc bất ngờ đối mặt với một làn sóng phẫn nộ bùng lên từ ba ngày qua. Tại hàng chục thành phố lớn từ Thượng Hải đến Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu, Trùng Khánh… người biểu tình đòi tự do đi lại, đòi chấm dứt các đợt phong tỏa không hồi kết. 

 

VIDEO :

Dân Trung Quốc phẫn nộ biểu tình : Thất bại của Bắc Kinh trong chính sách tuyên truyền ?

https://www.youtube.com/watch?v=DglDt2gJ2Lc&t=4s

 

Công luận Trung Quốc thức tỉnh khi thấy cả thế giới đã hoạt động lại bình thường, chỉ riêng có nước đông dân nhất địa cầu từ gần ba năm qua vẫn bị một con siêu vi khống chế. 

 

Tại một quốc gia với một bộ máy kiểm duyệt và theo dõi công dân càng lúc càng chặt chẽ như tại Trung Quốc, động cơ nào thúc đẩy người dân xuống đường, thanh niên tập hợp nơi các cư xá đại học ? Người biểu tình giương cao một tờ giấy trắng, họa hoằn lắm mới vang lên những khẩu hiệu đòi « tự do », khẩu hiệu « không cần xét nghiệm mà cần đồ ăn ». Cũng có những biểu ngữ thể hiện tình đoàn kết với người dân ở Tân Cương sau vụ một chung cư bị hỏa hoạn, 10 người chết : nhân viên cứu hỏa chậm đến hiện trường do các biện pháp « phong tỏa » chống dịch. Chỉ có một vài nơi vang lên tiếng hô hào đòi lãnh đạo Trung Quốc « từ chức » 

 

Cộng đồng quốc tế ngạc nhiên trước làn sóng phẫn nộ này từ một phần công luận Trung Quốc và kèm theo là câu hỏi khát vọng « tự do » đó có là một mối đe dọa đối với đảng Cộng Sản nước này hay không ? Theo chuyên gia về Trung Quốc Philippe Le Corre, thuộc trường Cao đẳng Thương mại Pháp ESSEC và Harvard Kennedy School, trước hết đây là tình trạng « bất mãn đã âm ỉ trong xã hội » từ cuối 2019 tới nay. Chủ trương chống dịch triệt để của Bắc Kinh với người chịu trách nhiệm đầu tiên là ông Tập Cận Bình, đã đẩy « hàng chục triệu » dân Trung Quốc vào tình cảnh như những « tù nhân bị giam lỏng » và biến nhiều tỉnh thành thành những « nhà tù » lớn nhất trên thế giới. 

 

Bất mãn của công luận Trung Quốc vì chính sách chống dịch triệt để được áp dụng liên tục đã được ghi nhận từ các đợt phong tỏa ở Vũ Hán vào những ngày cuối năm 2019, rồi tình trạng bực bội của dân chúng chúng lại càng rõ hơn trong đợt phong tỏa nhiều tuần lễ hồi mùa xuân vừa qua ở Thượng Hải, ở khu công nghiệp lớn nhất Trung Quốc là Quảng Đông…

 

Gần đây hơn, hình ảnh công nhân nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu nổi loạn lại càng đổ thêm dầu vào lửa. Cùng lúc với các trận đấu nhân mùa Cúp bóng đá thế giới 2022 tại Qatar, người dân Trung Quốc khám phá ra rằng, trên sân cỏ khán giả không đeo khẩu trang, các hoạt động du lịch, thể thao … ở mọi nơi đã trở lại bình thường, nhưng Trung Quốc vẫn là một ngoại lệ. Ở mọi nơi trên thế giới, những hàng rào chống dịch đều đã được dỡ bỏ, mọi người được tự do đi lại. Chỉ có người dân Trung Quốc vẫn bị cấm ra nước ngoài, vẫn phải khai báo ngay cả khi chỉ di chuyển trên đất nước họ và nhịp sống hàng ngày của hàng chục triệu con người vẫn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm y tế. 

 

Vậy làn sóng phẫn nộ này liệu có thể trở thành một hiểm họa tiềm tàng, đe dọa đến uy tín hay thậm chí sự tồn tại của đảng Cộng Sản Trung Quốc hay không ? Tất cả các nhà quan sát đều trả lời là không, bởi vì đơn giản như Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp ghi nhận : Nếu cần chế độ Trung Quốc sẽ không ngần ngại đàn áp người biểu tình, bịt miệng những tiếng nói chống đối. Nhưng có lẽ ông Tập Cận Bình đang trông thấy « nguy hiểm » nằm ở những điểm khác. 

 

Đầu tiên hết, đây là một thất bại ê chề của chính sách tuyên truyền mà từ lâu nay Bắc Kinh vẫn khai thác. Qua việc áp dụng triệt để chính sách chống Covid-19, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã muốn khẳng định có một giải pháp « hay hơn » so với của các nước phương Tây về y tế. Kiểm soát và phong tỏa là những công cụ hiệu quả nhất, kể cả trong mục tiêu y tế. Qua đó thông Bắc Kinh muốn chứng minh thế thượng phong của một chế độ toàn trị đối với một mô hình « dân chủ và tự do ». Vậy một khi mà công luận Trung Quốc không còn bị ru ngủ, làm thế nào để giữ được uy tín cho Đảng và uy tín của chính ông Tập Cận Bình ?

 

Từ trước tới nay cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã hô hào nhiều về những thành tích vượt bậc của các chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm về hiệu quả của vac-xin Trung Quốc … Vậy làm thế nào để đảo ngược thế cờ ?

 

Một thế khó nữa của Trung Quốc đó là đích thân ông Tập Cận Bình đã mang hết uy tín của mình ra để áp đặt chính sách zero covid vậy làm thế nào để tìm được một ngõ thoát mà tránh để « lãnh tụ » tối cao này phải nhìn nhận sai lầm . 

 

Trong những điều kiện đó giới phân tích cho rằng chế độ Trung Quốc không sợ những người biểu tình Trung Quốc vì Đảng và Nhà nước có nhiều công cụ đàn áp trong tay. Điều mà ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản nước này lo sơ hơn cả có lẽ là sự hoài nghi, chán ngán ngấm ngầm lan rộng trong số gần 1,5 tỷ dân tại quốc gia này. 





No comments:

Post a Comment