Saturday, October 29, 2022

TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐẾN BẮC KINH : NGOẠI GIAO CÂY TRE và ÁP LỰC BUỘC VIỆT NAM 'CHỌN PHE' (Bùi Thư / BBC News Tiếng Việt)

 



TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam 'chọn phe'

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

29 tháng 10 2022, 17:58 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1jw1d9gg7o

 

Một chuyên gia về chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Alexander Vuving, nhận định chuyến đi Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào thời điểm chính sách ngoại giao cây tre đang bị "thách thức".

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/8fb8/live/368e3ca0-5768-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Ảnh tư liệu tháng 11/2015: Lễ đón ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam

 

Từ năm 2002, Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận về việc trao đổi chuyến thăm giữa các cấp lãnh đạo cao nhất.

 

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: Thức thời hay nóng vội?

TBT Nguyễn Phú Trọng ưu tiên vấn đề gì khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh?

 

Theo BBC ghi nhận, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình đã có năm lần gặp nhau. 

Chuyến đi Bắc Kinh của vị Tổng bí thư 78 tuổi của Việt Nam vào ngày 30/10 tới đây được Tiến sĩ Alexander Vuving đánh giá là "nổi bật hơn", mang đến nhiều thách thức cho chính sách ngoại giao của Việt Nam.

 

Trung Quốc 'quan trọng nhất cho Việt Nam'

 

Tiến sĩ Vuving bình luận với BBC ngày 29/10 rằng, Trung Quốc luôn là quốc gia quan trọng nhất đối với Việt Nam nên chuyến đi sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc sẽ là một sự kiện quan trọng đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, chuyến đi này của ông Trọng có phần nổi bật hơn các chuyến thăm khác là vì đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam sau khi Nga xâm lược Ukraine - nguyên nhân đẩy nhanh Chiến tranh Lạnh mới giữa một bên là Nga và Trung Quốc và bên còn lại là phương Tây do Mỹ dẫn đầu. 

 

Ông Vuving nhấn mạnh rằng, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã qua, đồng nghĩa với áp lực phải chọn phe của Việt Nam cũng tăng cao.

 

"Chính sách cây tre của Việt Nam ứng phó giữa các cường quốc là khả thi trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Vì hậu Chiến tranh Lạnh, các cường quốc tập trung vào việc hợp tác hơn là cạnh tranh lẫn nhau."

 

"Do đó, áp lực chọn đứng về phe nào chưa bao giờ mạnh đến mức phải phá vỡ mạng lưới quan hệ đối tác của Việt Nam với các cường quốc."

 

"Tuy nhiên, sau ngày 24 tháng 2 năm nay, mạng lưới ngoại giao cây tre đó của Việt Nam đã bị xé toạc. Cả Trung Quốc và Nga đều gia tăng sức ép buộc Việt Nam phải đứng về phía họ," ông Vuving phân tích.

 

Việt Nam chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình

Biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình tại Hà Nội

 

Trong khi đó, trả lời BBC News Tiếng Việt từ Úc, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam là một "swing states" (quốc gia dao động) có tầm quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và bài toán càng cam go hơn khi Nga xâm lược Ukraine.

 

Giáo sư Carl Thayer cũng chỉ ra rằng, những nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo ra sự cân bằng đa cực trên toàn cầu đang bị xói mòn bởi những áp lực của Mỹ và Châu Âu lên Nga, cũng như tình trạng gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.  

 

Về điểm này, nhà báo David Hutt của tờ The Diplomat bình luận với BBC rằng, Việt Nam sẽ cố gắng giảm tầm quan trọng của chuyến thăm cũng như nhấn mạnh điểm này với phía Mỹ, nhằm xoa dịu những lo ngại của Washington về chuyến thăm của ông Trọng là đang thể hiện một hướng đi ngoại giao mới của Việt Nam.

 

Ngoại giao cây tre 'gặp gió lớn'

 

Nhìn lại sự kiện hồi tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thông báo về lập trường của Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine.

 

Khi ấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị:

 

"Hoa Kỳ cố gắng tạo ra căng thẳng trong khu vực và kích động đối kháng và đối đầu bằng cách thúc đẩy "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Những động thái như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và sự phát triển quý giá trong khu vực và làm xói mòn nghiêm trọng cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm."

 

"Chúng ta không thể để tâm lý Chiến tranh Lạnh trỗi dậy trong khu vực và thảm kịch Ukraine lặp lại xung quanh chúng ta. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các nước xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đoàn kết và hợp tác với Việt Nam, chống lại các nguy cơ từ bên ngoài, ứng phó với tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng Ukraine trong khu vực, đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định chung ở khu vực."

 

Trung Quốc nói với Việt Nam: Không để 'thảm kịch Ukraine' lặp lại

Việt Nam: Chuyến công du của ông Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc mang ý nghĩa gì?

Ông Tập Cận Bình nói gì với ông Nguyễn Phú Trọng?

 

Tiến sĩ Vuving phân tích thêm:

 

"Như người đứng đầu  ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã nói vào tháng 12 năm 2021, chính sách đối ngoại của Việt Nam phải hành xử như một cây tre. Vì vậy, Hà Nội đang cúi đầu trước sức ép của Nga và Trung Quốc ở một mức độ nào đó trong khi cố gắng duy trì sức bật để có thể giật ngược trở lại trong tương lai."

 

"Theo cách tiếp cận tre này, Việt Nam đã đáp lại lời thúc giục của Washington nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” với lời hứa rằng sẽ thực hiện khi thiên thời địa lợi."

 

"Với khoảng cách chênh lệch đáng kể giữa Nga và Mỹ, người ta phải tự hỏi liệu “thiên thời địa lợi” có đến hay không," ông Vuving nói.

 

Ông Vuving cho rằng, chuyến đi của ông Trọng sẽ là thử thách cho chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam "nhằm lèo lái sự hỗn loạn của nền chính trị thế giới, có lẽ nghiêm trọng hơn bất kỳ hỗn loạn địa chính trị nào khác trong 30 năm qua."

 

Chuyến đi 'phá vỡ thông lệ'?

 

Một điểm quan trọng mà theo Tiến sĩ Vuving, truyền thông hai nước Việt Nam và Trung Quốc tránh nói đến đó là chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một việc "phá vỡ thông lệ".

 

Theo thông lệ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sau một kỳ đại hội là đến Lào, không phải đến Trung Quốc. 

 

Ông Vuving nêu ví dụ chuyến đi đến Lào của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào năm 1998, trước khi đến Trung Quốc vào năm 1999. 

 

Tiếp đến, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã đến Lào vào tháng 7/2001 trước khi thăm Trung Quốc vào tháng 11 trong cùng năm đó. 

 

Năm 2011, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Lào tháng Sáu, trước khi thăm Trung Quốc cuối tháng 10 năm đó.

 

Sau Đại hội ĐCSVN lần thứ XII, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Lào vào tháng 11/2016 trước khi sang Trung Quốc vào tháng 1/2017. 

 

"Như vậy, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trọng sau Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 lại là đến Trung Quốc, không phải Lào. Điều này đang phá vỡ một thông lệ quan trọng, dù không chính thức , vốn được tuân thủ cẩn thận trong nhiều thập niên," Tiến sĩ Vuving chỉ ra sự khác biệt.

 

Tháng Sáu 2021, ông Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026 đã thăm Hà Nội.

 

Hồi tháng Năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã thăm Lào.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/dbae/live/98e80070-5768-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng sau ​​Lễ ký kết hàng chục thỏa thuận song phương sau cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội ngày 5/11/2015. Getty Images

 

Sang tháng Bảy, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm Lào và dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Còn vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa thăm Lào từ 2021 đến nay, thì chưa có đủ thông tin để kết luận.

 

Tuy nhiên, ông Vuving cho rằng, trong cuộc gặp mặt giữa hai Tổng Bí thư của hai Đảng Cộng sản sắp tới, Trung Quốc có thể nhấn mạnh nhu cầu "xích lại gần nhau".

 

"Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Đảng này nhằm kéo Việt Nam xích lại gần mình hơn, gây hại mối quan hệ Việt - Mỹ."

 

"Cụ thể hơn, Bắc Kinh sẽ thúc ép Hà Nội nâng cấp mối quan hệ song phương của họ thành “cộng đồng chung vận mệnh” và ký kết vào Sáng kiến Phát triển Toàn cầu cũng như Sáng kiến An ninh Toàn cầu."

 

"Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng quay trở lại quỹ đạo của Trung Quốc. Vì vậy có thể Việt Nam sẽ phải nhượng bộ một số vấn đề nhỏ để có thể giảm áp lực của Trung Quốc trong các vấn đề lớn," nhà quan sát Vuving kết luận.

 

---------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

TBT Nguyễn Phú Trọng ưu tiên vấn đề gì khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh?

27 tháng 10 năm 2022

.

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: Thức thời hay nóng vội?

28 tháng 10 năm 2022

.

Việt Nam: Chuyến công du của ông Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc mang ý nghĩa gì?

25 tháng 10 năm 2022

·          

Ông Tập Cận Bình nói gì với ông Nguyễn Phú Trọng?

24 tháng 9 năm 2021

 




No comments:

Post a Comment