Sunday, October 2, 2022

NHỮNG CHIẾC VẠC ĐỒNG THỜI CHÚA NGUYỄN DÙNG ĐỂ LÀM GÌ? (Định Nam / GD&TĐ)

 



Những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn dùng để làm gì?    

Định Nam  (Giáo Dục & Thừi Đại)

28/09/2022 00:54 (GMT+7)

https://giaoducthoidai.vn/nhung-chiec-vac-dong-thoi-chua-nguyen-dung-de-lam-gi-post609657.html

 

GD&TĐ - Vạc đồng thời chúa Nguyễn (10 chiếc đúc dưới thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần) tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

 

https://photo-cms-giaoducthoidai.zadn.vn/w820/Uploaded/2022/mfnms/2022_09_28/vac-dong-2-4073.jpeg

Trong vòng 25 năm, chúa Nguyễn Phúc Tần đã lệnh cho người phương Tây và thợ địa phương đúc rất nhiều vạc đồng.

 

Những chiếc vạc được đúc vào những thời điểm khác nhau trong thế kỷ 17. Chiếc có niên đại sớm nhất là năm 1659 và muộn nhất là năm 1684. Căn cứ vào những chữ Hán khắc trên một số vạc như: Nhất song (một cặp), nhị song (hai cặp), tam song (ba cặp)... có thể khẳng định, số lượng vạc đồng được đúc nhiều hơn số lượng hiện tồn tại.

 

Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động trong các cuộc chiến tranh và sự thay đổi của các triều đại, nhiều chiếc trong số đó hiện không còn nữa.

 

Người phương Tây đúc vạc

 

Theo hồ sơ và tài liệu ghi chép, trên vành miệng mỗi chiếc vạc đồng đều có ghi niên đại, trọng lượng, số lượng vạc đúc nếu là một cặp (2 cái) hoặc một bộ (3 cái). Trong số các hiện vật, di vật thời chúa Nguyễn còn lưu giữ lại đến ngày nay, xét về quy mô và số lượng - bộ sưu tập vạc đồng gồm những hiện vật đồng chất, có cùng loại hình lớn nhất.

 

Không chỉ thống nhất về loại hình, kiểu dáng (hình trụ, sâu lòng, đáy lõm) và đa dạng về kích thước, trọng lượng. Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn còn là những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, thể hiện sự kế thừa văn hóa cội nguồn Thăng Long. Đồng thời cũng mang tính sáng tạo của cư dân vùng đất mới Đàng Trong thế kỷ 17.

 

Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, tính sáng tạo là kết quả của phần tích hợp văn hóa bản địa kết hợp với những yếu tố ngoại lai - kết quả của quá trình giao lưu với văn hóa phương Tây, trong việc tiếp nhận kỹ thuật đúc đồng của người Hà Lan thời kỳ này.

 

Theo nhiều tài liệu, Croix - một người Bồ Đào Nha cùng những người thợ thủ công khéo tay đảm trách việc đúc vạc. Croix đến Huế vào nửa đầu thế kỷ 17, sống tại Phường Đúc (khu vực đối diện phía thượng nguồn chùa Thiên Mụ), lấy vợ người Việt và được xem là người sáng lập ra ngành đúc đồng nổi tiếng của vùng đất này.

 

Trong vòng 25 năm, chúa Nguyễn Phúc Tần đã lệnh cho ông đúc rất nhiều vạc đồng và vũ khí. Mục đích của chúa Nguyễn khi cho đúc những chiếc vạc đồng này là để biểu dương uy quyền và sự bền vững của triều đại, đánh dấu những chiến thắng với quân Trịnh trong công cuộc mở mang lãnh thổ.

 

Ngoài những motif trang trí truyền thống của Việt Nam như văn lá đề, hoa, chim thú, quai tạo hình rồng… trên các vạc đồng này còn có những motif trang trí khá lạ mắt mang phong cách mỹ thuật phương Tây. Điều này chứng minh khả năng những chiếc vạc này được đúc dưới sự cố vấn của người nước ngoài trong thời gian họ ở lại làm việc cho chính quyền Đàng Trong - điều khá phổ biến vào thời kỳ này.

 

Vì thế, các nhà nghiên cứu nhận định 10 chiếc vạc đồng là những bằng chứng ít ỏi, nhưng hết sức tiêu biểu của nền mỹ thuật và kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn.

 

https://photo-cms-giaoducthoidai.zadn.vn/w820/Uploaded/2022/mfnms/2022_09_28/vac-dong-1-1741.jpg

Vạc đồng tượng trưng cho sức mạnh, sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

 

Giải mã hoa văn trên vạc

 

Nhóm vạc đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn có ba chiếc tiêu biểu. Trong đó, gồm một chiếc ở trước nền điện Kiến Trung - đúc năm Thịnh Đức thứ 7 (1659), một chiếc trước nhà Tả Vu - đúc năm Thịnh Đức 8 (1660) và một chiếc ở trước nhà Hữu Vu - đúc năm Thịnh Đức thứ 10 (1662).

 

Những chiếc vạc này đều có thành đứng thẳng, miệng loe rộng và cong ngửa. Vạc có bốn quai vặn thừng gắn trên miệng, bố cục theo băng ngang vòng quanh từ trên xuống. Tổng cộng có chín băng cách nhau bởi những đường gờ nổi vuốt tròn mặt ngoài.

 

Trong đó, các băng (tính từ trên xuống) 3 - 4 - 6 - 7 hẹp để trơn, các băng 1 - 9 rộng vừa phải, có hoa dây uốn sóng chạy liên tục thành vòng kín. Các băng 2 - 5 - 8 rộng hơn và là phần trang trí chính được các nhóm vạch thẳng đứng chia thành các ô chữ nhật bằng nhau, xếp lệch nửa ô, mỗi ô là một đồ án hoa văn riêng. Riêng băng 5 của chiếc vạc trước điện Kiến Trung không bị cắt ngang, hoa văn chạy thành vòng kín.

 

Ba chiếc vạc này nặng và to xấp xỉ nhau. Chiếc vạc ở trước nhà Tả Vu nhỉnh hơn cả: Nặng 2.582 cân (ta), đường kính miệng 2,2m, đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m (kể cả quai cao 1,30m).

 

Theo các nhà nghiên cứu, lối trang trí theo băng ngang vòng quanh khép kín vốn được ưa chuộng từ văn hóa Đông Sơn. Trong có những băng chạm hoa dây uốn sóng nhịp điệu.

Hoa văn trang trí gồm có hoa, lá, chim và thú. Chiếc vạc đúc năm 1695 chỉ hoa và lá, nhưng hai chiếc vạc đúc năm 1660 và 1662 chỉ có chim và thú. Chim và thú trang trí trên vạc năm 1660 đều chuyển động ngược chiều kim đồng hồ, nhưng sang chiếc vạc năm 1662, đã thấy có con đi theo hướng ngược lại.

 

Nhóm vạc đúc cuối và sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn đáng chú ý với 3 chiếc mang niên đại Cảnh Trị và 1 chiếc có niên đại Chính Hòa. Chiếc vạc đúc năm 1670 chỉ sau chiếc vạc muộn của nhóm vạc trước có 8 năm, nhưng kể về kiểu dáng, bố cục và hoa văn lẫn kích thước đã hoàn toàn khác trước, mở ra một hướng phát triển mới.

 

Hai chiếc vạc đúc năm 1762, một chiếc ở chếch bên trái sau điện Thái Hòa, một ở bên phải trên nền điện Càn Thành. Chiếc vạc đúc năm 1684 cũng ở nền điện Càn Thành nhưng về bên trái.

 

Nhóm vạc này về kích thước có xê dịch một chút, nhưng kiểu dáng thì hoàn toàn thống nhất. Chiếc vạc lớn nhất ở nền điện Càn Thành nặng 1.390 cân (ta), đường kính miệng 1,69m, cao 0,94m. Nhóm vạc này có thành đứng thẳng hơi choãi ra, miệng vạc hơi loe ngang gần vuông góc với thành vạc, đáy bằng, có bốn cặp quai gắn dọc gần vuông góc với thành và sát với miệng vạc.

 

Kiểu dáng gần như chậu cảnh bằng sành hoặc sứ, trang trí ở mặt ngoài thân vạc khoảng một phần ba kể từ cổ xuống. Viền cổ vạc là một băng hoa dây uốn sóng 24 khúc, trừ 8 khúc uốn úp gắn điểm trên của quai, còn 4 khúc uốn úp và 12 khúc uốn ngửa được chạm hoa, lá hoặc chim thú.

 

Dưới băng hoa dây là hàng “lá sòi”, dưới mỗi lá sòi có dải 5 chấm. Hoa ở nhiều chỗ có thể nhận ra được là sen, cúc và mẫu đơn.

 

Về hướng chuyển động của chim và thú, ở trên chiếc vạc đúc năm 1670 có tám con thì bảy con chuyển động ngược chiều đồng hồ, chỉ có một con chim bay ngược lại. Sang chiếc vạc đúc 1672, chim và thú chuyển động tùy tiện, con xuôi con ngược. Đến chiếc vạc ở chếch sau điện Thái Hòa cũng đúc năm 1672 nhưng muộn hơn 6 tháng, thì toàn bộ chim lại chuyển động xuôi chiều kim đồng hồ, không có con thú nào.

 

Chiếc vạc đúc năm 1684 thì không chỉ thú mà cả chim cũng vắng bóng, chỉ còn hoa lá. Dõi theo thứ tự thời gian trên các vạc này, hình khắc ngày càng thô.

 

Vạc đồng dùng để làm gì?

 

Căn cứ vào tài liệu lịch sử cũng như kết quả khảo cổ, nhìn chung vạc đồng được đúc từ năm 1659 đến 1684, nằm trọn trong đời chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần. Đó là thời điểm cả nước bị cuốn vào cuộc chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn, từ 1627 đến 1672 để rồi bị chia thành hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.

 

Trên các vạc đồng, đều tính thời gian theo niên đại các vua nhà Lê. Phong cách nghệ thuật được đánh giá là thống nhất, nhưng cũng có đôi nét mới lạ - do tính địa phương và trình độ nghệ nhân Đàng Trong mới tập hợp cùng sự tham gia của chuyên gia đúc đồng phương Tây.

 

Chúa Nguyễn Phúc Tần muốn đề cao dòng họ nhưng chỉ đúc vạc. Về truyền thống, vạc do vua ban tặng những dòng họ thế phiệt có công lớn với triều đình. Như vậy, chúa Hiền vương chỉ mới đưa họ Nguyễn lên hàng quý tộc thế phiệt.

 

Bằng chứng là những chiếc vạc này dù “luộc được cả con trâu”, nhưng chiếc lớn nhất chỉ nặng 2.482 cân, chiếc nhỏ nhất nặng 938 cân. Đến khi triều Nguyễn được thành lập, bộ “cửu vị thần công” đúc năm 1803 bằng đồng, khẩu nặng nhất lên đến 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất cũng nặng 17.100 cân. Bộ “Cửu đỉnh” đúc năm 1835, nặng nhất 4.307 cân, chiếc nhẹ nhất 3.160 cân.

 

Những chiếc vạc này do nhà chúa sai đúc nhưng ở đây nghệ thuật chính thống đã dung nạp nghệ thuật dân gian cả trong đề tài và phong cách biểu hiện.

 

Có thời gian, nhiều người cho rằng các vạc đồng thời chúa Nguyễn đúc ra dùng để trừng trị tội phạm hoặc những kẻ phản bội. Tuy nhiên, không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh giai thoại đó. Vạc đồng – cơ bản chỉ là vật biểu trưng cho sức mạnh và sự trường tồn của chính quyền Đàng Trong.

 

Ngoài các vạc này, Cố đô Huế còn có thêm vạc đồng thời Minh Mạng niên đại 1825 - 1828, được đặt tại điện Hòa Khiêm, Lăng Tự Đức. Bốn chiếc được đặt đối xứng với nhau, lấy trục đối xứng là đường Thần đạo của phần tẩm điện chính giữa sân.

 

                                                      ***

 

Hình : https://photo-cms-giaoducthoidai.zadn.vn/w820/Uploaded/2022/mfnms/2022_09_28/vac-dong-3-8987.jpeg

Vạc đồng thể hiện sức mạnh, không phải dùng để trừng trị kẻ phạm tội.

 

Nhóm vạc đồng đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn tượng trưng quyền uy nhà chúa, gây ấn tượng về thứ “vạc dầu” ghê rợn, hình trang trí dày đặc và nặng nề. Nhóm vạc đúc ở cuối và sau chiến tranh, chúa Nguyễn không đạt được ước vọng làm chủ thiên hạ nên vạc tăng chiều cao, thu hẹp chiều rộng, cuộn miệng lại như đường gờ, tạo dáng thanh thoát và trang trí nhẹ nhàng giống chậu hoa cây cảnh.

 

----------------------

 TIN LIÊN QUAN

 

Lễ cưới của công chúa triều Nguyễn thời xưa diễn ra như thế nào?

 

Khám phá bảo vật hơn 300 năm của chúa Nguyễn

 

Cửu đỉnh Huế “trên đường” vào di sản tư liệu thế giới

 

 

===========================================

.

.

 

Cửu đỉnh Huế “trên đường” vào di sản tư liệu thế giới

Trần Hoà  (Giáo Dục & Thừi Đại)

16/06/2021 19:06 (GMT+7)

https://giaoducthoidai.vn/cuu-dinh-hue-tren-duong-vao-di-san-tu-lieu-the-gioi-post538512.html

 

GD&TĐ - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh Huế là di sản tư liệu thế giới.

 

https://photo-cms-giaoducthoidai.zadn.vn/w820/Uploaded/2022/mfnms/2021-06-16/10-1.jpg

Cửu đỉnh trước Thế Miếu – nơi thờ các vua nhà Nguyễn. Nguồn ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

 

Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu - nơi thờ các vua nhà Nguyễn. Cửu đỉnh được ví như tượng đài, tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy vững mạnh của một triều đại thống nhất.

 

Trọng khí triều Nguyễn

 

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho khởi công đúc từ tháng 10 năm Ất Mùi (1835) đến tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837). Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn.

 

Cửu đỉnh được ví như một bộ bách khoa thư bằng hình ảnh được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. Các nghệ nhân thời vua Minh Mạng đã thể hiện khái quát nhưng súc tích cảnh vật nổi tiếng của các miền đất nước.

 

Cửu đỉnh Huế được hiểu như là bộ dư địa chí. Những hình ảnh về biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh (biển Đông ở Cao đỉnh, biển Nam ở Nhân đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh) sẽ là nguồn tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Theo tư liệu lịch sử, từ tháng 5 năm Bính Thân (tháng 6/1836), các nghệ nhân triều đình Huế đã đúc xong phần thô của chín cái đỉnh. Còn phần quan trọng nhất là các họa tiết để thể hiện nội dung, được vua Minh Mạng sai Nội các tuyển chọn nghệ nhân, tập trung sức lực, trí tuệ của cả nước về Kinh đô.

 

Bằng những dụng cụ tự chế để sử dụng được thích hợp hơn trong việc trau chuốt, tạo nên các đường nét trên khuôn hình. Và bằng phương pháp thủ công như tỉa, gọt, đục đẽo, chạm trổ… phải mất tám tháng thì 162 họa tiết trên Cửu đỉnh mới được hoàn thành.

 

Từ những họa tiết, có thể thấy các nghệ nhân thời Minh Mạng đã thể hiện nhiều cảnh vật nổi tiếng: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, cây cối, hoa đỏ, động vật, binh khí, xe thuyền…

 

Nếu ở Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương. Nếu Cao đỉnh có hổ trên rừng, thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển. Các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam.

 

Trải qua thời gian thăng trầm của đất nước và thời cuộc, chín đỉnh vẫn là những bản gốc, duy nhất hiện vẫn đặt ở vị trí như ban đầu khi mới tạo thành. Những hiện vật gốc, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới chính là tiêu chí xác thực của một di sản tư liệu, là điều kiện cần và đủ để Huế lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới.

 

“Độc bản, duy nhất”

 

Theo ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cửu đỉnh là dạng “độc bản, duy nhất”, không thể thay thế. Đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn.

 

Với những giá trị và ý nghĩa của bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

 

Theo các chuyên gia khảo cổ, Cửu đỉnh gắn liền với con số 9 - số thiêng theo quan niệm phương Đông, tượng trưng cho trời, sự hoàn thiện tuyệt đối, quyền uy và sức mạnh của người đứng đầu thiên hạ.

 

Điều đó phần nào lý giải tại sao số 9 là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu đỉnh. Theo đó, tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9. Chín tinh tú trong vũ trụ, chín ngọn núi lớn, chín con sông lớn, chín cửa biển, cửa quan, chín con thú lớn bốn chân, chín linh vật…

 

Qua phân tích, các nhà khảo cổ thấy rằng trên Cửu đỉnh cũng có những hình ảnh sản vật liên quan đến thời cam go của vương triều nhà Nguyễn. Cây Nam trân (lòn bon) được khắc chạm trên Nhân đỉnh.

 

Tương truyền, những năm cuối thế kỷ 18, khi bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Phúc Ánh ẩn náu ở nguồn sông Vu Gia (rừng Quảng Nam), nhờ ăn quả lòn bon này mà sống sót.

 

Khi lên ngôi vua Gia Long đã đặt tên cho cây trái này là phụng quân mộc (cây gặp vua). Có lẽ vì thế mà vua Minh Mạng cho khắc cây lòn bon vào Nhân đỉnh. Ngoài cây lòn bon, vua còn cho khắc hình ảnh cá sấu trên Chương đỉnh.

 

Tương truyền Nguyễn Phúc Ánh qua sông, nhờ cá sấu cản mà không sa vào tay kẻ thù. Khi vượt biển ra đảo Thổ Chu, thuyền của Ánh không bị lật nhờ rắn thần giữ thăng bằng.

 

Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng tượng trưng cho thụy hiệu của các vua triều Nguyễn.

 

Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế, Nhân đỉnh là thụy hiệu của vua Minh Mạng, Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị, Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức, Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc, Thuần đỉnh là thụy hiệu của vua Đồng Khánh, Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định.

 

Các vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị Tôn Thất Thuyết phế truất, vua Hàm Nghi dưới sự giúp sức của Tôn Thất Thuyết đã xuống dụ Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu đứng lên giúp vua cứu nước chống Pháp.

 

Hai cha con vua Thành Thái, Duy Tân bị người Pháp phế truất và lưu đày, vua Bảo Đại thoái vị... đều không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Do đó, tên của Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kì vị vua nào triều Nguyễn.

 

                                                       ***

 

Theo ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Cửu đỉnh là dạng “độc bản, duy nhất”, không thể thay thế. Đây còn là một bộ sưu tập độc nhất về hình ảnh đúc nổi, thư pháp, tác phẩm mỹ thuật vô cùng đa dạng, phong phú và có giá trị to lớn.

 

Với những giá trị và ý nghĩa của bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Cửu đỉnh là di sản tư liệu thế giới.

 





No comments:

Post a Comment