Nếu
Cách mạng Tháng Mười là một tin đồn
Phạm Thị Hoài
Th10 27,
2022
http://www.procontra.asia/?p=6498
Ngày
18/10/1917, Maxim Gorky viết trên tờ Sống Mới (Новая Жизнь)
về tin đồn là hai ngày tới phe Bolshevik sẽ ra tay. Ông hình dung ngay “một
đám đông vô tổ chức, bản thân mình muốn gì còn không biết, sẽ ào ra đường, kéo
theo một lũ phiêu lưu, trộm cướp và giết người chuyên nghiệp để đi làm công cuộc
lịch sử là cách mạng Nga.” Ông đoán, hẳn cũng như trong vụ bạo loạn thất bại
hồi đầu tháng Bảy, rồi tất cả những bản năng tăm tối của một đám đông đã thấm đẫm
độc ác, hằn thù và khát máu sẽ lại được thổi bùng, và khi sự ngu si thú vật xổng
chuồng thì con người chỉ còn đè nhau ra chém giết. Ông đòi Trung ương Đảng
Bolshevik phải lên tiếng chặn đứng tin đồn khủng khiếp ấy.
Nếu Cách mạng
Tháng Mười là một tin đồn, có lẽ chiến tranh Ukraine bây giờ đã không xảy ra,
nhận định của triết gia Nga Semyon Frank rằng mọi tai họa của thế kỷ 20 khởi
nguồn từ biến cố ấy sang thế kỷ này vẫn còn hiệu lực. Song những người
Bolshevik chẳng những không cải chính mà trên tờ Sự Thật (Pravda),
Stalin còn đắc chí xỉa xói: Gorky và đám trí thức yếu bóng vía ở Sống Mới muốn
gì? Muốn biết trước ngày khởi nghĩa để nhanh chân vù sang Phần Lan chắc? Đừng cậy
danh tiếng, cách mạng Nga chẳng nghiêng mình trước tên tuổi vĩ đại nào đâu.
Đúng một tuần sau, Chiến hạm Rạng Đông nổ pháo lệnh tấn công Cung điện Mùa
Đông, hiện thực chỉ chậm hơn tin đồn năm ngày.
Maxim
Gorky, con chim báo
bão của cách mạng vô sản, không “vù” đi đâu mà có mặt ở cả hai tâm bão,
Petrograd và Moskva, trở thành chứng nhân của “mười ngày rung chuyển thế giới”
từ một góc nhìn khác. Trong gần 60 bài báo nhan đề “Những
suy tư bất hợp thời” nóng bỏng, ông tiếp tục kịch liệt phê phán cuộc
cách mạng Bolshevik, thẳng thừng vạch mặt chỉ tên Lenin, người mà ông từng đồng
hành và gắn bó, cho đến khi tờ Sống Mới bị Lenin đích thân ra
sắc lệnh cấm cuối tháng Sáu 1918. Ông viết: “Lenin, Trotsky và đồng đội đã bị
ngấm nọc độc hủ bại của quyền lực; thái độ ô nhục của họ về tự do ngôn luận, tự
do cá nhân và mọi quyền tự do khác, vốn là lý tưởng tranh đấu của nền dân chủ,
đã chứng tỏ điều đó. Những kẻ cuồng tín mù quáng và đám phiêu lưu bất lương đã
vội vàng phi thẳng đến cái gọi là ‘cách mạng xã hội’. Nhưng trong thực tế, đó
là con đường dẫn đến vô chính phủ, dẫn đến sự hủy diệt giai cấp vô sản và cách
mạng vô sản. Trên con đường ấy, Lenin và đồng đội đã sẵn lòng chấp nhận mọi tội
ác, như vụ thảm sát ở Petrograd, vụ hủy diệt ở Moskva, việc xóa bỏ quyền tự do
ngôn luận và hàng loạt vụ bắt bớ. Lenin chỉ theo đuổi một cuộc thử nghiệm trên
da thịt của giai cấp vô sản và bằng máu của giai cấp vô sản, chỉ muốn đẩy tinh
thần cách mạng của họ đến tột cùng để xem điều gì sẽ diễn ra.” Nhiều lần
ông nhấn mạnh rằng những gì tinh túy nhất của giai cấp vô sản sẽ bị nướng trụi
trong cuộc thử nghiệm tàn bạo đó, song nghiêm trọng hơn cả là trong một thời
gian rất dài, sau thất vọng ê chề về lý tưởng cộng sản cao đẹp, giai cấp tiên
phong của dân tộc Nga sẽ mất toàn bộ ý chí và viễn kiến về tương lai. Ông khẩn
thiết kêu gọi công nhân Nga đừng giơ đầu chịu báng, đừng để mình bị lôi kéo vào
cuộc cách mạng giả trá đang diễn ra, vì đó chỉ là cú phóng hết ga lao xuống vực
thẳm của một nhóm phiêu lưu cuồng tín bất chấp cả danh dự lẫn sinh mệnh của người
vô sản. Và trước hết, đừng đặt lòng tin vào Lenin, bởi ông ta không phải là một
nhà ảo thuật quyền năng mà chỉ là một vai hề máu lạnh, kẻ quả thật có những phẩm
chất xuất chúng nên đã tự cho phép mình cái quyền chơi một ván cược mạo hiểm
trên lưng dân Nga, một dân chúng mà ông ta – vốn xuất thân quý tộc – chưa từng
cùng cảnh ngộ, chỉ biết qua sách vở nhưng rất hiểu cách chiếm đoạt tâm hồn họ,
xách động họ, quất cho những bản năng thú vật của họ lồng lộn, bởi lẽ cách lôi
kéo người Nga dễ nhất là cho họ quyền được đê tiện. Người Nga mà 85% là nông
dân cùng quẫn, u mê, nát rượu, nóng nảy, gian trá và chỉ mơ thành Kulak không
thể là đồng minh mà ngược lại, chính là kẻ đào mồ chôn cuộc cách mạng của giai
cấp vô sản. Ván cược lịch sử của những người Bolshevik chỉ làm ô danh giai cấp
vô sản, đẩy nước Nga vào cơn ác mộng của đói khát, bạo lực, tù đày, cấm đoán,
kích thích tất cả những thú tính kinh hoàng nhất mà người Nga tích tụ dưới thời
Nga hoàng và triệt tiêu tất cả sức mạnh trí tuệ và năng lượng đạo đức của đất
nước này. “Lenin không phải là người được lịch sử giao phó sứ mệnh xới tung
cái tổ kiến tồi tàn hỗn loạn mà thế giới gọi là nước Nga này. Ông ta chỉ dùng
nước Nga làm mẻ vật liệu đầu tiên cho một cuộc thử nghiệm toàn thế giới.”
Đó là những
nhát búa tạ, không phải “một vài bất đồng nhất thời” như sau này các linh mục của
giáo phái văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa – mà Gorky là giáo hoàng – khéo
léo né tránh. Khi Khủng bố Đỏ dâng cao, hàng loạt nhân vật danh tiếng trong
vòng thân quen nhất của Gorky bị bắt và hành quyết, đồng thời xung đột trong mối
quan hệ đầy thăng trầm giữa Gorky và Lenin cũng lên tới đỉnh cao, nhà văn cuối
cùng phải ra đi để nhà độc tài ở lại. Nhưng Gorky không bị cưỡng bức di tản, dồn
lên năm chiếc tàu mà sau này nổi tiếng dưới tên “Đoàn tàu Triết gia”, mỗi người
được mang theo hai bộ quần áo, như hàng trăm trí thức Nga khác, trong đó có các
triết gia Ivan Ilyin, Nikolai Berdyaev, Lev Karsavin, Semjon Frank, Nikolay
Lossky… Ông cũng không chọn lưu vong như 1,2 triệu người Nga khác, trong đó có
những tên tuổi nay thuộc về di sản văn hóa thế giới: Vladimir Nabokov, Isaiah
Berlin, Ivan Bunin, Roman Jakobson, Wassily Kandinsky, Marc Chargall, Sergei
Rachmaninoff, Alexander Alekhine, Sergei Diaghilev… Ông ra đi với danh nghĩa chữa
bệnh ở những vùng nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Đức, Tiệp và Ý, một phần do Vụ Ngoại
thương Sô-viết đài thọ, giao lưu rộng rãi với giới văn nghệ cánh tả phương Tây
và ấm áp trong vòng tay của gia đình cùng người tình Moura Budberg, người đàn
bà bí ẩn – cho đến bây giờ không ai rõ vai trò của bà trong cả cuộc sống lẫn
cái chết của hai văn hào lẫy lừng mà bà lần lượt và thậm chí có lúc đồng thời
chung sống: Maxim Gorky và H.G. Wells -, có thể là một Mata Hari phiên bản Nga,
điệp viên ba mang của cả Liên Sô, Anh và Đức.
Sau bảy
năm tránh bão, Gorky về nước. Lenin đã là một xác ướp trong lăng và hàng ngàn
tượng đài bên ngoài. Vợ ông, bà Krupskaya kiên trung, đã đưa xong Platon,
Descartes, Kant, Schopenhauer, Nietzsche, Dante, Cervantes, Talmud, Kinh Cô-ran
và Kinh Thánh vào danh mục sách cấm để các thế hệ tương lai không còn bị đầu độc.
Cách mạng đã nuốt xong bầy con đầu và đang chờ lứa sau mau lớn. Trotsky đã bị
trục xuất. Xã hội Sô-viết đã nằm im dưới gót ủng của Stalin, phần còn chút cựa
quậy sẽ đơn giản là những con số trong mỗi ngày trên dưới 1000 án tử hình của
hai năm Đại Khủng bố sắp đến.
Song Gorky
về nước, nhận Huân chương Lenin, biệt thự ở thủ đô và dacha ở
ngoại ô, vào Trung ương Đảng, trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Sô-viết, khai sinh
dòng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, lĩnh xướng dàn đồng ca cách mạng, dẫn
đầu cuộc đấu tranh chống mọi tư tưởng phản động trong văn nghệ, và làm bệ cho
những tham vọng
bác học của Stalin, bạo chúa mê lý luận hàn lâm và nghệ thuật. Tai họa của
giới văn nghệ sĩ trí thức ở phần lớn các quốc gia cộng sản gắn liền với sở
thích học giả và thơ ca đàn sáo tranh pháo của các nhà lãnh đạo chính trị tầng
cao. Buổi gặp mặt tròn 15 năm sau Cách mạng Tháng Mười, ngày 26/10/1932, tại dinh thự lộng lẫy của Gorky ở
Moskva – một trong những công trình Art Nouveau đẹp
nhất của kiến trúc sư tài năng Fyodor Schechtel, thiết kế riêng cho gia đình
triệu phú Ryabushinsky, một doanh nhân và chính khách tư sản đã đào
thoát ra nước ngoài – đi vào lịch sử trong sự mộ điệu quái gở ấy. Những đại diện
sáng giá nhất của văn đàn Sô-viết ngồi bên bàn ăn phủ khăn thắp nến, kính trọng
và run sợ, nguyền rủa và biết ơn, và trên hết là ghi lòng tạc dạ lời chỉ đạo
thân mật của đấng cứu thế trong bộ quân phục nền xanh nẹp đỏ. Stalin yêu cầu
các nhà văn phải là những “kỹ sư tâm hồn“, vì “sản xuất tâm hồn quan
trọng hơn hẳn sản xuất xe tăng, các đồng chí rõ chưa?“. Đúng thôi, xe tăng
khi đó chưa cần. Sản phẩm nổi tiếng nhất của chuyên chính vô sản Sô-viết thập
niên hòa bình ấy là hệ thống Gulag. Không ai khác, chính Gorky đã đập tan mọi
tin đồn độc địa ở phương Tây về quần đảo địa ngục ở thiên đường vô sản bằng một
phóng sự hân hoan khi đến thăm trại cải tạo điển hình ở Solovski, nơi “các
tù nhân được hưởng một cuộc sống tuyệt vời và một sự giáo dục tuyệt vời“,
nơi những phần tử lầm đường lạc lối nhờ lao động mà phục hồi nhân phẩm và trở
thành những con người mới của chế độ mới. 30000 tù nhân hạnh phúc đó đã bỏ mạng
cho công
trình vinh danh Stalin, Kênh Bạch Hải-Baltic vĩ đại và vô dụng mà cũng
chính Gorky không tiếc lời ca tụng. Ông đã góp phần không nhỏ vào nạn sùng bái
Đại Nguyên soái. Cả cái chết bí ẩn của ông cũng có ích cho vị lãnh tụ. Nhóm đối
thủ chính trị cuối cùng của Stalin bị thanh trừng trong Vụ án Moskva số 3,
trong đó có giám đốc mật vụ khét tiếng Yagoda, vì tội giết hại thần tượng văn học
Sô-viết; thư ký riêng và hai bác sĩ của Gorky cũng nhân tiện bị xử bắn. Ông yên
nghỉ trên Quảng trường Đỏ, bên bức tường Điện Kremli, cách Lenin không xa, cùng
dãy với bà Krupskaya tại nghĩa trang tưởng niệm những nhân vật lỗi lạc nhất của
nhà nước Sô-viết.
Trong cáo
phó trên tờ báo của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ngày ông qua đời, 18/6/1936,
nhà lý luận mác-xít tiên phong Hải Triều gọi Maxim Gorky là “ông thầy tinh
thần nhân loại tương lai“. Không nhà văn thế giới nào quyết định diện mạo
chính thống của nền văn học Việt Nam như ông, con chim ưng bay lên từ đáy xã hội
Nga hoàng để hạ cánh ở chóp bu bộ máy cai trị Nga Sô-viết. Nabokov coi ông là một
tác giả không đáng để ý của những tác phẩm hạng hai, nhưng là một hiện tượng ồn
ào khá thú vị trong cấu trúc xã hội Nga. Chekhov ưu ái hơn, tin rằng tác phẩm của
Gorky rồi sẽ bị lãng quên, nhưng con người Gorky thì ngàn năm sau khó ai không
nhớ. Ông quả thật là nhân vật đáng nhớ nhất trong cuốn tiểu thuyết larger
than life là chính cuộc đời mình, thấu kính bi tráng cho ánh sáng và
bóng tối của một thời đại khốc liệt, mở ra từ Cách mạng Tháng Mười. Nếu sự kiện
ấy là một tin đồn, xã hội và văn học Việt Nam hôm nay, 105 năm sau, sẽ hoàn
toàn khác.
(Tuần
báo Trẻ, 27/10/2022)
No comments:
Post a Comment