Saturday, October 1, 2022

HÃY QUÊN CÁC CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý GIẢ TẠO CỦA PUTIN ĐI, VÀ TIẾP TỤC GIÚP ĐỠ UKRAINE (The Economist)

 



Hãy quên các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo của Putin đi, và tiếp tục giúp đỡ Ukraine

The Economist

Cù Tuấn dịch

30-9-2022  06:43   

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02JbaWuC7wHT8UTfXrm57G3Sy74sB3fKvjsAeVPDiSypTGaSKonS8h9VhauHXS7T9l

 

Tóm tắt: Các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trước họng súng không khiến đất Ukraine trở thành đất Nga.

 

Khi kết quả của một cuộc bỏ phiếu được công bố là 99% đồng thuận, bạn có thể kết luận rằng việc bầu bán chắc chắn là gian lận và những kẻ gian lận muốn bạn biết điều đó. Các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức bất hợp pháp ở bốn tỉnh bị chiếm đóng một phần của Ukraine cũng có ý nghĩa như vậy. Với những người đàn ông cầm súng đứng ngay trước cửa nhà và yêu cầu bỏ phiếu, người dân Ukraine đã “đồng ý” rằng cường quốc xâm lược Nga nên thôn tính đất đai của họ. Công bằng mà nói, mức đồng thuận 99% chỉ được ghi nhận ở Donetsk, một nửa của vùng Donbas. Ở Luhansk, mức đồng thuận là vừa phải, chỉ là 98%. Và ở các tỉnh Kherson và Zaporizhia, tỷ lệ đồng thuận là rất thấp: chỉ khoảng trên 80% hoặc 90% một chút.

 

Các cuộc trưng cầu dân ý của ông Putin, diễn ra trong 5 ngày và kết thúc vào ngày 27 tháng 9, không phải để cho chúng ta tin mà là để đe dọa. Khi The Economist đăng bài vào ngày 29 tháng 9, sau khi trưng cầu dân ý có lẽ sẽ có bài phát biểu của ông Putin trước quốc hội Nga, và sau đó có thể là một hành động chính thức để kết hợp một phần diện tích Ukraine khá lớn vào Liên bang Nga, như đã xảy ra với Crimea năm 2014.

 

Nếu điều này xảy ra (việc dự đoán bất cứ điều gì về Nga bây giờ là khó khăn, đặc biệt là đối với một kế hoạch phi lý như vậy), ông Putin sẽ cố gắng tuyên bố rằng ông đã giành được một chiến thắng lớn. Hoành tráng hơn, ông cũng có thể tuyên bố rằng quân đội Ukraine hiện đang nắm giữ phần lớn bốn tỉnh đó trên thực tế là những kẻ chiếm đóng, và nếu họ cố gắng lấy lại đất đai của họ, họ sẽ trở thành những kẻ xâm lược.

 

Logic này là rất lộn xộn và lắt léo. Nhưng logic này gợi ý rằng: nếu các nước phương Tây tiếp tục vũ trang cho Ukraine thì họ sẽ tiếp tay cho các cuộc tấn công vào đất đai của Nga. Đây là điều mà phương Tây cho đến nay vẫn phải cẩn thận né tránh. Đối với ông Putin và các cố vấn, sáp nhập toàn bộ vùng đất Ukraine này có vẻ là một cách thông minh để ngăn chặn phương Tây, và trên thực tế là Ukraine, nỗ lực hơn nữa để đẩy lùi đội quân xâm lược Nga. Điều cốt yếu là mưu đồ của họ không thành công.

 

Như chúng tôi đã báo cáo, nguy cơ leo thang hạt nhân ngày nay dường như cao hơn bất kỳ lúc nào, kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cách đây 60 năm. Nhà lãnh đạo Nga chắc chắn hy vọng rằng việc sáp nhập này sẽ khiến những người ủng hộ Ukraine lo sợ rằng rủi ro sẽ tiếp tục tăng cao hơn, đến mức mà quyết tâm của phương Tây sẽ bị rạn nứt.

 

Trong tình huống căng thẳng này, cần nhớ rằng vùng đất mà ông Putin sắp thôn tính không phải là một phần của Nga. Hơn nữa, sợ hãi trước việc tống tiền bằng hạt nhân sẽ chỉ làm khả năng xảy ra của chiến tranh hạt nhân tăng thêm. Trên thực tế, phương Tây đã mắc sai lầm đó vào năm 2014 khi tiếp tay cho ông Putin sáp nhập Crimea vào Nga. Một trong những người tiền nhiệm của ông Putin đã nói: “Nếu bạn gặp phải sự hỗn độn, bạn phải tiếp tục đi tới”.

 

Nếu nguy cơ leo thang chiến tranh ngày càng gia tăng, thì đó không phải là do trò lừa bịp của các cuộc trưng cầu dân ý, mà bởi vì ông Putin đang thua trong cuộc chiến. Ông Putin luôn phải đối mặt với nguy cơ rằng thất bại sẽ là một sự sỉ nhục và ông có thể bị lật đổ. Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo Nga liên tục khoe lá bài tẩy hạt nhân kể từ tháng 2. Ông Putin có thể tấn công dùng hạt nhân trước cuộc trưng cầu dân ý, nhưng, mặc dù Nga thất bại nhiều trên chiến trường, ông ấy đã không làm như vậy. Tương tự, việc thôn tính sẽ không bắt buộc Putin phải làm thế: tốt hơn hết nó được coi là một nỗ lực tuyệt vọng để báo hiệu rằng ông ta không hề nói đùa.

 

Phải làm gì đây? Mỹ đã đúng khi tuyên bố rõ ràng rằng nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Có thể, chúng sẽ khiến cho NATO trực tiếp sử dụng vũ khí thông thường để phá hủy các căn cứ và lực lượng của Nga ở Ukraine. Phương Tây nên hỏi thẳng Trung Quốc và Ấn Độ để làm rõ rằng hai nước này cũng sẽ phản đối một cuộc tấn công hạt nhân.

 

Trong khi đó thì Ukraine nên tiếp tục chiến đấu. Tuần trước, ông Putin đã ra lệnh huy động 300.000 quân dự bị một cách hoảng loạn, gây ra tình trạng căng thẳng ở Nga và hàng trăm nghìn thanh niên muốn trốn quân dịch phải chạy trốn. Các cuộc biểu tình đang lan rộng và khoảng 20 văn phòng tuyển quân đã bị tấn công. Nga không thu được đà tiến thực sự nào. Quốc gia này thậm chí có thể đã sử dụng chiến thuật kỳ lạ là làm nổ các đường ống dẫn khí đốt của chính mình, với hy vọng rằng điều này sẽ khiến phương Tây sợ hãi. Bất chấp những lời đe dọa của Tổng thống Nga, phương Tây nên tiếp tục giúp người dân Ukraine chiến đấu.

 

.

6 BÌNH LUẬN   

 

NGUỒN :

 

https://www.economist.com/leaders/2022/09/29/ignore-putins-fake-referendums-and-keep-helping-ukraine

ECONOMIST.COM

Ignore Putin’s fake referendums and keep helping Ukraine

Ignore Putin’s fake referendums and keep helping Ukraine

 




No comments:

Post a Comment