Thursday, September 22, 2022

TRƯNG CẦU DÂN Ý, HUY ĐỘNG QUÂN DỰ BỊ : PUTIN LEO THANG CHIẾN TRANH UKRAINA? (Minh Anh / RFI)

 



Trưng cầu dân ý, huy động quân dự bị: Putin leo thang chiến tranh Ukraina ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 22/09/2022 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20220922-trung-cau-dan-y-hy-dong-quan-du-bi-putin-chien-tranh-ukraina

 

Thứ Tư, 21/09/2022, trên truyền hình, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo huy động 300 ngàn quân dự bị và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tranh Ukraina. Trước đó một ngày, bốn vùng Ukraina bị chiếm đóng tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập lãnh thổ vào Nga. Sự việc cho thấy cả Nga và phương Tây đều bỏ lỡ cơ hội để chấm dứt cuộc chiến bằng con đường ngoại giao.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ae4ed782-3a70-11ed-966c-005056a97e36/w:1024/p:16x9/AP22264641358489.webp

Ngay sau thông báo của tổng thống Vladimir Putin huy động quân dự bị, người dân Nga ở nhiều thành phố lớn đã xuống đường phản đối, Matxcơva, Nga, ngày 21/09/2022. AP - Alexander Zemlianichenko

 

Vài ngày trước bài phát biểu của tổng thống Nga, luật sư, kinh tế gia, Marcus Stanley, thuộc Viện Quincy tại Mỹ, trong một bài viết đăng trên trang mạng Responsible Statecraft từng lưu ý rằng việc quân đội Ukraina đánh bại quân Nga ở Kharkiv đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Cả hai phe phải đối mặt với những quyết định quan trọng: 

 

Nước Nga của ông Putin phải chọn giữa việc từ bỏ câu chuyện viễn tưởng « chiến dịch đặc biệt » và tiếp tục lao vào cuộc chiến với quy mô lớn, một hướng đi đương nhiên sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với những rủi ro cao và sức tàn phá lớn hơn cho cả hai phía. Ở bên kia, liên minh NATO – Ukraina phải quyết định xem họ có nên tận dụng thời điểm này để tìm kiếm một giải pháp đàm phán trong thế thượng phong, hay là chạy theo những rủi ro của một cuộc xung đột còn dữ dội hơn.

 

Giờ đây, với bài phát biểu trên truyền hình hôm 21/9 của ông Putin, câu hỏi đặt ra : Quyết định huy động một phần quân dự bị, thông báo trưng cầu dân ý và lời đe dọa sử dụng hạt nhân của ông Putin phải được diễn giải hay được hiểu như thế nào ? Phải chăng quyết định này dập tắt mọi hy vọng kết thúc chiến tranh bằng đàm phán ?

 

 

Nhân lực, khí tài : Những sai lầm và thế yếu của Nga

 

Theo giới quan sát, đà tiến quân mạnh mẽ và thắng lợi của quân đội Ukraina ở Kharkiv đã thúc đẩy nguyên thủ Nga đưa ra quyết định như trên. Nhưng sự việc làm lộ rõ những khó khăn về nhân lực, cũng như những sai lầm trong chiến lược của Nga. Ý đồ dồn quân ở phía đông để chinh phục và chiếm giữ thêm nhiều vùng lãnh thổ đã gặp thất bại. Theo Marcus Stanley, nguyên nhân đơn giản chỉ là Nga không còn đủ quân để có thể trấn giữ một chiến tuyến dài hơn 1.000 km trải dài từ biên giới phía bắc với Nga đến vùng Biển Đen ở phía nam Ukraina.

 

Với quân số 200 ngàn người lúc ban đầu, lực lượng Nga đã bị suy yếu dần cùng với cuộc chiến do những thiệt hại nhân mạng quá lớn. Nga chỉ đủ quân để kháng cự với các cuộc phản công của Kiev ở một vài vùng, như việc đẩy lùi được cuộc tấn công của quân đội Ukraina ở Kherson chẳng hạn. Một chi tiết khác đáng chú ý cũng được ông Marcus Stanley nêu lên: dường như nhiều lực lượng của Nga trong vùng chỉ là những hiến binh quốc gia Rosgvardia, chủ yếu là các lực lượng cảnh sát không được đào tạo để chiến đấu trên chiến trường.

 

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực đương nhiên đặt ra một vấn đề cơ bản : Chiến lược của Nga khi tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế, chỉ là « một chiến dịch quân sự đặc biệt » mà không huy động lính nhập ngũ hoàn toàn cũng như là không tổng động viên, có thể trụ được bao lâu ? Nga đã sai lầm khi đánh giá thấp quyết tâm kháng cự của người Ukraina, và không ngờ rằng sáu tháng sau, Ukraina, với sự trợ giúp của NATO, đã trở thành một đối thủ quân sự đáng gờm.

 

Một điểm bất lợi khác cho Nga là, trong cuộc chiến dài hơi này, Ukraina – với một nền kinh tế được phương Tây hậu thuẫn mạnh mẽ về mặt tài chính, nhất là các khoản vay từ Mỹ với lãi suất hàng năm tương đương với GDP trước chiến tranh – có thể toàn tâm tổng động viên dân chúng. Do vậy Ukraina có thể triển khai đông quân hơn Nga, vốn chỉ huy động được một phần.

 

Trên phương diện khí tài, Ukraina được Mỹ và các nước phương Tây hậu thuẫn với một mức GDP cao gấp 20 lần so với Nga. Theo quan điểm của ông Marcus Stanley, rõ ràng đây không phải là một cuộc xung đột mà Nga có thể thắng nếu không có một sự huy động rộng lớn hơn.

 

Từ góc nhìn này, chuyên gia về quốc phòng và an ninh Emmanuel Dupuy, Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh ở Châu Âu (IPSE), trên đài truyền hình TV5Monde, cho rằng « đây là một sự leo thang bởi vì sẽ có nhiều lính Nga chiến đấu trên lãnh thổ Ukraina hơn. Nhưng đó còn là một lời thừa nhận yếu kém, bởi vì cùng lúc, Vladimir Putin tuyên bố chỉ huy động  300 ngàn quân, trong khi có trong tay hai triệu quân dự bị ».

 

 

Huy động binh sĩ và những rủi ro chính trị cho V. Putin

 

Nhưng khi chọn leo thang quân sự, chủ nhân điện Kremlin có thể sẽ thu được gì vào lúc NATO và Mỹ không ngừng chi viện cho Ukraina và các cuộc phản công vẫn tiếp diễn ? Liệu nước Nga có thể tăng mạnh được khả năng quân sự khi huy động mọi nguồn lực và khi thực hiện một nỗ lực lớn để chuyển đổi ngành công nghiệp dân sự cho mục tiêu quân sự vào thời chiến hay không ?

 

Những câu hỏi trên được đặt ra còn cho thấy rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với áp lực từ mọi phía. Ở trong nước, một mặt chủ nhân điện Kremlin không thể ban hành lệnh tổng động viên, một quyết định rất có thể tước mất nguồn hậu thuẫn từ người dân mà ông có được cho đến nay và nhất là có nguy cơ bị chia sẻ quyền lực. Đây thật sự là một rủi ro chính trị to lớn cho ông Putin. Mặt khác, tổng thống Nga đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt từ cánh hữu « diều hâu » mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, đòi gia tăng nỗ lực chiến tranh.

 

Nhưng điều đáng lo là, ngoài việc leo thang quân sự theo quy ước, Nga rất có thể chuyển qua sử dụng vũ khí chiến thuật hủy diệt hàng loạt tại Ukraina và các lực lượng NATO có thể trực tiếp tham chiến. Marcus Stanley cho biết, một báo cáo mới đây có tiêu đề « Cái giá của chiến tranh » do trường đại học Brown thực hiện lưu ý, chính sự thua kém của các lực lượng quy ước Nga so với NATO sẽ thúc đẩy nước này dựa vào vũ khí nguyên tử và sự phụ thuộc vào loại vũ khí này còn được nhân rộng hơn nếu Nga gặp một thất bại quân sự quy ước.

 

Rủi thay, mối lo này có nguy cơ biến thành hiện thực. Trước đà tiến của Ukraina và rủi ro mất lại nhiều vùng chiếm đóng, chính quyền thân Nga tại bốn vùng Kherson, Luhansk, Zaporijjia và Donetsk thông báo tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Đây còn là một bước đệm để Nga biện minh cho việc triển khai và sử dụng vũ khí hạt nhân, theo như phân tích của Cyril Gloaguen, từng là tùy viên quân sự tại Nga và Turkmenistan, chuyên nghiên cứu về địa chính trị, trường đại học Paris VIII, trên đài RFI.

 

Cyril Gloaguen : « Các lực lượng quân đội Nga, nhìn theo quan điểm quy ước, giờ đang trong thế thủ. Quân đội Ukraina đang giành chiến thắng trên địa bàn và trước tình hình này, chỉ còn một giải pháp. Trên thực tế, đó là phải bảo vệ các vùng lãnh thổ Ukraina đã bị chiếm đóng hay những phần lãnh thổ Ukraina hiện do quân đội Nga kiểm soát.

Việc củng cố các tuyến phòng thủ này sẽ được thực hiện bằng cách chuyển các vùng đó qua quyền tài phán của Liên bang Nga nhờ vào phương cách trưng cầu dân ý. Tại sao ư ? Bởi vì, lý do đơn giản và an toàn nhất chính là khi những vùng này của Ukraina trở thành của Nga, một cách tự động, chúng sẽ được đặt dưới sự bảo vệ bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều này cũng tương tự cho bán đảo Crimée. »

 

Trang mạng báo Mỹ New York Times, ngay khi có thông báo tổ chức trưng cầu dân ý, ghi nhận, từ lâu giải pháp này được đặt ở hàng thứ yếu trong chiến lược xâm chiếm Ukraina vì ông Putin cho rằng những vùng này là phần lãnh thổ hợp pháp của Nga. Nhưng thắng lợi của Ukraina tại Kharkiv buộc ông phải ra tay hành động. Cũng theo nhật báo Mỹ, những biện pháp này được đưa ra vào lúc ông Putin phải đối mặt với những thất bại không những trên chiến trường, mà cả trên trường quốc tế.

 

 

Vũ khí hạt nhân hay vũ khí sinh học ?

 

Tại thượng đỉnh Samarkand, Uzbekistan, hai ngày 15-16/09/2022, chủ nhân điện Kremlin lần đầu tiên phải thừa nhận mối « bận tâm » về cuộc chiến của Trung Quốc và Ấn Độ, hai nguồn hậu thuẫn quan trọng cho kinh tế Nga trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, nhiều lần giữ vai trò trung gian trong cuộc xung đột, hôm thứ Hai 19/9, cũng tuyên bố rằng cuộc xâm lược Ukraina là vô cớ và Nga nên trao trả những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

 

Trong bối cảnh này, theo quan điểm của ông Cyril Gloaguen, mọi việc đang rơi vào bế tắc. Tổng thống Nga đang gây áp lực cả với Kiev và phương Tây, khi dọa rằng nếu Ukraina đặt chân vào những vùng lãnh thổ hiện do quân Nga kiểm soát « có nguy cơ » hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân từ Nga. Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, giữa lời nói và hành động còn có một khoảng cách khá xa. Ông giải thích :

 

« Ở đây cần phải hiểu một điều quan trọng, đó là trong thời bình, bộ tham mưu của lực lượng hạt nhân Nga, ở ngoại ô Moscow, không được liên kết bằng hệ thống truyền dẫn với lực lượng hạt nhân. Đó là một biện pháp an ninh. Ví dụ như trong các cuộc tập trận hàng năm, có một cuộc tập trận hạt nhân chiến lược mang tên Grom. Trong quá trình diễn tập, bộ tham mưu sẽ kiểm tra các đường truyền với các đơn vị khác nhau được đặt trên toàn lãnh thổ Nga. Đây là điều hết sức quan trọng cần lưu ý, do đó, có diễn ngôn, có tuyên truyền và có thực tế của sự việc.

 

Khi đe dọa như vậy, Vladimir Putin biết rất rõ rằng NATO có khả năng phát hiện sự kích hoạt các đường truyền từ các trung tâm của bộ tham mưu lực lượng hạt nhân Nga, điều quan trọng là ông ấy biết điều đó. Đây vừa là phát ngôn dành cho NATO, hướng đến Ukraina, và lẽ tự nhiên còn hướng đến người dân Nga. Điều quan trọng là phải thể hiện sức mạnh của ông ấy và bài phát biểu này, vốn dĩ luôn dựa trên vũ lực, sức mạnh hạt nhân, đã có tác động to lớn đến cuộc tranh luận chính trị ở Nga. »

 

Hầu hết giới chuyên gia cũng như bản thân tổng thống Ukraina đều không tin vào khả năng chủ nhân điện Kremlin sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với Kiev như đòi hỏi của phe diều hâu Nga. Dù vậy, nhà nghiên cứu Emmanuel Dupuy, trên đài TV5Monde, cảnh báo mối nguy vũ khí hóa học, một « hiểm họa cần phải được xem xét nghiêm túc » theo như tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden trong bài phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

 

Tóm lại, phải chăng đây chính là cách để ông Vladimir Putin « chấm dứt nhanh nhất » chiến tranh như lời thuật lại từ người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS của Mỹ hôm 19/9 ?

 

---------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐIỂM BÁO

Bị thua trên chiến trường Ukraina, Putin đe dọa chiến tranh nguyên tử

 

PHÂN TÍCH

Nga huy động lực lượng dự bị, một bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Ukraina

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Chiến tranh Ukraina: Tổng thống Nga Putin huy động lực lượng dự bị





No comments:

Post a Comment