Thursday, September 29, 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/09/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/09/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

30/09/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/09/30/the-gioi-hom-nay-30-09-2022/

 

Bão Ian khiến hơn 2 triệu người ở Florida bị mất điện. Thống đốc bang Ron DeSantis cho biết cơn bão này có tác động “lịch sử” và sẽ gây ra lũ lụt kỷ lục. Với tốc độ gió gần 150mph (240km/h), Ian nằm ngay dưới cấp năm, tức cấp bão nghiêm trọng nhất; nó là một trong những cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào đất liền Mỹ. Bão dự kiến ​​sẽ đổ bộ vào Bắc Carolina vào thứ Sáu.

 

Nga nói sẽ chính thức sáp nhập 4 vùng chiếm đóng ở Ukraine vào thứ Sáu, chỉ vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý giả, trong đó chế độ của tổng thống Vladimir Putin nắm quyền kiểm phiếu và dùng vũ lực kiểm soát cử tri. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Serbia, nước có quan hệ chặt chẽ với Nga, đã tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu dân ý.

 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố các biện pháp hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (194 tỷ đô la) để bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khỏi giá năng lượng tăng cao. Gói này bao gồm áp trần giá khí đốt đến mùa xuân năm 2024 và loại bỏ một khoản thuế khí đốt. “Giá phải giảm,” ông Scholz nói.

 

Thủ tướng Anh Liz Truss nói sẽ không rút lại các đề xuất ngân sách đã làm chao đảo thị trường vào tuần trước, và tuyên bố sẵn sàng tiến hành các bước “gây tranh cãi” để thúc đẩy tăng trưởng. Kế hoạch kinh tế của bà đã khiến đồng bảng Anh sụt giá nghiêm trọng, dù giờ đây đã phục hồi về mức trước thời điểm công bố. Hôm thứ Tư, Ngân hàng Trung ương Anh đã gây sốc cho giới quan sát khi cam kết mua 65 tỷ bảng Anh (70 tỷ USD) trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài để xoa dịu thị trường.

 

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã bầu Doreen Bogdan-Martin, một người Mỹ, làm tổng thư ký. Bà Bogdan-Martin đánh bại Rashid Ismailov, cựu thứ trưởng bộ viễn thông của Nga, với tỉ lệ phiếu 139-25 chênh lệch rất nhiều so với dự đoán. Kết quả này cho thấy 193 quốc gia thành viên của ITU muốn có một mạng internet phi tập trung dựa trên tinh thần đồng thuận thay vì bị kiểm soát bởi các chính phủ quốc gia, điều mà Nga và Trung Quốc muốn thúc đẩy.

 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, chỉ một ngày sau khi Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển. Bà Harris chỉ trích “luận điệu khiêu khích hạt nhân” của Triều Tiên và cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn nếu chế độ của Kim Jong Un tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên sau 5 năm như đồn đoán. Trước đó vào thứ Năm, Triều Tiên đã bắn thêm hai tên lửa ra biển.

 

EU và NATO xác định đường ống Nord Stream 1 2 bị rò rỉ do hành vi phá hoại, nhưng không đổ lỗi cho Nga. Vào thứ Năm, tuần duyên Thụy Điển đã báo cáo một vụ rò rỉ thứ tư. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các hành vi phá hoại sẽ phải chịu “phản ứng cứng rắn nhất có thể.” Bà von der Leyen cũng đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả áp trần giá dầu.

 

Con số trong ngày: 50.000 đô la, là mức phí dịch vụ theo ngày cao nhất của Vishal Punjabi, một nhà sản xuất video đám cưới Ấn Độ trong một ngành kinh doanh đang bùng nổ.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang từng bước tiến hành thôn tính các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraine. Trong 5 ngày qua, dưới sự giám sát của binh sĩ có vũ trang, cư dân của các tỉnh Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Luhansk được cho là đã “bỏ phiếu áp đảo” để sáp nhập vào Nga. Vào thứ Sáu, ông Putin dự kiến ​​sẽ tổ chức một buổi lễ tại Điện Kremlin và tuyên bố chủ quyền đối với tất cả bốn tỉnh, mặc dù không kiểm soát toàn bộ tỉnh nào trên thực địa. Đây sẽ là cuộc thôn tính lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

 

Các cuộc trưng cầu dân ý giả được Nga công bố một cách vội vàng hồi giữa tháng 9 trong bối cảnh thất bại đáng xấu hổ trên chiến trường. Cùng với lệnh động viên một phần và lời đe dọa dùng hạt nhân, Nga đang làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang không kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói việc sáp nhập sẽ không làm thay đổi mục tiêu giải phóng nhân dân và lãnh thổ của ông. Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền của Nga sẽ khép lại mọi triển vọng đàm phán trong tương lai.

 

Thiệt hại khủng khiếp của bão Ian

Bão nhiệt đới Ian dự kiến sẽ đổ bộ bang Nam Carolina vào cuối ngày thứ Sáu. Dù đã bị hạ cấp xuống áp thấp sau khi quét qua Florida, nó vẫn có thể gây ra lũ lụt, triều cường và gió giật nguy hiểm.

 

Trong khi đó, các vùng bị Ian quét qua sẽ bắt đầu khắc phục hậu quả. Vào thời điểm nó đổ bộ Florida vào thứ Tư, với sức gió lên tới 150mph (240km/h), Ian là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận ở Mỹ. Nhà cửa và đường xá bị nhấn chìm hoặc hư hại, trong khi hơn 2 triệu người bị mất điện. Toàn bộ Cuba chìm trong bóng tối sau khi lưới điện bị đánh sập hôm thứ Ba. Ian được dự đoán là một trong những cơn bão gây thiệt hại kinh tế cao nhất lịch sử. Nhưng kỷ lục đó chắc chắn sẽ tăng nhanh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

 

EU họp sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream

Chương trình nghị sự cho cuộc họp các bộ trưởng năng lượng châu Âu vào thứ Sáu vốn dĩ đã rất dày đặc. Nhưng rồi Nord Stream 1 và 2, hai đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Đức, bị phá hoại. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã hứa sẽ có “phản ứng cứng rắn nhất có thể.” Hành động phá hoại ngay lập tức tô đậm điểm yếu năng lượng của châu Âu, và khiến việc hoạch định chính sách trở nên khó khăn hơn.

 

Phần còn lại của chương trình nghị sự sẽ tập trung vào việc hạn chế tăng giá khí đốt và điện. Các bộ trưởng sẽ thảo luận cách chi trả cho các khoản này, có lẽ là thông qua việc áp thuế các công ty năng lượng. Họ cũng sẽ thảo luận về việc giảm nhu cầu điện, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Ý tưởng gây tranh cãi nhất là giới hạn giá khí đốt: trên diện rộng hoặc chỉ đối với hàng nhập khẩu Nga. Nhưng các cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream – lời nhắc nhở về khả năng tiến hành chiến tranh năng lượng của Nga – khiến triển vọng đường dài của khí đốt Nga ngày càng xấu đi.

 

Cuộc đua thống đốc bang Texas

Thống đốc thuộc Đảng Cộng hòa của Texas, Greg Abbott, sẽ tranh luận với đối thủ Dân chủ, Beto O’Rourke, vào tối thứ Sáu. Được biết đây là cuộc tranh luận duy nhất trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11, và sẽ được tổ chức ở Edinburg, một thị trấn biên giới ở miền nam Texas. Địa điểm này, vốn do nhóm của ông Abbott chọn, sẽ cho phép ông nhấn mạnh các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư bất hợp pháp, vốn là trọng tâm tranh cử của đương kim thống đốc.

 

Ở phía còn lại, ông O’Rourke muốn khai thác nỗi tức giận của cử tri trước các thay đổi về luật phá thai và súng của Texas. Ván cược của ông Abbott là cử tri sẽ quan tâm nhiều hơn đến lạm phát và nhập cư bất hợp pháp. Có lẽ ông đúng, khi thăm dò gần đây đều cho thấy ông dẫn trước O’Rourke từ bảy đến tám điểm. Quan điểm Nhà Trắng thờ ơ trước tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã khiến nhiều cử tri gốc Tây Ban Nha chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Xem ra đảng Dân chủ đã quá lạc quan khi kỳ vọng thay đổi nhân khẩu học sẽ khiến Texas chuyển xanh.





No comments:

Post a Comment