Sunday, September 4, 2022

GẦN MỘT THẾ KỶ LẠC BƯỚC (Phạm Đình Trọng)

 



Gần một thế kỷ lạc bước / Phần 1  

Phạm Đình Trọng

30/08/2022

https://baotiengdan.com/2022/08/30/gan-mot-the-ky-lac-buoc-phan-1/

 

LỜI THƯA

 

Bước vào thế kỉ 20, các nước đã làm cách mạng dân chủ tư sản hối hả công nghiệp hoá đất nước. Cũng vì công nghiệp hoá cần tài nguyên, cần thị trường, cần thị phần thế giới dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu. Mất quá nhiều thời gian và sức sản xuất váo chiến tranh tàn phá, sau chiến tranh, các nước đã làm cách mạng giải phóng cá nhân, giải phóng súc sáng tạo của cá nhân càng hối hả công nghiệp hoá đất nước.

 

Khai phá thuộc địa Việt Nam cho công nghiệp hoá nước Pháp, tư bản Pháp cũng mang triết học Ánh Sáng và tư tưởng cách mạng Tư Sản Dân Quyền đến Việt Nam, đánh thức tài trí Việt Nam, tạo nên một tầng lớp trí thức và tư sản dân tộc đầy tài năng và nồng nàn yêu nước. Những trí tuệ, tài năng nồng nàn yêu nước đó hội tụ lại ở chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim.

 

Thể chế quân chủ, quyền lực tối cao của đất nước tập trung ở ngôi vua. Chính phủ Trần Trọng Kim do vua Bảo Đại thành lập là chính phủ hoàn toàn hợp pháp. Chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim tập trung những trí tuệ Việt Nam yêu nước đang theo con đường Mahatma Gandhi, khai dân trí, dùng sức mạnh dân trí giành độc lập bằng luật pháp dân chủ tư sản, đưa Việt Nam hoà nhập với dòng chảy lịch sử loài người, đi vào văn minh công nghiệp.

 

Phất ngọn cờ độc lập tập hợp người dân đang khát khao độc lập nhưng dân trí còn thấp, chưa có cá nhân, chưa nhận thức được thời cuộc, đảng cộng sản cướp được chính quyền của chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim, làm cách mạng tháng tám 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cách mạng tháng tám 1945 đã chặt đứt gãy tiến trình lịch sử Việt Nam, kéo xã hội Việt Nam lùi về thời phong kiến bầy đàn, không có cá nhân.

 

GẦN MỘT THẾ KỈ LẠC BƯỚC là bài viết dài gồm 7 phần, mỗi phần gần hai ngàn từ. Nhân 77 năm cuộc cách mạng lập nên nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, xin trích ba phần của Gần Một Thế Kỉ Lạc Bước trong ba status.

 

                                                           ***

 

KÌ MỘT

 

2. CHỌN CON ĐƯỜNG GIÀNH ĐỘC LẬP BẰNG MÁU DÂN LÀ TỘI ÁC KHI LOÀI NGƯỜI ĐÃ BƯỚC VÀO VĂN MINH CÔNG NGHIỆP

 

Thời thế giới còn hoàn toàn chìm đắm trong phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống cổ hủ, trì trệ, ngưng đọng, khép kín, vùng nào biết vùng nấy, người dân Việt Nam trong nô lệ Bắc thuộc âm thầm rèn kiếm, mài gươm, tập hợp lòng yêu nước, khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược là con đường duy nhất giành độc lập. Nhưng khi loài người đã bước vào văn minh công nghiệp, tư duy công nghiệp, tiết tấu công nghiệp, lối sống công nghiệp, nhu cầu công nghiệp nối các nước lại với nhau trong nền văn minh của luật pháp, của trí tuệ và nhân văn thì bạo lực không còn là con đường duy nhất giành độc lập của các nước thuộc địa nữa.

 

Dân tộc Ấn Độ bị chia rẽ sâu sắc bởi tôn giáo và đẳng cấp xã hội. Trên thế giới không có dân tộc nào có nhiều giáo phái và chia rẽ giáo phái, chia rẽ đẳng cấp xã hội nghiệt ngã, sâu sắc đến thành hận thù như xã hội Ấn Độ. Xâm lược Ấn Độ, đế quốc Anh càng khoét sâu chia rẽ tôn giáo và đẳng cấp xã hội làm suy yếu dân tộc Ấn Độ để cai trị. Mahatma Gandhi đã dẫn dắt giới tinh hoa Ấn độ, trí thức, thủ lĩnh tôn giáo, thủ lĩnh các tầng lớp xã hội và thủ lĩnh các phe phái chính trị sử dụng luật pháp dân chủ tư sản trong đấu tranh nghị trường bất bạo động giành độc lập. Tập hợp mọi tầng lớp xã hội, mọi giáo phái, Mahatma Gandhi đã tập hợp được sức mạnh cả dân tộc Ấn Độ. Đấu tranh bằng luật pháp dân chủ tư sản, Mahatma Gandhi đã có được sức mạnh thời đại.

 

Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại bền bỉ và mạnh mẽ hơn sức mạnh súng đạn của mọi cuộc khởi nghĩa vũ trang. Sức mạnh bạo lực vũ trang có cao trào, có thắng lợi nhưng chỉ nhất thời. Dù có đi đến thắng lợi cuối cùng là giành được độc lập cũng chỉ nhất thời vì đó chỉ là thắng lợi của kẻ có quyền lực còn nhân dân vẫn trắng tay. Người dân không có tự do, đất nước không có độc lập thực sự, người dân phải chọn con đường đấu tranh bằng luật pháp dân chủ tư sản giành tự do, độc lập thực sự. Chỉ có thắng lợi của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại mới là thắng lợi đích thực và mãi mãi của cả dân tộc.

 

Bằng đấu tranh bất bạo động, không phải trải qua con đường bạo lực máu và nước mắt, năm 1947 Ấn Độ đã giành được độc lập thực sự. Độc lập thực sự vì giành độc lập không phải bằng học thuyết cách mạng vô sản của quốc tế cộng sản, nhà nước độc lập nhưng đảng chuyên chính độc tài cầm quyền chỉ là một đảng bộ, một chư hầu của quốc tế cộng sản. Nền độc lập của nhà nước chuyên chính vô sản chỉ là nền độc lập vay mượn, cầm cố. Mang cả đất nước, cả giống nòi ra cầm cố để có nền độc lập tạm bợ và mong manh. Đảng cầm quyền chỉ là một đảng bộ, một chư hầu của quốc tế cộng sản và nhà nước độc tài cộng sản được bạo lực của cả thế giới cộng sản bảo đảm cho sự cầm quyền. Ấn Độ giành độc lập bằng luật pháp dân chủ tư sản không bị trói buộc vào bất cứ thế lực nước ngoài nào và giữ độc lập không phải bằng súng đạn cầu xin từ nước ngoài rồi phải chịu sự áp đặt của nước ngoài mà giữ độc lập bằng quyền làm chủ đất nước của người dân.

 

Với luật pháp dân chủ tư sản, ngày 1.4.1960 Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết 1514, tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Nước Anh dân chủ tư sản đã đi trước Nghị quyết 1514 của Liên Hiệp Quốc 13 năm, trao trả quyền tự quyết cho người dân Ấn Độ, trao trả độc lập thực sự cho đất nước Ấn Độ từ năm 1947.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/lhq.jpeg

Lãnh đạo các quốc gia cùng ký vào bản Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 tại San Francisco. Ảnh tư liệu

 

Gần một thế kỉ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, lòng yêu nước và ý chí quật cường Việt Nam càng được nuôi dưỡng và hun đúc. Những cuộc khởi nghĩa, những cuộc bạo động chống Pháp như những lớp sóng của lòng yêu nước dồn dập dâng lên. Từ cuộc khởi nghĩa bảy năm của Nguyễn Trung Trực, 1861 – 1868 ở bưng biền sông Tiền, sông Hậu, Nam Bộ đến cuộc khởi nghĩa ba mươi năm, 1884 – 1913 của Hoàng Hoa Thám ở núi rừng Yên Thế, Việt Bắc. Từ cuộc bạo động do đại thần Tôn Thất Thuyết phát động nổ súng đánh Pháp năm 1885 ở kinh thành Huế mở đầu phong trào Cần Vương kéo dài nhiều năm ở miền Trung đến bạo động Yên Bái của Quốc Dân Đảng năm 1930 do Nguyễn Thái Học lãnh đạo…

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/1-60.jpeg

Tượng Nguyễn Trung Trực tại sân đền thờ chính ở TP Rạch Giá. Ảnh: Wikipedia

 

Tất cả những cuộc vũ trang khởi nghĩa và bạo động chống Pháp xâm lược đều thất bại trong máu lênh láng chỉ chứng minh hùng hồn lòng yêu nước, chí quật cường Việt Nam không khi nào chấp nhận mất nước, không khi nào chấp nhận nô lệ nhưng cũng nghiêm khắc nhắc nhở rằng khi loài người đã bước vào văn minh công nghiệp, sức mạnh không chỉ là bạo lực, sức mạnh quyết định sự thành bại của sự nghiệp giữ nước và dựng nước phài là trí tuệ, khoa học, là luật pháp dân chủ tư sản. Máu không còn là con đường giải phóng dân tộc duy nhất, tối ưu và hữu hiệu nữa.

 

Cùng với đội quân nhà nghề Pháp xâm lược Việt Nam, cùng với những chủ tư bản hoang dã vào khai thác thuộc địa Việt Nam, triết học Ánh sáng giải phóng cá nhân, khẳng định sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời khởi đầu từ nước Pháp cũng vào Việt Nam, lí tưởng Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái của cách mạng tư sản dân quyền Pháp năm 1789 và luật pháp dân chủ tư sản cũng vào Việt Nam.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/1-61.jpeg

Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (người đứng thứ 4- hàng 2, từ trái qua phải) và các tướng lĩnh, nghĩa quân Yên Thế. Ảnh tư liệu

 

Ý thức về cá nhân và lí tưởng Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái đã tạo ra một lớp người Việt Nam tiên tiến, lớp người đi đầu hăm hở bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị. Văn minh công nghiệp đánh thức tài trí dân tộc, đánh thức nội lực dân tộc, mang lại cho lòng yêu nước một hình hài mới, một nội dung mới, một sức vóc mới. Lòng yêu nước, chí quật cường không còn là quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của xã hội nông nghiệp cổ hủ, ngưng đọng, lẻ loi, khép kín, coi con người chỉ là phương tiện, là công cụ để giành độc lập. Con người, dù là thường dân lam lũ cũng là một công dân có quyền làm chủ đất nước, cũng là chủ thể của nền độc lập. Lòng yêu nước phải là ý chí khai dân trí, chấn dân khí, nâng cao nhận thức của người dân về thời đại mới, mở rộng tầm nhìn ra thế giới, đón nhận những tư tưởng tiến bộ, nhân văn, đón nhận phương thức sản xuất hiện đại về Việt Nam và đưa Việt Nam ra với loài người, ra với thời đại đang sôi sục làm cách mạng dân chủ nhân quyền, giải phóng cá nhân, giành quyền làm người, giải phóng dân tộc, giành quyền tự quyết của các dân tộc.

 

Con người có mặt trong cuộc đời với tư cách là những cá nhân với đầy đủ quyền con người làm chủ bản thân, làm chủ xã hội. Trí tuệ quyết định giá trị con người, đưa con người thoát khỏi bầy đàn nô lệ, thoát khỏi kiếp công cụ chỉ là vật hi sinh cho một lí tưởng. Những cá nhân ý thức được sự có mặt trong cuộc đời, hăm hở khám phá tự nhiên, phát minh khoa học, sáng tạo kĩ thuật đưa loài người bước vào cách mạng tư sản dân quyền, cũng bước vào văn minh công nghiệp.

 

Cách mạng tư sản dân quyền là Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái. Con người sống trong yêu thương. Xã hội sống trong tự do. Loài người sống trong bình đẳng. Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái được luật pháp hoá trở thành luật pháp của nhà nước dân chủ tư sản. Là thuộc địa của nước Pháp dân chủ tư sản, người dân Việt Nam vẫn được thực sự tự do ứng cử và bầu cử vào các viện dân biểu, cơ quan quyền lực của người dân Việt Nam, nói tiếng nói của dân Việt Nam. Dù là dân nô lệ mất nước, trong văn minh công nghiệp, trong luật pháp dân chủ tư sản, người dân Việt Nam vẫn được ra báo tư nhân. Là thuộc địa của Pháp nhưng ở các đô thị lởn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn đã có hàng trăm tờ báo chữ Việt của chủ báo người Việt, nói tiếng nói của văn hoá Việt Nam, của hồn Việt Nam.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/lhq-1.jpeg

Người dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I, năm 1946. Ảnh tư liệu

 

Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái trở thành luật pháp quốc gia và quốc tế đã thực sự khép lại thời kì giành độc lập bằng bạo lực, bằng máu và mở ra kỉ nguyên đấu tranh giành độc lập bằng luật pháp, bằng trí tuệ, bằng sức mạnh văn hoá, bằng khí phách dân tộc, bằng đấu tranh nghị trường. Trí tuệ là con người. Luật pháp là xã hội loài người. Luật pháp dân chủ tư sản cho con người có cả nhân loại, cho các dân tộc có cả thế giới. Con người không còn đơn độc. Dân tộc không còn lẻ loi. Cuộc đấu tranh giành quyền con người, cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết của các dân tộc bằng luật pháp dân chủ tư sản, bằng trí tuệ đã là xu thế và sức mạnh thời đại. Tách khỏi xu thế và sức mạnh thời đại, giành độc lập bằng bạo lực chuyện chính vô sản, dìm cả dân tộc Việt Nam vào biển máu, giành độc lập chỉ để giành quyền làm chủ đất nước cho một nhóm người, một đảng phái, Việt Nam trở thành lạc lõng với thời đại, lạc lõng với nhân loại văn minh.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/1-59-1024x695.jpeg

Báo Tiếng Dân số 675 ra ngày 21/3/1934 do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập. Ảnh tư liệu

 

Cá nhân có mặt trong cuộc đời làm chủ vận mệnh mỗi người, làm chủ vận mệnh đất nước. Tổ quốc không phải chỉ là khái niệm trừu tượng, không chỉ là núi sông biển trời cao xa. Tổ quốc còn là con người làm chủ núi sông biển trời đó. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, con người không còn là thành phần làm nên Tổ quốc mà chỉ là vật hi sinh cho một thế lực làm chủ Tổ quốc! Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh chỉ có thể đúng, chỉ có thề cần thiết ở thời cá nhân chưa được nhìn nhận, con người chỉ là bầy đàn, là cộng cụ trong tay lãnh chúa và chủ nô, ở thời vương triều phong kiến “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Lịch sử các nước công nghiệp phát triển đã chứng minh đầy đủ và khẳng định dứt khoát rằng ánh sáng trí tuệ là động lực phát triển xã hội. Lịch sử giành độc lập của Ấn Độ và nhiều nước thuộc địa khác cũng chứng minh và khẳng định về thời đại ánh sáng trí tuệ đã là động lực giải phóng dân tộc và luật pháp dân chủ tư sản là vũ khí quyết định, không thể thiếu đã thực sự thay bạo lực giáo mác súng đạn giành độc lập dân tộc. Loài người đã bước vào văn minh công nghiệp mà vẫn thiển cận và sôi sục chọn con đường giành độc lập dân tộc bằng máu dân là một tội ác với dân. Tội ác đó còn khắc ghi muôn đời trong lịch sử.

(Còn nữa)

 

                                                          ***

 

 

Gần một thế kỷ lạc bước  / Phần 2

Phạm Đình Trọng

01/09/2022

https://baotiengdan.com/2022/09/01/gan-mot-the-ky-lac-buoc-phan-2/

 

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 CHẶT ĐỨT GÃY TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ VIỆT NAM, ĐƯA XÃ HỘI VIỆT NAM LÙI VỀ THỜI PHONG KIẾN, NGƯỜI DÂN CHỈ LÀ BẦY ĐÀN KHÔNG CÓ CÁ NHÂN

 

Tư tưởng cách mạng tư sản dân quyền đã tạo ra những trí thức và những nhà chính trị lớn mang tinh thần yêu nước, chí quật cường giành độc lập bằng luật pháp dân chủ tư sản, bằng sức mạnh văn hoá dân tộc và bằng sức mạnh dân trí. Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Trần Trọng Kim, Lưu Văn Lang, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Truyền, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Ngọc Anh… là những tâm hồn và trí tuệ Việt Nam thời loài người bước vào xã hội công nghiệp, khẳng định sự có mặt dân tộc Việt Nam trên con đường loài người đi đến văn minh công nghiệp. Những tên tuổi đưa xã hội Việt Nam hoà nhập với thế giới, hoà nhập với xu thế giành độc lập dân tộc bằng luật pháp dân chủ tư sản, bằng sức mạnh dân trí.

 

Lòng yêu nước, chí quật cường còn là ý chí làm giầu của những tài trí Việt Nam làm xuất hiện một giai cấp mới, giai cấp tư sản dân tộc, những nhà tư sản dân tộc tích luỹ tư bản đưa đất nước cùng nhịp bước với thế giới đi vào công nghiệp hoá. Giai cấp tư sản dân tộc chấn hưng đất nước về kinh tế, tạo ra chỗ đứng và tư thế Việt Nam trong cộng đồng nhân loại, là thực lực, là cơ sở vật chất của đấu tranh nghị trường, của đấu tranh chính trị. Không có nền tảng kinh tế của giai cấp tư sản dân tộc cũng không có tầng lớp trí thức dân tộc tiếp nhận triết học Ánh sáng, tiếp nhận tư tưởng cách mạng tư sản dân quyền, không có những nhà chính trị đấu tranh bằng luật pháp, bằng nghị trường.

 

Lòng yêu nước, ý chí tự cường cùng với tài trí Việt Nam đã tạo nên những nhà tư sản dân tộc tiêu biểu: Trương Văn Bền, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Phạm Chấn Hưng, Bùi Hưng Gia… Những tên tuổi đi vào lịch sử Việt Nam với công trạng lớn đưa xã hội nông nghiệp trì trệ Việt Nam bước những bước đầu tiên vào xã hội công nghiệp năng động, phát triển, mở ra hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp, đưa dân tộc Việt Nam chập chững nhưng quả quyết bước vào ngưỡng cửa công nghiệp hoá đất nước, theo chân các nước phát triển đi vào văn minh công nghiệp. Kinh tế là nền móng của chính trị. Giai cấp tư sản Việt Nam xuất hiện là cơ sở xã hội bảo đảm cho sự xuất hiện những nhà chính trị của văn minh công nghiệp, đấu tranh bằng luật pháp giành độc lập.

 

Với những cơ sở công nghiệp và những đô thị hiện đại do nhà nước tư sản Pháp và giai cấp tư sản Pháp tạo dựng ở Việt Nam, với đội ngũ những nhà công thương người Việt giầu tài năng và lòng yêu nước thành đạt chính đáng và đang phát triển mạnh mẽ, đang đưa đất nước và xã hội Việt Nam vững bước vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị. Xã hội Việt Nam đã thực sự bước vào ngưỡng cửa văn minh công nghiệp cần một nhà nước pháp trị của trí thức dân tộc. Chính phủ Trần Trọng Kim với những trí thức hàng đầu của trí tuệ Việt Nam, của văn minh công nghiệp chính là nhà nước xứng đáng và cần thiết của dân tộc Việt Nam ra đời đáp ứng đòi hỏi của lịch sử.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/09/1.webp

Nội các Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn bốn tháng. Ảnh tư liệu

 

Ra đời từ đòi hỏi của lịch sử, Chính phủ Trần Trọng Kim đang thực thi sứ mệnh lịch sử, đang triển khai những công việc cấp bách của thời đại và đã làm được những việc lớn khẳng định vị trí, tư thế Việt Nam. Xoá bỏ hiệp định nhượng địa của triều đình nhà Nguyễn với Pháp, đưa mảnh đất nhượng địa Nam Bộ trở về Tổ quốc Việt Nam. Loại bỏ chữ Pháp và tiếng Pháp, dùng chữ Việt, tiếng Việt trong giáo dục, trong hành chính nhà nước. Ráo riết thiết lập quan hệ quốc tế để được quốc tế công nhận, để Việt Nam có mặt trong cộng đồng nhân loại, nhịp bước cùng nhân loại đi vào văn minh công nghiệp. Và công việc trọng đại, lớn lao, khẩn thiết hơn cả là đang khéo léo và bền bỉ dùng luật pháp dân chủ tư sản giành độc lập thực sự cho dân tộc Việt Nam như Mahatma Gandhi đang làm ở Ấn Độ.

 

Nhưng bất hạnh thay cho dân tộc Việt Nam và nghiệt ngã thay cho lịch sử Việt Nam. Chính phủ chính danh, hợp pháp của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, xứng đáng với nền văn hiến Việt Nam, phù hợp xu thế thời đại dân chủ Trần Trọng Kim đang ráo riết thực thi đúng đắn và đầy hiệu quả sứ mệnh lịch sử thì cách mạng tháng tám 1945 do đảng cộng sản phát động bùng nổ.

 

Gây chiến tranh xâm lược châu Á, quân Nhật thay quân Pháp chiếm đóng Việt Nam hối hả cướp thóc lúa của dân Việt Nam nuôi chiến tranh, gây nên nạn đói khủng khiếp hai triệu người Việt ở vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ chết đói. Tháng tám năm 1945, thác dân nghèo đói cơm ăn được những người cộng sản dẫn dắt ầm ầm đi cướp thóc ở những kho thóc Nhật. Như thác dân nghèo đói cơm được những người cộng sãn dẫn đi cướp thóc, thác dân đô thị đói tự do đang ngơ ngác, bơ vơ trước biến động chính trị dồn dập và mau lẹ cũng được những người cộng sản phất lá cờ độc lập dân tộc lôi kéo xuống đường ầm ầm đến các công đường cướp chính quyền của Chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim cho đảng cộng sản.

 

Dân đói cơm ăn bỗng cướp được vài thúng thóc là có thực. Nhưng dân đói tự do bỗng cướp được độc lập chỉ là ảo tưởng. Cuộc cách mạng nào cũng diễn ra trong không khí thần thoại và thủ lĩnh cách mạng bao giờ cũng xuất hiện trong hào quang thần thánh, siêu nhân. Xuất hiện như thần thánh trong truyện cố tích và trong không khí huyền ảo thần thoại đó, đảng cộng sản liền gấp gáp tổ chức tổng tuyển cử, bầu Quốc hội, lập Chính phủ có đủ mặt các đảng phái chính trị và thành phần xã hội. Từ đó đến tận hôm nay, hơn nửa thế kỉ, bộ máy tuyên truyền nhà nước cộng sản vẫn miệt mài ca ngợi nhà nước cộng sản là nhà nước dân chủ đa nguyên, đa đảng do người dân thực sự tư do bầu lên mà họ cố lờ đi sự thật những người không cộng sản được ứng cử và có mặt trong Quốc hội, trong Chính phủ đầu tiên chỉ là hình thức, chỉ để những người cộng sản mượn danh rồi lập tức bị đảng cộng sản vô hiệu trở thành bù nhìn, trở thành những thây ma vật vờ trong chính quyền cộng sản và lặng lẽ bị loại bỏ thảm hại.

 

Chính phủ Trần Trọng Kim của trí thức, của tinh hoa đất nước đang đưa Việt Nam vào văn minh công nghiệp, văn minh đô thị, hoà nhập với thế giới văn minh. Chính phủ Trần Trọng Kim bị lật đổ, tiến trình công nghiệp hoá tất yếu xã hội loài người phải đi đến bị chém đứt gãy, bị chặn đứng. Cướp được chính quyền, đảng cộng sản lấy lí tưởng công nông tập hợp lực lượng. Tiêu diệt trí thức, tiêu diệt tư sản dân tộc, huỷ bỏ, hoang phế những cơ sở công nghiệp đã hình thành. Đưa Việt Nam lùi về xã hội nông nghiệp cổ hủ, ngưng đọng, khép kín.

 

Cá nhân có mặt trong cuộc đời gắn liền với quyền tư hữu tài sản. Không có quyền tư hữu là không có cá nhân. Quyền tư hữu quan trọng nhất, căn cơ nhất khẳng định những cá nhân có mặt trong cuộc đời là có thật, không phải hư vô là quyền tư hữu mảnh đất sống. Quyền tư hữu cho con người làm chủ cuộc đời, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ những nền văn minh. Tước đoạt quyền tư hữu mảnh đất sống của người dân là tước đoạt nền tảng cơ bản nhất của quyền con người. Giữa thế kỉ 21, loài người đã bước vào văn minh tin học, con người đã làm chủ cả vũ trụ mà ông đầu đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng còn nói với dân như ông chủ nô nói với bầy đàn nô lệ: Người dân chỉ có quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu đất!

 

Lấy lí tưởng vô sản làm mục đích, xoá bỏ tư hữu cũng xoá bỏ cá nhân, xoá bỏ quyền con người. Toàn bộ tài sản, tư liệu sản xuất, toàn bộ quyền con người của người dân về tay nhà nước công nông. Quyền tư hữu, quyền con người, ý thức về sự có mặt của cá nhận trong cuộc đời trở thành hư vô, không được nhà nước công nông nhìn nhận. Việt Nam thực sự trở về xã hội phong kiến nhưng là phong kiến đau khổ hơn, tăm tối hơn phong kiến trung cổ và tư bản hoang dã: Phong kiến cộng sản. Không còn tư hữu. Không còn cá nhân. Không còn quyền con người. Không còn luật pháp. Chỉ có quyền lực của đảng. Đảng là luật pháp. Luật pháp là đảng. Phép vua thua lệ làng ở thời phong kiến trung cổ. Luật pháp thua lệ đảng là thời phong kiến cộng sản.

 

Chính phủ Trần Trọng Kim đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, phù hợp xu thế thời đại đang kiên trì theo đuổi con đường giành độc lập bằng dân trí, bằng trí tuệ, bằng khí phách dân tộc và bằng pháp luật dân chủ tư sản. Cướp được chính quyền của Chính phủ chính danh, hợp pháp Trần Trọng Kim, đảng cộng sản lại theo lối mòn trung cổ đã bị lịch sử loại bỏ, lại đưa dân tộc Việt Nam vào con đường bạo lực chuyên chính vô sản đẫm máu, giành quyền thống trị xã hội cho đảng bằng máu người dân và duy trì chính quyền chuyên chính vô sản bằng tước đoạt quyền con người, tước đoạt tự do của người dân, đưa xã hội trở về thời tối tăm, ai oán, oan khiên ngút trời tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam.

 

Đấu tranh bằng luật pháp của nhà nước dân chủ tư sản, không mất một mạng dân, từ năm 1947 Ấn Độ đã giành được độc lập thực sự. Với Nghị quyết 1514 của Liên Hiệp Quốc, thế giới đã không còn thuộc địa từ năm 1960. Núp dưới ngọn cờ giải phóng, giành độc lập dân tộc để làm cách mạng vô sản Việt Nam, phần hữu cơ của cách mạng vô sản thế giới, đảng cộng sản đã đưa dân tộc Việt Nam vào con đường bạo lực chiến tranh máu và nước mắt suốt ba mươi năm, từ 1945 đến 1975 chỉ để giành quyền cai trị toàn thể dân Việt Nam, giành quyền làm chủ cả dải đất Việt Nam cho đảng cộng sản!

 

Ba mươi năm chiến tranh với vũ khí ngày càng hiện đại, máu người dân Việt Nam thấm đẫm đất đai Việt Nam. Xác người dân Việt Nam rải khắp mặt đất, rải khắp đáy sông, đáy biển Việt Nam. “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” Phải có hàng trăm người lính chết trận chìm dưới đáy một khúc sông Thạch Hãn mới có câu thơ của người lính sống sót Lê Bá Dương ngậm ngùi viết về khúc sông đã trở thành nghĩa trang lính như vậy. Ngày nay ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam, bước ra khỏi cửa là thấy mênh mông, bạt ngàn nghĩa trang liệt sĩ. Mồ liệt sĩ trắng rợn chân trời là trang sổ nợ trải rộng đến chân trời của đảng cộng sản với dân tộc Việt Nam, với lịch sử Việt Nam. Trang sổ nợ trải ra theo rộng dài đất nước là bằng chứng về con đường máu và nước mắt người dân Việt Nam phải trải qua dưới sự dẫn dắt của đảng cộng sản. Mất mát lớn như vậy để rồi người dân Việt Nam lại phải nhận kiếp nô lệ cộng sản, không có cả những quyền cơ bản, tối thiều của con người là quyền tư hữu mảnh đất hương hoả, quyền tự do ngôn luận. Tồi tệ hơn cả kiếp thần dân phong kiến, kiếp nô lệ thực dân.

 

Danh nghĩa là giành độc lập cho dân tộc Việt Nam nhưng thực chất chỉ là giành quyền thống trị cho đảng cộng sản Việt Nam, cho nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam. Thay trí tuệ bằng máu. Thay tinh hoa bằng công nông. Ba mươi năm bằng chuyên chính vô sản, đảng cộng sản đã tàn bạo và quyết liệt tuyệt diệt giai cấp tư sản dân tộc non trẻ nhưng đầy tài năng vừa hình thành đang đưa đất nước Việt Nam vào cách mạng công nghiệp. Ba mươi năm chuyên chính vô sản, đảng cộng sản đã xoá trắng những cơ sở công nghiệp vừa được đội ngũ tư sản dân tộc gây dựng cho đất nước Việt Nam đi vào công nghiệp hoá, đi vào văn minh đô thị. Ba mươi năm chuyên chính vô sản, đảng cộng sản đã đưa xã hội Việt Nam trở về xã hội phong kiến cộng sản. Hơn cả phong kiến trung cổ, phong kiến cộng sản công cụ hoá, súc vật hoá con người. Không nhìn nhận con người, coi con người chỉ là bấy đàn, chỉ là quần chúng cách mạng, chỉ là công cụ để sử dụng, chỉ là súc vật để bị chăn dắt. Kỉ nguyên văn minh tin học, cô gái H’Mông trên đỉnh núi heo hút chỉ nhấn nút điện thoại là thác thông tin từ khắp thế giới liền ùa đến, là cô gái H’Mông đã ở giữa dòng chảy cuộc sống cả loài người. Coi người dân chỉ là bầy đàn, giữa kỉ nguyên văn minh tin học, nhà nước cộng sản vẫn đặt loa phường trên đầu người dân!

 

Nhà nước cộng sản ghi trong Hiến pháp bánh vẽ: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28, Hiến pháp 2013). Tham gia quản lí nhà nước và xã hội, người dân phải được tự do ứng cử, bầu cử, hiền tài trong dân mới dược người dân phát hiện và bầu chọn thay mặt dân quản lí nhà nước và xã hội. Đảng cử, dân bầu, người dân chỉ là những rô bốt đi bỏ phiếu bầu cử theo lập trình cái đặt và điều khiển của đảng. Để được thể hiện minh, dòng hiền tài phải lũ lượt bỏ nước ra đi kéo dài trong thời gian.

 

Tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước, người dân phải có quyền tự do ngôn luận. Nhưng các điều 79; 88; 258 luật Hình sự 1999 và các điều 109; 117; 331 luật Hình sự 2015 đã hình sự hoá quyền tự do ngôn luận của người dân. Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thuý Hạnh, Đỗ Nam Trung, Trần Bang, Nguyễn Lân Thắng và hàng trăm khí phách và tâm hồn Việt Nam nói và viết về sự thật đau lòng của hiện trạng đất nước, nói và viết về khát vọng tự do dân chủ chính đáng đều bị buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015” phải nhận những bản án cả chục năm tù đày.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/08/Anh-chup-Man-hinh-2022-08-04-luc-07.44.02-1024x854.png

Hàng loạt nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bắt giam và kết án nặng nề. Ảnh chụp màn hình

 

Cá nhân nói tiếng nói trung thực, chính đáng của công dân động chạm đến quyền uy và sự cai trị không chính danh của đảng cộng sản đều bị tù đày. Cá nhân thành hư vô. Trong tình thế đó, người dân chỉ còn tồn tại, chỉ thực sự có tiếng nói, có sức mạnh trong tư thế, trong đội ngũ Nhân Dân. Người dân chỉ thực sự có quyền thảo luận và kiến nghị bằng tiếng nói của số đông, bằng biểu tình. Nhưng người dân biểu tình hợp pháp phản đối dự luật đặc khu kinh tế dành lãnh thổ đón đội quân Tàu cộng xâm lược vào lót ổ, phản đối dự luật an ninh mạng bóp nghẹt thêm quyền tự do ngôn luận của người dân liền bị công an còn đảng còn mình quát vào mặt dân: Mọi việc đã có đảng và nhà nước lo! Mưa roi điện, dùi cui giáng xuống đầu dân. Còng sắt số 8 bập vào tay dân. Dân bị tống vào trại giam, bị công an hành hung đến chấn thương sọ não, bị dẫn giải ra toà án của đảng, bị buộc tội theo các điều 79; 88; 258 luật Hình sự 1999 và các điều 109; 117; 331 luật Hình sự 2015 và cuộc đời lay lắt mút mùa trong ngục tối.

 

Với chuyên chính vô sản, chỉ có lợi ích của đảng cộng sản được luật pháp nhìn nhận và khẳng định. Lợi ích của đất nước, lợi ích của dân tộc, lợi ích của người dân chỉ là hư vô. Đảng cộng sản cai trị Việt Nam thực sự là quốc tế cộng sản độc tài cai trị Việt Nam. Đất nước không có độc lập. Lãnh thổ thiêng liêng không còn toàn vẹn. Người dân không có tự do. Trong nô lệ thực dân Pháp, người dân Việt Nam vẫn có quyền tự do ứng cử, bầu cử vào nghị viện của dân, có quyền ra báo tư nhân. Trong nhà nước độc tài cộng sản, người dân Việt Nam trắng tay cả những quyền con người, quyền công dân tối thiểu, sơ đẳng. Tự do báo chí là bảo đảm cơ bản nhất của tự do ngôn luận. Trong nhà nước độc tài cộng sản, người dân Việt Nam không có quyền ra báo tư nhân là mất quyền tư do ngôn luận triệt để nhất, đau đớn nhất, mất quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người.

(Còn nữa)

 

1 COMMENT

 

Nguyễn Đình Cống

Xin nhiệt liệt hoan hô và cám ơn nhà báo Phạm Đình Trọng đã viết một bài rất hay, Tuy vậy xin mạo muội góp vài ý. Nội dung chủ yếu của bài nhằm phê phàn ĐCSVN, vì vậy đầu bài "Gần một thế kỷ lạc bước" dễ bị hiểu nhầm là ĐCS lạc bước. Thật ra ĐCS không hề lạc bước mà đã phạm tội ác, dùng bạo lực và lừa dối. còn dân tộc bị dẫn đi lạc lối. Tội ác có nhiều, rõ ràng nhất là 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, phá nát các có sở của văn minh và tiến bộ, vừa mới manh nha để tạo nên chế độ phong kiến công sản. Tội ác lớn nhất nhưng được che giấu phần nào là quy phục Tàu cộng hủy hoại tầng lớp tinh hoa của dân tộc trong mọi lĩnh vực, áp đặt chuyên chính vô sản, làm ngu dân, biến nhân dân thành vịt, thành cứu để dễ thống trị và áp bức. Tác giả bài báo quá nhấn mạnh đến 30 năm thực hành chuyên chính vô sản. Ba mươi năm chiến tranh, cón vô sản chuyên chính kéo dài mãi đến bây giờ và chưa biết đến bao giờ chứ không phải chi trong 30 năm như một số chỗ tác giả đề cập trong bài.

 

 

                                                       ***

 

Gần một thế kỷ lạc bước / Phần 3

Phạm Đình Trọng

04/09/2022

https://baotiengdan.com/2022/09/04/gan-mot-the-ky-lac-buoc-phan-3/

 

DỐC NGÂN SÁCH NGHÈO TỔ CHỨC BỘ MÁY CẢNH SÁT KHỔNG LỒ DUY TRÌ SỰ CẦM QUYỀN KHÔNG CHÍNH DANH CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN

 

Ngày 24.9.2021 đầu đảng cộng sản Việt Nam có cuộc bẩm báo qua điện thoại với đầu đảng cộng sản Trung Hoa. Phía cộng sản Việt Nam giấu nhẹm cuộc bẩm báo thực ra chỉ là cuộc chầu kiến online để nhận chỉ thị của đảng lớn cộng sản Trung Hoa. Nhưng phía cộng sản Trung Hoa đã huênh hoang công bố chỉ thị của đầu đảng lớn Tập Cận Bình với đầu đảng nhỏ Nguyễn Phú Trọng: Bảo vệ an ninh cầm quyền của Đảng Cộng sản và an ninh chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược căn bản nhất của hai nước Hoa – Việt

 

Nhắc nhở bảo vệ an ninh cầm quyền là nhắc tới bài học Thiên An Môn, Bắc Kinh, 4.6.1989. Bài học về khát vọng tự do dân chủ của dân là nỗi đe doạ cận kề nhất, to lớn nhất với nhà nước độc tài cộng sản. Bài học về bố trí và sử dụng sức mạnh bạo lực thường trực bóp chết khát vọng tự do dân chủ của người dân là bài học còn mất, sống chết với sự cầm quyền không chính danh của đảng cộng sản.

 

Để sử dụng bạo lực nhà nước với dân, cả hệ thống truyền thông khổng lồ của nhà nước độc tài cộng sản luôn ra rả lu loa vu cho những tiếng nói sự thật, thẳng thắn, trung thực của người dân, vu cho khát vọng tự do dân chủ của người dân là thế lực thù địch.

 

Đảng cử dân bầu, chính quyền không chính danh vì không do người dân tự do bầu chọn, không mang ý chí của người dân. Không chính danh nên càng nơm nớp nỗi sợ nhân dân thức tỉnh giành lại quyền làm người, giành quyền làm chủ đất nước, đảng cộng sản cầm quyền dè sẻn tối đa tiền đầu tư cho y tế, chắt bóp đến tận cùng tiền đầu tư cho giáo dục, cầm chừng ngân sách quốc phòng để dồn ngân sách nhà nước, dồn tiềm lực quốc gia tổ chức bộ máy công cụ bạo lực khổng lồ, trang bị đến tận răng, chăm bẵm đến đời con, đời cháu lực lượng công cụ còn đảng còn mình.

 

Mua sắm, trang bị vũ khí hiện đại nhất có uy lực lớn, sát thương nhanh và rộng cho công an. Biến lực lượng bán vũ trang giữ gìn an ninh xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân thành đội quân chiến đấu tinh nhuệ, hiện đại được vũ trang từ gót chân tới đỉnh đầu để đối đầu với khát vọng tự do dân chủ của dân. Sẵn sàng dìm tiếng nói đòi quyền sống, đòi tự do dân chủ của người dân vào biển máu mà trung đoàn cảnh sát cơ động cùng các lực lượng phối thuộc lên đến hơn ba ngàn cảnh sát vũ trang rầm rập xe bọc thép, xe trang bị điện tử tập kích vào thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội giết dân rạng sáng ngày 9.1.2020 như một cuộc diễn tập, rèn luyện trái tim chai lì, vô cảm trước nhân dân của con người công cụ, kiểm tra sức chiến đấu của đội quân còn đảng còn mình. Máu dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội rạng sáng 9.1.2020 chính là bài thực hành của công an Việt Nam khi học bài học máu ở Thiên An Môn Bắc Kinh, Trung Hoa rạng sáng 4.6.1989.

 

Thời thuộc Pháp, để giữ gìn bản sắc văn hoá rất đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, chính quyền thuộc địa Pháp có chính sách hạn chế người Kinh lên Tây Nguyên khai phá đất rừng màu mỡ và bạt ngàn. Nhưng từ sau năm 1975, người Kinh tràn lên Tây Nguyên, tàn phá rừng ngàn tuổi, làm chủ đất đai Tây Nguyên. Đồng bằng hoá rừng đại ngàn. Kinh hoá sinh hoạt dân cư và văn hoá Tây nguyên. Các dân tộc Tây Nguyên trở thành những tộc người nhỏ bè, yếu thế, mất quyền làm chủ núi rừng ngàn đời của họ. Mất núi, mất rừng, không còn hồn núi, hồn rừng cũng không còn nền văn hoá của núi rừng Tây Nguyên. Năm 1954, các dân tộc Tây Nguyên chiếm 85 phần trăm dân số, 510 ngàn dân trên tổng số 600 ngàn dân. Tỉ lệ và con số đó những năm sau là: Năm 1976 chỉ còn 69,7 phần trăm, 853 ngàn dân Tây Nguyên trên tổng số 1,225 triệu dân. Năm 2004 tỉ lệ dân tộc Tây nguyên chỉ còn chiếm 25,3 phần trăm, 1,181 triệu trên 4,668 triệu dân.

 

Năm 2004, hơn ba mươi ngàn người dân các dân tộc niềm núi Tây Nguyên biểu tình đòi quyền tự trị, quyền tự do tôn giáo, quyền giữ gìn di sản văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, quyền làm chủ những cánh rừng của sử thi, của cội nguồn văn hoá Tây Nguyên đang bị những tập đoàn tư bản hoang dã và gia dình người Kinh di dân tự do tràn đến chiếm đoạt, tàn phá.

 

Một nhà nước nhân văn biết lắng nghe dân phải điều chỉnh chính sách để bảo vệ không gian sinh tồn và không gian văn hoá dân tộc. Nhưng ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, nhà nước cộng sản Việt Nam đã đưa súng đạn quân đội và còng số 8 công an ra trả lời tiếng nói chính đáng của người dân Tây Nguyên. Súng của quân đội, dùi cui, roi điện, còng số 8 và nhà tù của công an nhanh chóng dập tắt tiếng nói dân sự của người dân Tây Nguyên rồi nhà nước độc tài cộng sản vội vã lập ra ba bộ máy giám sát và phản ứng nhanh với người dân ở ba vùng rộng lớn, xa xôi, khuất nẻo mà lực lượng bạo lực nhà nước mỏng. Ba bộ máy giám sát dân vùng xa có tên là Ban Chỉ Đạo. Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ Đạo Tây Bắc, Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ ra đời từ đó. Đại tướng, Bộ trưởng bộ Công an luôn trực tiếp đứng đầu Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, vùng chứa chất bất công xã hội lớn nhất cũng là vùng đáng lo ngại nhất của nhà nước cộng sản.

 

Không phải chỉ người dân vùng xa đòi quyền tự trị, tiếng nói đòi tự do dân chủ của người dân ngày càng lan rộng và mạnh mẽ ở các đô thị, các trung tâm dân cư. Cùng với sự ra đời các Ban Chỉ Đạo là các trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc bộ Công an vội vã được thành lập.

 

Chống lại đòi hỏi tự do dân chủ của dân, lính cảnh sát cơ động từ đầu đến chân được bọc trong lớp thép vừa để chống lực tác động, vừa để biến con người bọc trong những lớp dày sắt thép không còn là con người mà chỉ là công cụ, ngăn cách trái tim con người ở người lính công an với trái tim người dân. Chỉ còn là công cụ, vũ khí hiện đại có sức huỷ diệt nhanh và lớn trong tay chỉ còn biết theo lệnh dìm khát vọng tự do dân chủ của dân trong máu. Và máu dân đã lênh lảng ở thôn Hoành, Đồng Tâm, Hà Nội đêm 9.1.2020 là một dẫn chứng xác thực.

 

Từ 2001, mười bốn trung đoàn cảnh sát cơ động (TĐCSCĐ), trong tay bộ Công an lần lượt ra đời, tạo thành tấm lưới bạo lực nhà nước trùm kín đất nước. Họng súng cảnh sát cơ động lăm lăm chĩa vào cuộc sống người dân.

 

– TĐCSCĐ Tây Nguyên. E 20. Lập 2003. Đóng ở Buôn Ma Thuột.

 

– Tây Nam Bộ. E 21. Lập 2001 – Cần Thơ

 

– Thủ đô. E 22. Lập 2003 – Hà Nội

 

– Nam Trung Bộ. E 23. Lập 2010 – Quy Nhơn.

 

– Tây Bắc Bộ. E 24. Lập 2010 – Tỉnh Điện Biên

 

– Đông Nam Bộ. E 25. Lập 2010 – Biên Hoà

 

– Bắc Trung Bộ. E 26. Lập 2014 – Tỉnh Nghệ An

 

– Đông Bắc Bộ. E 27. Lập 2014 – Tỉnh Quảng Ninh

 

– Trung Bộ. E 28. Lập 2010 – Đà Nẵng

 

– Đông Nam Sài Gòn. E 29. Lập 2014 – Sài Gòn.

 

– Bảo vệ cơ sở ngoại giao. E 30. Lập 1999 – Hà Nội

 

– Bảo vệ chính trị, kinh tế E 31. Lập 2014 – Hà Nội

 

– Không quân. E 3 2. Lập 2021 – Hà Nội

 

– Kỵ binh. Lập 2020 – Thái Nguyên

 

Cùng với 14 trung đoàn cảnh sát cơ động rải ra khắp nước, ba đô thị trung tâm ba miền đất nước tập trung dân cư đông đúc, sôi động nhất nước còn có ba tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ và có sức chiến đấu cao hơn cả cảnh sát cơ động. Tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 1 ém quân ở thủ đô Hà Nội. Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 đứng chân ở trung tâm dân cư Đà Nẵng. Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 chốt trong khối hơn mười triệu dân Sài Gòn.

 

Thiên An Môn, Bắc Kinh 4.6.1989 chỉ có lưới đạn AK và xích xe tăng. Các trung đoàn cảnh sát cơ động Việt Nam có sức chiến đấu, sát thương lớn hơn nhiều. Trung đoàn cảnh sát cơ động Việt Nam được trang bị máy bay vũ trang, tàu thuyền chiến đấu, xe bọc thép và súng lớn có sức cơ động nhanh và tầm hoả lực rộng. Khi những họng súng hiện đại của những trung đoàn cảnh sát cơ động và những tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc bộ Công an đã phủ lưới lửa kín cả nước, năm 2018, nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam mới yên tâm giải thể ba Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.

 

Không phải chỉ các trung đoàn cảnh sát cơ động và các tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm, cả công an quản lí hành chính cũng được trang bị như những đơn vị chiến đấu mạnh, sẵn sàng mang vũ khí hiện đại giết người nhanh nhất, nhiều nhất ra đối đầu với dân. Theo thông tư 17/2018TT-BCA của bộ Công an, từ 1.7.2018 công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã … ngoài các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã có còn được trang bị súng tiểu liên, trung liên, đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng. Theo lệnh đảng, ngày 14.6.2022 Quốc hội lại thông qua luật Cảnh Sát Cơ Động với nhiệm vụ tấn công giải tán các vụ tập trung đông người. Ngoài vũ khí trang bị theo thông tư 17/2018 TT-BCA, các trung đoàn Cảnh sát cơ động còn được trang bị máy bay vũ trang, tàu thuyền chiến đấu.

 

Tăng cường sức mạnh đàn áp dân núp dưới danh nghĩa chống tội phạm, tháng sáu, 2020 bộ Công an đã cho ra đời trung đoàn cảnh sát cơ động kị binh. Rồi lần lượt công an các tỉnh cũng gấp gáp tổ chức trung đoàn cảnh sát cơ động cấp tỉnh với hơn ngàn tay súng được trang bị súng lớn, hiện đại, sát thương hàng loạt.

 

Sau hai đô thị Hà Nội và Sài Gòn, Thanh Hoá với gần 4 triệu người là tỉnh có dân số lớn nhất nước cũng là tỉnh đi đầu thành lập trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc chính quyền tỉnh. 11.11.2021 ra mắt trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc công an Thanh Hoá với 3 tiểu đoàn, 9 đại đội, 30 trung đội, 90 tiểu đội, hơn nghìn tay súng do đại tá, phó giám đốc công an tỉnh là trung đoàn trưởng.

 

Ngày 25.6.2022, ra mắt trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc công an tỉnh Đồng Nai. Đại tá, phó giám đốc công an tỉnh là trung đoàn trưởng.

 

Ngày 4. 8. 2022 Công an tỉnh Bình Phước công bố quyết định của bộ trưởng Bộ Công an thành lập Trung đoàn Cảnh sát cơ động chiến đấu với hơn 1.000 quân do đại tá, phó giám đốc Công an tỉnh làm trung đoàn trưởng.

 

Ngày 10.8.2022 ra mắt trung đoàn Cảnh sát cơ động chiến đấu thuộc công an Sài Gòn với 1.279 quân do thiếu tướng phó giám đốc Công an thành phố là trung đoàn trưởng cùng 3 phó trung đoàn trưởng cấp đại tá.

 

Theo kế hoạch, 14 tỉnh thành trọng điểm có trung đoàn cảnh sát cơ động quân số đông, trang bị hiện đại luôn trong tư thế trực chiến sẵn sàng ra quân. Các tỉnh còn lại xa trọng điểm chính trị có tiểu đoàn cảnh sát cơ động.

 

Công an là sức mạnh bạo lực nhà nước đối nội. Thời yên hàn mà phải duy trì và chăm bẵm một bộ máy công cụ bạo lực nhà nước khổng lồ. Bộ máy công an vốn có đã quá đông lại thêm 14 trung đoàn cảnh sát cơ động và 3 tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc bộ Công an. 14 trung đoàn cảnh sát cơ động trực thuộc công an các tinh, thành phố trọng điểm. 49 tỉnh còn lại có tiểu đoàn cảnh sát cơ động trang bị vũ khí hiện đại, đắt tiền là một gánh nặng, một nguồn chi quá lớn với ngân sách còm của đất nước, làm hao hụt lớn nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế và làm cạn kiệt quĩ phúc lợi xã hội.

 

Gần nửa thế kỉ đất nước thanh bình vẫn đổ tiền vô tội vạ tổ chức nuôi dưỡng gần ba chục trung đoàn và hơn năm mươi tiểu đoàn độc lập cảnh sát cơ động tinh nhuệ, vẫn đổ tiền trang bị máy bay, tàu chiến, súng lớn hiện đại, sát thương rộng, súng điện tử cho công an. Vì vậy gần nửa thế kỉ hoà bình phát triển kinh tế xã hội mà ba bốn người dân đau bệnh vẫn phải chồng chất trên một giường bệnh.

 

Lực lượng cảnh sát khổng lồ cùng những họng súng, dùi cui, roi điện nhìn thấy và những vũ khí điện tử hiện đại vô hình để kìm kẹp, không chế dân không những là gánh nặng của đời sống kinh tế đất nước mà còn là bóng đen đè nặng xuống đời sống tinh thần người dân và nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã thực sự là nhà nước cảnh sát trong thời đại dân chủ, trong kỉ nguyên văn minh tin học.





No comments:

Post a Comment