edsotrnopSug5u2419128ihg68t9g0a8u6gffờ9ili7u3i98l654ii1a gfi ·
Một người
bạn cũ đã nhiều năm không gặp, hôm rồi ghé chơi. Hắn buồn buồn nói, “Bất công
và bức xúc lắm nhưng muốn đấu tranh, muốn làm cách mạng thì phải không có vợ
con, gia đình”. Không nhịn được, tôi cười phá lên.
Tôi nói với
hắn, đừng nghĩ là đấu tranh, càng đừng nghĩ là làm cách mạng, những sự lên tiếng
hay hành xử phải quấy, nó chỉ đơn thuần là sự phản ứng của lương tâm, lương tri
nơi một con người bình thường, khi nó chưa mất hết tính người. Thấy đúng thì
nói đúng, thấy sai thì bảo sai, có gì mà đấu tranh với chả cách mạng!
Anh là một
công dân, tức người dân của một đất nước, chứ không phải bề tôi, không phải thần
dân. Công dân nghĩa là anh là chủ của cái xã hội này, anh có sự liên đới với hết
thảy mọi sự trong cái cộng đồng mà anh sống. Hôm nay, có người chịu đè nén bất
công, anh lên tiếng, đừng nghĩ rằng lên tiếng cho kẻ đó, mà là đang lên tiếng
cho chính mình. Vì nếu không làm thế, ngày mai, thậm chí ngay lúc này đây anh
đang phải gánh chịu bất công. Nó chẳng phải là tranh đấu gì sất, anh chỉ đang làm
một người dân, một người dân theo đúng cái nghĩa thông thường nhất và bình thường
nhất. Đừng tự khoác cho mình chiếc chiến bào tưởng tượng khi thực tế anh chỉ
đang mặc bộ đồ làm vườn. Đừng lên gân, đừng thổi phồng, hãy làm một người dân
bình thường, nghĩa là thấy chính quyền sai thì trách mắng, thì phê phán, thì
đòi hỏi, yêu cầu họ phải làm đúng lại, có gì mà đấu tranh với chả cách mạng!
Có nhiều
người nói rằng, cứ làm người tốt là được. Xin thưa không bao giờ có chuyện làm
người đúng nghĩa nếu anh chưa làm dân đúng nghĩa, vì làm dân là biểu hiện của
làm người, một biểu hiện quan trọng nhất. Để biết làm dân thì ngoài lợi ích,
tiên quyết là anh phải biết được quyền của mình. Anh phải biết mình có quyền
gì, và khi nó bị xâm phảm thì đơn giản là đòi lại. Cái đó chính là trách nhiệm
không những đối với bản thân mà còn là trách nhiệm đối với quốc gia. Một thứ
trách nhiệm tự nhiên như hơi thở, không cần gồng mình lên, không cần đao to búa
lớn, bình thản mà sống với cái địa vị làm dân ấy của mình. Hãy quên mấy chữ “đấu
tranh” kia đi.
Bất cứ ai
còn coi việc làm người và làm dân là một cái gì bất thường, ghê gớm; bất cứ ai
còn thấy việc lên tiếng trước bất công sai trái là đang xả thân cho người khác
và đòi được báo đáp, ân huệ, kẻ đó không những đáng thương mà còn bất hạnh.
Trong một
xã hội nhất định nào đó, như xã hội VN, làm dân đúng là đôi khi cũng cần chút
can đảm. Nhưng chúng ta cũng phải quên hai cái chữ “can đảm” đó đi, vì nó sẽ vấy
bẩn lên mình, không sớm thì muộn. Chỉ cần mỗi người bình thản mà làm dân (và làm
người) theo cái nghĩa giản dị nhất của từ này, thì xã hội, quốc gia sẽ thay da
đổi thịt.
Làm một
công dân bình thường nghĩa là như khi chạm tay phải lửa, rất tự nhiên là kêu
lên và rụt tay lại. Thế thôi. Chỉ có những kẻ đã bại liệt hệ thống thần kinh cảm
giác thì mới không còn cái phản ứng ấy. Đừng tự khoác lên và đánh lừa bản thân
bằng những danh từ và tính từ to tát nữa. Vui vẻ mà làm người, bình thường mà
làm dân.
Người Mỹ
có câu "Chúng ta không phát hiện ra nước Mỹ hùng mạnh mà chúng ta xây dựng
nên nó". Họ xây dựng nên nước Mỹ chỉ bằng một cách đơn giản, là làm dân,
không có gì ghê gớm và thần bí cả.
Những ai
không dám làm dân và làm người, thì chỉ còn một lựa chọn duy nhất, làm nô lệ.
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment