Thursday, September 22, 2022

ĐẦU GỐI QUÁ TAI (Nguyễn Trương Quý)

 



Đầu gối quá tai    

Nguyễn Trương Quý 

09:43 | Thứ ba, 20/09/2022

https://nguoidothi.net.vn/dau-goi-qua-tai-35982.html

 

Thực tế thì không có tư thế nào có thể tồn tại nếu không gắn với thói quen lao động hay sinh hoạt. Chúng ta thôi ngồi như vậy là vì hoạt động sống đã khác...

 

Nhiều thành ngữ một thời chỉ còn tồn tại mang tính lịch sử, gắn với lối sống quá khứ. Chẳng hạn lối ngồi xổm tồn tại do cách sinh hoạt của người quen làm ruộng nước, hoặc do cấu tạo cơ thể đặc thù của người Á Đông. Lối ngồi này sinh ra một hình ảnh thường gắn với người đàn ông mà dân gian gọi là “đầu gối quá tai”. Một dáng vẻ mà người ta cho là nhọc nhằn:

 

Ngồi khòm đầu gối quá tai

Là người cực khổ chẳng sai chút nào.

 

Vậy mà một từ điển thành ngữ lại giải thích: “Chê kẻ lười biếng, ăn xong chỉ ngồi bó gối, không chịu làm việc gì” và đưa một ví dụ: Cả ngày chỉ đầu gối quá tai thì lấy gì mà ăn (!). Tôi ngỡ ngàng bởi lẽ hình ảnh này vốn dĩ gây ấn tượng cho tôi về sự cần mẫn, nhẫn nại, trước hết từ chính người bố của tôi, và rất nhiều người thế hệ trước. Rất nhiều người ngồi với hai bàn chân bám chặt vững chãi trên mặt đất, đôi tay làm lụng không ngơi nghỉ khi khoảng không gian xung quanh chính là nơi họ đặt công cụ lao động.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/503e84ea-006b-4a02-b3b0-f395983ea036.jpg

Thầy đồ cho chữ. Ảnh màu của Léon Busy, khoảng 1916.

 

Từ lâu, tôi vẫn nghĩ thành ngữ này thực tế không có ý nghĩa đạo đức hay răn dạy gì, chỉ đơn giản mô tả một tư thế, cùng lắm hàm ý là trông khổ như câu tục ngữ đã dẫn. Nhưng không phải ai cũng có thể ngồi như vậy. Phải là người rất gầy, lưng cong hoặc hơi gù, gợi nhớ những pho tượng Tuyết Sơn hay các bậc tổ dòng tu trong những ngôi chùa miền Bắc.

 

Những dáng còng lưng hiển nhiên vì lao động nặng, vì điều kiện dinh dưỡng kém, mang dấu ấn của một quá khứ vật lộn với sự nghèo đói. Những dáng ngồi của các bậc tu hành được tạc tượng cũng là tư thế thiền định, thường trầm tư hoặc hướng vào nội tâm.

 

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay…

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...

(Các vị La Hán chùa Tây Phương - Huy Cận)

 

Sẽ có nhiều người chỉ ra ngay Huy Cận nhìn dáng vẻ ngồi trầm tư của các pho tượng mà suy tư về số phận con người và xã hội, như lời đề từ bài thơ ông có viết: “Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, một xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động và bế tắc không tìm được lối ra”.

 

Đúng là cái kiểu ngồi như vậy gợi cảm giác bất lực, thu mình.

 

Những bức ảnh đầu tiên chụp người Việt lao động cũng có cảnh họ ngồi xổm làm đồ thủ công như đan lát hay bán hàng vệ đường, với hai đầu gối ngang vai. Tất nhiên quá tai là thậm xưng, song chính sự thậm xưng ấy làm nên giá trị của câu thành ngữ.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/15d1acee-b31a-4d46-8c23-4646e1fc4e3f.jpg

Ngồi xổm bật bông. Ảnh màu của Léon Busy, khoảng 1915.

 

Thực tế thì “đầu gối quá tai” còn có thể xảy ra khi người ta ngồi uống nước chè, ngồi ăn cỗ, ngồi trên giường chơi bài... Hãy về các vùng quê có các cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 80 mà xem. Họ ngồi thế vì rất thoải mái. Thậm chí ngồi chống chân lên còn thấy ở các ông đồ cho chữ. Bao nhiêu thế kỷ họ chắc đã quen như vậy.

 

Vậy tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy là khổ? Về mặt lựa chọn, tư thế ấy có khổ hơn ngồi gác chân lên bàn (kiểu tổng thống Mỹ Obama từng cho cả thế giới chứng kiến) mà các cụ lại cho rằng chướng mắt? Dưới mắt chúng ta, việc ngồi cho chân lên ghế lại là bất lịch sự hoặc rơi rớt từ những trọc phú ít học, kiểu những ông bà hội đồng trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, ngồi cho một chân lên sập hay ghế tựa, tạo ra vẻ uy quyền sang cả, vừa có vẻ nhàn hạ. Nhưng tất nhiên ngồi kiểu “đầu gối quá tai” có nét khác, không có chút uy quyền gì, nhất là ngồi ở bậc thềm hay ngoài sân, hoặc nơi lao động. Ngồi như vậy còn có một cách gọi khác: ngồi thu lu. Người ngồi như vậy ít chiếm không gian nhất, khiêm nhường và dành tối đa xung quanh cho các sản phẩm lao động.

 

Quá trình từ bỏ việc ngồi “đầu gối quá tai” là một sự “hiện đại hóa” hành vi, gián tiếp gợi ra những vấn đề của sự phi thủ công các tác vụ lao động của con người. Đồ dùng sinh hoạt đã có nhiều thứ kê mông như ghế, đôn. Đồ dùng lao động đã có máy móc phụ trợ. Quan trọng hơn cả, sản phẩm thủ công tạo ra đã bị thay thế bằng hàng hóa sản xuất công nghiệp hàng loạt: rổ rá nhựa, mũ may thay vì nón được chằm, đó là vài ví dụ gắn với cảnh người thợ thủ công nông thôn ngồi đan lát xưa kia.

 

Đấy là về mặt vật chất. Còn về những cách nhìn không gian sinh hoạt ấy, tôi chợt nghĩ có nhiều điều chúng ta dùng cách nghĩ thời nay để nhận xét quá khứ. Khá nhiều trong cách nghĩ ấy là một sự phủ định. Chúng ta nhìn nhận các hành vi kiểu “đầu gối quá tai” là lạc hậu và thậm chí xấu xí vì chúng ta không mấy tự tin với hình ảnh của truyền thống. Những bức ảnh người Pháp chụp dân ta cuối thế kỷ XIX thường khiến ta ấn tượng về một xã hội trì đọng. Câu định nghĩa của cuốn từ điển thực tế là một sự diễn giải hời hợt, một sự phủ định võ đoán.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/c0cc37f4-8dbe-44f3-a177-949fccb65e0f.jpg

Phụ nữ Bắc kỳ ngồi chống chân ăn trầu. Ảnh màu của Léon Busy, khoảng 1915.

 

Quá trình phủ định và thay thế đã có trước khi những thứ tân thời được cổ súy. Những ý tưởng cải cách hương thôn trong văn chương Tự lực Văn đoàn chẳng hạn, chỉ là vài trong số những xúc tác phân rã khung khổ của bản sắc truyền thống. Những cuộc xung đột cũ mới dưới hình thức mâu thuẫn gia đình giữa một bên là những bà mẹ chồng tầng lớp trung lưu xuất thân từ nền tảng Nho phong (các bà Phán, bà Án, tức là vợ góa các ông từng có gốc rễ cựu học) với các nàng dâu được ngầm định là tân thời, tạo ra một ấn tượng về sự bức thiết thay đổi. Tất nhiên, vẫn có những người nặng lòng với quá khứ như Nguyễn Tuân, nhưng đấy là một quá khứ diễn ra dưới trật tự quyền lực cổ truyền: sự thừa kế nếp nhà tài hoa, cái sở học được xã hội công nhận, cái đẹp chứa đựng một đạo lý, đến cả những người thừa hành việc kết liễu mạng sống kẻ khác như đao phủ cũng biết trân trọng. Sự đòi hỏi cải cách diễn ra song hành với niềm luyến nhớ cái cũ.

 

Ngày nay chúng ta không ngồi xổm ngoài lý do không phải lao động thủ công, còn vì tính thẩm mỹ được định nghĩa ít nhiều dưới góc nhìn phương Tây. Người phương Tây thậm chí còn ấn tượng với cách ngồi xổm đi vệ sinh của người Á Đông đến độ nhìn dưới khía cạnh nhân chủng học. Ngồi xổm còn gắn với thân phận những người cùng đinh, dân cày, cu li, chầu chực chờ lệnh, sẵn sàng nhổm dậy để làm việc. Những người gầy gò, bụng lép thì mới ngồi xổm hay đầu gối quá tai được.

 

Sự nghèo khó gắn với tư thế ngồi xổm đã khiến cho hình ảnh này trở nên đáng xấu hổ, và kéo theo là những cách thức gắn bó bị thay thế. Ngoài việc hố xí xổm giờ thay bằng xí bệt (thứ đúng là tiện nghi và vệ sinh hơn nên việc thay thế không phải bàn) thì các đồ đạc khác cũng thay đổi để phù hợp.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ffc34040-8ec9-4ccf-85c4-254854fb0c50.jpg

Ngồi xổm mua hàng, tranh ký họa hàng rong Hà Nội do sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương vẽ, 1929.

 

Cách ngồi “đầu gối quá tai” không còn thấy khi những cái ghế xa-lông hay đi-văng phổ biến ở mọi phòng khách. Những cái sập gụ cũng thay bằng những cái bàn trong phòng ăn hoặc giường ngủ, phòng khách. Thậm chí những cái chiếu cũng không còn phổ biến nữa, kéo theo việc ngồi quây quần thành hình tròn cũng dần ít đi. Ở thành phố, ít ai còn bận tâm mua chiếu cói “Đậu Đặt” Thái Bình hay Nga Sơn nữa. Nhu cầu ngồi có dựa lưng áp đảo các tư thế khác, nhất là khi thế hệ mới ai nấy mỗi người một cái điện thoại cầm tay, thứ sẽ tiện nhất khi ngồi ghế dựa hoặc nằm khểnh trên đi văng.

 

Tất nhiên, sẽ có người nói chẳng lẽ việc ngồi đầu gối quá tai là hay để “phục hưng”? Thực tế thì không có tư thế nào có thể tồn tại nếu không gắn với thói quen lao động hay sinh hoạt. Chúng ta thôi ngồi như vậy là vì hoạt động sống đã khác. Nhưng có một hình bóng đã từng được coi là thân thuộc ở đó, trong những người ông, người bà khiêm nhường ngồi làm việc chân tay ở những mảnh sân hay bậc thềm nếp nhà ngày xưa.

 

Những câu nói chẳng còn ăn nhập thời nay, thực tế lại đựng một di sản vô hình mà ta đang quên thật nhanh, dưới sức ép của tiện nghi ồ ạt tràn đến.

 

Nguyễn Trương Quý

 

 

 


No comments:

Post a Comment