Thursday, August 4, 2022

BA NHÀ HOẠT ĐỘNG LÊ VĂN DŨNG, TRỊNH BÁ PHƯƠNG, NGUYỄN THỊ TÂM CÓ LỊCH XỬ PHÚC THẨM (RFA)

 



Ba nhà hoạt động Lê Văn Dũng, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm có lịch xử phúc thẩm

RFA

2022.08.04

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-hearings-of-activists-le-van-dung-trinh-ba-phuong-and-nguyen-thi-tam-shceduled-in-mid-august-08042022073524.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-hearings-of-activists-le-van-dung-trinh-ba-phuong-and-nguyen-thi-tam-shceduled-in-mid-august-08042022073524.html/@@images/image

Ba nhà hoạt động (từ trái qua): Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Văn Dũng.  RFA edit

 

Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm ba nhà hoạt động nổi tiếng ở Hà Đông, Hà Nội trong hai phiên toà riêng biệt vào hai ngày 16/8 và 17/8.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết thông tin trên trong một bài viết trên Facebook cá nhân, theo đó phiên toà phúc thẩm đối với nhà báo độc lập Lê Văn Dũng (tức Lê Dũng Vova) sẽ được tiến hành vào ngày 16/8, còn trong ngày kế tiếp là phiên phúc thẩm đối với hai nhà hoạt động về quyền đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm.

 

Ông Lê Văn Dũng, sinh năm 1970, bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 trong phiên toà hồi tháng 3.

 

Ông bị buộc tội làm, đăng tải lên mạng xã hội 12 clip có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018.

 

Trong phiên toà, ông không phủ nhận việc đăng tải 12 video clip nhưng nói rằng nội dung của các clip ấy chỉ nói lên sự thật. Ông Dũng khẳng định mình vô tội chiếu theo Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

 

Trong tin nhắn gửi phóng viên Đài Á Châu Tự Do, bà Bùi Thị Huệ, vợ của ông Dũng, nói bà hy vọng chồng mình sẽ được trả tự do trong phiên phúc thẩm sắp tới. Bà nói đối với các tù nhân lương tâm như chồng bà thì bản án một ngày cũng là quá nặng.

 

Ông Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985, và bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1972, cùng ở xã Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, và cũng bị bắt trong cùng ngày 24/6/2020 với cùng cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015.

 

Hai người này, cùng với mẹ của ông Phương là bà Cấn Thị Thêu và em trai Trịnh Bá Tư bị bắt trong cùng một ngày sau khi lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội phản đối việc cảnh sát cơ động bố ráp người dân xã Đồng Tâm trong đêm, hậu quả làm ông Lê Đình Kình và ba cảnh sát thiệt mạng.

 

Trong phiên toà hồi tháng 12 năm ngoái, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội hai nhà hoạt động này, và kết án ông Trịnh Bá Phương mức án 10 năm tù giam và năm năm quản chế còn bà Nguyễn Thị Tâm phải chịu mức án sáu năm tù giam và ba năm quản chế.

 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương nói:

Tôi vô cùng bất mãn về phiên toà sơ thẩm, bởi vì chồng tôi và gia đình chỉ lên tiếng nói lên sự thật về đất đai và sự thật về dân Đồng Tâm vậy mà họ kết án chồng tôi 10 năm tù giam còn mẹ chồng tôi (Cấn Thị Thêu) và em chồng tôi Trịnh Bá Tư tám năm tù. Bản án này rất là phi lý.

Tôi không hy vọng gì về phiên toà phúc thẩm sắp tới. Tôi cũng không mong đợi phiên toà sắp tới sẽ giảm án cho chồng tôi. Tôi chỉ mong chế độ độc tài cộng sản này sớm sụp đổ để cho nhân dân Việt Nam đỡ khổ hơn và có được tự do hơn, và khi đó chồng tôi cũng như các tù nhân khác được trả tự do.”

 

Ông Trịnh Bá Phương bị biệt giam kể từ khi bị bắt, không được gặp gia đình và người thân mà chỉ được gặp luật sư vài lần trong trại giam để chuẩn bị việc bào chữa.

 

Trong phiên toà sơ thẩm, ông tố cáo điều tra viên của công an Hà Nội tra tấn ông nhiều lần trong quá trình thẩm vấn, đánh ông vào bộ phận sinh dục khiến ông vô cùng đau đớn.

 

Trong khi đó, bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đều bị mức án tám năm tù giam và ba năm quản chế trong một phiên toà sơ thẩm khác.

 

Bà Thêu cùng hai con trai được trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam năm 2021 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam vì các nỗ lực bảo vệ quyền con người của họ. 

 

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng từng bị giam cầm hai lần vì đấu tranh chống lại việc thu hồi đất của chính quyền xã Dương Nội.

 

Lần đầu là năm 2008 về cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” và lần hai vào năm 2014 với tội danh “chống người thi hành công vụ.”

 

-----------------------

Tin, bài liên quan

·         Tòa án Hà Nội bất ngờ hoãn phiên xử phúc thẩm ông Trịnh Bá Phương

·         Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng kháng cáo bản án sơ thẩm

·         CPJ kêu gọi trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Văn Dũng

·         Theo dõi Nhân quyền kêu gọi hủy bỏ cáo trạng và trả tự do cho Lê Dũng Vova

·         Toà Hà Nội xác định ngày xét xử nhà báo độc lập Lê Văn Dũng

 

 



No comments:

Post a Comment