Wednesday, July 6, 2022

"VĂN HÓA HIẾP DÂM" và MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NỮ QUYỀN (Nguyễn Quốc Tấn Trung / Luật Khoa)

 



 

“Văn hóa hiếp dâm” và một góc nhìn khác về nữ quyền

Nguyễn Quốc Tấn Trung  - Luật Khoa

05/07/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/07/van-hoa-hiep-dam-va-mot-goc-nhin-khac-ve-nu-quyen/

 

Ai cũng nói về hiếp dâm, nhưng ít ai nghĩ thấu đáo về nó.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/07/2.jpg

Bìa sách: RTBF. Ảnh nền: Canva

 

“Nhà nữ quyền xấu tính” (Bad feminist – 2014) là một tuyển tập các tham luận chính trị, triết học và nhiều bài viết mang phong cách trò chuyện đơn thuần về nữ quyền của nữ nhà văn Roxane Gay.

 

Với ngôn ngữ vừa dung dị, vừa khoa học, vừa “chợ trời” nhưng cũng rất hàn lâm, Roxane Gay làm được điều mà ít nhà nữ quyền nào làm được: đưa một quyển sách về nữ quyền vào danh sách bán chạy nhất trên New York Times.

 

Các nội dung triết học và lý luận phức tạp liên quan đến chủng tộc, nữ quyền và hệ thống chính trị lẫn môi trường văn hóa giải trí đương đại được Gay lồng ghép, bình phẩm và phản chiếu một cách rõ ràng, sâu sắc, nhưng đôi khi cũng rất khiêu khích.

 

Ví dụ, bà không tiếc lời trong việc thách thức những sản phẩm điện ảnh Oscar lừng danh như “12 Years of Slave” hay “Django Unchained” để chỉ ra cách mà điện ảnh phổ thông tiếp tục xây dựng sai lệch hình ảnh và trải nghiệm của người da đen trong lòng xã hội Hoa Kỳ.

 

Trở lại với các tham luận về nữ quyền, có thể nói Roxane Gay là một trong những nhà nữ quyền tiên phong trong việc xét lại thứ ngôn ngữ xấu xí và thiếu trách nhiệm của báo chí, người dân, và từ đó góp phần tạo ra làn sóng chống lại điều mà họ gọi là “văn hóa hiếp dâm” (rape culture).

 

Điều gì hình thành nên “văn hóa hiếp dâm”?

 

Trong bài luận “Thứ ngôn ngữ cẩu thả về bạo lực tình dục” (The careless language of sexual violence), Gay nhắc đến một bài viết trên tờ New York Times của nhà báo James McKinley Jr.

 

Bài báo có tiêu đề “Vụ tấn công tàn ác làm rúng động một thị trấn của Texas” (Vicious assault shakes Texas town) kể về câu chuyện một đứa trẻ 11 tuổi bị 18 thanh thiếu niên cưỡng bức tập thể. Qua việc phân tích những ngôn từ được sử dụng, Gay chỉ ra rằng trọng tâm của bài báo chưa bao giờ là về nạn nhân – đứa trẻ 11 tuổi.

 

McKinley than thở về sự bình yên của ngôi làng nhỏ đã bị phá hủy như thế nào, về việc 18 thanh thiếu niên kia sẽ mất tương lai và gia đình của chúng sẽ khổ sở ra sao.

 

Thứ duy nhất bài viết nói về đứa trẻ đáng thương là nó đã ăn mặc như một người phụ nữ 20 tuổi – một thông tin như để lý giải cho hành vi cưỡng bức tập thể.

 

Chưa hết, bài báo còn đặt dấu hỏi, không biết mẹ đứa trẻ ở đâu khi sự việc xảy ra, trong khi người cha thì lại không được nhắc đến.

 

Gay cho rằng chúng ta nói về hiếp dâm mà không nghĩ kỹ về những điều mình nói (we talk about rape, but we don’t carefully talk about rape).

 

Từ đó, Gay kiểm chứng và truy xét hàng loạt các sản phẩm giải trí và truyền thông. Bà nhận ra rằng ngay cả khi truyền thông và các phương tiện giải trí mô tả và sử dụng “chất liệu” hiếp dâm với giọng điệu cảm thông hơn, dường như ít khi người ta có thể nói đúng (authentic) mà không sa đà vào việc lạm dụng (exploitative).

 

Hiếp dâm được mô tả qua phim ảnh, báo chí bằng những ngôn ngữ, giọng điệu và thái độ mà theo Gay, đã bỏ qua thực trạng của hiếp dâm, tác động của hiếp dâm đối với người phụ nữ, và kể cả ý nghĩa của nó đối với thân thể phụ nữ. Hiếp dâm đơn thuần bị biến thành một cảnh phim.

 

Khi một vụ hiếp dâm xảy ra, nếu thứ đầu tiên cộng đồng nghĩ tới là “chắc nó (nạn nhân) là một đứa hư hỏng”, hay vì người phụ nữ ăn mặc hở hang nên “tự chuốc lấy” (ask for it), cộng đồng đó có thứ tư duy mà Gay gọi là “văn hóa hiếp dâm”.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/07/SlutWalk_NYC-1024x682-1.jpg

Những người tham gia biểu tình tại Úc vào năm 2014 để phản đối “văn hóa cưỡng hiếp”. Ảnh: Archer.

 

Phê phán các quan điểm nữ quyền nổi trội

 

Trong một tham luận khác có tiêu đề “Làm thế nào mà chúng ta đều thua” (How we all lose), Gay lại trao đổi và dẫn dắt người đọc đi qua từng nhánh nữ quyền trong không gian đại chúng đương đại.

 

Bà ghi nhận và đặt câu hỏi cho tư duy nhị nguyên “đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”, rằng sự thành công và phát triển của người phụ nữ phải bị đánh đổi bởi sự thất bại của đàn ông.

 

Quan điểm này được ghi nhận trong quyển sách gây tiếng vang và cũng gây tranh cãi “Sự kết thúc của đàn ông, và sự trỗi dậy của đàn bà” (The end of men: And the rise of women) của Hanna Rosin. Trong sách, Rosin mô tả làm thế nào mà đàn ông đã mang “mầm bệnh” của mình lây lan khắp nơi, phá hủy tiềm năng phát triển của xã hội loài người nói chung, và chỉ có đàn bà mới có thể chỉnh sửa những lỗi lầm đó.

 

Gay cho rằng đó không phải là cách tiếp cận hay cho nữ quyền.

 

Ngoài việc không đồng ý với sự tự tin thái quá của nhánh nữ quyền tuyệt đối, Gay cũng chuyển sang phân tích vấn đề của các nhánh nữ quyền khác, ví dụ như quan điểm trong quyển “How to be a woman” của Caitlin Moran. Đây là một tác phẩm được khen ngợi về tính hài hước và thực tế khi nói về nữ quyền. Tuy nhiên, theo Gay, vì quá cố gắng để tạo ra một “làn sóng mới” cho nữ quyền hiện đại, Moran đã bỏ qua hoặc rơi vào những cái bẫy về ngôn ngữ, về hoàn cảnh, về sự phân biệt giới tính thường ngày (casual sexism), v.v.

 

Đối với Gay, những nhóm nữ quyền muốn lật ngược hoàn toàn diễn ngôn về lịch sử giới tính lẫn những nhóm nữ quyền muốn hòa mình vào dòng chảy văn hóa thống trị của đàn ông đương đại đều có thể dẫn chúng ta đến con đường mà cả đàn ông lẫn đàn bà đều thua trắng.

 

                                                                             ***

 

Hiển nhiên, tác phẩm này của Roxane Gay không phải là hoàn hảo.

 

Vốn chỉ là một tập hợp các tham luận ngắn, quyển sách có tính phản chiếu và tranh biện quá nhiều về những dòng chảy văn hóa khác. Điều này khiến cho bản thân tác phẩm không thật sự định hướng được một con đường nào mà bà nghĩ là đúng cho sự phát triển của chủ nghĩa nữ quyền hiện đại.

 

Cãi nhau thì có cái thú của nó, nhưng xây dựng một khung lý thuyết nữ quyền cho tương lai thì phức tạp hơn.

 

Thêm vào đó, sự phản biện quá mức của Gay đối với các cây bút nữ quyền khác đôi khi cũng cho chúng ta cảm giác không thoải mái. Đây có lẽ là điều dễ hiểu, bởi Roxane Gay là đại diện cho nhóm nữ quyền thế hệ mới: to tiếng hơn, thẳng thắn hơn và chỉ trích chế độ phụ hệ trực diện hơn.

 

Nhưng cũng vì lý do này, Gay thường bỏ qua sự thú vị, độ hài hước và tính châm biếm sẵn có của một vài tác phẩm nữ quyền kinh điển, mà “How to be a woman” là một trường hợp điển hình.

 

Dù sao đi chăng nữa, “Bad feminist” vẫn là một tác phẩm thú vị, dễ đọc, dễ nắm bắt và dễ áp dụng cho các vấn đề nữ quyền đương đại. Giọng văn lên gân của Gay, đôi khi lại cần thiết cho những môi trường phụ hệ bảo thủ và thiếu ham muốn học hỏi như tại Việt Nam.


Bạn có thể mua quyển “Bad feminist” bản tiếng Anh tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu nếu bạn mua sách từ link của Amazon theo chương trình Amazon Associates.

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.





No comments:

Post a Comment