Friday, July 22, 2022

ĐỨC PHẬT - KIÊU SƯ (Nguyễn Tiến Tường)

 



Đức Phật - kiêu sư

Nguyễn Tiến Tường 

22-7-2022 00:04  

https://www.facebook.com/nguyentuong.tuongnguyen.5/posts/pfbid0uBxiDGqVXJJSsHFTPWq9Paa4jbznS3aduNMDcTTDMSYXCpLiorzkoYMHuyJ8LKL7l

 

Tích xưa có người khác đạo đến tranh biện với đức Phật và được Phật cảm hoá, muốn cải đạo theo đạo Phật. Đức Phật khuyên không nên làm như vậy, đạo nào cũng có thể làm con người sống tốt hơn.

 

Trong con mắt của người phương Tây, Phật là minh triết. Bởi vì những quan niệm “vô thường”, “vô ngã” và “nhân quả” của Phật giáo phủ bóng lên tất cả các triết học từ Đông sang Tây.

 

Thế nhưng khi được hỏi Phật có phải là triết hay không? Đại để tử nhà Phật thưa không. Bởi vì các trường phái triết học chăm chăm khẳng định mình là đúng nên có thể nó đúng ở thời điểm này nhưng sai ở thời đại khác, hoặc không gian địa lý khác.

 

Phật không khẳng định gì cả, nên triết lý của Phật tồn tại muôn miên.

 

Phật thuyết pháp 49 năm, nhưng lại nói rằng chưa từng nói gì. Cái Phật muốn hướng đến là sự giác ngộ trong con người, nên chỉ tự xem mình là người dẫn lối. Phật như ngón tay chỉ trăng, thấy trăng rồi thì quên ngón tay đi, đừng nghĩ ngón tay là trăng. Phật là chiếc bè, qua sông rồi thì đừng đội bè lên đầu.

 

Phật dạy phủ định tất cả đi. Phủ định cả kinh kệ, cả “niết bàn”, thậm chí cả bản thân ngài. Vì sao vậy? Để đừng neo mắc vào đó mà rồi đi tìm quả vị, tự trói mình vào sợi xích vàng. Người vô minh đeo xích sắt, kẻ ngã mạn đeo xích vàng, đều khổ như nhau cả. Thậm chí đeo xích vàng còn khổ hơn xích sắt, vì buông bỏ thì lại tiếc.

 

Nay nhìn những “kiêu sư” ở ta, thấy rõ rành là đeo xích vàng. Những người này đang mang những bước chân vô minh còn nặng bước hơn cả người bình thường. Tìm Phật trong mình là giác ngộ, tìm mình trong Phật là tham lam, sa ngã.

 

Cho nên Phật khiêm nhường bao nhiêu thì kiêu sư sân si bấy nhiêu. Càng sân si thì càng lạc lối, “niết bàn” tìm mãi không ra, chỉ thấy sân hận đủ đường. Vì sao vậy? Vì không dám phủ định mình để vươn tới cảnh giới cao hơn. Vì tự trói mình vào nhiều sợi xích vàng (quyền lực, tiền tài, danh vọng, nhiều trường hợp còn có cả sắc giới).

 

Đường của các vị đang đi là con đường của giai cấp tăng lữ, không phải con đường tu. Cho nên đừng hỏi vì sao mình bị xúc phạm. Vì các vị không có sự tôn nghiêm của đức tin tự nhiên. Những vị chân tu hiền queo nhưng đứng trước họ người thường không dám thốt ra vọng ngữ, bởi vì những vị đó khơi dậy niềm tin linh thiêng.

 

Còn đứng trước các vị, người ta chỉ thấy những người trọc đầu mặc áo cà sa được nhiều cung phụng, nên sự tôn nghiêm của đức tin biến mất.

 

Nên người thường “buông đao thành Phật”, còn các vị phải “buông dấu đỏ mà thành Phật” vậy!

.

.

.

No comments:

Post a Comment