Từ
ngày 28/7, nhân loại bắt đầu ‘‘ăn lạm’’ vào tài nguyên Trái đất
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 28/07/2022 - 12:56
Kể từ
ngày hôm nay, 28/07/2022, nhân loại đã sử dụng hết toàn bộ các nguồn tài nguyên
mà thiên nhiên có thể tạo ra trong một năm. Điều này đồng nghĩa với việc chúng
ta bắt đầu ‘‘ăn lạm’’ vào tài nguyên Trái đất kể từ thời điểm
này (Earth Overshoot Day / Jour de dépassement). Trên đây là cảnh báo của các tổ
chức phi chính phủ về môi trường.
Ảnh
minh họa: Một trang trại gần một khu vực khai thác chất đốt ở lưu vực Permian,
thành phố Jal, bang New Mexico, Hoa Kỳ, ngày 14/10/2021. AP - David
Goldman
Hàng năm,
hai tổ chức Global Footprint Network
(Mạng lưới Dấu ấn Sinh thái Toàn cầu) và WWF
(Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) công bố thông tin mang
tính biểu tượng nói trên để đánh động công luận thế giới về tình trạng tiêu thụ
tài nguyên thiên nhiên quá mức. Nói một cách hình tượng, với lối sống, sản xuất
và tiêu thụ hiện nay, cần có đến 1,75 hành tinh như Trái đất mới đủ cho nhân loại.
Đây là số
liệu tính trung bình cho toàn bộ dân cư trên hành tinh. Bởi nếu tính theo từng
quốc gia, tình hình sẽ khác. Nếu toàn bộ cư dân Trái đất sống như người Pháp chẳng
hạn, ‘‘ngày ăn lạm’’ vào tài nguyên Trái đất sẽ đến sớm hơn rất
nhiều, tức rơi vào ngày 05/05. Tất cả sống như người Mỹ, ‘‘ngày ăn lạm’’ sẽ
là 13/03.
Tính theo
dòng lịch sử, thông tin về ‘‘ngày ăn lạm’’ vào tài nguyên Trái
đất cho thấy áp lực ngày càng gia tăng của xã hội con người đối với thiên nhiên
hữu hạn trên Trái đất. Theo Mạng lưới Dấu ấn Sinh thái Toàn cầu, nhân loại bắt
đầu ‘‘ăn lạm’’ vào thiên nhiên kể từ năm 1970 (ngày 29/12). Từ
50 năm nay, tốc độ gia tăng nhanh chóng : năm 1990, ngày ăn lạm rơi vào
11/10, năm 2000 là 23/09, năm 2010 là 07/08. Năm 2020, do đại dịch
Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, ngày ăn lạm bị đẩy lùi khoảng 3 tuần,
nhưng nhanh chóng trở lại mức trước đại dịch.
Hệ thống sản xuất và tiêu thụ thực phẩm :
Thủ phạm hàng đầu
Hai tổ chức
phi chính phủ, đồng tác giả của chỉ báo về ‘‘ngày ăn lạm’’, đặc biệt
nhấn mạnh đến thủ phạm hàng đầu : hệ thống thực phẩm. Hơn một nửa tài
nguyên sinh thái của hành tinh (55%) đang được sử dụng để đáp ứng cho nhu cầu
ăn uống. Tuy nhiên, điều nghịch lý là tài nguyên đã bị sử dụng quá nhiều,
mà mục tiêu nuôi sống con người lại không bảo đảm. Theo ông Pierre Cannet, thuộc
WWF Pháp, ‘‘nhân loại hiện tại đang tiêu thụ quá nhiều tài nguyên,
trong lúc lại không đáp ứng được các mục tiêu chống nghèo đói’’. Trong lúc
hàng chục triệu dân cư nhiều nước nghèo lâm vào cảnh đói khát, thì tại các nước
giàu và nhiều nước đang phát triển, lại xuất hiện tình trạng tiêu thụ quá nhiều,
ăn uống không đúng cách, dẫn đến các chứng bệnh béo phì, dư
cân.
Một ví dụ
được dẫn như ra như một biểu hiện phi lý của hệ thống thực phẩm hiện nay :
tại châu Âu, 63% đất canh tác được sử dụng để trồng lượng thực cho chăn
nuôi, lấy thịt, sữa cho người. Chưa kể đến việc châu Âu hay các nước giàu
khác nhập khẩu thực phẩm, nhập khẩu thịt bò từ châu Mỹ Latinh chẳng hạn, dẫn
đến việc rừng Amazon bị phá hoại.
Mạng lưới
Dấu ấn sinh thái Toàn cầu và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên
nhiên lưu ý : Đất đai bị sử dụng quá mức cho nông nghiệp dẫn đến nạn
phá rừng, hay đa dạng sinh học bị hủy hoại, các hệ sinh thái bị suy yếu, tạo
thêm nhiều khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu (nông nghiệp là một trong những
lĩnh vực kinh tế phát nhiều khí thải hàng đầu), chưa kể đến nguồn nước ngọt rất
lớn dùng cho nông nghiệp.
Một trong
các biện pháp rất căn bản để giảm bớt mức độ ‘‘ăn lạm’’ vào
nguồn tài nguyên Trái đất là giảm tiêu thụ, nhất là tiêu thụ thịt, đặc biệt tại
các nước giàu. Theo bà Laetitia Mailhes, giám đốc phụ trách các sáng kiến của Mạng
lưới Dấu ấn sinh thái Toàn cầu, giảm tiêu thụ thịt đi một nửa có thể đẩy
lùi ‘‘ngày ăn lạm’’ đến 17 ngày. Giảm bớt lãng phí, có thể đẩy
lùi thêm 13 ngày nữa. Hiện có đến một phần ba lượng lương thực, thực phẩm toàn
cầu bị lãng phí trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng.
------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Từ
29/07/2019, nhân loại bắt đầu ‘‘ăn lạm’’ vào tài nguyên Trái đất
LHQ
: Các đợt nắng nóng khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn
Giới
khoa học báo động: Các “dấu hiệu sinh tồn” của Trái đất đang suy yếu
No comments:
Post a Comment