Saturday, July 30, 2022

TỪ CUỐN HỘ CHIẾU THIẾU MỤC NƠI SINH, NGHĨ TỚI TỜ LÝ LỊCH và CÁI GIẤY CĂN CƯỚC (Nguyễn Thông)

 



Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước (kỳ 1)   

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

29-7-2022  04:51  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid07yB98MX4CFq5mwws6ryCkgmr1uW6qJ7iYh6CPFPb9m7rgMhYYcUS5NmznmxDP1Eql&id=100024722048900

 

Nhà cháu phải đặt cái tít dài thườn thượt vậy, chứ không chỉ một hai chữ như mọi lần, thì mới tải hết được mấy thứ muốn nói ngay từ đầu. Ấy là cái sự bực lắm, cáu sườn lắm, và cũng chán nản nữa.

 

Nhắc lại chuyện cuốn hộ chiếu mẫu mới vừa được Bộ Công an, cụ thể là Cục Quản lý xuất nhập cảnh thiết kế, ban hành, đưa vào sử dụng. Trước khi chính thức áp dụng, họ đã ngưng việc làm hộ chiếu mới 1 tháng, cả mẫu cũ lẫn mẫu mới, chỉ ưu tiên những trường hợp đặc biệt. Cũng là một kiểu hành dân. Khi mẫu cũ vẫn còn giá trị, tại sao không chuẩn bị mẫu mới cho thật kỹ, rồi chỉ việc nối vào, mà lại bắt dân phải chờ 1 tháng. Hay là quyền trong tay tao, muốn hành thế nào bay cũng phải chịu. Hệ thống công quyền, hệ thống chính trị xứ này có đủ cả cơ quan ban bệ thanh tra kiểm tra, không hề nhìn ngó, lên tiếng, chỉnh sửa cái thái độ hách dịch, cửa quyền ấy. Cứ năm này diễn sang năm khác, triền miên. Ông hàng xóm nhà tôi dấm dẳn, cũng cùng một duộc cả.

 

Giá như chỉ là chuyện trong nước, trong nhà bảo nhau, có nhẽ vụ hộ chiếu cũng xong, khổ nỗi cái thứ giấy tờ này để đi giao dịch làm ăn thăm thú chơi bời với nước ngoài, mà người ta lại không xuê xoa dĩ hòa vi quý, đánh bùn sang ao, để lâu cứt trâu hóa bùn như mình. Chẳng chỉ nước Đức ke re két rét mà sẽ còn nhiều nước khác không chấp nhận cái pát po mẫu mới màu tím than này, bởi họ văn minh, chuẩn mực. Đến khổ, chỉ có mỗi việc thiết kế cái nội dung hộ chiếu cho ra hồn, được bên ngoài chấp nhận, mà làm cũng không xong. Nội dung cần thiết thì không có, lại cứ tớn lên khoe hình ảnh chìm nổi này nọ. Có đem vịnh Hạ Long, chùa Một Cột mài ra để thuyết phục nhà chức việc cửa khẩu được không…

 

Nhân vụ tấm hộ chiếu, lại nhớ tới Đức cha Tổng giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Một đóng góp tâm huyết chân thành về giá trị của tấm hộ chiếu, mở rộng ra là danh tiếng của đất nước và con người, đã bị nhà cai trị sổ toẹt. Vụ tấn công cha Kiệt có thể coi là vụ nhục nhã nhất của tivi quốc doanh; nhưng, xin lỗi, việc chiều ý chính quyền để dìm cha Kiệt cũng là vết nhơ của giáo hội Thiên chúa xứ này, nhất là các đấng bậc chăn chiên ngày ấy. (còn tiếp)

 

50 BÌNH LUẬN   

 

                                                              ***

 

Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước (kỳ 2)

Nguyễn Thông  (Nguyễn Thông Cào)

29-7-2022  21:43  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02aC9KQvTE1EURrvhJSmGmzPXYFFKYvx21h1Ev9XUCxcnXcoXhnCFbWAaVAuznM5jDl&id=100024722048900

 

Thôi, gác chuyện hộ chiếu lại, rồi đâu sẽ có đó. Chỉ biết hôm qua 29.7 các báo mậu dịch thông báo những ai xài hộ chiếu mới mà đến Đức sẽ được Đại sứ quán VN tại Đức cấp cho cái giấy xác nhận nơi sinh để kèm theo khi xin thị thực (visa), khi qua cửa khẩu. Hình như họ nghĩ mảnh giấy ấy của tòa đại sứ có giá trị với nhân viên công lực kiểm tra xuất nhập cảnh xứ người lắm. Chưa nói nó có tác dụng thông tuyến không, chỉ riêng việc phải đi xin giấy, kèm mảnh giấy lòng thòng vào cuốn hộ chiếu là đã chẳng giống ai rồi. Đang yên đang lành, cải tiến hóa thành cải lùi. Vậy mà, cũng báo quốc doanh hôm qua thông tin, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an vẫn tuyên bố tiếp tục mần hộ chiếu mẫu mới (xin nói cho chính xác, họ bán hộ chiếu cho dân chứ làm gì có chuyện cấp mà báo chí cứ nói thành cấp hộ chiếu). Đâm lao theo lao kiểu này, chỉ khổ dân chứ các ông bà ấy có mất gì.

 

Đã bảo gác, thế mà vẫn bức xúc kéo thêm một đoạn. Giờ kể chuyện bản lý lịch với mẫu khai báo lừng danh một thời, làm khổ biết bao nhiêu người.

 

Trong chính thể này, làm gì đi đâu cũng phải khai lý lịch. Có thứ lý lịch rườm rà chi tiết bắt kể tới đời cụ tổ, có thứ gọn gàng vắn tắt hơn gọi là lý lịch trích ngang nhưng cũng hết sức nhiêu khê. Nhà cai trị bắt người khai phải “tôi xin cam đoan những điều khai trên là đúng sự thật, có gì sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Bút sa gà chết, đã thành thật và sợ sệt khai vào lý lịch rồi, giấy trắng mực đen, nhà chức việc căn vào đó để hành hạ đương sự. Thứ chủ nghĩa lý lịch man rợ đã mấy chục năm hoành hành, đẩy con người, nhất là những người trẻ, người có tài vào ngõ cụt, bế tắc, cùng quẫn. Nó là một trong những tội ác mà người cộng sản gây ra, duy trì ở xứ này.

 

Lứa chúng tôi, thời còn bé đi học không phải khai báo gì, nhưng nhớn lên, đứa nào muốn đi thoát ly (hồi ấy rời quê nông thôn, đi học đi làm việc phi nông nghiệp gọi là thoát ly) phải khai báo lý lịch. Mẫu lý lịch được nhà nước soạn thảo, quy định, ban hành thống nhất cả miền Bắc. Chỉ cần khai mục thành phần gia đình là phú nông, địa chủ, có người đi lính cho Pháp, người làm việc cho chính quyền cũ, kể như xong đời. Một chế độ chỉ coi trọng thành phần cố nông, bần nông, trung nông lớp dưới thì địa chủ, cường hào là vết nhơ, phải trị cho bằng được, dí tới đời con đời cháu. Chỗ của đám ấy không phải là trường đại học, cơ quan nhà nước, mà là vùng khai hoang phục hóa nơi biên giới, trong rừng sâu núi thẳm, và chiến trường. Ông anh rể tôi, vướng tí lý lịch địa chủ, dù thông minh giỏi giang, cả đời vẫn không ngóc lên được, ngôi thứ cao nhất sau cuộc phấn đấu không mệt mỏi là công nhân cầu đường. Như thế vẫn còn may, được thoát ly, chứ có những người học cấp 3 giỏi nổi tiếng, lừng lẫy cả vùng, cũng chỉ cắm mặt xuống ruộng, bởi bị phê “lý lịch xấu, không giải quyết cho đi đâu”. Trong đời, tôi đã biết vài trường hợp như vậy.

 

Những tưởng cái chủ nghĩa lý lịch tai quái ác độc bất nhân đó chỉ diễn ra ở miền Bắc, ai dè sau khi dùng vũ lực thống nhất đất nước, chính quyền cộng sản lôi luôn vào áp dụng trong Nam. Nó như con hổ dữ được thả vào rừng có nhiều mồi ngon. Miền Nam sau 1975 thiếu hàng hóa vật chất, thiếu quyền tự do, nhưng quá sẵn đối tượng “ngụy quân, ngụy quyền”. Chưa khi nào chủ nghĩa lý lịch có đất sống màu mỡ như thời ấy. Chắc nhiều người còn nhớ vụ báo Thanh Niên năm 1986 bênh vực anh học trò Nguyễn Mạnh Huy người miền Trung, Quảng Ngãi thì phải. Dù học cực giỏi, thi đại học 3 lần, lần nào cũng điểm rất cao, chính quyền địa phương vẫn quyết không cho Huy vào đại học chỉ bởi ba của cậu từng đi lính “ngụy” chết trận. Mục khai trong lý lịch “gia đình có ai làm gì cho ta và địch” bắt Huy phải khai báo trung thực, và đó thành bản án tự tuyên kết liễu sự nghiệp một con người. Miền Nam sau 1975 có hàng triệu Mạnh Huy như vậy. Điều may mắn cho cá nhân học sinh Huy, nhờ báo Thanh Niên kiên trì và kiên quyết tấn công vào chủ nghĩa lý lịch, vào những đề mục rất bất nhân trong bản khai, cuối cùng anh ấy cũng được tới trường. (còn tiếp)

 

Nguyễn Thông


.

45 BÌNH LUẬN   

 

 

                                                                      ***

 

Từ cuốn hộ chiếu thiếu mục nơi sinh, nghĩ tới tờ lý lịch và cái giấy căn cước (kỳ 3)

Nguyễn Thông (Nguyễn Thông Cào)

30-7-2022  20:23  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0s3U1bpUXR2BLSAG3no8mcQ73zxpKNVA5N6jGWNb7kHnkNP4bxWp6R6LUcgwWUd93l&id=100024722048900

  · 

Lại nói chuyện tờ khai sơ yếu lý lịch. Đúng là chỉ có thứ chủ nghĩa lý lịch man rợ mới có thể gây ra những chuyện dở khóc dở cười bởi những yêu cầu cực kỳ vô lý của nó.

 

Tháng 9 năm 1987, nhờ sự giới thiệu có trọng lượng của một vị phụ huynh, tôi tới trường mẫu giáo - trường mầm non 26 xin cho cu con vào đó. Nhỏ vào nhà trẻ, nhớn lên mẫu giáo. Cu cậu đã hơn 3 tuổi, “tốt nghiệp” nhà trẻ hệ mầm chồi lá, giờ phải tiếp tục vào trường mẫu giáo. Trường mầm non 26 là trường điểm của quận 5 (Sài Gòn), cơ ngơi rộng rãi bề thế trên đường Lý Thường Kiệt, bây giờ là Bệnh viện phụ sản Hùng Vương mở rộng.

 

Cô hiệu phó, xinh lắm, đón tôi và trấn an anh cứ yên tâm, cháu tuy khác tuyến nhưng chúng em đã đưa vào danh sách rồi, cảm phiền anh khai cho cháu cái sơ yếu lý lịch để chúng em làm hồ sơ. Gì chứ, việc này quá dễ, tôi tự nhủ. Cầm cái giấy lý lịch in sẵn đọc lướt qua mới thấy không đơn giản tí nào. Tôi bần thần hỏi cô giáo, mục này, mục này, mục này… cũng phải khai sao cô. Cô gật, khai tất anh ạ, chỗ nào không có gì để khai thì cứ gạch chéo, đừng bỏ trống, quy định là vậy.

 

Trời ạ, tôi cắm cúi biên cho cu con mới hơn 3 tuổi của tôi các gạch đầu dòng: Bí danh - không; ngày vào đoàn, ngày vào đảng - không; trước năm 1975 làm gì, ở đâu - không; có tham gia đảng phái - không; có làm gì cho ta hoặc địch, gây tội ác - không; khen thưởng, kỷ luật - không, v.v.. Giời ạ, giờ đương sự vẫn đang ỉa đùn thì làm sao tham gia vào được những thứ xảy ra đã hơn chục năm trước. Nhưng mẫu sơ yếu lý lịch bắt buộc vậy, không thể không khai. Lại còn phải cam đoan tất cả những điều khai trên hoàn toàn đúng sự thật, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm. Xong, ký tên. Tôi đùa hỏi cô xinh, vậy tôi ký hay cháu ký, nó chưa biết chữ, chắc phải điểm chỉ. Cô cười, anh ký đi. Hôm sau, thằng con tôi thành học viên chính thức của trường mầm non 26 nổi tiếng. Giờ nhớ lại thấy vừa buồn cười vừa chua chát. Chúng ta đã từng sống với một bộ máy đầy những sự vô lý như vậy. Không cưỡng lại được. Chỉ cần anh có lý, nó sẽ gạt anh ra khỏi guồng của nó ngay. Độc tài, phát xít cũng phải gọi nó bằng cụ.

 

Giờ nói về cái giấy tùy thân. Những ai hay ra nước ngoài, thích đi nước ngoài thì mới cần tấm hộ chiếu, nhưng thẻ căn cước bất cứ ai cũng phải có. Thế mới gọi là tùy thân. Tùy nghĩa là theo, đi theo; phu xướng phụ tùy, chồng nói gì vợ tuân theo thế; thân là cơ thể con người. Tùy thân để chỉ thứ đồ vật luôn phải mang theo người. Giấy/thẻ căn cước còn có tên chứng minh thư, một thứ văn bản để chứng minh về bản thân mình. Mang thẻ căn cước theo người để khi cần thì chứng minh cho người ta biết mình là ai, tuổi tác, quê quán, nhận dạng… Dù là quan hay dân, cái thẻ/giấy ấy đều là căn cước.

 

Thế rồi, chả biết từ bao giờ, những nhà chức việc hay chữ, cuồng chữ, khoe chữ ở xứ này đổi tên tấm giấy thông hành căn cước vốn đã đầy đủ, rõ nghĩa, gọn gàng. Như các cụ bảo “dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”, quả vậy. Họ gọi nó là Chứng minh nhân dân. Giời ạ, cái hội chứng “nhân dân” ta từng thấy ở quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, nhà hát, hiệu sách, thứ gì cũng phải kèm đuôi “nhân dân”, leo vào cả thẻ căn cước. Tất cả những người trên nước Việt đều là dân nước Việt, nhưng nhân dân thì chỉ nhằm tới đối tượng đông đảo nhất thôi. Tách khỏi nhân dân là cán bộ, là đám lãnh đạo, xã hội xưa nay mặc nhiên hiểu vậy. Thời cộng sản, sự phân định càng rõ. Thế nên các quan mới khuyên nhau phải đi vào quần chúng nhân dân (mới sinh ra chuyện tiếu lâm đi sâu vào quần… chúng, nắm chắc hai điểm trên, nhấn sâu vào điểm dưới), sâu sát nhân dân, nắm được tâm tư nguyện vọng nhân dân. Vậy nhưng thẻ căn cước của quan-cán bộ cũng là chứng minh nhân dân thì rất vớ vẩn.

 

Dùng cái tên sai đó mãi cũng chán, các ông bà chức việc bới việc lại đổi tiếp Chứng minh nhân dân thành Căn cước công dân. Tới cái tên này thì chán ặt. Rất nhố nhăng, tùy tiện. Xin hỏi các ông bà, thẻ căn cước không cấp cho người, cho công dân, chả nhẽ cấp cho gà lợn trâu bò? Chỉ có cái tên chuẩn xác mà cũng không biết đặt, còn làm được trò gì. Tôi đề nghị, sắp tới thẻ chứng minh nhân dân bỏ hẳn nên không cần bàn nữa, nhưng thứ mà các ngài gọi là Căn cước công dân ấy phải đổi lại tên, kẻo trâu bò chúng tị nạnh. Chỉ cần đặt ngắn gọn, chính xác là “Thẻ căn cước”, không cần rườm rà nhân dân, công dân gì sất. Chối lắm. Dù chủ tịch nước hay anh chạy xe ôm đều bình đẳng, giống nhau ở cái giấy tùy thân này, bởi đều là người cả.

 

Điều đáng nói, sau gần nửa thế kỷ, với bao nhiêu cải tiến cải lùi, rồi sẽ tới lúc tấm thẻ tùy thân lại phải trở về với cái tên chuẩn “Thẻ căn cước” như chính quyền Việt Nam cộng hòa trước năm 1975 đã mần.

 

Nguyễn Thông

 

Ảnh: Một tấm thẻ căn cước thời Việt Nam cộng hòa (Nguồn: Internet)

https://www.facebook.com/photo?fbid=1244022066431850&set=a.133382914162443

 

 

37 BÌNH LUẬN   





No comments:

Post a Comment