Friday, July 29, 2022

HƠN 40 NĂM 'SỐNG TẠM' TRONG LĂNG VUA NHÀ NGUYỄN (Phạm Bá / Saigon Nhỏ)

 



Hơn 40 năm ‘sống tạm’ trong lăng Vua nhà Nguyễn

Phạm Bá  -  Saigon Nhỏ
29 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/hon-40-nam-song-tam-trong-lang-vua-nha-nguyen/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/Tin-5-29.7-1024x628.jpg

Ảnh: vnexpress

 

31 gia đình từng là cán bộ Ty Công nghiệp cũ (nay được gọi là Sở Công thương) vẫn đang sống trong những căn nhà tạm bợ ở khuôn viên lăng vua Dục Đức (người kế vị vua Tự Đức).

 

Sáng nào ông Hà Thái Sinh, 70 tuổi, sau buổi trà sớm lại ra chăm giàn mướp ở góc khuôn viên lăng vua Dục Đức trên đường Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế. Hơn 40 năm sinh sống tạm bợ trong khuôn viên lăng vua, ông thường trồng dưa cà, bầu, bí, mướp… để dùng.

 

Ông Sinh từng là cán bộ Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên cũ (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trước đây). Năm 1979, ông và nhiều cán bộ được cấp nhà tập thể trong khuôn viên lăng. Căn nhà rộng hơn 30 m2, nằm phía sau chánh điện thờ vua Dục Đức, là nơi ba thế hệ với chín thành viên gia đình ông sinh sống.

 

Nhà lợp mái tôn, quây thêm các tấm xi măng, mùa mưa thì dột, mùa nắng nóng bức. Khuôn viên lăng nhếch nhác với những nhà xưởng cũ bỏ hoang, những bức tường có nguy cơ đổ sập. Tuy nhiên, ông Sinh cũng như nhiều hộ dân không thể cơi nới, sửa sang kể từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993.

 

“Xưa đất nước khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nên chúng tôi mới vào khuôn lăng vua ở theo sự sắp xếp của cơ quan. Mong muốn của tôi và các gia đình ở đây là sớm được tái định cư ở nơi mới để trả lại đất cho di tích”, ông Sinh nói.

 

Chung vách với nhà ông Sinh là căn hộ khoảng 30 m2 của ông Hoàng Văn Phỉ, 74 tuổi, cán bộ của Ty Công nghiệp tỉnh Bình Trị Thiên xưa. Hơn 40 năm trước, ông Phỉ cũng được cấp căn hộ tập thể này.

 

“Thấy các hộ dân ở Thượng Thành được di dời ra khu vực Hương Sơ tái định cư, chúng tôi thấy chạnh lòng và nghĩ khi nào mới đến lượt mình. Chúng tôi đã chán cảnh sống tạm bợ trong khuôn viên lăng vua”, ông Phỉ nói.

 

An Lăng là nơi an táng vua Dục Đức và hai vua Thành Thái, Duy Tân. Quần thể này rộng gần 6 ha, ngoài lăng vua và hoàng hậu còn có 42 mộ xây của các ông hoàng bà chúa, cùng 121 ngôi mộ đất của cháu chắt vua Nguyễn.

 

Theo UBND phường An Cựu, khuôn viên lăng vua Dục Đức hiện có 31 hộ dân sinh sống với hơn 100 nhân khẩu. Chủ hộ đa số là cán bộ về hưu của tỉnh Bình Trị Thiên cũ, nhiều hộ sống ở lăng hơn 40 năm.

 

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đố Huế, cho biết do lịch sử để lại nên nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích lăng vua Dục Đức. Đơn vị đang thống kê, đề xuất giải pháp di dời người dân khỏi di tích.

 

Tuy nhiên, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch TP Huế, cho biết hiện mới di dời người dân ở di tích Thượng Thành, chưa có kế hoạch với các hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên lăng vua Dục Đức.

 

Không biết đến khi nào 31 hộ dân khốn khổ này mới được an cư để còn lạc nghiêp. Mà sinh sống trên đất mộ phần của vua chúa cũng là bất đắc dĩ mà thôi, vì đó là sự xúc phạm đến tiên tổ…





No comments:

Post a Comment