Wednesday, July 6, 2022

CÔNG DÂN UKRAINA, MARYNA VIAZOVSKA, PHỤ NỮ THỨ HAI ĐOẠT GIẢI FIELDS TOÁN HỌC (Trọng Thành / RFI)

 



Công dân Ukraina Maryna Viazovska, phụ nữ thứ hai đoạt giải Fields toán học

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 05/07/2022 - 15:22

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220705-ukraina-maryna-viazovska-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-th%E1%BB%A9-hai-fields

 

Giải thưởng Fields về toán học – thường được gọi là ‘‘Nobel Toán học’’ – bốn năm một lần được công bố hôm nay, 05/07/2022 tại Helsinki, Phần Lan. Đây là lần thứ hai có một phụ nữ được trao giải này.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/ddbd186e-fc61-11ec-a12d-005056a90284/w:1024/p:16x9/2022-07-05T114426Z_2022577249_RC2M5V9L5D6V_RTRMADP_3_FINLAND-ICM.webp

Maryna Viazovska tại Helsinki, Phần Lan ngày 05/07/2022. via REUTERS - LEHTIKUVA

 

Bà Maryna Viazovska, 37 tuổi, sinh tại Ukraina, thời Liên Xô, dạy học tại Đại học Bách Khoa Lausanne Thụy Sĩ từ năm 2017, là người phụ nữ thứ hai đoạt giải thưởng khoa học này trong vòng 80 năm giải tồn tại.  

 

Giải thưởng được trao cho nữ khoa học gia Ukraina để vinh danh việc bà đã giải quyết được bài toán gọi là ‘‘vấn đề xếp chồng nhỏ gọn’’ trong không gian 8 chiều. Bài toán thường được gọi là ‘‘bài toán người buôn cam’’, đã là vấn đề thách thức nhiều thế hệ các nhà toán học kể từ thế kỷ 16. Bài toán ‘‘xếp chồng nhỏ gọn’’ trở nên phức tạp bội phần khi đi vào các không gian toán học nhiều chiều hơn không gian ba chiều thông thường. Sắp xếp được tối đa trong một không gian hẹp là thách thức của bài toán.  

 

Cùng với bà Viazovska, nhà toán học Pháp Hugo Duminil-Copin, 36 tuổi, được trao giải vì công trình nghiên cứu trong lĩnh vực ‘‘vật lý thống kê’’. Ông Hugo Duminil-Copin được bổ nhiệm giáo sư trong lĩnh vực toán xác suất vào năm 29 tuổi. Nhà toán học Pháp làm việc tại Institut des Hautes Etudes Scientifiques, gần Paris, và Đại học Genève, Thụy Sĩ. 

 

Hai người đoạt giải khác là nhà toán học June Huh, 39 tuổi, công dân Mỹ gốc Hàn Quốc, và nhà toán học Anh James Maynard, 35 tuổi. Giải thưởng Fields của Liên minh Toán học quốc tế được trao tặng cho các nhà toán học dưới 40 tuổi, có các phát hiện được đánh giá là ‘‘phi thường’’.  

 

------------------------------

NỘI DUNG LIÊN QUAN

Nhà toán học nữ Châu Á đầu tiên nhận giải thưởng Fields

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày13/08/2014 - 12:21

https://www.rfi.fr/vi/chau-a/20140813-nha-toan-hoc-nu-chau-a-dau-tien-nhan-giai-thuong-fields

 

Bà Maryam Mirzakhani là người phụ nữ gốc Á đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng toán học danh giá Fields. Giải thưởng được khởi xướng từ năm 1936 vẫn được coi như là « giải Nobel toán học », được trao 4 năm một lần cho những nhà toán học ở độ tuổi dưới 40 có những công trình nghiên cứu lớn và những phát hiện quan trọng trong lĩnh vực toán học.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a737ff30-1144-11ea-971a-005056bf7c53/w:1024/p:16x9/Maryam-Mirzakhani_0.webp

Bà Maryam Mirzakhani, nữ toán học gia đầu tiên đoạt giải Fields Ảnh Courtesy / Stanford University

 

Bốn năm sau hai nhà toán học Ngô Bảo Châu và Cédric Villani, năm nay nước Pháp lại có thêm nhà toán học nữa được nhận giải thưởng cao quý. Lễ trao giải diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc ngày hôm nay. Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul tường trình :

 

Tại Seoul, bà Maryam Mirzakhani, 37 tuổi, người Iran, Giáo sư tại Đại học Mỹ Stanford, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng toán học Fields.

 

Bà là chuyên gia về hình học và các mặt phẳng dị dạng. Bà đã phát hiện phương pháp mới để tính toán thể tích các vật thể trừu tượng có các mặt cong hyperbol, hình yên ngựa. Công trình nghiên cứu của bà, chủ yếu về lý thuyết, có thể được áp dụng vào các lĩnh vực vật lý và thuyết lượng tử.

 

Trong lễ trao giải lần này tại Seoul, một nhà toán học người Pháp gốc Brazil cũng được nhận giải thưởng cao quý Fields. Đó là ông Arthur Avila, 35 tuổi, Giám đốc khoa học Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) được trao giải vì các công trình phân tích hệ thống động lực. Như vậy ông cũng là nhà toán học gốc Nam Mỹ đầu tiên được trao giải « Nobel toán học ».

 

Với phần thưởng mới này, Pháp cùng với Hoa Kỳ là hai quốc gia có nhiều giải thưởng toán học nhất với số lượng 12 giải mỗi nước.

 





No comments:

Post a Comment