Tuesday, June 21, 2022

TỪ TRƯỚC KHI "BÁO CHÍ CÁCH MẠNG" KHỞI SINH, SÀI GÒN ĐÃ CÓ MỘT LÀNG BÁO CHÍNH TRỊ SÔI ĐỘNG (Hiền Minh / Luật Khoa)

 



 

Từ trước khi “báo chí cách mạng” khởi sinh, Sài Gòn đã có một làng báo chính trị sôi động

HIỀN MINH

21/06/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/06/tu-truoc-khi-bao-chi-cach-mang-khoi-sinh-sai-gon-da-co-mot-lang-bao-chinh-tri-soi-dong/

 

Giới thiệu một biên niên sử có một không hai về báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 20.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/483902480239432-1-1024x576.png

Ảnh sách: DienDan.org. Ảnh nền: Flickr/ Chưa rõ nguồn

 

Bạn có thể thấy xa lạ với khái niệm “báo chí cách mạng”, nhưng nếu ai đó dùng từ “làng báo”, hẳn là bạn sẽ thấy rất quen.

 

Tính đến ngày 21/6/1925, khi Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tờ báo Thanh Niên ở Quảng Châu, Trung Quốc (sau này được chọn làm ngày kỷ niệm duy nhất của báo chí Việt Nam), ở Sài Gòn đã có một làng báo chính trị hoạt động sôi nổi với hàng chục tờ báo lớn nhỏ khác nhau.

 

Khi báo Thanh Niên vẫn còn được viết bằng bút sắt trên giấy sáp, [1] phát hành vài trăm bản một tuần, các tờ báo có tên tuổi như Đông Pháp Thời Báo được in một tuần ba kỳ trên khổ lớn bốn trang. Mỗi kỳ khoảng 3.000 bản.

 

Tôi không đặt ra những so sánh này nhằm xúc phạm hay cười cợt nền báo chí cách mạng vốn có sứ mệnh riêng và vận hành trong sự thiếu thốn đặc thù của nó. Điều tôi muốn nói là việc chúng ta vẫn hàng năm nói về báo chí Việt Nam như thể không hề có một nền báo chí chính trị đã ra đời và phát triển mạnh mẽ từ trước đó ở Sài Gòn là một thiếu sót nghiêm trọng.

 

Rất may cho chúng ta là có người đã ghi chép lại thời kỳ ngắn ngủi mà sôi động có một không hai này. Ông là Philippe M. F. Peycam, một học giả người Pháp. Cuốn sách mà tôi muốn nhắc đến là “The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930“, được Nhà xuất bản Đại học Columbia ấn hành tháng 5/2012. Một điều rất may khác nữa là cuốn sách quý giá này đã được dịch sang tiếng Việt, dưới tên gọi “Làng báo Sài Gòn, 1916-1930” (Trần Đức Tài dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2015).

 

“Sài Gòn vào những năm 1920 là trung tâm tranh luận chống thực dân công khai ở Việt Nam và không khí ấy đầy kích thích.” (Peycam, 2012, bản dịch của Trần Đức Tài).

 

Với sự nới lỏng kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, một lực lượng đối lập đã hình thành vào thời gian này. Họ là những trí thức thuộc nhóm đặc quyền trong xã hội, có tư tưởng chính trị cấp tiến, quan tâm đến đất nước, và dùng báo chí để bày tỏ quan điểm của mình. Cùng với họ, một nền báo chí chính trị sôi động được sinh ra trong một môi trường công khai chỉ có thể hình thành ở một đô thị đặc thù như Sài Gòn.

 

Có thể kể đến những cái tên mà lịch sử không thể quên như Đông Pháp Thời Báo, Nam Kỳ Kinh Tế Báo, Công Luận Báo, Đuốc Nhà Nam và nhiều tờ báo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp khác, đi liền với những nhân vật kiệt xuất như Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ. Chính thời đại này đã định hình cái gọi là một nền báo chí chuyên nghiệp tại Việt Nam, nơi không chỉ nội dung mà cả mô hình tòa soạn, cách thức kinh doanh cũng liên tục được đổi mới để tiếp cận độc giả, trong một không khí cạnh tranh sôi động.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/06/dong-phap-thoi-bao-indochina-times-1024x576.jpg

Đông Pháp Thời Báo, số ra ngày 29/3/1926. Ảnh: trinhnhattuan.com.

 

Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sự sinh sôi của báo chí dành cho người Việt vào thời gian này rất mạnh mẽ. “Không một tuần lễ nào trôi qua mà lại không có một đầu báo mới ra đời ở Hà Nội hay Sài Gòn.” [2] Và họ tranh biện về đủ mọi điều, từ giá cà phê bỗng tăng lên một xu, sự bành trướng của các doanh nghiệp Hoa Kiều, đến tình trạng độc quyền Cảng Sài Gòn của chính quyền thực dân. Họ đề xuất những đường lối khai phóng dân tộc. Họ công khai thách thức nhà cầm quyền bằng những tờ báo của mình.

 

Dù không hề là một nền báo chí toàn bích (tất nhiên, dưới ách đô hộ của thực dân), cái không khí kích thích của môi trường tranh biện từ 100 năm trước khiến tôi… chỉ biết ước. Nếu bạn muốn tìm một chút niềm cảm hứng về nghề báo, thứ bạn cần đọc có lẽ là cuốn sách này.

 

“Làng báo Sài Gòn 1916-1930” bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của Philippe M. F. Peycam. Nó được đánh giá là một “biên niên sử báo chí thực sự công phu, chi tiết và hấp dẫn” và là một “đóng góp độc đáo” vào lịch sử Việt Nam đương đại. Peycam nghiên cứu và viết luận án này trong suốt bảy năm, trong đó có bốn năm ở Việt Nam. Ông tiếp cận với một lượng đồ sộ những tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp trước đó chưa ai đụng tới, và điều này làm nên giá trị đặc biệt của công trình. Với tôi, sự đặc biệt còn nằm ở chỗ sách được viết rất hay. Tôi chưa từng biết một biên niên sử, lại là một luận án tiến sĩ nào hấp dẫn đến nhường ấy.

 

Bản dịch tiếng Việt của Trần Đức Tài cũng cực kỳ trôi chảy. Danh tiếng của dịch giả này đã được xác lập trong các cuốn sách khác trước đây, và ông không làm độc giả thất vọng. Chỉ có một điều đáng tiếc lớn không thể không nhắc đến là để sách được ra đời, nhà xuất bản đã phải cắt đi ba đoạn ở phần kết luận. Những đoạn này liên quan đến hành xử của Việt Minh sau 1945 với các nhà hoạt động ở miền Nam, đến thái độ của chính quyền Hà Nội với báo chí sau 1975, và đoạn kết nói về tính cấp thiết của việc chất vấn cách nhìn lịch sử “nhất nguyên, đơn điệu, và thiếu tính phân tích”. (Nhà nghiên cứu Hà Dương Tường đã diễn giải và dịch lại những đoạn này trong một bài giới thiệu của ông. [3])

 

Kiểm duyệt rõ ràng là một chuyện xấu xí, nhưng từ góc độ độc giả, tôi trân trọng nỗ lực của những người đã giúp bản tiếng Việt được ra đời, và đặc biệt hơn, đã chú thích cẩn thận những chỗ mà họ đã cắt, ba lần, rằng “Nhà xuất bản có cắt một đoạn”. Tôi nhìn thấy trong đó tinh thần phản kháng của làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ 20.

 

 

Bạn có thể mua cuốn sách bản tiếng Anh tại đây và bản tiếng Việt tại đây. Luật Khoa được hưởng chiết khấu từ Amazon cho bản tiếng Anh.

 

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

 

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

 

-------------------------------------------------------------------------------------------

 

CHÚ THÍCH

 

1.  Hữu Giới. (2020, June 20). Khởi nguồn của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Lao Động. https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khoi-nguon-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-813585.ldo

 

2.  Làng báo Sài Gòn 1916-1930, Philippe M. F. Peycam, Trần Đức Tài dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2015.3.  Hà Dương Tường. Làng báo Sài Gòn 1916–1930. Ired.edu.vn. https://ired.edu.vn/vn/tu-lieu-giao-duc/DocTin/1195/lang-bao-sai-gon-1916-1930

 

.

============================================================

.

.

Có một nền báo chí sơ sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nguyễn Khắc Mai

Posted on 20/06/2022 by Boxit VN

https://boxitvn.online/?p=80469

 

Chiều 18/6/2022 tại Viện Think Tank Hà nội, Trung tâm Minh triết đã tổ chức cuộc Tọa đàm, chủ đề “Có một nền báo chí sơ sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” Các quý ông sau đây đã phát biểu ý kiến: Nguyễn Khắc Mai, Nhật Hoa Khanh, Dương Trung Quốc, Điện Biên (Trưởng nam Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nhà văn Xuân Tửu, Lại Nguyên Ân, Hà Chính (con nhà thơ, nhà báo Hồ Dzếnh), nhà báo Nguyễn Đức Trọng (Đài truyền hình), Tiến sĩ Đào Tiến Thi.

 

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Khắc Mai trình bày.

 

A – Diện mạo của nền báo chí thời ấy

 

- Trong khoảng thời gian bốn tháng từ cuối tháng 9/45 đến đầu tháng 12/45, theo thống kê trên một số trang Công báo của Chính phủ VNDCCH, thì đã ra 59* tờ báo hàng ngày, bán tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san của đoàn thể chính trị, đoàn thể văn hóa xã hội và của tư nhân ở nhiều lãnh vực: văn hóa, chính trị, khoa học kỹ thuật nghề nghiệp…

 

- Điểm qua danh sách các tờ báo:

 

Ngày 20-9-1945, Nghị định của Bộ Nội vụ cho phép ông Nguyễn Đình Thi xuất bản tại Hà nội một tờ báo lấy tên La Republique bằng tiếng Pháp, bản tiếng Anh tên The Republic.

 

Ngày 2-10-1945 cho phép các Ông:

1 Nguyễn Văn Phú xuất bản tại Hà Nội tờ báo hàng ngày tên Dân thanh.

2 Mai Văn Hoan xuất bản tại Hà Nội tờ báo hàng ngày tên Dân quốc.

3 Ngô Xuân Đan xuất bản tại Hà Nội tờ hàng ngày tên Cứu quốc.

4 Trần Khánh Giư (khái Hưng) tại Hà Nội tờ hàng ngày tên Tự do.

5 Trần Văn Căn tại Hà Nội xuất bản tờ Tân thế kỷ.

6 Trương Tửu, tại Hà Nội tờ tuần báo tên Văn mới..

7 Lê Văn Trương, một tuần hai kỳ tên Việt Nam hồn.

8 Đặng Minh Phụng, mỗi tuần hai kỳ tên Cộng hòa.

9 Lê Văn Thanh tuần hai kỳ tờ Dân quyền.

10 Nguyễn An Châu tuần hai kỳ tờ Hồn nước.

11 Hoàng Cừ tờ tuần báo tên Thông tin.

12 Dương Văn Mân tờ hàng tuần tên Dân sinh.

13 Nguyễn Tường Phượng tờ hàng tuần tên Tri tân.

14 Từ Giấy tờ hàng tuần tên Văn hóa.

15 Bà Nguyễn Thị Lý tờ hàng tuần tên Bạn gái.

16 Trần Độ tờ hàng tuần tên Quân Giải phóng.

17 Ngô Gia Trúc tờ tuần báo tên Thiếu sinh

18 Đào Văn Ngọc tờ tuần báo tên Sinh linh.

19 Trương Văn Minh tờ hàng tuần tên Tương lai.

20 Nguyễn Đức Thuyết tờ tuần báo tên Vì nước.

21 Nguyễn Đức Mưu tuần báo tên Thống nhất.

22 Bộ Quốc gia giáo dục tờ nguyệt san tên Giáo dục tân san.

23 Tổng Ủy viên Hướng đạo tờ nguyệt san Hướng đạo thăng tiến.

24 Hồ Văn Cẩm tờ nguyệt san Người săn bắn

 

Ngày 12-10-1945:

25 Bà Ngô Thị Thoa tờ hàng ngày tên Quốc gia.

26 Nguyễn Quang Uẩn tờ tuần báo tên Ý dân.

27 Nguyễn Thanh Lê tuần hai kỳ tên Độc lập.

28 Nguyễn Văn Luân tuần báo Thời mới.

29 Ban chấp hành Ủy ban Phụ nữ Cứu quốc đoàn tờ tuần báo tên Gái nước Nam.

31 Phạm Đình Khiêm tờ nguyệt san Thanh niên.

 

Ngày 16-10-1945:

32 Nguyễn Trọng Trạc tờ hàng ngày tên Việt Nam.

33 Nguyễn Xuân Sanh tờ Gió mới tuần hai kỳ.

34 Nguyễn Xuân Sâm tờ tuần báo tên Kinh tế.

35 Hồ Linh Mục tại Hải Phòng, tuần báo Kiến quốc.

36 Bùi Văn Viễn tại Hải Phòng tờ hàng tuần tên Dân nguyện.

37 Tạ Hữu Thiên tại Hà nội tờ hàng tuần tên Kịch ảnh.

38 Trần Quang Trung, Hà Nội, tờ Lao động hàng tuần.

39 Nguyễn Tố, hàng tuần tên Tiến hóa.

40 Bà Nguyễn Thị Oanh tờ Việt nữ hàng tuần.

 

Ngày 22-10-45:

41 Ông Jean Saumont Hà Nội tờ L’Entente (Đồng thuận) bằng tiếng Pháp hàng ngày.

 

Ngày 25-10-1045:

42 Ông Phan Văn Truật tại Nam định tờ hàng ngày tên Nam tiến.

 

Ngày 31-10-1945:

43 Hội Việt-Mỹ thân hữu tờ bán nguyệt san tên Việt Mỹ tạp chí bằng hai thứ tiếng Việt và Mỹ. Tên tiếng Mỹ V.A.F.A Review.

Cho phép tờ Việt Nam ra hàng ngày.

Cho phép tờ Hướng đạo thăng tiến ra hàng tuần.

Cho đổi tên Gái nước Nam thành Tiếng gọi Phụ nữ.

 

Ngày 3-11-1045:

Bổ chính nghị định ngày 12-10-1945 cho phép Ông Phạm Đình Khiêm xuất bản tờ Thanh niên.

 

Ngày 16-11-1945:

44 Ban Văn hóa Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Đông ra tờ Sông Nhuệ.

 

Ngày 17-11-1945:

45 Ông F.De Follak tại Hà Nội tờ hàng ngày tiếng Việt, Pháp tên Hanoi Tribune.

 

Ngày 24-11-1945

46 Nhà chung Bùi Chu ra tờ Đa Minh bán nguyệt san.

 

Ngày 3-12-1945:

47 Trần Tử Anh ra tuần báo tiếng Anh Việt Nam.

48 Lê Hữu Kiều tại Hà Nội tờ Sự thật tuần hai kỳ.

 

Ngày 4-12-1945:

49 Hoàng Văn Đức Hà Nội tuần báo Tấc đất.

 

Ngày 6-12-1045

50 Chánh hội trưởng Đông Dương liên hữu ra tờ nguyệt san kỷ yếu Đông Dương liên hữu tương tế.

 

Ngày 7-12-1045:.

51 Đoàn Phú Tứ tờ Nói thẳng tuần hai kỳ

52 Lê Văn Hòe, tờ tuần báo Công dân.

53 Trịnh Văn Hoàng tại Nam Định tờ hàng ngày Nói thật.

 

Ngày 10-12 45:

Tờ Việt Nam được xuất bản hàng ngày.

54 Nguyễn Văn Giệp xuất bản tờ nguyệt san Khuyến nhạc.

 

Ngày 12-12-45:

55 Lê Tung Sơn tuần hai kỳ tờ Đồng minh.

 

Ngày13-12-45:

57 Nguyễn Gia Vy Hà Nội tờ Đời mới hàng ngày.

58 Hà Triệu Anh-Hồ Dzếnh, hàng ngày, hàng tháng tờ Nam Hoa bằng hai thứ tiếng Hoa Việt.

 

Ngày 19-12-45:

58 Hoàng Liên Lộc Tài, Hải Dương tuần báo Bạn quê.

59 Trần Ngân tại Hà Nội tờ tuần báo Sống.

 

Tổng cộng trong vòng 4 tháng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1945 đã có 59* tờ báo từ hàng ngày đến tuần báo, đến nguyệt san đã được xuất bản. Do lưu trữ quá kém nên ngày nay ta không biết được gì nhiều về nội dung, văn phong, hình thức trình bày cùng diện mạo của chúng. Không tỏ tường diện mạo cùng linh hồn của chúng.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết chắc chắn rằng:

 

Một. Qua tên gọi và qua nhân thân của những Chủ bút, mà ta biết chắc rằng đã có sự phong phú đa dạng màu sắc và khuynh hướng của nền báo chí ấy.

 

Hai. Đã có sự đa dạng thành phần chính trị, xã hội của báo chí thời ấy, có báo đảng, báo nhà nước, báo đoàn thể và báo tư nhân, mà tư nhân chiếm phần quan trọng. Sự tôn trọng báo chí tư nhân đã được thể hiện trong những ngày đầu của VNDCCH. Đáng tiếc truyền thống ấy đã không được giữ gìn trân trọng, đã đánh mất tinh thần và khát vọng “Tiến lên nền dân chủ cộng hòa”, ”Lập quyền dân tiến lên Việt Nam”, mà thế hệ của ngày ấy từng say sưa hát lên (Hai khẩu hiệu văn hóa trong bài hát của Nguyễn Đình Thi và của Văn Cao).

 

B – Lập trường của đảng, vai trò đặc biệt của Võ Nguyên Giáp và của giới trí thức tinh hoa.

 

Sở dĩ có được sự nảy nở, thăng hoa báo chí thời ấy, mà chúng tôi cho là không có tên gọi nào hay hơn là Báo chí xã hội công dân. Bởi đó là một tổng hợp, tổng hòa của những yếu tố chính trị dân chủ, hòa hợp dân tộc, khuynh hướng độc tài toàn trị chưa bị áp đặt vào đảng và vào nhà nước cũng như vào xã hội. Giới tinh hoa của trí thức đã thể hiện một tinh thần tự do, tôn trọng văn hóa, tôn trọng tự do tư tưởng và ngôn luận, đã bắt đầu nảy nở trong xã hội hiện đại, cùng với khát vong phục hưng đất nước theo hướng Cộng Hòa – Dân Chủ một cách mạnh mẽ. Chúng ta chưa bị những bàn tay lông lá khoác dưới những mỹ từ chính trị mỵ dân và lừa đảo nhúng tay áp đặt. Có thể nói là chúng ta hồi ấy chưa đánh mất mình.

 

Sự kiện văn hóa chính trị tiêu biểu của cuộc họp bàn về báo chí Tự do, ngày 19-9-1945 tại Bắc Bộ phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp chủ trì, đánh dấu một tinh thần mới (nhưng đã sớm bị mai một).

 

Theo nhà nghiên cứu Nhật Hoa Khanh trong một bài tường thuật của mình kể lại cuộc đàm đạo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tháng 6 năm 1992 tai T78 (Nhà khách của TW Đảng ở TP HCM), thì Võ Nguyên Giáp lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chủ tọa một cuộc họp bàn về có cho hay không cho tư nhân xuất bản báo chí.

 

Võ nguyên Giáp nói “Hôm ấy, ngày 19-9-1945 tại Bắc Bộ phủ, tôi chủ tọa một cuộc họp bàn về vấn đề tự do báo chí và tự do xuất bản”.

 

Theo VNG cuộc họp ấy có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Tùng và khoảng 20 nhân sĩ trí thức tiêu biểu dự như: Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe, Vũ Trọng Khánh, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Cù Huy Cận, Trương Tửu…

 

Trong hội nghị có ba loại ý kiến.

 

1/ Không cho phép xuất bản báo chí tư nhân, vì sẽ làm phức tạp tình hình CM đang khó khăn.

 

2/ Chỉ cho phép những báo chí về khoa học tự nhiên, kỹ thuật, không cho phép những báo về khoa học xã hội, và xã hội…

 

3/ Phải tin ở nhân dân ở trí thức, phải làm hơn thực dân Pháp (dẫn chứng trường hợp báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng). Thế mới thể hiện bản chất Dân chủ và Cộng hòa…Võ Nguyên Giáp khẳng định “Cuộc tranh luận sôi nổi 19-9-1945 là cuộc giao phong đầu tiên ở nước ta về quyền tự do ngôn luận”.

 

Võ Nguyên Giáp còn kể khi bàn giao Bộ Nội vụ cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng vào tháng 3 năm 1946, Cụ Huỳnh nói: “Vinh dự của người cách mạng là tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện mọi quyền tự do của mình theo Hiến định, có quyền tự do ra báo và quyền tự do lập nhà xuất bản. Vì, thể chế chính trị của nước ta là dân chủ. Vì vậy chúng ta phải dân chủ hơn hẳn thực dân Pháp”. Cử tọa hôm ấy có nhiều phóng viên báo chí đã vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh cụ Huỳnh.

 

C. Vài suy nghĩ ngậm ngùi.

 

Hóa ra đã từng có một nền báo chí tự do sơ sinh VNDCCH. Đáng buồn là chàng thiếu niên tuấn tú đó đã chết yểu khi chưa kịp trưởng thành để làm một người lớn chững chạc và trách nhiệm cho Đời cho Dân và cho chính mình, một nền báo chí xứng đáng của một xã hội văn minh và trưởng thành. Nên câu thơ của Tản Đà: “Dân hai mươi triệu ai người lớn/Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” sẽ còn ám ảnh ta như một định mệnh cay đắng

 

Người xưa nói “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Nên người dân phải chịu trách nhiệm của mình. Nhưng trên hết và trước hết là trách nhiệm của ngững người dân đã nắm lấy quyền mà thiếu trách nhiệm với đất nước với xã hội, đã không “Tạo điều kiện”, như lời cụ Huỳnh để có một nền Báo chí Công dân, mà chính K.Mác cũng như HCM từng ôm ấp, hoài bão. Mác thì cho rằng “ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí”. Còn chúng ta đang làm điều phản lại “Ở đâu có báo chí ở đó có kiểm duyệt báo chí”. Mà Mác cho rằng báo chí bị kiểm duyệt là cái quái thai được văn minh hóa, cái thây ma được tẩm nước hoa.

 

* Ông Đào Tiến Thi phát biểu đã dẫn Lịch sử tập 10, bộ mới xuất bản, rằng đã có 90 tờ báo, tạp chí ra đời đầu VNDCCH, và khẳng định đã có sự tự do báo chí thời ấy!

 

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

 




No comments:

Post a Comment