Wednesday, June 22, 2022

THẢM SÁT TỪ SANDY HOOK TỚI UVALDE CHƯA 'KÍCH ĐỘNG' AI VÌ THIẾU HÌNH ẢNH CỤ THỂ (Vann Phan)

 



Thảm sát từ Sandy Hook tới Uvalde chưa ‘kích động’ ai vì thiếu hình ảnh cụ thể

Vann Phan

June 22, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/tham-sat-tu-sandy-hook-toi-uvalde-chua-kich-dong-ai-vi-thieu-hinh-anh-cu-the/

 

Một bài báo của ký giả Elizabeth Williamson trên tờ The New York Times hôm 30 Tháng Năm, cho rằng những vụ thảm sát từ Sandy Hook tới Uvalde sở dĩ vẫn chưa kích động được lòng người vì thiếu hình ảnh ghê rợn cụ thể cho thấy những cảnh thịt nát, xương tan của các nạn nhân cũng như cảnh máu me vương vãi tại hiện trường.

 

Tác giả viện dẫn lời ông Bruce Shapiro, giám đốc trung tâm Dart Center for Journalism and Trauma tại đại học Columbia University, nói rằng chính nhờ tấm ảnh “Em Bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út, cho thấy hình ảnh ghê rợn của bé gái Kim Phúc sau khi bị trúng bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh, mà thế giới thấy được những tội ác chiến tranh của Mỹ vả đồng minh Nam Việt Nam, để rồi lại tiếp tục biểu tình khắp nơi với mục đích đòi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh đó.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/06/BL-Tham-Sat-Sung-Tai-My-1068x712.jpg

Học sinh trường tiểu học Robb Elementary School mang hình các bạn bị giết chết trong vụ thảm sát làm 21 người thiệt mạng bao gồm 19 học sinh và hai giáo viên. Có người cho rằng hình ảnh này quá “quen thuộc,” không đủ sức thay đổi chính sách về súng tại Mỹ. (Hình minh họa: Patrick Fallon/AFP via Getty Images)

 

Truyền thông dòng chính tại Mỹ, thỉnh thoảng, cũng có phổ biến hình ảnh của những người chết nhằm minh họa cho những ghê rợn của bạo lực, như tấm hình của Lynsey Addario diễn tả một bà mẹ, hai đứa con, và một người bạn của gia đình bị sát hại tại Irpin, Ukraine, hồi Tháng Ba năm nay, hoặc tấm hình chụp thi thể của một bé trai 3 tuổi người Kurd ở Syria tạt vào một bờ biển tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2015.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp vụ nổ súng giết người bừa bãi tại một trường tiểu học ở Uvalde, Texas, các phóng viên ảnh lại không được phép bước vào hiện trường để làm nhiệm vụ, và nhân viên công lực cũng không công bố hình ảnh nào liên quan tới vụ thảm sát những em học sinh và nhân viên nhà trường nơi đây.

 

Phóng viên báo chí chỉ có thể ghi lại những hình ảnh bên ngoài hiện trường, như mấy tấm hình của Pete Luna của tờ Uvalde Leader News mà thôi, mặc dù Luna đã chứng kiến cảnh những em học sinh phải trèo qua cửa sổ để chạy ra khỏi lớp học.

 

Trong vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, cách nay 10 năm, em Noah Pozner, 6 tuổi, học sinh của trường, bị trúng đạn vào lưng, cánh tay, bàn tay và mặt, làm cho cậu bé hầu như mất đi chiếc hàm. Nhìn vào chiếc quan tài bằng gỗ chứa thi hài bé Noah, người ta có thể thấy được một miếng vải trắng được đặt lên đó để che đi sức tàn phá dữ dội trên cái miệng của nạn nhân.

 

Mặc dù những hình ảnh ghê rợn trên thi thể các nạn nhân tại Sandy Hook không được công bố đầy đủ, nhưng sau đó tiểu bang Connecticut cũng đã thông qua một trong những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất tại Mỹ trong việc thủ đắc và sử dụng súng đạn.

 

Nhà làm phim Michael Moore, có lần, đã đề nghị các gia đình nạn nhân tại Sandy Hook hãy cho công bố các bức ảnh gớm ghiếc kia tại hiện trường nhằm thúc giục chính quyền tiểu bang phải có biện pháp ngăn chặn những thảm cảnh như thế tái diễn, nhưng bị từ chối.

 

Đã thế, các gia đình nạn nhân lại còn vận động chính quyền sở tại ban hành luật ngăn không cho công chúng tìm xem những bức hình đó nữa.

 

Về tác dụng tích cực của việc công bố những bức hình liên quan tới bạo lực cho công chúng hay biết, tác giả bài báo viết rằng, tại buổi hội thảo nhan đề “Phô bày hình ảnh cái chết của người da đen” tại đại học Columbia University hồi năm 2020, các nhà hội thảo đã bàn luận về bức ảnh của một người nô lệ mình trần, để lộ những chiếc sẹo gớm ghiếc do những lằn roi của ông chủ quất vào, để rồi đi đến kết luận rằng những hình ảnh đó “là thiết yếu trong việc hình thành phong trào giải phóng nô lệ” tại Mỹ.

 

Tương tự như thế, hồi năm 2020, video qua điện thoại di động quay cảnh một cảnh sát viên ở Minneapolis, Minnesota, quỳ gối chèn cổ của ông George Floyd làm khơi dậy cơn thịnh nộ trên toàn thế giới và dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối dữ dội tại Hoa Kỳ. Vụ này cũng còn khởi động những cuộc bàn luận về chuyện những hình ảnh bạo động chống người da đen lúc nào cũng thấy nhiều hơn so với hình ảnh người da trắng bị bách hại.

 

Tác giả bài báo cũng đề cập tới chuyện một số nhà báo đưa ra đề nghị rằng hãy chỉ nên công bố hình ảnh về hiện trường cuộc bạo động thay vì hình ảnh của các nạn nhân, vì làm như thế sẽ đỡ phải xoáy sâu vào nỗi đau của gia đình nạn nhân hoặc xúc phạm tới đời tư của họ.

 

Hồi năm 2014, sau khi quân Taliban tấn công vào một ngôi trường tại Peshawar ở Pakistan, sát hại 134 học sinh, truyền thông tại quốc gia Tây Á này chỉ cho công bố hình ảnh đẫm máu tại những lớp học mà thôi.

 

Còn một vấn đề khác nữa có liên quan tới việc mua bán và sử dụng rộng rãi loại súng AR-15 có sức sát thương lớn trong các cộng đồng dân cư tại Mỹ. Đây chính là cây súng được hung thủ Salvador Ramos, 18 tuổi, sử dụng trong vụ thảm sát tại trường tiểu học Robb Elementary School ở Uvalde, làm thiệt mạng tất cả 21 người, trong đó có 19 em học sinh và hai giáo viên.

 

Bà Nina Berman, nhiếp ảnh gia hình ảnh tài liệu, nhà làm phim, và giáo sư báo chí tại đại học Columbia University, nói rằng việc trưng bày hình ảnh của cây súng AR-15 sẽ không xúc phạm tới các nạn nhân của nó nhưng lại nói lên được những tác hại của thứ vũ khí sát thương này, là điều vẫn chưa được đề cập tới đầy đủ qua truyền thông.

 

Vị giáo sư nói tiếp: “Hình ảnh những cửa sổ, những bàn học bị vỡ nát cùng cảnh tàn phá thảm hại của căn phòng đều do cây súng dùng để giết người đó gây ra. Và đây chính là chủ đề của cuộc bàn luận chính trị bây giờ. Tại sao chúng ta lại phải tự võ trang bằng cây súng AR-15? Tại sao các chính trị gia của chúng ta cứ nghĩ đó là điều mà Hiến Pháp đã quy định?” (Vann Phan) [đ.d.]





No comments:

Post a Comment