Thursday, June 2, 2022

NGA XÂM LĂNG UKRAINE : ĐÔNG ÂU LÊN TUYẾN TRƯỚC, TÂY ÂU ĐAU ĐẦU TÌM GIẢI PHÁP (RFI)

 




NỘI DUNG :

Chiến tranh Ukraina: Nga siết chặt gọng kềm ở thành phố Severodonetsk

Thanh Phương  -  RFI

.

Nga xâm lăng Ukraina : Đông Âu lên tuyến trước, Tây Âu đau đầu tìm giải pháp

Thụy My  -  RFI

 

====================================================

.

.

Chiến tranh Ukraina: Nga siết chặt gọng kềm ở thành phố Severodonetsk

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 02/06/2022 - 16:00

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220602-ukraina-nga-si%E1%BA%BFt-ch%E1%BA%B7t-severodonetsk

 

Hôm nay, 02/06/2022, quân đội Nga siết chặt thêm gọng kềm lên thành phố Severodonetsk vào lúc cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina bước sang ngày thứ 99 và có thể kéo dài nhiều tháng nữa, theo dự báo của Washington.

 

https://s.rfi.fr/media/display/227ccdb0-e23f-11ec-a171-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/-5819121967125609274_121.webp

Tại một căn cứ tiền phương của trung đoàn Karpatska Sic, quân đội Ukraina. Ảnh chụp ngày 01/06/2022. © Sébastien Németh/RFI

 

Trong một thông cáo của quân đội Ukraina được công bố đêm qua, tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valeri Zaloujny cho biết: “Tình hình ngày càng khó khăn tại vùng Luhansk, nơi mà quân địch đang cố đánh bật quân chúng ta khỏi các vị trí của họ”. Cũng đêm qua, thống đốc vùng Luhansk Serguiï Gaïdaï thông báo là 80% thành phố Severodonetsk hiện nằm trong tay quân Nga và các trận giao tranh trên đường phố “đang diễn ra ác liệt”.

 

Trong khi đó, ở mặt trận tây bắc, quân Ukraina lại chặn được đà tiến của quân Nga, theo tường trình của đặc phái viên Sébastien Nemeth từ mặt trận này:

 

“Chúng tôi đang ở phía nam Iziuom, thành phố kể từ nay do quân Nga kiểm soát,  ở một mặt trận ổn định nhưng cũng dữ dội. Tiểu đoàn Karpatska Sitch đã chặn được đà tiến của quân địch tại khu vực nhiều cánh đồng và đồi núi này. 

Lực lượng này có một hậu cứ, nơi mà quân của họ cứ hai tuần có thể lui về nghỉ ngơi trước khi trở lại mặt trận. Để đến được các vị trí của tiểu đoàn Karpatska Sitch, phải vượt qua một đoạn đường dài 25 km với mức độ nguy hiểm tối đa. Quân Nga oanh kích liên tục và nhất là thường sử dụng máy bay không người lái để phát hiện những chiếc xe đang di chuyển. 

 

Chúng tôi đã phải nhiều lần dừng lại và giấu xe trong rừng để tránh bị phát hiện hoặc bởi vì quân Nga đang oanh kích vào các vị trí của tiểu đoàn. 

 

Lính Ukraina đóng rải rác trong khu vực, nhất là với các xe tăng T 72 được kín đáo bố trí tại nhiều địa điểm chiến lược. Quân Nga ở rất gần, chỉ cách 2 km về phía bắc và liên tục oanh kích vào quân Ukraina. Nhưng đối với chỉ huy trung đội này, dù hỏa lực đối phương có mạnh cỡ nào họ cũng không rời bỏ vị trí. Ông so sánh cuộc xung đột hiện nay với cuộc chiến tranh giành độc lập:

 

“Họ đánh chúng tôi bằng đại pháo, xe tăng, súng cối, đủ loại rocket, tức là với đủ mọi thứ mà họ có. Nhưng chúng tôi đang trên đất của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều có động lực để bảo vệ gia đình chúng tôi, đất nước chúng tôi. Năm 1991, lãnh thổ của chúng tôi chỉ tách khỏi Liên Xô. Nhưng nay chúng tôi đang thật sự chiến đấu vì tự do, để trở thành một quốc gia tự do.”

 

----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

UKRAINA - NGA

Chiến sự Ukraina: Quân Nga siết chặt gọng kềm quanh thủ phủ vùng Lougansk

CHIÊN TRANH UKRAINA

Chiến tranh Ukraina: Mỹ cấp cho Ukraina hệ thống tên lửa tối tân hơn

CHIẾN TRANH UKRAINA - OANH KÍCH

Ukraina : Bị Nga oanh kích ồ ạt, Lyssychansk có nguy cơ cùng chung số phận với Sievierodonetsk

 

.

================================

.

.

Nga xâm lăng Ukraina : Đông Âu lên tuyến trước, Tây Âu đau đầu tìm giải pháp

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 02/06/2022 - 20:46

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220602-nga-x%C3%A2m-l%C4%83ng-ukraina-%C4%91%C3%B4ng-t%C3%A2y-%C3%A2u-t%C3%ACm-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p

 

Le Monde nhận định châu Âu thực ra vẫn luôn đoàn kết trước Nga, khi chiến tranh quay trở lại châu lục một cách thô bạo, mà kẻ xâm lược lại là cường quốc nguyên tử và ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/c896f00a-e29d-11ec-a5b4-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/linh_06.webp

Những chiến binh Ukraina trên đường ra trận ở vùng Donbass, ngày 28/05/2022. REUTERS - CARLOS BARRIA

 

« Châu Âu già nua » và một « châu Âu mới »

 

Ngoại trừ Hungary của Viktor Orban - một lần nữa lại cô độc hơn, đã lợi dụng tình hình để đòi hỏi những nhượng bộ - tất cả đều bày tỏ tình liên đới với Ukraina. Các nước dân chủ phương Tây chứng tỏ tình đoàn kết không thể lay chuyển.

Nhưng vì sao lại có lời ra tiếng vào về sự chia rẽ đối với Nga ? Đó là những khác biệt quan điểm không phải về cuộc chiến, mà về tương lai châu lục. Điều này không thể tránh khỏi. Liên Hiệp Châu Âu (EU) gồm các Nhà nước không trải qua thế kỷ 20 trên cùng một con đường. Chiến tranh Ukraina đã làm sống dậy nơi họ những vết thương và những cách tiếp cận khác nhau.

 

Cách đây 20 năm, Donald Rumsfeld, bộ trưởng Quốc Phòng thời George W. Bush đã nói rằng có một « châu Âu già nua » đối mặt một « châu Âu mới ». Năm 2003, khi Hoa Kỳ muốn tập hợp lại cho cuộc chiến Irak, Pháp và Đức không tham gia, nhưng ông Bush đã lôi kéo được Anh, Ý và nhất là các nền dân chủ mới ở Trung Âu cũng như vùng Baltic. Sự chia rẽ này là trầm trọng và lâu dài, vì dựa trên nguyên tắc một cuộc chiến tranh được chọn lựa, do Washington quyết định.

 

Soros và Kissinger, hai chủ trương đối nghịch

 

Nhưng lần này hoàn toàn khác. Chính là Nga đi xâm lược Ukraina, phương Tây ủng hộ quốc gia bị tấn công và giúp tự vệ chính đáng. Cuộc chiến này Ukraina buộc lòng phải lao vào chứ không hề chọn lựa, và là một cuộc chiến tranh với chính nghĩa. Tranh luận là về lối thoát cho cuộc chiến. Tại Diễn đàn Davos cuối tháng Năm, hai khuôn mặt lão làng nổi tiếng của Mỹ là George Soros và Henry Kissinger, đều là người sống sót thời Đức quốc xã, đại diện cho hai khuynh hướng khác biệt này.

 

Đối với ông Soros, chiến tranh Ukraina là cuộc chiến đấu sống còn của dân chủ trước toàn trị, và phải làm mọi cách cho đến cùng để chiến thắng. Còn theo Kissinger, cần phải chấp nhận rằng một nền hòa bình bền vững không thể thiếu sự thỏa thuận với Nga. Kissinger sinh ở Đức và phải chạy trốn quốc xã năm 1938, trước khi Đệ nhị Thế chiến diễn ra. Ông Soros sinh ở Budapest, thuộc phần đất châu Âu bị Liên Xô chiếm đóng đến 1989. Ngày nay, Đức, Pháp, Ý là những nước chính có chủ trương thực tế như Kissinger, nhưng trong các cuộc tranh luận châu Âu, phe ủng hộ đường lối như Soros lớn tiếng hơn cả.

Ba Lan và các nước Baltic lên tuyến đầu, cực lực tố cáo sự chần chừ của thủ tướng Đức Olaf Scholz trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraina; coi việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron duy trì liên lạc điện thoại với Vladimir Putin như một sự đầu hàng sớm sủa, thậm chí còn cáo buộc Macron muốn thúc đẩy tổng thống Volodymyr Zelensky nhượng đất để đối lấy hòa bình. Marko Mihkelson, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Estonia nói : « Macron và Scholz cần phải cúp máy điện thoại, lấy vé đi Kiev ».

 

Trọng tâm châu Âu sẽ nghiêng về phía đông ?

 

Một « châu Âu mới » ngày càng thêm tự tin : sự hoài nghi truyền thống của họ đối với Matxcơva đã được chứng minh qua cuộc xâm lăng hôm 24/02. Triển vọng NATO mở rộng với Phần Lan, Thụy Điển, và về lâu về dài là Ukraina, Moldova gia nhập EU, dẫn đến việc trọng tâm châu Âu sẽ nghiêng về phía đông - đó là hy vọng của Ba Lan.

 

Ngược lại, « châu Âu già cỗi » bị chao đảo vì cuộc xung đột. Quan điểm « làm thay đổi thông qua thương mại » vốn thống trị chính sách đối ngoại Đức thời hậu chiến tranh lạnh nay sụp đổ, ông Scholz vất vả tìm ra định nghĩa cho một « kỷ nguyên mới » như đã thông báo hôm 27/02. Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga cũng đánh một đòn chí tử vào tham vọng của Emmanuel Macron trong việc đàm phán với Matxcơva về một cấu trúc an ninh mới cho châu Âu.

 

Đối với Berlin và Paris, trong cuộc chiến tranh giữa một chế độ độc tài với một nền dân chủ non trẻ, nghĩa vụ là nhất định phải giúp dân chủ chiến thắng, tuy nhiên cũng không thể quên rằng châu lục cần có sự ổn định. Nhưng làm thế nào đây ? Cuộc tranh luận còn tiếp diễn, kể cả trong phe Dân Chủ ở Hoa Kỳ, nhưng Le Monde cho rằng  không nên quên chẳng phải phương Tây thiếu đoàn kết trước Nga, mà là phần còn lại của thế giới.

 

Trò bắt bí tồi tệ của Putin

 

Bài xã luận của Le Monde kêu gọi « Cần phải giải tỏa cảng Odessa ». Cuộc chiến tranh diễn ra ở châu Âu, nhưng hậu quả đã ở tầm thế giới, và sẽ là thảm họa nếu việc Nga phong tỏa cảng Odessa của Ukraina không được giải quyết trong những tuần lễ tới.

 

Khó thể hình dung ra điều gì tồi tệ hơn là « săng-ta » này của Vladimir Putin. Nếu phương Tây không dỡ bỏ trừng phạt – đã được đưa ra một cách hợp pháp do Nga xâm lăng Ukraina – thì Putin vẫn ngăn không cho Ukraina xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc mà nhiều nước đang rất cần. Ông chủ điện Kremlin đang dùng hàng triệu con người làm con tin. Trong khi quân Nga đã thô bạo cướp bóc nông sản tại những vùng chiếm đóng, việc phong tỏa Odessa lại càng làm trầm trọng thêm mối đe dọa : làm thị trường căng thẳng, duy trì cơn ác mộng nạn đói, đồng thời khiến vụ mùa sắp tới của Ukraina có nguy cơ bị hủy hoại vì không còn kho chứa.

 

Thế nên cần khẩn cấp giải tỏa, cho dù các giải pháp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Vận chuyển bằng đường bộ chẳng được bao nhiêu và lại tốn kém. Dùng biện pháp quân sự để phá phong tỏa ? Dù chiến đấu rất dũng cảm, quân đội Ukraina không thể một mình thực hiện. Các đồng minh phương Tây thì e ngại bị coi là đồng tham chiến, dù theo Le Monde, việc này không thể tránh khỏi một khi đã quyết định đứng bên cạnh Ukraina. Dù Hoa Kỳ viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraina, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley hôm 31/05 đã bác phương án trên.

 

Một nghị quyết Liên Hiệp Quốc cho việc giải tỏa Odessa ?

 

Giải pháp ngoại giao cũng gặp không ít trở ngại. Những trận đánh dữ dội ở Donbass cho thấy đây không phải là lúc để thương lượng ngưng bắn và sau đó dỡ bỏ phong tỏa Odessa. Cần phải có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, người canh gác eo biển Bosphore và Dardanelles từ 1936, nhưng tổng thống Erdogan từ lâu vẫn là bậc thầy trong việc gây rối để thủ lợi cho riêng mình.

 

Sau hội nghị EU đã dẫn đến các trừng phạt mới với Nga, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra một triển vọng : một nghị quyết Liên Hiệp Quốc sẽ tạo thêm sức nặng cho nỗ lực mở lại con đường hàng hải. Nghị quyết này phải được ủng hộ mạnh mẽ, kể cả những nước vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu trước đây, như vậy Matxcơva khi phủ quyết sẽ phải trả cái giá cao hơn về chính trị. Phương Tây không nên bỏ qua một nỗ lực nào để đạt được, bên cạnh châu Phi và Trung Đông đang lo lắng về một cuộc chiến mà ban đầu họ muốn đứng ngoài xa. Trò bắt bí của Nga, coi phong tỏa Odessa là « vũ khí hủy diệt hàng loạt », cần phải dừng lại.

 

Lòng căm phẫn tạo sức mạnh cho kháng chiến Ukraina

 

Trên thực địa, các báo đều có những bài phóng sự tại chỗ. La Croix nhận định « Tại Ukraina, sự phẫn nộ góp phần vào chiến thắng ». Cuộc xâm lược của quân Nga tạo ra một làn sóng cảm xúc chưa từng thấy, khiến người dân nhanh chóng tham gia kháng chiến. Như câu chuyện của Tatiana Davidenko, bác sĩ trưởng bệnh viện Dymer, một địa phương có 10.000 dân ở cách Kiev 30 kilomet. Trước hết là nỗi sợ khi quân đội Nga chiếm đóng thành phố, mừng rỡ khi những người lính Nga cuốn gói ra đi vào cuối tháng Ba, nhưng chủ yếu là sự tức giận, dẫn đến những hành động không hình dung ra nổi lúc bình thường. Buổi sáng hôm đó, 11 chiếc xe bọc thép tiến vào sân bệnh viện, lính Nga hò hét mọi người đứng áp vào tường và đòi gặp người phụ trách. Họ buộc Tatiana phải cúi đầu khi nói chuyện, bà thẳng thừng nói không, yêu cầu người chỉ huy không để một ai mang súng vào cơ sở y tế.

 

Cũng như Tatiana, gần 40 triệu người Ukraina sáng sớm 24/02 thức dậy với hung tin quân Nga đã tràn sang đất nước mình. Yaroslav Hrytsak, một nhà sử học Ukraina nhớ lại những cảm xúc lẫn lộn lúc ấy, nhưng chủ yếu trong công chúng là sự phẫn nộ từ cú sốc bị xâm lăng, rồi sau đó là những vụ giết người bừa bãi. Trên sóng phát thanh truyền hình, lòng ái quốc trào dâng. Sau vụ thảm sát thường dân ở Bucha, một kênh truyền hình trong chương trình tin tức chạy dòng chữ bên dưới « Chúng ta trụ vững. Ta sẽ chiến thắng. Ta sẽ trả thù ». Trên mạng xã hội, từ ngữ dùng để chỉ người Nga trở thành « rashiste », ghép « Nga » với « phát-xít ».

 

Vừa tức giận vừa cảm thấy bất lực, hàng trăm ngàn người Ukraina tìm cách trở nên hữu dụng : tham gia lực lượng phòng vệ dân sự, lập ra những chốt kiểm soát, tổ chức những địa điểm từ thiện hay giúp di tản. Một sự phẫn nộ hữu ích, mà theo Hrytsak, « không đơn giản là kết quả hành động của Vladimir Putin. Đó cũng là vì người Ukraina biết thế nào là chiến tranh. Trong quá khứ, đa số trận đánh diễn ra không phải ở Matxcơva mà trên đất Ukraina. Tôi muốn nói, người Nga thích chiến tranh còn chúng tôi căm ghét ».

 

Nhà báo Pháp tử thương ở Donbass : Điều tra tội ác chiến tranh

 

Cũng liên quan đến Ukraina, Libération dành hai trang báo cho Frédéric Leclerc-Imhoff, phóng viên truyền hình Pháp vừa bị tử thương trên một chuyến xe chở thường dân đi sơ tán tránh bom đạn Nga ở Donbass. Nhà báo mới 32 tuổi nhưng đã có 10 năm hành nghề, được mô tả là một người khiêm tốn, rất biết lắng nghe, vô cùng yêu nghề báo. Có bằng thạc sĩ triết, nhưng Frédéric sau đó theo ngành báo chí và không từ chối một nhiệm vụ nào. Anh bị trúng mảnh đạn cối, trong khi chiếc xe dân sự ghi rõ « hỗ trợ nhân đạo ». Ngoại trưởng Pháp tố cáo Nga quân đội Nga đã sát hại anh, Ukraina mở điều tra và Viện công tố chống khủng bố Pháp cũng điều tra về « tội ác chiến tranh ».

 

Người mẹ của nhà báo ngay hôm sau cho biết : « Tôi chia sẻ nỗi đau với tất cả những bà mẹ Ukraina phải khóc con, tất cả những trẻ em Ukraina mất cha mẹ, và tất cả những bà mẹ Nga có những người con quá trẻ đã phải trở thành lính chiến và không trở về, mà không hiểu tại sao. Tôi dù rất đau khổ, ít nhất tôi cũng biết vì sao con trai tôi chết ».

 

Đại lễ có thể là cuối cùng của nữ hoàng Anh quốc

 

Chiến tranh Ukraina, lễ hội kỷ niệm 70 năm trị vì của nữ hoàng Anh Elizabeth II là hai chủ đề quốc tế nổi bật nhất trên báo Pháp hôm nay, bên cạnh những vấn đề nội bộ như thiếu giáo viên và cuộc đình công lần thứ hai trong lịch sử của ngành ngoại giao.

 

Nước Anh đang tưng bừng diễn ra Đại lễ Bạch Kim kể từ hôm nay cho đến Chủ nhật 05/06, Le Figaro chạy tựa « Anh quốc mừng sự trị vì lịch sử của nữ hoàng Elizabeth II », thuật lại « Mười ngày khi con gái quốc vương George VI trở thành nữ hoàng Anh ». Tương tự, Libération nói về sự chuẩn bị của người dân Anh, La Croix đề cập đến « Elizabeth II và những nhân vật ly khai của Hoàng gia ».

 

Libération mô tả cảnh cờ xí, trang hoàng nhộn nhịp khắp nơi : trên khắp các đường phố, trước những cửa tiệm, các « pub », nhà hàng, ảnh nữ hoàng xuất hiện ở cửa sổ nhà dân, những búp bê len nho nhỏ tượng trưng cho các thành viên Hoàng gia nở rộ ở những hộp thư…Một số mặt hàng dành cho ngày lễ, vật kỷ niệm bán sạch trước khi đưa lên kệ. Trong 70 năm tại vị, nữ hoàng Elizabeth II đã làm việc với 14 thủ tướng Anh khác nhau, mà người đầu tiên là Winston Churchill, gặp gỡ 14 nguyên thủ Pháp. Đây có thể là đại lễ cuối cùng của vị nữ hoàng năm nay đã 96 tuổi.

 

La Croix cho biết, trong đại lễ Kim Cương năm 2012, số thành viên Hoàng gia xuất hiện trên balcon đã được hạn chế, và lần này nữ hoàng cùng với thái tử Charles quyết định chỉ có những thành viên đang có những hoạt động công chúng thay mặt nữ hoàng mới có thể hiện diện. Như vậy hoàng tử Andrew đang bị tai tiếng sẽ vắng mặt, cặp Harry-Meghan không được mời.

 

Thăng trầm của đồng bảng Anh

 

Nhật báo kinh tế Les Echos chọn góc độ « Đồng bảng Anh, 70 năm phục vụ nữ hoàng ». Đồng tiền Anh quốc đã mất đi phân nửa giá trị kể từ khi Elizabeth II lên ngôi đến nay. Tờ báo cho biết nữ hoàng không khi nào giữ tiền trừ ngày Chủ nhật, bà kín đáo tặng cho từ thiện ở các nhà thờ. Giá trị thực tế của những tờ giấy bạc 5 và 10 bảng Anh mang hình ảnh Elizabeth trong chiếc túi cầm tay của bà ngày càng nhẹ hơn.

 

Đồng tiền lúc khai sinh vào thế kỷ thứ 10 có thể mua được 15 con bò cái, năm 2022 chỉ mua được 0,0006 con. Lạm phát đã lên đến 9 % trong tháng Tư, theo HSBC. Hôm 06/02/1952, ngày bà nhận vương miện, một bảng Anh tương đương 2,8 đô la Mỹ, nay chỉ còn 1,25 đô la. Nhưng hầu hết người Anh luôn yêu mến nữ hoàng. Elizabeth II là vị nữ hoàng hiện diện nhiều nhất trên giấy bạc : tại 35 nước, từ Úc, New Zealand... cho đến 54 nước cựu thuộc địa được tập hợp trong Commonwealth (Khối Thịnh vượng chung Anh), một kỷ lục thế giới.

 

Không chỉ thăng trầm với những biến động trên thế giới, mà đồng bảng Anh cũng nhạy cảm với những tin tức từ Hoàng gia. Chẳng hạn hôm 08/01/2020, vụ « Megxit », tuy không bi kịch như Brexit, khi hoàng tử Harry và vợ là Meghan thông báo muốn giữ khoảng cách với Hoàng gia, đã gây bất bình trên toàn quốc, đồng tiền quốc gia liền bị sụt giá.





No comments:

Post a Comment