Luật
Đất đai và Dân chủ hóa – Mãi mãi vẫn là những giấc mơ ở Quốc hội Việt Nam
Bình
luận của Hoàng Hiền
2022.06.27
.
Hình minh họa: Cảnh
sát cơ động đàn áp nông dân giữ đất ở Nam Định hôm 9/5/2012. Reuters
Sau 19 ngày làm việc với tinh thần đuợc báo
chí trong nước bốc thơm là “tích cực, khẩn trương”, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa
15 được cho là đã hoàn thành chương trình đề ra và họp phiên bế mạc vào chiều
16/6. Tuy nhiên, hai ước muốn cháy bỏng nhất của phần lớn các cử tri là Luật Đất
đai và Dân chủ hóa hầu như không được bàn đến trong kỳ họp. Theo Chủ tịch Quốc
hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua năm Luật, 16 nghị
quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, cho ý kiến về sáu dự án luật và
quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
GS. Nguyễn Đình Cống vừa thất vọng vừa hy vọng
khi ông cho rằng, khắc phục cho Quốc hội khóa 15 được bao nhiêu tốt bấy nhiêu,
chủ yếu là tạo tiền đề cho các khóa sau, bằng cách đổi mới Luật về Quốc hội, để
từ khóa 16 trở đi Việt Nam sẽ có một Quốc hội xứng đáng là đại diện cho trí tuệ
của Dân tộc, thực hiện được ba chức năng quan trọng một cách trọn vẹn (1).
Món nợ lâu năm
chưa trả
Luật đất đai năm 2013 hiện là Luật đất đai mới
nhất, đang có giá trị hiệu lực thi hành năm 2022. Luật Đất đai mới nhất hiện tại
là Văn bản hợp nhất giữa Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc
hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 với các sửa đổi và bổ sung bởi Luật số
35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội. Mấy năm vừa qua đã có rất nhiều ý kiến
phải sửa đổi Luật đất đai 2013 cho phù hợp hơn, nhưng hiện tại Chính phủ vẫn
xin hoãn trong việc đề xuất sửa đổi Luật đất đai. Theo quyết định của Quốc hội,
dự án Luật đất đai (sửa đổi) nằm trong chương trình kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022)
nhưng Chính phủ lại tiếp tục xin lùi.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội
cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai từ kỳ họp thứ ba sang kỳ họp thứ
tư (tháng 10/2022).
Từ TPHCM, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó
Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, mô tả đất đai là “nguồn béo
bở mà chính quyền không chịu buông”. Theo ông Thuận, ở Việt Nam có những món nợ
70 – 80 năm vẫn chưa giải quyết được. Chẳng hạn như luật về lập hội, biểu tình,
cho phép có báo chí tư nhân thì từ năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu các vấn
đề đó. Cơ chế về pháp luật về đất đai của Việt Nam cũng không bình thường. Khi
gọi là cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Bắc trước rồi thống nhất
miền Nam, thì đưa ra khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Cải cách ruộng đất thì
chia đất. Rồi đùng một cái đến năm 1980 thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân,
nhưng lại do nhà nước quản lý.
Ông Bùi Quốc Thuận phân tích tiếp: “Nhà nước
quản lý là rất tù mù ở chỗ nhà nước là ai? Ở trên là mấy ông Chính phủ rồi xuống
dưới có phải nhà nước là mấy ông Ủy ban Nhân dân? Rồi xuống nữa là mấy ông phường
xã. Tức là có cái gọi là qui hoạch thì những ông có quyền họ biết là đất sẽ được
qui hoạch như thế nào. Thì có thể trong qui hoạch là nhà trẻ khu vui chơi này
kia nhưng họ lại điều chỉnh qui hoạch lại thành khu dân cư. Và chính những người
trong gia đình họ nhảy ra mua những lô đất đó trước. Đất qui hoạch công thì rẻ
như bèo còn khi thành khu dân cư thì tăng lên hàng chục, hàng trăm lần. Đây
chính là một món béo bở vô cùng mà chính quyền sẽ không bao giờ chịu buông.”
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hội An
nói với truyền thông quốc tế rằng, cần phải hủy Luật Đất đai hiện nay. “Luật Đất
đai của Việt Nam hiện là vấn đề căn cơ của nạn tham nhũng. Điều cần làm là phải
hủy Luật Đất đai hiện nay đi và lập ra Luật Đất đai mới phù hợp với chính thể cộng
hòa dân chủ văn minh.” “Luật Đất đai hiện nay của Việt Nam là luật ăn cướp đất
của dân,” ông Thành bức xúc. “Luật gì mà nói rằng đất thuộc sở hữu toàn dân mà
do nhà nước quản lý. Đó là cách quốc hữu hóa đất của toàn dân từ đời Hùng Vương
tới giờ. Người ta giải phóng miền Nam rồi giải phóng cả đất của dân luôn. Cướp
đất như vậy là không được.” (2)
Trong năm qua các tổ chức xã hội dân sự và cá
nhân đã công bố bốn kiến nghị về sửa đổi luật đất đai. Mới đây trong hội nghị
trung ương năm có bàn sửa đổi luật đất đai nhưng cũng chưa giải quyết được vấn
đề cơ bản, đất đai là đa sở hữu. Trong điều kiện Hiến pháp hiện hành, các Tổ chức
Dân sự đã kiến nghị sửa đổi luật đất đai theo hướng: Coi quyền sử dụng đất của
người dân và tổ chức (kể cả tổ chức Nhà nước) là quyền tài sản, được mua bán
theo cơ chế thị trường, “thuận mua vừa bán”. Đề nghị bỏ quy định Nhà nước có
quyền thu hồi đất và đền bù theo giá do cấp tỉnh quy định vì mục tiêu lợi ích
công cộng và phát triển kinh tế xã hội đối với đất đai của người dân và các tổ
chức đang có quyền sử dụng hợp pháp. Nhà nước có quyền trưng mua quyền sử dụng
đất của người dân và các tổ chức vì mục tiêu an ninh quốc phòng với giá cao hơn
giá thị trường ít nhất 3%.
Ngoài ra, các Tổ chức Dân sự cũng kiến nghị tổ
chức và người dân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất lâu dài, không giới hạn
thời gian. Người dân và các tổ chức có quyền tích tụ ruộng đất để phát triển
kinh tế theo quy hoạch của Nhà nước thông qua việc mua bán theo cơ chế thị trường,
không bị giới hạn quy mô diện tích. Nhà nước chỉ quản lý mục đích sử dụng đất bằng
quy hoạch phát triển kinh tế xã hội theo luật quy hoạch hiện hành. Nhà nước chỉ
thu hồi đất của người dân và các tổ chức khi họ vi phạm pháp luật như sử dụng đất
sai mục đích, làm giảm độ phì nhiêu của ruộng đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng xấu
đến môi trường sinh thái.
Việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sự dụng đất
nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác, không được phá vỡ hệ thống hạ tầng,
thuỷ lợi, tưới tiêu và giao thông hiện hành đối với phần đất nông nghiệp còn lại
(3).
Hình minh hoạ: cảnh
sát cơ động đàn áp người dân phản đối cưỡng chế đất ở Văn Giang, Hưng Yên, hôm
24/4/2012. Reuters
Dân chủ hóa vẫn chỉ
là giấc mơ
PGS. TS. Phạm Quý Thọ từng đưa ra bình luận với
BBC rằng, về nguyên lý, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được
Hiến pháp công nhận là cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất, nhưng nó vẫn nằm
trong khuôn khổ hệ thống chính trị “Đảng lãnh đạo toàn diện”. Các ĐBQH là một
phần của hệ thống, buộc phải tuân theo “nguyên tắc vận hành” của hệ thống này.
Họ phải đặt lợi ích của tổ chức lên trên bản thân. Làm ngược lại, họ có thể gặp
rắc rối. Ông Dương Trung Quốc cũng nói với BBC hôm 17/06/2022: “Với những đại
biểu Quốc hội là Đảng viên, họ đóng một lúc hai vai, một là đại diện cho cử
tri bầu ra mình, một là thành viên của tổ chức chính trị. Đương nhiên khi đáp ứng
cả hai vai trò, không phải lúc nào cũng theo nguyên lý ‘Ý Đảng lòng dân’.”
Theo TS. Lê Đăng Doanh, phương án và cách làm
xưa nay là nếu Quốc hội muốn nhiều tự do phát biểu, nhiều dân chủ, nhiều ứng cử
viên độc lập thì trước hết phải xin ý kiến của Bộ Chính trị. Vì thế nếu Đảng Cộng
sản và Bộ Chính trị không muốn đổi mới thì cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội
cũng đành bó tay. “Việc đổi mới của Quốc hội là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản. Quốc hội hoàn toàn không có độc lập với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Tôi hi vọng rằng Đảng sẽ tiếp tục đổi mới, cởi mở hơn để thúc đẩy quá
trình dân chủ hoá và lắng nghe ý kiến của người dân,” ông Doanh nói.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận định với
BBC hôm 15/6 rằng “Quốc hội chỉ là cánh tay của Đảng”. Ông phân tích: “Nếu có
cơ cấu như Quốc hội ở Việt Nam thì không cần dân bầu làm gì, Đảng cứ tự chọn ra
một số người, gọi là “đại biểu” vì sự kiểm soát của Đảng Cộng sản với Quốc hội
là 100%. Thực chất, cơ quan này chỉ là công cụ của Đảng. Chính vì thế, bao giờ
cũng thấy có quyết định gì thì họp Trung ương trước, họp xong rồi thì Quốc hội
mới cụ thể hóa quyết định đó của Đảng, theo ngôn ngữ của Quốc hội.” (4)
Quốc hội Việt Nam trong Hiến pháp được mô tả,
đó là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhưng thực tế, theo ông Quang A, có tranh luận thế nào trên nghị trường thì quyết
định cuối cùng cũng là ở Đảng. Theo dõi những phiên chất vấn sôi nối, ông Quang
A bình luận: “Những vụ việc lớn được phanh phui hay được nêu ở nghị trường khiến
ta tưởng rằng Quốc hội có quyền quyết định. Nhưng thực chất họ không được quyết
định gì cả. Và tranh luận chỉ dừng ở mức nói qua lại, nhưng nếu có vấn đề gì đi
ngược lại với ý kiến của Đảng thì sẽ lập tức sẽ có cuộc họp Đảng đoàn – Quốc hội
để chấn chỉnh.” Tóm lại, vì Quốc hội có trên 96% là Đảng viên nên các Đại biểu
lấy kỷ luật của Đảng ra để xử lí. Vì vậy, chuyện dân chủ là không có và đương
nhiên, mọi quyết định cuối cùng đều nằm ở ý chí của Đảng, không phải của người
dân.
_______________
Tham khảo:
1.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/from-diplomatic-trick-to-real-play-02202022085525.html
2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61378207
3.
https://baotiengdan.com/2022/05/30/kien-nghi-sua-doi-luat-dat-dai-hien-hanh/
4.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-61798844
-------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
--------------------
Tin, bài liên quan
·
Hội
nghị Trung ương 5: Liệu Đảng có thể hoá giải lời nguyền đất đai?
·
Thị
trường hoá đất đai làm rối loạn chế độ nhưng Luật Đất đai sẽ sửa đổi thế nào?
No comments:
Post a Comment