Friday, June 24, 2022

BÁO CHÍ CÁCH MẠNG hay CÁCH MIỆNG? (Phạm Trần)

 



Báo chí cách mạng hay cách miệng ?

Phạm Trần

24/06/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/25338-bao-chi-cach-m-ng-hay-cach-mi-ng

 

97 năm báo chí cách miệng

 

Làng báo cộng sản Việt Nam lại rất ồn ào khoe thành tích 97 năm có mặt trên đất nước với danh xưng "báo chí cách mạng" nối gót báo Thanh Niên viết tay, do ông Hồ Chí Minh, lấy bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, xuất bản ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52169919871_71ce056921.jpg

Báo Thanh Niên viết tay, do ông Hồ Chí Minh, lấy bút hiệu Nguyễn Ái Quốc, xuất bản ngày 21/6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc

 

Theo tài liệu của Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia) thì vào ngày 25/9/1924, ông Hồ đã được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản chấp thuận cho về Quảng Châu (Trung Quốc) để gần Việt Nam hoạt động chống Pháp. Để có phương tiện "truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và cảnh tỉnh nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc", ông Hồ đã dùng bút hiệu Nguyễn Ái Quốc khi ra mắt tuần báo Thanh Niên. Ngoài ông Hồ, báo Thanh Niên còn có những người viết như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điếm, Trương Vân Lĩnh, v.v.

 

Nhưng đến tháng 4/1927, báo Thanh Niên phải ngưng vì ông Hồ phải rời Quảng Châu chạy sang Nga để tránh các đợt lùng bắt của Chính phủ chống cộng Tưởng Giới Thạch. Tổng cộng, báo Thanh Niên đã ra được 188 số.

 

Tuy nhiên, lịch sử báo chí Việt Nam không coi báo Thanh Niên là tờ báo chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) đầu tiên, ngược lại báo Gia Định mới là báo đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ ra đời năm 1865 dưới thời đô hộ của Pháp.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52169919866_bc83dfaf57.jpg

Ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm "chánh tổng tài" (tiếng Pháp : rédacteur en chef)

 

Sự ra đời của Gia Định báo được ghi trong Wikipedia như thế này : "Sau khi Trương Vĩnh Ký trở về nước vào năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi ấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời ông ra làm quan. Petrus Ký từ chối và xin lập một tờ báo chữ Quốc ngữ mang tên là Gia Định báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm "chánh tổng tài" (tiếng Pháp : rédacteur en chef), nay gọi là giám đốc ; Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động".

 

Tài liệu này cũng viết thêm : "Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn thì một cứ liệu xác định Gia Định báo vẫn còn tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910.

 

Sau Gia Định báo, nhà cầm quyền Pháp cũng cho phép phát hành một số báo tư nhân khác ở Nam Kỳ thuộc địa như Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910)".

 

Cách mạng hay Cách miệng ?

 

Tuy nhiên, đối với người cộng sản Việt Nam thì họ không coi công lao của Gia Định Báo và các báo "không cộng sản" tiếp theo đã làm cuộc cách mạng văn hóa để khai sáng dân trí và cải cách xã hội.

 

Ngược lại, Đảng cộng sản Việt Nam đã "tự ca ngợi" sự có mặt của báo Thanh Niên khi viết : "Từ ấy, báo chí xuất bản ở nước ta ngày càng nhiều nhưng chưa có tờ nào đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ; chỉ đợi đến năm 1925 tiếng nói của báo chí cách mạng Việt Nam - báo Thanh niên - do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, mới được ra mắt bạn đọc" (theo Hậu Giang online, ngày 16/06/2020).

 

Nhưng ông Hồ và báo chí cộng sản Việt Nam chưa bao giờ đáp lại "nguyện vọng" được sống trong dân chủ và tự do của người dân Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam do ông thành lập ngày 03/02/1930, cho đến nay, năm 2022, tổng cộng 92 năm có mặt trên đất nước mà chưa bao giờ người dân được tự do ứng cử và chọn người đại diện cho mình.

 

Mọi chuyện bầu bán ở Việt Nam đều do Đảng tổ chức và kiểm soát. Từ Hội đồng nhân dân cho đến Quốc hội, ứng cử viên phải do Đảng chọn, qua các cuộc được gọi là "hiệp thương" của Mặt trận Tổ Quốc, cơ quan ngoại vị của đảng. Mặt trận này quy tụ các tổ chức chính trị và xã hội có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động của quần chúng để làm theo ý đảng. Vì vậy lâu nay người dân đã mỉa lối bầu cử của nhà nước là "Đảng cử dân bầu".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52169926366_6c72fd7bef.jpg

Hơn 800 cơ quan báo chí trong nước có nhiệm vụ hàng đầu là "Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

 

Trong lĩnh vực báo chí, mặc dù Hiến pháp quy định người dân có các quyển tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, lập hội và biểu tình nhưng Đảng lại không cho tư nhân ra báo, cấm biểu tình và giành quyền kiểm soát để định hướng tư tưởng.

 

Vì vậy Luật báo chí năm 2016 đã quy định Báo chí có nhiệm vụ hàng đầu là : "Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa… xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

 

Nhưng điều gọi là "đường lối và chủ trương của Đảng" là gì ? Trước hết, báo chí phải "tuyệt đối kiên định và trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gọi chung là "tư tưởng chính trị của Đảng". Thứ hai, tuy báo chí không phải kiểm duyệt trước khi đem in, nhưng tại mỗi cơ quan Báo chí, cơ quan chủ qủan (chủ báo) và Ban Biên tập phải thông tin theo chỉ thị của Ban Tuyên giáo, cơ quan bảo vệ Tư tưởng đảng. Cũng vô nghĩa nói rằng báo chí có nhiệm vụ "phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa", trong khi thực chất không làm gì có dân chủ thật sự trong Xã hội chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam.

 

Điều mà Đảng tuyên truyền bấy lâu nay nói rằng "nhà nước ta là nhà nước pháp quyền do nhân dân lảm chủ", thực chất chỉ là ngụy biện để đánh lừa dư luận vì bất cứ việc gì ở Việt Nam cũng do "Nhà nước quản lý" và "chỉ đạo" từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài.

 

Vì vậy, người làm báo được gọi là "cán bộ báo chí" có nhiệm vụ phải : "Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm" (khoản (b), Mục 3, Điều 25, Luật Báo chí).

 

Bằng chứng tay sai

 

Bằng chứng báo chí do Đảng lãnh đạo đã được Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương viết : "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, những năm qua, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại "số hóa", nhờ vậy tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao, tác động tích cực đến sự phát triển của đời sống xã hội ; khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng trong đời sống xã hội" (Bài viết phổ biến ngày 21/06/2022).

 

Nhưng rõ ràng làm như vậy chỉ để xác nhận "tính tay sai" của báo chí với đảng cầm quyền như bài viết của Tạp chí Cộng sản đã khai ra : "Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng ta nhiều lần chỉ rõ, báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện, khẳng định và nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới; đồng thời, phải tích cực đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" (Tạp chí Cộng sản, ngày 18/06/2022).

 

Đồng thời Tạp chí Cộng sản cũng buộc báo chí phải : "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội".

 

Do đó, bài viết lưu ý : "Một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí nước ta hiện nay là chủ động tiến công, kiên quyết và thường xuyên "đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị", làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình", góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".

 

Lý do báo chí được yêu cầu làm nhiệm vụ chính trị này vì báo chí Việt Nam là cánh tay nối dài của Ban Tuyên giáo đảng. Tạp chí Cộng sản còn vẽ chuyện để báo chí vào cuộc vì : "Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc, chống phá nhằm loại bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Chúng công kích những bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin ; tập trung vào những nguyên lý cơ bản và những luận điểm lý luận then chốt ; lợi dụng cả những người hiểu và vận dụng chưa đầy đủ chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thực tiễn để xuyên tạc, chống phá. Chúng tấn công chủ nghĩa Mác - Lê-nin cả về lý luận và thực tiễn ; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin ; xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị thường xuyên xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quá trình tổ chức thực hiện ; triệt để lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của ta trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để chống phá ; xuyên tạc sự thật, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên…".

 

Cái kim đã lòi ra

 

Tạp chí Cộng sản không nêu được bằng chứng nào để chứng minh "thế lực thù địch" đã cấu kết với "các phần tử cơ hội" trong nước chống đảng. Có chăng là đã có một "số không nhỏ" cán bộ, đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo đã chán đảng và nhiều người đã âm thầm bỏ sinh hoạt đảng để "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" tránh xa đảng như cái kim trong bọc đã lòi ra. Nhiều đảng viên và người dân cũng chán báo đảng đến tận mang tai vì báo đảng có nội dung xơ cứng, thông tin một chiều, chậm trễ và dầy đặc tuyên truyền và chậm tiến y như Lãnh đạo Đảng.

 

Vậy mà, Tạp chí Cộng sản vẫn tìm cách đánh lạc hướng dư luận để che đậy thế yếu của đảng qua thừa nhận : "Để "hà hơi tiếp sức" cho sự chống phá trên, chúng trực tiếp tấn công vào nền báo chí cách mạng nước ta, với chiêu bài "tự do báo chí", vu cáo Đảng và Nhà nước "vi phạm quyền tự do ngôn luận", âm mưu phi chính trị báo chí nước ta, tách rời báo chí khỏi sự lãnh đạo của Đảng, khiến báo chí mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu. Sự chống phá của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị là hết sức thâm độc, nguy hiểm. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị có vai trò quan trọng đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có vai trò chủ công, tiên phong của các cơ quan báo chí".

 

Nhưng tại sao sau hơn 35 năm "Đổi mới" , từ 1986, mà báo chí vẫn còn phải vật lộn để kiểm soát tư tưởng nhân dân theo chỉ thị của Đảng ? Có phải vì dân không còn tin vào những mánh khóe tuyên truyền mị dân của báo đài nhà nước, sau nhiều năm bị cho ăn "bánh vẽ" "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", trong khi Đảng làm hết mọi việc và để cho cán bộ đảng viên "ăn của dân không từ một cái gì", theo lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày 11/09/2013 (báo Tuổi Trẻ online, 11/09/2013).

 

Được khen nhưng xuống cấp

 

Về mặt tích cực, làng báo Việt Nam đã được đảng khen là những "chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa" với phương châm "tâm sáng, bút sắc".

 

Vì vậy, theo lời tướng Nguyễn Trọng Nghĩa : "Mỗi nhà báo phải chịu khó rèn giũa kỹ năng, "mài sắc ngọn bút" với sự đam mê nghề nghiệp, nêu cao tinh thần sáng tạo, cầu thị, học hỏi, nhất là thường xuyên nghiên cứu học tập phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh" (bài viết ngày 21/06/2022).

 

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chỉ trích : "Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng nêu trên, hoạt động báo chí vẫn còn những bất cập, hạn chế như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ : "Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế ; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa ; quản lý mạng xã hội còn bất cập".

 

Đồng thời ông cũng nhìn nhận : "Đời sống văn hóa xã hội còn những biểu hiện thiếu lành mạnh. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chậm được ngăn chặn, đẩy lùi".

 

Tình trạng "suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa" trong hàng ngũ báo chí được nhìn nhận đã có nhiều trường hợp "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" để nói đến tệ nạn tham nhũng, vô đạo đức trong làng báo.

Hồi năm 2017, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn từng nói : "Sáng đăng bài, trưa bắt đầu mời đi nhậu gặp gỡ người ta nhận phong bì, chiều về gỡ bài. Cứ như thế có tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ rồi thành lập những nhóm 'đánh hội đồng'".

 

Trước đó, vào năm 2014, Tạp chí Cộng sản đã viết : "Trong quá trình đổi mới, báo chí Việt Nam có sự vươn lên và phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, báo chí nước ta cũng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhược điểm. Một trong những hạn chế, nhược điểm đó là tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo" (Tạp chí Cộng sản, ngày 03/07/2014).

 

Chi tiết hơn Tạp chí này cho biết thời ấy đã có : "Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, chức năng tham gia quản lý, giám sát xã hội, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Hậu quả của tình trạng này là không ít cơ quan báo chí, nhà báo đã có những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều thông tin về mặt trái của xã hội - phản ánh quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội, gây dư luận xã hội bất an; chưa quan tâm phát hiện, biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước".

 

Như thế rõ ràng báo chí của Đảng cộng sản Việt Nam thời nào cũng có mặt trái và những người làm báo suy thoái đạo đức lối sống.

 

Điển hình như họ còn bị Tạp chí Cộng sản tố cáo : "Một số nhà báo lợi dụng cái gọi là "quyền lực thông tin", mà thực chất là lợi dụng sức mạnh của công chúng, sức mạnh của dư luận xã hội, vi phạm tính khách quan, chân thật của báo chí, "bẻ cong ngòi bút" để mưu lợi riêng. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất đã từng xảy ra thời gian qua là một số nhà báo dùng danh nghĩa "chống tiêu cực" để thực hiện hành vi tiêu cực : dựa trên những bằng chứng thu thập được qua điều tra để hù dọa, tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, hoặc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện những việc làm có lợi cho riêng cá nhân nhà báo". 

 

Nhưng tính hư tật xấu của làng báo cộng sản Việt Nam không dừng ở đây mà còn ma mãnh như : "Nhiều nhà báo không chịu khó đi thực tế mà thường ngồi bàn giấy, quán cà phê, quán nhậu…, dựa vào mạng internet và các mạng xã hội để kiếm thông tin, dựa vào thông tin đồng nghiệp "chia sẻ" qua email để viết bài, đưa tin, tùy tiện, bịa đặt hư cấu thêm thông tin, chi tiết trong tác phẩm. Không ít tờ báo, nhất là báo mạng, đưa nhiều tin, bài không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin thiên về bạo lực, tình dục, vụ án, đời tư người nổi tiếng, mê tín dị đoan… để câu khách một cách rẻ tiền".

 

Theo thống kê của Nhà nước đến 30/11/2021, Việt Nam có "khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí với 816 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 2 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình.

 

Với một đội ngũ làm báo đông như thế này mà đảng vẫn còn chới với trước "các thế lực thù địch" và "các phần tử cơ hội" trong nước trong vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì báo chí chưa phải là một lực lượng "cách mạng" mà "cách miệng" là chính.

 

Phạm Trần

(24/06/2022)





No comments:

Post a Comment