Tuesday, May 24, 2022

VŨ DUY MẪN và NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA VI TÍNH VIỆT NAM (Giang Công Thế)

 



Vũ Duy Mẫn và những bước đầu tiên của vi tính Việt Nam  

Giang Công Thế

20/5/2022  11:25  

https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/509698440834947

 

Ngày 18/5/2022, trái tim của Vũ Duy Mẫn, người bạn lớn của giới tin học Việt nam và UN, đã ngừng đập tại Mỹ, hưởng thọ 71 tuổi. Anh ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho bạn bè, người thân, nhiều thế hệ làm tin học kể từ năm 1977 và sau này là đồng nghiệp ở UN.

 

Tháng 8-1977, từ Ba Lan về Viện KHTT&ĐK ở làng Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) nhận việc. Đạp chiếc xe Wilga mới tinh mua bên Ba Lan tới Viện với bao ước mơ xa, tôi được phân một cái bàn cũ kỹ cóc gặm nham nhở, ngồi cạnh anh Hồ Thuần là trưởng phòng Lập trình và PTS Vũ Duy Mẫn 26 tuổi mới tinh cũng vừa vào Viện. Anh Mẫn và tôi chiêu đãi cả phòng một bữa bánh tôm Hồ Tây.

 

Phòng 8m2 mà có tới 6 cán bộ hàn lâm với ý định giúp Việt Nam tiến nhanh trên con đường XHCN. Xa xôi là thế nhưng mở ngăn kéo ra muỗi bay đầy vào mặt, gián, chuột tha hồ tung tăng khắp sân.

 

Nhà vệ sinh bẩn thỉu, cửa trống tuềnh toàng, đang ngồi ị có người cào phân phía dưới vì làng này trồng rau, hoa, nhất là hoa lay ơn, thược dược, cần phân tươi, nước giải. Chiều chiều bà con làm vườn, dân khoa học cổ cồn, quần ly, sang trọng dự seminar, vừa bịt mũi, vừa nghe giảng về lưới Petri, automat hữu hạn, lý thuyết fuzzy programming, rồi vi mạch và micro computer mà anh Mẫn nói như cháo chảy.

 

Khi đó mới 24 tuổi, mình trẻ nhất được các anh chị ưu tiên sáng chiều rửa ấm chén, pha chè mốc ở cái vòi nước của khu tập thể chảy ri rỉ cả tiếng mới được một xô. Cơm cặp lồng, quả cà, rau muống và ngủ trưa trên bàn. Cứ thế cuộc đời trôi đi lặng lẽ mấy năm trời mà chẳng hiểu mình đang làm gì cho đất nước.

 

Thế rồi microcomputer đến. Năm 1977, lần đầu anh Alain Teissonnière (Pháp) đến thuyết trình về kỹ thuật vi xử lý tại Viện, nơi có chiếc máy Odra mua của Ba Lan giá hàng triệu rúp, chiếm mấy gian hầm chống B52 tại Đồi Thông trong làng Liễu Giai (Ba đình, Hà nội). Chiếc máy ODRA này là niềm tự hào tin học của miền Bắc lúc đó.

 

Alain tiên đoán kỹ thuật vi tính sẽ thay thế chiếc ODRA cồng kềng kia và sức mạnh tính toán sẽ được đặt trên chiếc bàn làm việc chứ không phải trong một căn nhà đồ sộ, tốn kém. Không ai tin được, kể cả những vị công tác lâu năm. Rất nhiều cán bộ trong đó có anh Mẫn được GS. Phan Đình Diệu cho đi thực tập bên Pháp, học đầu tiên về vi xử lý.

 

Hôm nay ít người nhớ nước ta đã xuất xưởng chiếc máy vi tính đầu tiên của Châu Á từ phòng thí nghiệm tại Viện KHTTĐK. Chiếc máy được thiết kế với chip Intel 8080A nên anh em kỹ sư đặt tên là VT80, VT có nghĩa là vi tính. Người giúp cho VT80 ra đời không ngoài ai khác mà chính là Alain và đội ngũ kỹ sư trẻ của Viện.

 

Thế hệ sau của VT80 là VT8X được mang đi ứng dụng thử vào quản lý vật tư cho xí nghiệp may Sinco tại Sài gòn vào năm 1981. Phần lập trình đều viết bằng ngôn ngữ bậc thấp assembler. Chiếc máy đó đã chứng minh rằng, vi tính là tương lai của công nghệ thông tin và sức mạnh tính toán có thể đặt trên một chiếc bàn, trong đó công lao của Vũ Duy Mẫn không nhỏ.

 

Trong một bài báo viết về anh Vũ Duy Mẫn có kể rằng, chiều 6-1-2011, khi bước chân vào cơ sở chính của Trường đại học Văn Lang, anh Mẫn rất cảm động. Vì ngôi nhà 45 Nguyễn Khắc Nhu chính là cơ sở trước đây của Sinco đã rất gắn bó với ngành CNTT trong những năm đầu tiên. Anh Mẫn thốt lên “Như có duyên, có số”.

 

Những năm đầu 1980, anh Mẫn và nhóm IT của Viện KHTT&ĐK đã vào đây cùng chiếc máy VT80 không có vỏ với dây điện chằng chịt, bộ nhớ 4K (?), có đĩa mềm 32K(?) do Phòng Kỹ thuật số lắp ráp với ý định dùng cho quản lý nhân sự và vật tư cho Sinco.

 

Một máy vi tính “trần truồng”, 6 người viết chương trình, nối tiếp nhau, 24/7 đêm ngày. Viết quản lý đĩa, đọc record vào ra, toàn bằng Assembler mà định quản lý vật tư như máy tính lớn, quả là điếc không sợ súng. Chương trình sắp xếp (sort merge) với 10 ngàn lệnh ngôn ngữ máy PUSH, POP, ADD… tôi viết cả tháng mới xong, rồi anh Đức phải viết chương trình nạp ROM, đọc đĩa, ghi từ buffer trong RAM lên đĩa và ngược lại.

 

Anh Mẫn, bạn Liên, anh Khôi thiết kế bản ghi, cãi nhau ỏm tỏi về cấu trúc, anh Thuận lo phần cứng thì thay. Anh Đức và Thuận có tài nghiêng đĩa mềm ngắm và phán, có lông lơ thơ nghĩa là mốc. Lấy vạt áo lau lau, thổi phù lai chạy. Có khi đĩa chứa chương trình hàng chục ngàn lệnh đã chạy ngon thì đĩa hỏng, lôi cái cũ cũng mốc nốt, thế là nhớ và gõ lại.

 

Có chi tiết vui là ở trong nhà cao tầng, ăn toàn bo bo, đói vàng mắt, nhưng ham việc hết chỗ nói. Anh em thấy anh Chí Công dạy sớm tập thể dục rồi khí công khỉ gió gì đó và đi tắm sớm. Anh Mẫn thấy lạ cũng đòi đi theo. Hóa ra nhà đối diện có một em cứ vào giờ ấy là trần truồng đi lại, thảo hèn hai lão tắm sớm có lý do. VTxx thành công quản lý vật tư cũng nhờ … em nude như cái VT8X này giúp cho hormone của đám trẻ tăng cao.

 

Sau bốn tháng làm việc cật lực như vậy, có thể chạy được chương trình quản lý vật tư và sản phẩm của Sinco, máy VT8X sắp sếp vài trăm vật tư, nhân sự, trên cái đĩa mềm, coi như một thành công lớn. Cả bọn nói đùa, nhổ bọt vào cái IBM360 do Mỹ để lại.

 

Anh Trường Giám đốc Sinco ngoại giao với bên thành ủy thế nào mà đoàn vi tính Hà Nội được mời vào báo cáo đúng giờ nghỉ trưa tại villa nghe nói của ông Thiệu (TT Nguyễn Văn Thiệu) bên bờ sông Sài Gòn.

 

Anh Mẫn, khi đó là PTS 30 tuổi, giới thiệu về máy vi tính bằng giọng rất thuyết phục, ví dụ cụ thể, giảng giải đâu vào đó, body language tuyệt. Có lẽ phòng họp toàn tóc bạc này ít thấy một cậu trẻ thao thao trên bục. Đang giờ nghỉ trưa mà anh Mẫn cũng làm khán giả – các cụ tỉnh ngủ.

 

Cụ Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy khi đó, quay sang hỏi tôi, thằng cu này con cái nhà ai mà giỏi thế? Mình thưa, dạ, đó là con bác Vũ Trọng Kính, đại sứ VN tại UNESCO đó ạ. Cụ Kiệt cười, thảo nào. Còn Chủ tịch Mai Chí Thọ nói vui, giống như chiến công kiểu Leningrad. Cả nhóm được lãnh đạo thành phố chiêu đãi một bữa bò bảy món, lần đầu được ăn no sau 4 tháng vất vả.

 

Cứ nghĩ vi tính sẽ đi xa. Đoàn sau vào làm bằng ngôn ngữ Basic thêm vài tháng nữa. VT8X hình như để lại Sài Gòn, không còn nghe nói nữa. Và đến thời nhập nguyên chiếc, Apple II, Mac, Micral, IBM, Dell đổ vào xứ ta. Buôn PC ra tiền nhanh hơn, Viện KHVN đổi luôn thành Trung tâm KH và Công nghệ, trung tâm là con buôn mà.

 

Khi dự án UNDP bắt đầu hoạt động tại Viện (1987-1992), tôi quen lập trình đồ họa, được viện đánh giá như chuyên gia đầu ngành. Thấy có tiền của UN tôi mạnh dạn, thông qua tư vấn Anh, đề nghị mua một số thiết bị như máy tính tốc độ cao, có card đồ họa TIGA và máy in mầu kể cả plotter chiều rộng cỡ 2m, tổng cộng tới 30.000USD thời điểm đó (1988) ngang chục tỷ bây giờ (2020) để ứng dụng cho Xí nghiệp thảm len Đống Đa chuyên sản xuất thủ công, dệt từng nút bằng tay và hàng này được phương Tây ưa chuộng, mỗi tấm thảm có hoa văn, phong cảnh đặc sắc được khách mua vài ngàn đô la là thường.

 

Nhớ có chuyện vui. Anh Vũ Duy Mẫn khi đó là viện phó ra sức ủng hộ dự án. Anh biết lái xe, toàn đưa lãnh đạo Viện đi họp bên Đống Đa. Anh nói đâu ra đấy về đồ họa, về máy vi tính, quay sang chuyên gia choảng tiếng Anh như gió. Giám đốc Thảm len hỏi mình, bên IOIT có lái xe giỏi thật, biết tiếng Anh lại thạo công nghệ, chắc viện toàn người giỏi.

 

Hồi vào Sài Gòn tháng 10-2019, tôi trọ ở phường Cô Giang, vài lần đi qua 45 Nguyễn Khắc Nhu mà chịu không thể tìm ra nơi chôn cái VT8X trên tầng 7. Dẫu vậy, nhóm đã làm được một điều vĩ đại như Alain Tessoniere nói và anh Mẫn hay mơ, máy vi tính thay đổi thế giới.

 

Giờ thì cánh lập trình Sinco cũng già như câu chuyện này, nhớ nhớ quên quên, nửa đêm giật mình tỉnh dậy cứ tưởng đến lượt dùng máy, rồi lăn lộn mãi mà không PUSH/POP được.

 

Thế hệ “CPU đầu tiên” của Việt Nam như Alain Tessoniere, Phan Đình Diệu, và hôm nay là Vũ Duy Mẫn lần lượt bỏ ta đi như duyên phận VT8X đã an bài.

 

=================

 

TS. VŨ DUY MẪN (1951-2022)

* 1966-1968: toán dự bị (A0), Đại học Tổng hợp Hà Nội.

* 1968-1977: du học tại CHDC Đức. Tốt nghiệp tiến sĩ ngành điều khiển học và kỹ thuật tính toán.

* 1977-1992: công tác tại Viện Tin học, Viện Khoa học Việt Nam.

* 1991: được phong học hàm phó giáo sư

* 1990-1992: giữ chức vụ phó viện trưởng Viện Tin học.

* 1992-1999: điều phối viên dự án phần mềm, hỗ trợ các hoạt động dân số, Ban Kinh tế xã hội Liên Hiệp Quốc.

* 1999-2019: Chuyên viên và quản lý cao cấp trong hệ thống thông tin, Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc, New York.

 

Vài ảnh HM chụp quanh nhà anh Mẫn ở Pocono (2014)

https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/509698440834947

 

.

47 BÌNH LUẬN  


============================================================

Gửi anh Vũ Duy Mẫn mến yêu   

Giang Công Thế

22/5/2022  22:19    

https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/511383530666438

 

Hôm nay, những người bạn từng làm việc cùng anh tại viên Tin học Việt Nam xin gửi lời tiễn đưa anh. Sự ra đi của anh là mất mát không thể bù đắp đối với gia đình và bạn bè, để lại một khoảng trống trong nền công nghệ thông tin từ thuở ban đầu và bộ phận IT của United Nations New York sau này.

 

Kể từ năm 1977 khi anh Mẫn về làm việc tại phòng Lập trình - Viện Tin học, nền tin học Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm. Mỗi đoạn đường đi của Viện đều chứng kiến sự đóng góp bằng nhiều cách của anh. Khi là chế tạo máy tính, lúc phát triển công nghệ phần mềm, rồi quản lý dự án UNFPA với phần mềm POPMAP tầm cỡ quốc tế, hoặc tham gia chương trình tin học hóa quốc gia. Sau này xa tổ quốc, người ta vẫn thấy bước chân IT đồng hành lặng lẽ của anh.

 

Mấy ai biết nước ta đã xuất xưởng chiếc máy tính đầu tiên, máy VT80, của Châu Á từ phòng thí nghiệm của Viện. Chiếc máy tính là sự tiên đoán: vi tính là tương lai của công nghệ thông tin. Tương lai đó được dựng lên từ mơ ước và công lao không nhỏ của anh Vũ Duy Mẫn và đồng nghiệp.

 

Bạn bè chúng tôi biết Forest Hills (New York) và Pocono (Pennsylvania) bốn mùa hoa là nơi chốn anh Mẫn chị Hà cùng các cháu mến thương trú ngụ, nơi mong ước đến chơi của bạn bè khắp năm châu vì lửa ấm của ngôi nhà và vì sự đón tiếp nồng hậu của anh chị.

 

Con đường yên ả từ Forest Hills qua đường 71 và phố Lubert ra metro ở bên Queens New York để đi làm mấy chục năm ở UN sẽ không còn thấy chàng IT lãng tử đi về như trước.

 

Thế hệ “CPU đầu tiên” của Việt Nam tại Viện như anh Alain Tessoniere, GS Phan Đình Diệu, và hôm nay là anh Vũ Duy Mẫn lần lượt bỏ chúng tôi đi. Giờ đây ở thiên đường, chắc anh Mẫn vẫn tiếp tục tranh luận với ai đó tin học, về byte, bit ở tầm quốc gia và thế giới. Hẳn anh vẫn bàn luận những cuốn sách anh dịch, và cả chuyện đời phiêu đãng như anh đang trên sân golf cùng với người vợ, chị Thanh Hà, yêu quý đã luôn đồng hành bên anh Mẫn qua nửa thế kỷ.

 

Một vị cha cố từng nói trong một đám tang ở Mỹ: người hôm nay đi trước để tới nơi cực lạc, sẽ có ngày đến lượt các bạn đang ở đây. Dân IT tin từ nay ai lên thiên đường sẽ được anh Mẫn giơ tay chào đón. Đó là hạnh phúc của người đi trước và may mắn của người đến sau.

 

Xin thắp một nén nhang từ xa cho anh Vũ Duy Mẫn. Chúng tôi hy vọng anh vẫn lang thang đâu đó trên thế giới ảo cùng những người làm Tin học Việt Nam.

 

Những người bạn và đồng nghiệp của anh tại Viện Tin học Việt nam.

 

PS. Lời chia biệt do Hiệu Minh chấp bút và GS. Trần Cao Sơn (ĐH New Mexico - USA) đọc tại nhà tang lễ

 

Chapel of Peace at West Laurel Hill Funeral Home: 225 Belmont Avenue, Bala Cynwyd PA 19004, Sunday May 22, 2022

 

Hình cuối trang : https://www.facebook.com/giang.the.50767/posts/511383530666438

 

.

 10 BÌNH LUẬN   







No comments:

Post a Comment