TỪ
CUỘC CHIẾN TẠI UKRAINE, NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG “BỐN KHÔNG” CỦA VIỆT NAM
Với tỉ số vượt trội gồm 141 nước kết án Nga và
chỉ có 5 nước ủng hộ Nga trong Quyết Nghị LHQ ngày 2 tháng 3, 2022 là một kết
quả rất ngạc nhiên và người ngạc nhiên nhất không ai khác hơn là Vladimir
Putin.
Trước đó, ngày 25 tháng 2, Hội Đồng Bảo An LHQ
họp để biểu quyết quyết nghị tố cáo Nga vi phạm Điều 2, phân đoạn 4 của Hiến
Chương LHQ vì đã dùng võ lực xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của
Ukraine, quốc gia hội viên. Quyết nghị này bị Nga phủ quyết, nhưng ngoài TC, Ấn,
United Arab Emirates bỏ phiếu trắng, không một quốc gia nào trong số 15 hội viện
của Hội Đồng Bảo An ủng hộ Nga.
Cộng Hòa Kenya là
thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Buổi chiều tối trước giờ
biểu quyết, đại sứ Martin Kimani đã đọc một diễn văn để bày tỏ lập trường
của quốc gia ông. Dưới đây là vài đoạn trích từ diễn văn hùng hồn, đầy thôi
thúc của Đại Sứ Martin Kimani:
“Kenya và hầu hết các quốc gia châu Phi ra đời bởi sự
kết thúc của đế chế. Biên giới của chúng tôi không phải do chúng tôi vẽ mà được
vẽ ở các mẫu quốc thuộc địa xa xôi của London, Paris và Lisbon, không liên quan
gì đến các quốc gia thời cổ đại đã bị tách rời nhau.”
“Chúng tôi bác bỏ chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ và chủ
nghĩa bành trướng trên bất kỳ cơ sở nào, bao gồm các yếu tố chủng tộc, dân tộc,
tôn giáo hoặc văn hóa.”
“Chúng tôi cũng lên án mạnh mẽ xu hướng trong vài thập
niên gần đây của các cường quốc, bao gồm cả các thành viên của Hội Đồng Bảo An,
vi phạm luật pháp quốc tế mà không được quan tâm.”
“Đêm nay, chủ nghĩa đa phương nằm trên giường bệnh.
Ngày nay cũng như trong quá khứ gần đây, chủ nghĩa đa phương đã bị các cường quốc
tấn công.”
Một người Việt Nam quan tâm nào đọc diễn văn của
đại sứ Martin Kimani cũng đều cảm thấy gần gũi, xúc động và cảm thông. Số phận
những nước nhược tiểu từng bị thực dân bóc lột ở đâu cũng giống nhau.
Giống như dân tộc Kenya, dân tộc Việt Nam
không hề ký vào các Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 (nhượng Nam Kỳ cho Pháp), Hòa Ước
Giáp Thân (Patenotre) 1884, Hiệp định Geneva 1954 hay Hiệp định Paris 1973. Tất
cả đều là tác phẩm của các thực dân và đế quốc để phân chia quyền lợi và quyền
lực bằng máu xương người Việt.
Diễn văn của đại sứ Martin Kimani cũng cho thấy
khuôn mặt mới của thế giới đang định hình và một xu hướng mới đang mở ra cho
các quan hệ đối ngoại. Kết quả hai cuộc biểu quyết ở LHQ cũng cho thấy sự cần
thiết phải đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề chung của các
quốc gia trong phạm vi một khu vực hay thế giới.
Chủ nghĩa đa phương (multilateralism) liên kết
của các quốc gia qua hình thức của những tổ chức, những trung tâm, những cơ
quan quốc tế, những nhóm liên kết của ba nước hay nhiều hơn. Khác với phương thức
đơn phương (unilateralism) hay song phương (bilateralism), phương thức đa phương
là cơ hội cho các quốc gia nhỏ có tiếng nói, có quyền hạn và trách nhiệm đối với
cộng đồng nhân loại. LHQ hay WTO là những tổ chức đa phương.
TC rất sợ và từ chối cách
giải quyết các tranh chấp trên nền tảng đa phương. Chiến lược đàm phán của TC từ
nhiều năm nay là song phương nhưng thực chất cũng chỉ là đơn phương vì TC luôn
giữ thế mạnh và quyết định kết quả của đàm phán.
Các lãnh đạo đảng CSVN thường xuyên lập lại
hai chữ “ổn định” để diễn tả tình trạng Việt Nam. Nhưng đó chỉ cách nói dối,
không chỉ dối với người dân mà còn tự dối với chính mình.
Hiểm họa TC là hiểm họa thường trực thì làm gì có ổn
định.
Đọc lại vài biến cố nổi bật từ sau chiến tranh
Biên Giới Việt-Trung 1979 tới nay để thấy tội ác của bá quyền TC đối với dân tộc
Việt Nam gấp nhiều lần hơn so với tội các của Nga đối với Ukraine.
Cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Đặng Tiểu
Bình năm 1979 mang về cho TC một thảm bại nhục nhã nhưng đồng thời đó cũng là
thời điểm đánh dấu những thay đổi lớn trong sách lược quốc phòng. Họ Đặng đẩy mạnh
hiện đại hóa quốc phòng bằng cách trẻ trung hóa cấp chỉ huy và nâng cấp kỹ thuật
chiến tranh trong quân đội. Hơn một triệu lính và sĩ quan già các cấp bị cho giải
ngũ. Yếu tố phẩm chất được nhấn mạnh thay vì số lượng.
Mặc dù thua to, họ Đặng không từ bỏ tham vọng
tấn công Việt Nam.
Những năm từ 1980 đến 1983, các trận pháo liên
tục bắn vào lãnh thổ Việt Nam và các đụng độ nhỏ tiếp tục diễn ra dọc biên giới
Việt-Trung. Theo Miles Maochun Yu, từng là cố vấn chính sách về Trung Quốc của
Bộ Ngoại Giao Mỹ: “Chỉ trong năm 1985, Trung Quốc đã bắn một triệu quả đạn vào
vùng Vị Xuyên của Việt Nam, sau đó là một loạt trận pháo kích dài ngày khác
trong suốt hai năm sau đó, kèm theo các cuộc tấn công của Trung Quốc vào các vị
trí của Việt Nam với sự tham gia của ít nhất 15 sư đoàn quân TC. Chỉ trong vòng
5 năm từ 1985 đến 1989, Trung Quốc đã bắn hơn hai triệu quả đạn pháo vào Việt
Nam.” (America’s Pivot To Vietnam Miles Maochun Yu, Friday, May 27, 2016,
Hoover Institution)
Hai triệu quả pháo là một con số khủng khiếp,
không nhiều hơn nhưng chắc cũng không ít hơn so với số lượng pháo TC bắn vào
hai đảo Kim Môn và Mã Tổ trong thập niên 1950.
Sau 5 năm cải tiến, Đặng Tiểu Bình muốn thử
nghiệm hiệu quả của chính sách “hiện đại hóa quốc phòng” và lần nữa nơi thử
nghiệm chẳng đâu khác là Việt Nam.
Ngày 24, 12, 1983, họ Đặng tiếp Norodom
Sihanouk, lúc đó đang là chủ tịch của Chính phủ Liên Hiệp Ba Thành Phần gồm
Khmer Đỏ, Campuchia Dân Chủ và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Khmer, tại Bắc Kinh.
Trong buổi tiếp xúc này, Norodom Sihanouk yêu cầu Đặng can thiệp bằng quân sự
vì phía CSVN đang thắng thế trong nhiều mặt trận trên khắp lãnh thổ Cambodia.
(Xiaoming Zhang, Deng Xiaoping's Long War: The Military Conflict between China
and Vietnam, University of North Carolina Press, 2015)
Đặng Tiểu Bình đồng ý giúp nhưng thay vì mở một
cuộc chiến tranh biên giới khác, họ Đặng nhắm hai căn cứ chiến lược Lão Sơn
(Laoshan) và Núi Bạc (Zheyinshan). Sau nhiều trận đánh suốt mùa hè 1984, Lão
Sơn của Việt Nam đã bị TC chiếm ngày 16 tháng 7, 1984. Nhiều ngàn thanh niên Việt
Nam đã chết trên các đỉnh núi Lão Sơn. Đặng Tiểu Bình xem đây là một chiến thắng
lớn. Viên tư lịnh sư đoàn tham dự mặt trận Lão Sơn được đặc cách lên chức Tư lịnh
Binh Đoàn 11 của quân đội TC. ((1) Trần Trung Đạo, Đặng Tiểu Bình và Trận
Lão Sơn Trong Chiến Tranh Biên Giới Trung – Việt Năm 1984 dịch từ
China-Defense, (2) Charlie Gao, China's Loss That You Have Never Heard About,
The National Interest, August 18, 2021)
Ngày 14 tháng 3, 1988, TC chiếm Gạc Ma. Cuộc
thảm sát này hiện nay được được nhắc lại trong các báo khá nhiều. Báo Lao Động
ngày 13/03/2022 viết: “Ngày 14.3.1988, nhằm ngày 27 tháng giêng âm lịch, Trung
Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của
Việt Nam. Trong một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ đảo đá Gạc Ma, 64 chiến
sĩ thuộc lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và anh
dũng hy sinh. Nhiều người trong số họ đã nằm lại mãi mãi nơi đáy biển sâu.”
Cũng theo báo Lao Động, mãi tới 11 năm sau “những bài báo viết về các anh, các
cựu binh Gạc Ma mới bắt đầu xuất hiện rải rác. (Lao Động, Chủ nhật, 13/03/2022)
Chiếm Gạc Ma chỉ là đầu cầu cho chiến lược
bành trướng Biển Đông của Đặng Tiểu Bình. Vào thập niên 1990, đối tượng cạnh
tranh chiến lược của Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo TC sau ông ta là Mỹ, Nhật,
Đức chứ không còn là Việt Nam.
Cuối năm 1990, LX đang trên đà sụp đổ. Sáu
trong số mười lăm nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” đã tuyên bố độc lập, nền
kinh tế LX đang thời kỳ suy thoái, bức tường Bá Linh đã bị đập đổ. Boris
Yeltsin từ bỏ đảng CS và trở thành lãnh đạo của phong trào dân chủ Nga. CSVN
trở thành con thuyền không bến và chiếc phao duy nhất còn lại là TC. Hội nghị Thành Đô trong
hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 đánh dấu cho ngày trở về của đảng CSVN dưới ảnh
hưởng TC.
Chỉ ba tháng sau hội nghị Thành Đô, ngày 8
tháng 5 năm 1992 Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng
Crestone của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục
địa của Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa. Trung Cộng cũng hứa
với công ty Creston sẽ bảo vệ bằng võ lực nếu Việt Nam can thiệp vào công việc
của họ.
Ngày 25 tháng 2, 1992, TC thông qua Luật Lãnh
Hải và Vùng Tiếp Giáp. Theo luật này, Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường
Sa, thuộc về TC. Văn bản này viết: “Lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là
vành đai biển tiếp giáp lãnh thổ đất liền và nội thủy của Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa. Lãnh thổ trên đất liền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm đất
liền và các đảo ven biển; Đài Loan và tất cả các đảo bao gồm quần đảo Điếu Ngư;
quần đảo Penghu; quần đảo Đông Sa; quần đảo Tây Sa; quần đảo Trung Sa và quần đảo
Nam Sa; cũng như tất cả các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Theo phân tích của Council On Foreign
Relations, một trung tâm nghiên cứu lớn tại Mỹ, ý đồ của TC không chỉ là kinh tế
nhưng chính là quân sự. TC muốn khóa Biển Đông khỏi sự hải hành quân sự của Mỹ.
Quan trọng nhất là việc TC quân sự hóa Biển
Đông qua việc xây dựng hàng loạt “đảo nhân tạo” và các căn cứ quân sự trên quần
đảo Hoàng Sa. Bảy đảo nhân tạo đó gồm Johnson Reef South (Đá Gạc Ma), Subi Reef
(Đá Xu Bi), Gaven Reef (Đá Ga Ven), Hughes Reef (Đá Tư Nghĩa), Fiery Cross Reef
(Đá Chữ Thập), Cuarteron Reef (Đá Châu Viên) và Mischief Reef (Đá Vành Khăn).
Tại hội nghị Shangri-La 2015 (The IISS
Shangri-La Dialogue) với cấp bộ trưởng quốc phòng của 50 quốc gia, Bộ trưởng Quốc
Phòng Mỹ Ash Carter chính thức yêu cầu TC ngưng xây dựng các căn cứ quân sự nổi
qua hình thức các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, ngoại trừ có các biện pháp cứng rắn
của các quốc gia trực tiếp trong vòng tranh chấp, không một lời yêu cầu nào hay
văn bản nào có thể làm thay đổi tham vọng của Tập Cận Bình.
Ngày 14 tháng 2, 2016, TC đặt các giàn hỏa tiễn
địa đối không (surface-to-air missiles) và chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm
(Hoàng Sa). Tờ The Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin quân sự cho biết đây
là loại hỏa tiễn HQ-9 dài 6 mét, nặng hai tấn, tầm bắn từ trung bình tới xa.
(China Positions Missiles on Disputed South China Sea Island, The Wall Street
Journal, Feb. 17, 2016)
Ngày 18 tháng 5, 2018, các oanh tạc cơ H-6 của
TC cất cánh từ đảo Phú Lâm và đáp xuống một “đảo nhân tạo” của TC trên Biển
Đông. Ấn bản điện tử của Nhân Dân Nhật Báo còn đăng cả một video ngắn cho thấy
oanh tạc cơ H-6K có tầm bay xa 1900 hải lý hạ cánh xuống một trong những “đảo
nhân tạo”. Với loại oanh tạc cơ này, tất cả các thành phố lớn, các quốc gia
vùng Đông Nam Á đều nằm trong tầm oanh tạc của H-6K nói chi là Việt Nam chỉ
cách Hoàng Sa 121 hải lý. (China lands bomber on South China Sea island for
first time, CNBC, May 18, 2018).
Ngày 18 tháng 4, 2020, TC công bố thành lập
hai đơn vị hành chánh mới gồm Tây Sa bao gồm Hoàng Sa và Nam Sa bao gồm Trường
Sa của Việt Nam. Trụ sở của hai đơn vị hành chánh này đặt tại đảo Phú Lâm, trực
thuộc tỉnh Hải Nam của TC. Nhiều người nghĩ tình trạng Covid-19 sẽ làm giảm
chính sách bành trướng của Tập Cận Bình, nhưng không, họ Tập không những chậm
mà còn lợi dụng khó khăn của thế giới để đẩy mạnh hơn tham vọng xâm thực chủ
quyền của các nước chung quanh trong đó có Việt Nam.
Trên đây chỉ là vài sự kiện chính được các viện
nghiên cứu, các hãng tin, các báo chí quốc tế ghi lại. Sự chịu đựng của ngư dân
Việt Nam trong 47 năm qua không sách vở nào ghi hết như Nguyễn Trãi viết trong
Bình Ngô Đại Cáo “Trúc Nam Sơn không ghi hết tội, nước Đông Hải không rửa sạch
mùi”.
Nhiều người có thể đặt câu hỏi nếu vậy thì làm
gì?
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vao Ukraine
đã làm các nhà phác họa chính sách đối ngoại, từ các nước lớn như Mỹ, Đức, Anh
cho tới những nước nhỏ xa xôi như Ghana ở Phi Châu hay Cambodia ở Á Châu suy
nghĩ lại chính sách đối ngoại của nước mình và chọn lựa một hướng đi mới phù hợp
với xu hướng mới đặt trên nền tảng đa phương.
Việt
Nam không có khả năng đánh bại hải quân TC, không đủ không quân để làm chủ bầu
trời Biển Đông nhưng không phải là tuyệt lộ. Ít nhất có một việc nên làm ngay, đó
là hủy bỏ chính sách quốc phòng “Bốn Không”.
Chính sách “Bốn Không” được xác định trong
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên
minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước
ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác;
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. (Sách
trắng Quốc phòng Việt Nam 2019)
Tại sao phải “Bốn không”? Thái Lan, Nam Dương,
Mã Lai, Philippines, Cambodia và ngay cả nước nhỏ tí như Brunei cũng không tự
cô lập khi đưa ra một chính sách tự trói tay như Việt Nam.
Một chính sách đối ngoại đúng là chính sách đặt quyền
lợi của đất nước lên trên hết chứ không đặt quyền lợi của cường quốc nào lên
trên hết. Chính sách “Bốn
Không” thực chất là một chính sách “tiền đồn” nhằm phục vụ cho quyền lợi của TC
để giữ “sân sau” Việt Nam làm hành lang an toàn cho TC khi có một xung đột giữa
TC với Mỹ và Đồng Minh xảy ra.
Hủy bỏ “Bốn Không” không có nghĩa phải thay bằng
“Bốn Có”, không nhất thiết phải chọn đi với Mỹ nhưng để giải quyết các vấn đề
thế giới trên nền tảng đa phương, không tự trói tay.
Hủy bỏ “Bốn Không” không có nghĩa là chống lại
TC mà là giới hạn sự lệ thuộc vào TC và tạo điều kiện được đối xử bình đẳng
trong quan hệ ngoại giao với TC.
Cuộc chiến tự vệ của Cộng
Hòa Ukraine với sự ủng hộ của gần hết các quốc gia trên thế giới cho thấy tầm
quan trọng của chủ nghĩa đa phương.
Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới từ sau Thế
Chiến Thứ Hai, sự liên kết và phụ thuộc hỗ tương giữa các quốc gia bất kể lớn
nhỏ quan trọng như những ngày này. Một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới
là Lục Xâm Bảo (Luxembourg) với dân số chỉ 640 ngàn người cũng gởi võ khí chống
tăng đến giúp Ukraine. Con số tuy nhỏ nhưng tính đại diện rất quan trọng và ý
nghĩa.
Sự thất bại của Putin là bài học cho Tập Cận
Bình, đặc biệt là quan điểm chủ nghĩa dân tộc cực đoan của y đối với Đài Loan.
Khái niệm dân tộc ngày nay không chỉ được định
nghĩa bằng quá khứ lịch sử, ngôn ngữ, giống nòi, tôn giáo mà quan trọng hơn là
dựa vào khát vọng của con người sống trong thời đại họ. Khi thành phố Bucha của
Ukraine bị san bằng, hàng ngàn người dân vô tội, kể cả phụ nữ mang thai bị giết,
mọi lời rao về tình dân tộc Rus của Vladimir Putin đã trở thành những hạt muối
xát vào vết thương của người dân Ukraine.
Sự thất bại của Putin cũng là bài học cho Tập
Cận Bình về hậu quả của chủ nghĩa bành trướng. Lịch sử cận đại chứng minh các đế
quốc bành trướng như Ottoman, Phổ, Nhật, Nga, Áo-Hung v.v.. đều thất bại và sụp
đổ.
Cái gọi là “quyền lịch sử” mà bộ máy tuyên
truyền TC huênh hoang tối ngày thực chất chỉ là quyền ăn cướp. Nếu TC quả thật
có đủ bằng chứng cụ thể và thuyết phục trước công pháp quốc tế thì họ đã không
trốn khi bị Philippines kiện ra tòa.
Xin nhớ, chính phủ Philippines không hề giấu
diếm ý định mà còn báo trước cho TC biết họ sẽ nộp đơn kiện để TC có thời gian
chuẩn bị.
Nhắc lại, ngày 22 tháng 1, 2013 chính phủ
Philippines trao cho đại sứ Trung Cộng tại Philippines một công hàm ngoại giao
trong đó trình bày lý do Philippines kiện Trung Cộng lên Tòa Án Quốc Tế về Luật
Biển (ITLOS). Chính phủ Philippines cũng cho đại sứ TC biết trọng tài thứ nhất
Philippines chọn là luật gia người Đức Rüdiger Wolfrum.
Cộng Hòa Philippines dựa vào Điều 287 (chọn thủ
tục) và Phụ lục số Bảy (Annex VII) của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển
(United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS) để nộp đơn lên kiện
Trung Cộng vi phạm UNCLOS đối với Philippines và thách thức cái gọi là “Quyền lịch
sử” của Trung Cộng trên Biển Đông.
Kẻ cướp chỉ có súng chứ làm gì có bằng chứng sở
hữu vì của cải, đất đai, nhà cửa là của chủ nhà. Sau gần một tháng họp bàn,
ngày 19 tháng 2, 2013 TC thông báo cho chính phủ Philippines biết sẽ không tham
gia vụ kiện. Vì không tham gia nên TC không có quyền đề cử thẩm phán trọng tài.
Kết quả như cả thế giới đều biết hôm nay, Philippines chẳng những thắng phần
mình mà còn làm cho lý luận gọi là “quyền lịch sử” chỉ để đun nóng chủ nghĩa
dân tộc cực đoan tại lục địa chứ hoàn toàn vô nghĩa trước công pháp quốc tế.
(The South China Sea Arbitration. The Republic of Philippines v. The People's
Republic of China, Case 2013-19 PCA)
Thay
vì “Bốn Không”, quan điểm quốc phòng chỉ nên viết một cách tổng quát: Chính
sách quốc phòng Việt Nam phục vụ cho mục đích duy nhất là bảo vệ chủ quyền và sự
toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và do đó, trong mỗi tình huống của thế giới,
chính sách có thể sẽ được linh động áp dụng một cách thích nghi.
Hủy
bỏ “bốn không” chưa hẳn là “thoát Trung” nhưng ít nhất cũng phá vỡ tình trạng tự
cô lập, bế tắc để mở ra một không gian mới thúc đẩy đa phương hóa trong tranh
chấp Biển Đông.
Im
lặng là góp phần nuôi dưỡng tội ác.
Nhìn bức ảnh đính kèm theo bài viết độc giả sẽ
thấy không phải một sáng, một chiều, một tháng, hay ngay cả một năm mà TC xây
xong bảy căn cứ quân sự trên Biển Đông.
Các hình ảnh chụp năm 1988 và 1995 cho thấy những
“căn cứ” của TC trên Trường Sa vừa chiếm được của Việt Nam đơn sơ không khác gì
những chòi giữ vịt ở Cao Lãnh. Tuy nhiên, chính sách quốc phòng tự cô lập của
Việt Nam đã khuyến khích TC biến những chòi giữ vịt đó thành những phi trường
cho các oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, các giàn phóng hỏa tiễn tầm xa được đặt, đồn
trú hay trang bị như ngày nay.
TC có kho ngoại hối dự trữ (foreign-exchange
reserves) lớn nhất thế giới nhờ mấy chục năm bán sức lao động của mấy trăm triệu
dân và kho võ khí hiện đại một phần không nhỏ do ăn cắp kỹ thuật. Tuy nhiên,
như bài học Putin cho thấy võ khí và tiền bạc không đem lại chiến thắng.
Nga có nguồn dự trữ lớn thứ tư trên thế giới với
611 tỷ dollar nhưng ngoại trừ 13% số tiền đó ký thác trong các ngân hàng Trung
Cộng và sẽ sử dụng được, số lớn còn lại đã bị “đóng băng”. Kỹ thuật chiến tranh
của Nga chưa phải là đối thủ của Mỹ và NATO.
Yếu tố còn lại và cũng là yếu tố quyết định là
con người. Đây cũng là nỗi lo của Tập Cận Bình. Chính họ Tập đã gọi quân đội TC
đang mắc một bệnh dịch gọi là “bệnh hòa bình”. Lý do, từ sau chiến tranh biên
giới với Việt Nam, quân đội TC chưa tham dự một cuộc chiến nào. (Charlie Lyons
Jones Xi believes a ‘peace disease’ hampers China’s military modernization,
Australian Strategic Policy Institute, 26 Aug 2019)
TC không đáng sợ nhưng nếu CSVN tiếp tục theo đuổi
các chính sách tự cô lập, tách rời khỏi hướng đi của thời đại, không liên kết với
các quốc gia có cùng quyền lợi để ngăn chặn kịp thời tham vọng bành trướng của
TC, Việt Nam, một quốc gia bán đảo bên bờ Thái Bình Dương, có nguy cơ trở thành
một nước không có biển.
Cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine là một
trường hợp nghiên cứu cho tất cả học viện quân sự, các “think tank” (trung tâm
nghiên cứu chiến lược) tại mọi quốc gia, mọi chính phủ nhất là những nước có vị
trí địa lý chính trị tương tự như Ukraine.
Nếu Ukraine cũng theo đuổi chính sách “bốn
không” như Việt Nam chắc chắn đã không có sự viện trợ quân sự của 36 quốc gia,
và hậu quả ai cũng có thể hình dung được thủ đô Kyiv hôm nay là một đống tro
tàn.
Qua hai cuộc bỏ phiếu vừa rồi tại LHQ, người
viết không kỳ vọng giới cầm quyền CSVN thay đổi chính sách quốc phòng, nhưng chẳng
qua nói phải nói cho hết, viết phải viết cho hết.
Biển vô cùng quan trọng. Phải giữ cho được biển.
Nhiều ngàn năm trước, tổ tiên dòng giống Việt vượt núi, băng rừng từ bỏ vùng đất
nằm sâu trong đất liền để di dân về phương Nam và đã dừng lại ở Việt Nam chỉ vì
nơi đây có biển. Đừng vì sự “ổn định” tạm thời của đời mình hay của đảng mình
mà quên đi nền hòa bình, thịnh vượng và ổn định thật sự của cả dân tộc trong
nhiều đời sau.
Trần Trung Đạo
HÌNH :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=411088154353586&set=pcb.411090474353354
Trung Cộng trên Biển
Đông Việt Nam
https://www.facebook.com/photo/?fbid=411088411020227&set=pcb.411090474353354
Martin Kimani
.
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=319101283692231&set=p.319101283692231&type=3
Hồ Chí Minh bên cạnh
các quan thầy Trung Cộng
No comments:
Post a Comment