Thursday, May 26, 2022

THOÁT KHỎI ĐỊA NGỤC (Damian Whitworth)

 



Thoát khỏi địa ngục

Damian Whitworth

25/05/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/25027-thoat-kh-i-d-a-ng-c

 

Lần đầu tiên Sayragul Sauytbay nghe những tiếng kêu thét lên sau hai hay ba ngày ở trại giam. Chị bị đưa đến làm giáo viên ở một trong những trung tâm nơi Trung Quốc "cải tạo" những người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm sắc tộc khác ở tỉnh tây bắc, thuộc Tân Cương. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/52098248454_309747d8d4.jpg

 Sayragul Sauythbay, 44 tuổi, đang ở Thụy Điển. Nguồn: Karlsson Lundgren/Times Magazine

 

Trước đó, chị đã nhìn thấy những người tù trông như "những tử thi biết đi", với đầu cạo trọc, mắt sưng bầm và những ngón tay bị rút móng. Họ bị xiềng chung lại với nhau trong những xà lim đông nghẹt, hôi hám.

 

Âm thanh đau đớn tột cùng vang vọng qua khắp các hành lang của cỗ "quan tài bằng bê tông" giam cầm họ. Về sau chị viết : "Tôi suốt đời chưa bao giờ nghe những tiếng như thế. Những tiếng kêu thét lên như thế ta không thể nào quên được. Lúc tôi nghe chúng, tôi biết ngay người ta đang đau đớn xiết bao. Những tiếng kêu thét này vang lên giống như những tiếng kêu thảm thiết của con thú sắp chết".

 

Chị biết những tiếng kêu thét lên xuất phát từ "phòng đen", một căn phòng có gắn những dây xích trên tường và không có camera, nơi những người tù bị công an lôi vào vì đủ mọi thứ tội mà họ cho là vi phạm. Nhiều người tù ra khỏi phòng máu me đầy mình, nhiều người khác thì ta không bao giờ thấy lại nữa.

 

Sauytbay biết, nếu chị biểu lộ sự lo lắng thất vọng trước những gì chị nghe, hay chỉ cần sơ sẩy một chút, thì chính chị cuối cùng cũng sẽ vào phòng đấy. Rồi một ngày nọ, một nhóm tù mới đến trại, trong đó có bà cụ 84 tuổi từ một gia đình chăn cừu ở một vùng miền núi. Nhận ra Sauytbay, một đồng hương người Kazakh trong rất đông những khuôn mặt người Trung Quốc, bà cụ run rẩy chợt ôm chầm lấy chị và cầu cứu.

 

Sauytbay nghĩ chị có thể ôm lại bà chỉ trong giây lát. Bà cụ bị dẫn đi còn Sauytbay, bị nghi ngờ là có âm mưu, bị đưa ngay vào phòng đen.

 

                                                                       ***

Năm 2018, tên của Sayragul Sauytbay xuất hiện trên báo chí quốc tế khi chị nói công khai về tình trạng trong trại. Trung Quốc đã phủ nhận sự tồn tại của những trung tâm này, bất chấp những báo cáo cho rằng họ đã phát triển thành một mạng lưới rộng khắp trải dài trên hàng trăm địa điểm.

 

Bây giờ chị kể lại toàn bộ câu chuyện tù của chị, những cuộc tra tấn chị nói chị đã trải qua, những chuyện kinh hoàng chị đã chứng kiến ở trong trại, và cuộc trốn thoát ngoạn mục của chị ra khỏi Trung Quốc.

 

Liên Hiệp Quốc ước tính rằng, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh (nhóm sắc tộc lớn thứ hai trong vùng) và những người thiểu số khác, chủ yếu là người Hồi giáo, đã bị giam cầm. Đã có nhiều báo cáo đáng tin về những tù nhân đang bị bắt lao động như nô lệ và về phụ nữ bị bắt buộc triệt sản. Trung Quốc đã nói, những trại này được thiết lập để dạy nghề nhằm chống lại chủ nghĩa quá khích tôn giáo và họ đã phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào. Vào năm 2019, một viên chức tuyên bố rằng, tất cả những người bị giam giữ đều đã "tốt nghiệp" và đều đã có công việc ổn định, và trong tương lai việc theo học ở những trung tâm này sẽ là tự nguyện.

 

Trung Quốc đã nói, những trại này được thiết lập để dạy nghề nhằm chống lại chủ nghĩa quá khích tôn giáo và họ đã phủ nhận bất kỳ sự ngược đãi nào. Vào năm 2019, một viên chức tuyên bố rằng, tất cả những người bị giam giữ đều đã "tốt nghiệp" và đều đã có công việc ổn định, và trong tương lai việc theo học ở những trung tâm này sẽ là tự nguyện.

 

Tại cuộc họp báo được tổ chức ở Luân Đôn và Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, vào đầu năm nay – mà một người tham dự mô tả là "thô thiển một cách mê muội" – các viên chức Trung Quốc khoe khoang về "đất đai tuyệt diệu" của Tân Cương. Những người trẻ trong cuộc họp báo kể về việc họ nhận được sự đối xử rất tốt ở các trung tâm dạy nghề này nơi cuộc đời họ đã thay đổi tốt hơn nhiều.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52098248439_d1d48d78d8.jpg

Một "trung tâm dạy nghề" ở Tân Cương. Nguồn : Reuters

 

Cùng với Hoa Kỳ và Liên Âu, vào tháng Ba năm nay Anh đã tuyên bố trừng phạt bốn viên chức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Tuần qua, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị tuyên bố rằng, nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số khác.

 

Kiến nghị này không mang tính ràng buộc và lập trường của chính phủ Anh là các tòa án phải quyết định khi nào nạn diệt chủng đã diễn ra. Antony Blinken, ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại ở Tân Cương. Công ước Liên Hiệp Quốc về diệt chủng định nghĩa diệt chủng là "ý định tiêu diệt toàn bộ hay một phần một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hay tôn giáo".

 

Sauytbay cho rằng, "các trại tập trung" này là chương trình giam giữ lớn nhất kể từ thời Quốc Xã Đức và những dân tộc bản xứ là "thuộc địa nô lệ". Giống như những người khác, chị vẫn gọi Tân Cương là Đông Turkestan và coi đây là "nhà tù lộ thiên lớn nhất thế giới".

 

Sauytbay 44 tuổi sinh ra trong túp lều trong một gia đình chín người con. Gia đình chị là gia đình chăn nuôi bán du mục ở trong một thung lũng sát biên giới với Kazakhstan. Gia đình theo một môn phái đạo Hồi rất trung dung, cùng với những người khác, đã đến định cư ở dưới chân dãy núi Thiên Sơn và từ đấy dựng nên làng mạc.

 

Chị đã học xong bác sĩ. Về sau chị học nói tiếng Trung lưu loát và trở thành giáo viên. Chị dạy tiếng Trung cho trẻ em người Kazakh và sau đó phụ trách năm nhà trẻ. Sau khi lập gia đình với Uali, họ có một trai và một gái. Ngoài công việc phụ trách các nhà trẻ ra, chị còn mở các tiệm bán áo quần và lập ra một nông trại.

 

Từ thập niên 1980, Trung Quốc đã đưa dân đến Tân Cương, khai thác tài nguyên trong vùng, khuyến khích rất nhiều người Hán di dân đến đây và cấm các hoạt động văn hóa của các dân tộc bản xứ.

 

Không đâu mà sự mở rộng kiểm soát người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakh lại thâm hiểm cho bằng nỗ lực của nhà cầm quyền để khiến cho họ phải im lặng. Khi Ulagat, con trai chị lên ba tuổi rưỡi, Sauytbay phát hiện một thầy giáo đã lấy băng keo dán kín miệng con chị lại, chỉ vì con chị bị bắt quả tang đang nói tiếng bản xứ với những đứa bé khác. "Họ thực hiện chính sách tiêu diệt tận gốc này ngay từ nhỏ và chúng tôi là cha mẹ thấy vậy, thật sự đau lòng. Nhưng chúng tôi buộc lòng phải chấp nhận điều này".

 

Chúng tôi nói chuyện qua cuộc gọi video, với sự giúp đỡ của người thông dịch. Sauytbay hiện ở Thụy Điển, tại đây chị viết cuốn sách, tựa đề "Nhân chứng Chính", về nỗi đoạn trường chị trải qua. Tuy nhiều tình tiết gây sửng sốt nhưng nói chung chị trả lời một cách bình thản và rõ ràng. Chỉ thỉnh thoảng, chẳng hạn lúc chị kể lại những gì con chị đã phải trải qua, mặt chị lúc ấy đanh lại vì căm thù chế độ Bắc Kinh.

 

Gia đình chị đã tính đến chuyện di cư sang Kazakhstan nhưng rồi đi đến quyết định định mệnh là hoãn lại. Căng thẳng đã đưa đến bao cuộc xung đột giữa người Kazakh và quân đội Trung Quốc và những cuộc đánh bom tự sát, và rồi cuối cùng họ quyết định đi đến Kazakhstan, thì họ gặp phải một trở ngại lớn. Là người làm việc trong khu vực nhà nước, chị bị bắt buộc phải nộp lại hộ chiếu. Vào tháng 7/2016 chồng và con chị đi trước sang Kazakhstan, còn chị cố gắng xin lại hộ chiếu.

 

https://live.staticflickr.com/65535/52098511870_74962482db_w.jpg

Những người bị giam giữ nghe diễn thuyết trong trại cải tạo ở huyện Lop, Tân Cương, tháng 4 năm 2017. Có tới một triệu người Ngô Duy Nhĩ đã bị đưa đến trại tập trung ở Tân Cương. Ảnh : Wikimedia Commons

 

Vào mùa hè năm ấy nhà cầm quyền Trung Quốc bắt đầu biến Tân Cương thành một nhà nước giám sát cùng với sự xuất hiện của viên bí thư tỉnh ủy mới, Trần Toàn Quốc, là người trước đó đã đưa ra những chính sách cực đoan nhằm kiểm soát Tây Tạng. Theo lời đồn, ông ta đã bảo với cơ quan an ninh ở Tân Cương là "hãy vây bắt tất cả những ai nên bị vây bắt".

 

Những ai không bị bắt thì bị quay phim và giọng nói họ bị thu âm để nâng cao hệ thống định vị theo dõi, được ủng hộ bởi mạng lưới camera giám sát cực kỳ lớn. Sauytbay phải đến kiểm tra nhà của các nhân viên nhà trẻ mà chị phụ trách, để chắc chắn rằng họ không có bất kỳ cái gì liên quan đến tôn giáo. Nhiều người, đặc biệt là thanh niên trẻ, bị bắt và rồi biến mất vào các trại. Sau khi bị cấm liên lạc với Kazakhstan, chị không thể nào nói chuyện với gia đình được nữa.

Chị tin là chị bị tình nghi kết hôn với gián điệp cho nên chị đã bị bắt cóc vào ban đêm với một cái bao trùm trên đầu và bị hỏi cung về chỗ ở của chồng. Họ nói với chị rằng, chồng chị là kẻ phản quốc và bảo chị nên ly dị chồng. Chị bị đánh trong một lần tra hỏi, từ đó chị nhận thức rằng, chị bị giữ lại ở Trung Quốc để làm con tin.

 

Theo chính sách mới "trở thành một gia đình", người bản xứ phải đến sống chung với gia đình người Trung Quốc trong nhiều ngày liền, hay chấp nhận họ đến sống với gia đình mình. Điều này có nghĩa là làm công việc nhà cho chủ nhà và nhiều phụ nữ phải ngủ với đàn ông người Trung Quốc. Chị đã hối lộ cho người đàn ông Trung Quốc mà chị có nhiệm vụ sống chung để tránh phải ngủ lại qua đêm trong nhà ông.

 

"Thật buồn vô cùng. Chuyện đang xảy ra với người bản xứ ở Đông Kazakhstan là thân thể họ, trí óc họ, cuộc đời họ, số phận họ, không thuộc về chính họ, mà thuộc về Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Người bản xứ sống giữa sống và chết, và họ sống trong sợ hãi. Họ biết nhà nước sẽ làm chuyện gì đó hại họ, nhưng họ không biết khi nào nó xảy ra, vì vậy họ sống hàng ngày trong nỗi sợ hãi khôn cùng: Khi nào nó sẽ xảy ra ?".

 

Tháng 11/2017, chị bị trùm bao lên đầu rồi đưa đến trại và được bảo rằng, chị phải dạy tiếng Trung cho những người tù ở trại. Hợp đồng làm việc của chị ghi rằng vi phạm luật lệ sẽ bị phạt tử hình. Chị cũng bị cấm nói chuyện với những tù nhân, và cấm cười, cấm khóc hay trả lời các câu hỏi nếu không được cho phép. 

 

Nhà mới của chị bây giờ là xà lim 6 mét vuông có gắn camera ở mọi góc. Về sau chị biết những người tù trong trại mỗi người chỉ được một mét vuông trong những xà lim bẩn thỉu và khi họ ngủ, họ bị cùm với nhau. Chị ước tính, trại giam giữ khoảng 2.500 tù nhân.

 

Chị viết, khi chị gặp học viên trong lớp, họ trông giống như một "đạo quân tử thi biết đi, mới đội mồ bước ra". Họ được gọi bằng số tù và bị bắt ngồi thẳng lưng khi hô vang, "Tôi tự hào là người Trung Quốc" và "Tôi yêu mến Tập Cận Bình" – Chủ tịch Trung Quốc.

 

Tù nhân được bảo là, nếu họ học tập tốt họ sẽ được thả ra sớm, nhưng trong thời gian năm tháng chị ở trong trại, chị chưa từng biết ai được thả ra. Những tù nhân theo đạo Hồi bị bắt phải ăn thịt heo, hát nhạc ca tụng Đảng, trong khi họ bị xiềng tay chân và bị dẫn đi quanh trại và học cách thú nhận sai lầm bằng tiếng Trung Quốc, cho dù họ không làm gì sai. Còn nếu họ cứ khăng khăng cho rằng mình vô tội, thì người nhà họ cũng sẽ bị bắt luôn, vì vậy mọi người đều "thú nhận" là đã đi thăm người thân ở Kazakhstan hay đi nhà thờ Hồi giáo.

 

Ngày nọ, Sauytbay nhận ra một tù nhân và công an nhận ra phản ứng kinh ngạc của chị. Chị liền bị thẩm vấn, còn người tù ấy biến mất tăm. Những người trẻ khỏe mạnh biến mất và chị tự hỏi phải chăng họ đã bị dùng để lấy nội tạng hay bị bắt lao động khổ sai.

 

Một ý tá dặn chị đừng uống thuốc của trại đưa, nói thầm với chị rằng chị sẽ không bao giờ có con nữa. Người tù cũng bị tiêm thuốc, mà theo lời chị "đây chỉ là một trong những biện pháp của chính sách diệt chủng tra tấn, tàn bạo, dã man".

Vào ngày chị bị đưa vào phòng đen, chị thấy trong phòng có một cái bàn đầy những công cụ và dụng cụ tra tấn, trong đó có súng điện, dùi cui, và những thanh sắt để đặt tay và chân vào những tư thế đau đớn. Tường treo là liệt những vũ khí như những vũ khí vào thời trung cổ: Dụng cụ rút móng tay; giáo mác; ghế có đai, thanh chắn và những cái lỗ trông đáng sợ. Chị bị bắt ngồi vào ghế điện và hai người tra hỏi chị, trong đó có một người bịt mặt, về bà cụ chăn cừu.

 

Khi chị không chịu nhận bất kỳ tội gì, họ giật điện vào người chị và đánh tới tấp trên đầu chị. Chị bất tỉnh liên tục và, nhận thức chị phải nói với họ những gì họ muốn nghe, chị thú nhận rằng trước đây chị có quen biết bà ấy.

 

Những kẻ tra tấn chị cuối cùng không quan tâm nữa và chị được đưa trở lại xà lim. Sauytbay nói, bà cụ chăn cừu bị tố cáo là gián điệp và khi bà không nhận tội, bà bị đưa vào phòng đen và tại đây họ đã rút những móng tay bà.

 

Một ngày nọ Sauytbay cùng với 100 tù nhân bị gọi đến một căn phòng, nơi một phụ nữ độ 20-21 tuổi bị buộc phải thú nhận là đã gởi tin nhắn chúc may mắn đến một người bạn nhân một ngày lễ tôn giáo. Người phụ nữ ấy bị xô ngã xuống đất rồi ba người đàn ông thay nhau hãm hiếp ngay trước mặt mọi người. Công an trong lúc ấy theo dõi xem những người tù khác phản ứng như thế nào. Những ai có biểu hiện phản đối thì bị bắt đi ngay lập tức. Sauytbay nói, họ làm như vậy để xem ai là người đã hoàn toàn bị khuất phục.

 

Chị lúc ấy đã cố gắng không biểu lộ phản ứng gì trước cảnh tượng khủng khiếp ngay trước mặt, nhưng chị nói, chị sẽ không bao giờ quên chuyện này và không thể nào chấp nhận được cảnh chị chứng kiến. "Tôi đau lòng khi thấy những người vô tội khác bị tra tấn và những gì họ đã làm với những con người vô tội ấy, đã tác động rất xấu đến tôi".

 

Những cựu tù nhân khác cũng tuyên bố phụ nữ ở các trại đã bị hãm hiếp tập thể một cách có tổ chức bài bản. Sauytbay tin chắc rằng những gì chị đã chứng kiến không phải chỉ là hành vi của vài người xấu. "Tôi tin điều đó nằm trong chính sách tiêu diệt hoàn toàn dân tộc bản xứ của Đông Turkestan cho nên công an ở trại đó được ban cho quyền lực vô tận và quyền hành vô tận để làm bất kỳ điều gì họ muốn. Họ sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm. Mục tiêu chính của họ là tiêu diệt hoàn toàn dân tộc bản xứ đã sống ở đó hàng ngàn năm. Từ Thế Chiến thứ Hai đến nay đã hơn 70 năm. Bây giờ lịch sử đang lặp lại". Mặc dù chị thấy những người tù biến mất, nhưng chưa thấy ai bị giết. Chị nói chị thấy những người gần chết nằm trên mặt đất.

 

Hai điều giúp chị chịu đựng được. Đó là niềm hy vọng ngày nào đó chị sẽ cùng đi dạo với con ở Kazakhstan và quyết tâm sống để nói với cả thế giới về những gì đang xảy ra với những tù nhân. "Mắt của họ như van xin giúp đỡ. Và họ đặt nhiều hy vọng vào tôi. Mắt của họ như nói với tôi rằng, bằng mọi cách tôi cần phải giúp đỡ họ".

 

Một tháng sau vụ cưỡng hiếp tập thể ấy, chị được thả ra. Chị nói "Họ muốn bắt tôi phải chịu trách nhiệm và trừng phạt tôi như tội phạm. Vì vậy, đó là lý do họ thả tôi ra".

 

Rồi đến những cuộc thẩm vấn liên tiếp sau khi ra tù và chị được bảo rằng, chị sẽ trở lại trại với thân phận tù nhân chứ không còn như là một giáo viên. Xác tín rằng, lần này mình sẽ không còn sống để ra khỏi tù, chị trốn đi vào nửa đêm, qua khu vườn của căn hộ chị ở, lẩn tránh công an đang canh bên ngoài và đi nhờ xe đến Khorgos, khu vực tự do thương mại ở biên giới giữa Trung Quốc và Kazakhstan. Chị dùng giấy phép chợ đen để vào khu vực nhưng không có hộ chiếu hay kế hoạch vượt qua biên giới. Khi một công an biên phòng lơ đễnh, chị cúi thụp người xuống bên dưới ô cửa của trạm kiểm tra hộ chiếu và lẻn vào Kazakhstan.

 

Ở đó, chị đoàn tụ với chồng và các con sau hơn hai năm xa cách. Nhưng mặc dù cảm thấy chị đã trở lại với những đồng bào thật sự của mình, nhưng chị biết Trung Quốc sẽ tạo áp lực lên nhà cầm quyền Kazakhstan.

 

Chỉ một vài ngày sau, những người mà chị tin là mật vụ Kazakhstan đã đến bắt chị. Họ đánh đập chị và nói chị sẽ bị trục xuất về Trung Quốc, còn chồng chị sẽ đi tù và con chị bị đưa vào trại mồ côi. Tuy nhiên, trong lúc chị ngồi trong xà lim chờ quyết định của tòa án về số phận của mình, một video về tình cảnh của chị đã lan truyền rộng rãi trên mạng, nhờ đó, gây áp lực lên các viên chức và cứu chị thoát khỏi cảnh bị âm thầm trao trả lại cho Trung Quốc.

 

Sau hơn một tháng ở tù, chị ra tòa và chị dùng tòa án xử chị tội nhập cảnh bất hợp pháp, để kể lại những gì xảy ra trong trại. Lời kể của chị được tường thuật trên khắp thế giới. Những đám đông khen ngợi chị khi chị được thả ra. Chị nói "Tôi được cứu thoát là nhờ cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nhà báo và dân chúng Kazakhstan đã yêu cầu cho phép tôi ở lại Kazakhstan và không phải bị trục xuất về Trung Quốc".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52098039573_62b48c6f5d.jpg

Sauytbay tại tòa án ở Kazakhstan. Nguồn : Getty Images

 

Chị vui mừng chưa được bao lâu thì nghe tin mẹ và chị đã bị bắt trở lại Trung Quốc sau khi tòa tuyên án.

Những người lạ mặt đột nhập vào nhà chị ở Kazakhstan và, sau khi chị trốn đến chỗ ở khác, gia đình chị vẫn bị quấy rầy và mật vụ bảo chị chấm dứt trả lời phỏng vấn của các nhà báo.

 

Cuối cùng vào tháng 6/2019 chị được đi tị nạn chính trị ở Thụy Điển.

 

Chị đã ra bộ ngoại giao Thụy Điển và nghị viện châu Âu ở Brussels để làm chứng về thời gian chị ở trong trại. Vào tháng Ba năm ngoái, chị được ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo trao tặng giải thưởng Phụ nữ Can đảm Quốc tế. Ông khen ngợi chị đã "can đảm" nói về các trại tập trung này và khích lệ những người khác cùng lên tiếng.

 

Một viên chức Trung Quốc nói, giải thưởng này là "sự nhạo báng nhân quyền" và nói chị bị truy nã về tội lừa gạt nợ và vượt biên bất hợp pháp. Viên chức này cũng tuyên bố chị đã thường xuyên bôi nhọ Tân Cương bằng "những lời nói láo" và lừa dối truyền thông quốc tế.

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tường thuật rằng, một trong những chị em ruột của Sauytbay đã nói, chị mình chưa bao giờ làm việc ở bất kỳ trại nào. Sauytbay nói, một người chị và một người anh của chị đã bị buộc phải nói xấu chị trong một video. Chị nói : "Họ hoàn toàn bị giám sát. Chính quyền Trung Quốc dùng những người trong gia đình để chống đối lẫn nhau. Nếu họ muốn người ở nước ngoài phải im lặng, họ dùng đến những người thân vẫn còn sống ở Trung Quốc. Họ thúc ép người thân và dùng họ như công cụ để kiểm soát người sống ở bên ngoài Trung Quốc. Không may là người thân của tôi cũng phải nói láo như thế vì nếu họ không làm vậy, họ sẽ bị nguy hiểm".

 

Bây giờ chị không thể nào nói chuyện với gia đình chị ở Trung Quốc. Chị nói : "Không may là tôi không có bất kỳ sự liên lạc trực tiếp với họ, nhưng qua nhiều người khác, tôi cũng có những thông tin gián tiếp về họ". Tôi nói thật là hoàn cảnh rất buồn. Chị buồn bả đáp : "Vâng, đúng vậy".

 

Chị nói : "Đảng Cộng sản Trung Quốc là mối nguy hiểm lớn nhất đối với dân chủ và tự do tương lai của thế giới". Nhưng chị cũng phấn khởi là hiện nay nhiều nước đang nhận thức rằng, một cuộc diệt chủng đang diễn ra. "Ta thấy rõ ràng là thế giới dần dần bắt đầu tỉnh thức và bắt đầu lên tiếng về sự ác độc của Trung Quốc". Chị hy vọng người ta sẽ nghĩ đến chuyện không mua hàng hóa Trung Quốc và các nước sẽ quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông ở Bắc Kinh vào năm 2022.

 

Ở Thụy Điển, chị và chồng đang học tiếng Thụy Điển và tiếng Anh, hy vọng bắt đầu đi làm sớm. Con gái họ, Ukilay, 16 tuổi, và Ulagat, con trai 11 tuổi của họ, đang bắt đầu cảm thấy thoải mái với cuộc sống mới. "Cả hai con tôi đều đã hội nhập khá tốt vào xã hội Thụy Điển, chúng học hành và mọi thứ đều tốt. Chúng tôi nhớ quê hương, nhưng sau tất cả bao gian khổ này, cuối cùng gia đình chúng tôi lại đoàn tụ. Và ngay bây giờ, chúng tôi trân quý những giây bên nhau trong thế giới riêng của chúng tôi. Chúng tôi quý mến Thụy Điển và chúng tôi rất hạnh phúc ở đây".

 

Tuy nhiên chị vẫn còn bị ám ảnh bởi những gì chị đã trải qua và những suy nghĩ về những gì hiện đang xảy ra với gia đình và bạn bè ở quê nhà. "Tôi không thể nào ngủ ngon ; tôi không thể nào ăn ngon. Và khi tôi đi ngủ, tôi thường có những ác mộng là tôi trở lại trại. Tôi đang dùng nhiều thuốc và đang làm việc với một nhà tâm lý".

 

Đôi khi chị thấy mình thật sự ngoái nhìn lại sau lưng, không biết có gián điệp Trung Quốc nào đang theo dõi chị không. Nhưng bây giờ chị cảm thấy an toàn ở Thụy Điển chăng ? "Tôi không thể nào nói 100 phần an toàn. Họ có nhiều gián điệp ở bên trong châu Âu. Họ dùng nhiều phương cách khác nhau". Sau những cuộc phỏng vấn, chị nhận những cú điện thoại bảo chị : "Hãy câm miệng lại. Hãy nghĩ đến con cái".

 

Chị nói : "Tôi vẫn còn nhận những lời đe dọa kiểu này, nhưng dù sao tôi cũng đã nghe chúng quen rồi. Nhưng thật ra điều ấy cũng chứng tỏ việc làm của tôi rất có ý nghĩa và tạo ra kết quả tốt. Vì nếu như không tốt, họ sẽ không quan tâm đến tôi. Cho nên sự đe dọa này thật ra lại khích lệ tôi, càng cho tôi nhiều sức lực hơn để tiếp tục đấu tranh".

 

https://live.staticflickr.com/65535/52098039563_ac294e303b.jpg

Một trại tập trung ở Shufu, Tân Cương. Ảnh chụp qua vệ tinh ngày 26/4/2020. Những hình tròn là tháp canh, bức tường chính có hai lớp kẽm gai. Người dịch sưu tầm và chú thích.

 

‘Bị nhốt trong quan tài bằng bê tông’ : Một ngày trong trại tập trung

 

Từ 7-9 giờ sáng : Dạy học cho những tử thi biết đi

Tôi vừa đặt chân vào phòng thì 56 học viên của tôi đứng lên, những xiềng chân ở mắt cá chân họ kêu chói tai và họ hô to : "Chúng tôi sẵn sàng !". Tất cả họ đều mặc áo quần màu xanh. Đầu họ bị cạo trọc, da họ trắng bệch như da xác chết.

 

Tôi đứng nghiêm trước tấm bảng, hai công an mang súng đứng hai bên. Mọi người phải ngồi thẳng lưng trên ghế đẩu, mắt phải nhìn đăm đăm thẳng trước mặt.

 

Không ai được phép cúi đầu. Bất kỳ ai không làm theo những nội quy này lập tức bị lôi đi. Đến phòng tra tấn.

 

Chính nhiệm vụ của tôi là dạy những con người bị đối xử tàn tệ và đáng thương này về Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và về phong tục Trung Quốc. Ngày nọ trong "lớp học", tôi được lệnh nói xấu Hoa Kỳ – mà Trung Quốc cho là nước thù địch số một. Đảng đã soạn ra danh sách 21 nước, phân loại theo những nước nào là thù địch nhất với Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

 

Số 1: Hoa Kỳ. Số 2 : Nhật Bản. Số 3 và 4 : Đức và Kazakhstan. Bất kỳ ai có quan hệ với những nước này đều bị coi là kẻ thù của nhà nước. Mọi khó khăn ở Trung Quốc đều là hậu quả của những chính sách của Mỹ nhằm chống lại nhân dân Trung Quốc và với ý đồ gây chia rẽ. Tôi giảng giải như thế bằng cách lặp lại những gì quản lý trại tù bảo tôi. Thậm chí, nếu như người Trung Quốc có tra tấn người Hồi giáo chăng nữa, thì Mỹ cuối cùng vẫn đáng trách, vì chính họ là người đã khiến cho những người theo tôn giáo khác suy nghĩ lầm lạc và hành động xấu xa. Theo Bắc Kinh, dân chủ theo kiểu Phương Tây là một mô hình thất bại mà chỉ rơi vào khủng hoảng và hỗn loạn.

 

Từ 9-11 giờ sáng : Những hình phạt hà khắc

"Đến giờ kiểm tra bài vở !", một công an bảo tôi, và tôi dịch lại cho những tù nhân. Thỉnh thoảng, công an gọi một số tù nhân đứng lên để trả bài. Những ai học tập tiến bộ thì được điểm. Họ được hứa hẹn là "Nếu ai học tốt sẽ được thả ra sớm". Vì thế mọi người đều cố gắng tiếp thu bài vở đầy đủ.

 

Hầu hết các học viên đều không biết tiếng Trung Quốc hay biết rất ít. Có thể thấy họ đánh vật rất khổ sở với bài vở. Sau đó, nhân viên người Trung Quốc sẽ chấm các câu trả lời của họ để quyết định ai sẽ xuống lớp.

 

Bất kỳ ai vi phạm luật lệ ở bên ngoài lớp cũng bị mất điểm, mà cuối cùng có thể khiến họ bị đưa đến tầng khác. Theo nội quy trại, những vi phạm sẽ bị phạt càng ngày càng nặng hơn. Những vi phạm này bao gồm, đi không đúng đường, không biết điều gì đó, hay kêu lên vì đau đớn.

 

Từ 11 giờ sáng đến trưa : ‘Tôi tự hào là người Trung Quốc !’ 

Vào 11 giờ sáng, công an phát cho mỗi tù nhân một cái hộp các tông cỡ giấy A4, trên mỗi hộp có ghi một câu viết bằng chữ màu. "Số 1" nâng hộp của mình lên trên đầu rồi đọc to câu viết trên hộp, và mọi người lặp lại vài lần liên tiếp. "Tôi tự hào là người Trung Quốc !". Rồi đến người kế tiếp nâng cao hộp của họ lên. "Tôi yêu mến Tập Cận Bình !".

 

Những ai không phải là người Hán đều bị Đảng và chính quyền Trung Quốc coi không phải là con người. Không chỉ người Kazakh và người Duy Ngô Nhĩ, mà tất cả dân tộc khác trên khắp địa cầu. Những lúc ấy tôi cũng phải nói hùa theo tiếng hô vang của mọi người. "Cuộc đời tôi và những gì tôi có được tất cả đều nhờ ơn Đảng !". Trong khi ấy, ý nghĩ quay cuồng trong đầu tôi là : Toàn bộ thành phần tinh hoa của Đảng đã mất trí. Tất cả họ đều là những người hoàn toàn điên rồ.

 

Trưa đến 2 giờ chiều : Bắt ăn thịt heo

Công an đưa tất cả những tù nhân về lại xà lim, còn nhân viên trại trở về phòng họ. Tù nhân hầu như bị bỏ đói và họ buộc lòng ăn thịt heo vào mỗi thứ Sáu. Thoạt đầu, một số người Hồi giáo không chịu ăn thịt heo. Đáp lại sự phản kháng của họ là tra tấn. Sau một thời gian, những người này cũng ăn thịt heo luôn.

 

Từ 2-4 giờ chiều : Hát ca ngợi Đảng

Tất cả những tù nhân đều trở lại lớp học để hát những bản nhạc về Đảng trong hai giờ. Đầu tiên, tất cả họ hát quốc ca trước. Sau đó, có một bài hát "đỏ" khác. "Nếu không có Đảng, những trẻ em mới này sẽ không tồn tại… Đảng ra sức phục vụ tất cả các dân tộc ở trong nước. Đảng đã dùng tất cả sức mạnh của Đảng để cứu nước…". Ngày hôm sau, khi tù nhân lê bước vào nhà bếp, họ phải hát những lời nhạc họ vừa học.

 

Từ 4-6 giờ chiều : Thú tội

Hai giờ kế tiếp, chủ yếu là ngồi im để suy tư về lỗi lầm của bản thân. Rõ ràng cho rằng tù nhân không biết tại sao họ lại vào trại cho nên các nhân viên trại phải giải thích. Chẳng hạn, tù nhân có thể có tội là cầu nguyện, có những quan điểm tôn giáo rất bình thường, hay có những suy nghĩ tiêu cực về ngôn ngữ Trung Quốc, phong tục Trung Quốc hay người Trung Quốc nói chung.

 

Khi một nhân viên hỏi một em bé 13 tuổi ở hàng đầu : "Tại sao em ở đây ?", em bé gái vội vàng trả lời. "Tôi đã phạm lỗi lầm rất nặng là đã đi thăm người bà con ở Kazakhstan. Tôi nhất định sẽ không bao giờ làm chuyện như vậy nữa !".

 

Từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối : Bị xiềng

Để ăn, tù nhân xếp hàng bên ngoài xà lim : nữ một bên, nam một bên. Một vạch đỏ kẻ thẳng ở giữa nền nhà. Họ phải bước đi dọc theo đúng vạch đỏ này. Bị xiềng ở mắt cá chân và bị xiềng ở cổ tay, cho nên họ chỉ có thể lê từng bước nhỏ. Ai vấp ngã sẽ bị tra tấn.

 

Từ 8-10 giờ tối : ‘Tôi là tội phạm’

Tù nhân được cho về lại xà lim của họ để "nhận tội trong lòng". Điều này có nghĩa là bằng giọng thì thầm họ nói lặp đi lặp lại tội của họ. "Tôi là tội phạm vì tôi đã cầu nguyện. Tôi là tội phạm vì tôi đã cầu nguyện. Tôi là tội phạm…".

 

Từ 10 giờ tối đến nửa đêm : ‘Tôi không còn là người Hồi giáo’

Từ 10 giờ tối đến nửa đêm, mỗi tù nhân phải gò lưng trên nền xà lim của họ đến hai tiếng đồng hồ để viết bản thú tội. Nếu viết như thế này : "Tôi phạm tội tôn giáo, vì tôi nhịn ăn trong tháng Ramadan. Nhưng hôm nay tôi biết không có Chúa", thì họ có nhiều cơ hội được tăng điểm. Sáng hôm sau họ phải nộp lại bản thú tội.

 

Một câu đặc biệt quan trọng, và phải luôn luôn ghi trong bản thú tội : "Tôi không còn là người Hồi giáo. Tôi không tin Chúa nữa".

 

Ngay cả lúc họ cuối cùng được để yên, họ phải ngủ ép sát vào nhau, phải nằm nghiêng về bên phải, và lúc ngủ cũng vẫn bị xiềng ở cổ tay và mắt cá chân. Lật người qua là tuyệt đối cấm và sẽ bị phạt nặng.

 

Nửa đêm đến 1 giờ sáng : Phận sự canh gác

Vào nửa đêm, tôi phải đứng canh gác một giờ đồng hồ. Cầu thang cũng gần "phòng đen", nơi họ tra tấn người. Sau hai hoặc ba ngày ở trại, lần đầu tiên tôi nghe những tiếng kêu thét thất thanh vang vọng khắp đại sảnh rất rộng và thấm qua từng lỗ chân lông trên người tôi. Trong đời mình, tôi chưa từng bao giờ nghe những tiếng kêu thét như thế.

 

Từ 1-6 giờ sáng : Không thể nào ngủ 

Sau khi hết phiên gác, tôi nằm thu mình lại trên tấm đệm nhựa, co hai đầu gối lên và kéo tấm chăn lên đầu. Khí lạnh từ nền xi măng tiết ra thấm vào tận xương. Không thể nào ngủ được. Mùi hôi thối của nhà vệ sinh, những tiếng kêu thất thanh vẫn còn vang vọng bên tai, những chuyện không thể chịu đựng nỗi tôi đã thấy trong ngày.

 

Rồi đến lúc nào đó tôi dần dần bắt đầu ngủ và hai giờ sau chuông lại vang lên chói tai. Cuộc sống ở trong trại chính xác là như vậy, ngày nào cũng như ngày nào. Ánh sáng nhân tạo 24 giờ mỗi ngày. Bị nhốt trong cỗ quan tài bằng bê tông.

 

Damian Whitworthy

 

Nguyên tác : "My escape from a Chinese internment camp", The Times, 30/4/2021. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Trần Quốc Việt dịch

 

Bài này được trích từ tác phẩm "The Chief Witness : Escape from China’s Modern-day Concentration Camps" của Sayragul Sauytbay, nhà xuất bản Scribe ấn hành vào ngày 6 tháng Năm 2021.





No comments:

Post a Comment