Thursday, May 5, 2022

ĐÔI ĐIỀU VỚI TÁC GIẢ NGUYỄN ĐÌNH BIN về HÒA GIẢI DÂN TỘC (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Đôi điều với tác giả Nguyễn Đình Bin về hòa giải dân tộc

Hiếu Chân/Người Việt

May 4, 2022

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/doi-dieu-voi-tac-gia-nguyen-dinh-bin-ve-hoa-giai-dan-toc/

 

Ngày 30 Tháng Tư năm nay, cùng với những lễ lạt rầm rộ mà nhà cầm quyền tổ chức trên cả nước, trên mạng toàn cầu xuất hiện một bài viết kêu gọi “hàn gắn vết thương huynh đệ tương tàn” của tác giả Nguyễn Đình Bin. Bài viết sau đó được các cơ quan truyền thông lớn như BBC, VOA, Người Việt đem ra phân tích, gây tác động lan tỏa lớn. Nhưng cho đến nay chưa thấy có ý kiến phản biện nào thật xác đáng những lập luận của ông Bin nên chúng tôi mạn phép nói lại với tác giả đôi điều và phần nào hạn chế những ngộ nhận mà bài viết của ông có thể gây ra.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/DD-Nguyen-Dinh-Bin-hoa-giai-1068x750.jpg

Ông Nguyễn Đình Bin, cựu ủy viên Trung Ương Đảng, cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, trong ngày nhận huy hiệu 55 năm tuổi đảng hôm 7 Tháng Bảy, 2017, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao. (Hình: Tuấn Anh/Thế Giới & Việt Nam)

 

Tác giả Nguyễn Đình Bin, sinh năm 1944 (77 tuổi), là một giới chức cao cấp, ủy viên trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) khóa 8, từng giữ chức thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, đại sứ Việt Nam tại Pháp và Bồ Đào Nha, chủ nhiệm Ủy Ban Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài. Bài viết của ông đăng trên trang Facebook cá nhân đúng ngày 30 Tháng Tư và ngay lập tức được nhiều trang mạng đăng lại. Những chỗ in nghiêng (italic) trong bài này là trích nguyên văn từ bài viết của ông Bin.

 

Chiến tranh Việt Nam có phải là “cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại?”

 

Việc đầu tiên của ông Bin là “đánh giá bản chất 30 năm chiến tranh chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ (1946-1975).” Ông nhận định cuộc chiến là “cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại” (!) rồi sau đó ông đi hàng hai: “Song, tôi nghĩ đồng thời cũng là cuộc chiến huynh đệ tương tàn!” Ý của ông Bin về cuộc chiến huynh đệ tương tàn được BBC nhấn mạnh và nhiều người tán đồng vì nó đi ngược quan điểm chính thức của đảng CSVN; còn nhận định “cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại” theo quan điểm của đảng thì ít ai để ý vì hình như nó đã quá lạc hậu và sai lầm. Ông Bin đã cố giải thích lòng vòng – bằng thứ lý lẽ của Ban Tuyên Giáo – nhưng không làm sáng tỏ được bản chất “vệ quốc” đó.

 

Ai xâm lược để Việt Nam phải “vệ quốc?” Mỹ xâm lược Việt Nam, “dùng người bản địa đánh người bản địa,” “Việt Nam hóa chiến tranh?” Với thông tin phong phú hiện nay, với trải nghiệm của một đại sứ ở Tây Âu mà đến nay ông Bin vẫn coi cuộc chiến tranh 1954-1975 là “vệ quốc,” “chống Mỹ cứu nước” thì thật tội nghiệp cho ông.

 

Đã có rất nhiều sách báo, tài liệu giải mật về vai trò của người Mỹ tại miền Nam, chúng tôi xin phép không nhắc lại, nhưng giới sử gia và dư luận đều cho rằng người Mỹ đến Việt Nam là để giúp một chính thể không Cộng Sản xây dựng quân đội, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Chính sách của Mỹ còn nhằm ngăn chặn “làn sóng đỏ” của Cộng Sản quốc tế Nga Tàu tràn xuống Đông Nam Á, nhưng như thế không thể gọi là Mỹ xâm lược.

 

Nhưng nỗ lực xây dựng chế độ Cộng Hòa ở miền Nam đã bị cuộc xâm lược của miền Bắc Cộng Sản phá hỏng, thông qua cái chân rết Mặt Trận Giải Phóng (Việt Cộng) dưới sự điều khiển của Trung Ương Cục Miền Nam của đảng CSVN. Người Cộng Sản đã chuẩn bị từ lâu cho kế hoạch phá hoại bằng việc cài cắm nhiều cán bộ bí mật, chôn giấu vũ khí sau Hiệp Định Geneva 1954 và mở đường dây 559 (Tháng Năm, 1959) để đưa vũ khí và binh lính thâm nhập miền Nam. Cuộc chiến tranh giữa Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bùng ra rất lâu trước khi lực lượng tác chiến của Mỹ và đồng minh có mặt, về bản chất là cuộc chiến tự vệ, phòng thủ của miền Nam trước sự xâm lăng của miền Bắc Cộng Sản.

 

Trong các cuộc tranh luận “Gọi tên gì cho cuộc chiến” trên báo chí, sách vở, hầu hết đều cho rằng, chiến tranh Việt Nam 1954-1975 khởi đầu là một cuộc nội chiến giữa hai miền theo hai thể chế chính trị đối lập nhau. Khi chiến tranh lan rộng cả hai bên đều cầu viện thế lực bên ngoài; quân đội Mỹ và đồng minh đổ vào miền Nam năm 1965 cùng lúc với quân đội và vũ khí Liên Xô, Trung Quốc đổ vào miền Bắc – cuộc nội chiến Nam Bắc có thêm hình hài của một cuộc tranh đấu ý thức hệ, một cuộc chiến “ủy nhiệm” (proxy war) giữa hai thế lực toàn cầu thời Chiến Tranh Lạnh. Cuộc chiến hết sức khốc liệt, núi xương sông máu, quả là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn chứ không hề có cái gọi là cuộc “chống Mỹ cứu nước,” “cuộc chiến vệ quốc vĩ đại” như bài tuyên truyền của đảng Cộng Sản nhằm kích động và lợi dụng lòng ái quốc của người Việt Nam.

 

Khi tiến vào Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư, 1975, và trải nghiệm thực tế những tháng ngày sau đó rất nhiều cán binh miền Bắc đã nhận ra họ đã bị lừa gạt, và nhiều người đã công khai nói lên sự thức tỉnh của họ.

 

“Ý nghĩa lịch sử” của ngày 30 Tháng Tư, 1975

 

Từ nhận thức sai về bản chất của cuộc chiến, trong phần hai, “đánh giá ý nghĩa lịch sử của ngày 30-04-1975” tác giả Nguyễn Đình Bin tiếp tục đưa ra một nhận định lấy từ sách tuyên giáo. Ông Bin viết: “Đó là một thắng lợi vĩ đại, một mốc son chói lọi trong lịch sử, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả thế giới hiện đại; là niềm tự hào của cả dân tộc ta” (!) Vẫn cái luận điệu cũ rích: nước Việt Nam nhỏ bé đã đánh thắng đế quốc Mỹ hùng mạnh giàu có nhất hành tinh (!)

 

Đến bao giờ những người Cộng Sản như ông Bin mới nhận ra trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn mà mỗi viên đạn bắn ra đều bắn vào trái tim một người mẹ Việt Nam thì không ai thắng mà tất cả chỉ là nạn nhân của một cuộc xung đột mang tầm sử thi? Kẻ thắng cuộc, có chăng, chỉ là một đám cầm quyền Cộng Sản hiếu chiến, tay sai ngoại bang “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc” như lời ông Lê Duẩn, cố tổng bí thư, người thiết kế và chỉ huy cuộc chiến tranh.

 

Nếu tìm một ý nghĩa tích cực cho ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì chỉ có thể nói đó là ngày đất nước được thống nhất về lãnh thổ sau hai mươi năm chia cắt, ngày tiếng đạn bom ngừng nổ trên quê hương. Ca ngợi đó là “thắng lợi vĩ đại” rồi tổ chức những cuộc “ăn mừng” rầm rộ là chà đạp lên nỗi đau của một dân tộc đã phải trả một cái giá máu xương quá đắt cho công cuộc thống nhất lãnh thổ.

 

Ông Bin viết: “Chỉ có bên thắng cuộc duy nhất là dân tộc Việt Nam” (!) Một lời ngụy biện trâng tráo sau gần nửa thế kỷ. Thực tế, chỉ một thời gian ngắn sau đó, một bộ phận “dân tộc Việt Nam” hoặc bị đày ải trong các trại tù không án như hàng trăm ngàn quân dân cán chính của chế độ VNCH, hoặc liều mình bỏ nước ra đi bất chấp bỏ thây trên biển cả như hàng triệu người Việt, kể cả người miền Bắc.

 

“Đảng có thể đổi mới chính trị” – một ảo tưởng

 

Hai quan điểm sai lầm về bản chất cuộc chiến và ngày 30 Tháng Tư đã dẫn tới những ý kiến đầy mâu thuẫn của ông Bin trong phần cuối, và cũng là phần quan trọng nhất của bài viết: “Phải khép lại quá khứ đau thương để cùng nhau xây dựng tương lai tươi sáng” trong đó ông kêu gọi đảng CSVN “phải thực hiện đổi mới chính trị thật sự và triệt để.”

 

Chỗ đọc được duy nhất trong bài của ông Bin là ông tỏ ra thất vọng khi thấy đảng của ông “vẫn kiên trì níu giữ mô hình quản lý đất nước cũ – hệ thống chính trị hiện hành – theo quan điểm Mác – Lênin, XHCN, thực chất là đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời trên thế giới” và thừa nhận “Đây chính là điều đã và đang ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết.”

 

Tuy thất vọng nhưng ông Bin cho rằng, năm 1986 đảng CSVN đã “dũng cảm từ bỏ quan điểm xây dựng kinh tế XHCN theo quan điểm Mác – Lênin” để đi theo kinh tế thị trường, thì bây giờ ông tin đảng có thể “dũng cảm từ bỏ mô hình quản trị quốc gia – hệ thống chính trị – hiện hành theo quan điểm Mác – Lênin đang cản trở sự phát triển của đất nước, để vận dụng mô hình phổ cập mà tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang áp dụng.” Ông Bin tảng lờ chuyện đảng CSVN chấp nhận kinh tế thị trường để cứu chính bản thân đảng đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ song vẫn cố níu kéo cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa,” đẩy kinh tế Việt Nam vào con đường tư bản thân hữu đầy tham nhũng và áp bức hiện nay.

 

Ông có ngây thơ không khi tin một đảng Cộng Sản có thể từ bỏ mô hình quản trị quốc gia theo quan điểm Marx-Lenin, thực chất là chế độ toàn trị, thủ tiêu dân chủ tự do và kiểm soát mọi mặt đời sống xã hội kiểu Lenin? Chúng tôi nghĩ, niềm tin đó hoàn toàn không có căn cứ vì chế độ toàn trị bảo đảm sự tồn tại và cai trị của đảng CSVN, từ bỏ nó đồng nghĩa với việc đảng “tự sát” như lời bộc bạch của ông Nguyễn Minh Triết, cựu chủ tịch nhà nước Việt Nam. Làm thế nào có thể “vận dụng mô hình phổ cập của tuyệt đại đa số các nước trên thế giới đang áp dụng” khi vẫn ra sức duy trì sự cai trị toàn diện và triệt để của một đảng chính trị duy nhất, đứng trên mọi thiết chế và pháp luật là đảng CSVN? Và ông đã đưa ra một giải pháp đầy ảo tưởng cho công cuộc đổi mới chính trị ở Việt Nam:“Trung ương đảng ban hành nghị quyết về đổi mới chính trị và ra tuyên bố đặc biệt về hòa giải hòa hợp dân tộc…”

 

Xức cù là chữa ung thư?

 

Để làm chuyện hòa hợp này, ông đề nghị năm “việc cụ thể cần làm ngay”: 1/ Tổ chức “Hội nghị Diên Hồng””tập hợp tất cả chuyên gia, trí thức tâm huyết và tài năng ở trong và ngoài nước;” 2/ “Trả tự do cho những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến;” 3/ Truy phong liệt sĩ và khen thưởng các sĩ quan, binh lính, viên chức VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974; 4/ Chấm dứt phân biệt đối xử với thương phế binh, viên chức chính quyền VNCH và 5/ Xây tượng đài tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn “để tưởng niệm tất cả con dân Việt đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh”… Năm việc mà ông Bin đề ra, có việc đương nhiên phải làm (điểm 2), có việc đã quá muộn màng (điểm 3, điểm 4), nhưng không phải là những chính sách, chiến lược thật sự cần và đủ cho công cuộc hàn gắn vết thương dân tộc hay bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời đại mới. Không thể xức dầu cù là để chữa khối ung thư đã thâm căn cố đế trong cơ thể của hệ thống cai trị.

 

Về phía đảng CSVN cầm quyền là như vậy, còn về phía nhân dân, ông Bin yêu cầu “Phải dẹp bỏ mọi bất đồng, chấm dứt đả kích, lên án, bài xích, đay nghiến, trách móc, đổ lỗi cho nhau, đang hàng ngày, hàng giờ ngoáy vào vết thương chung” v.v… Ông kêu gọi: “Đồng bào ở trong nước, nhất là các bậc lão thành cách mạng, các thương, bệnh binh, cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ…, những người lâu nay coi là thuộc ‘bên thắng cuộc’ phải chủ động đi bước trước, phải mở lòng, dang rộng hai tay chào đón, ôm hôn những người anh em của mình ở hải ngoại. Còn đồng bào ở hải ngoại, những ai vẫn còn hận thù, nuối tiếc, cố chấp, mặc cảm, nghi kỵ… thì phải rũ bỏ đi tất cả, để đón nhận vòng tay của những người anh em trong nước!” Rồi ông dẫn ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng,” ông dẫn lời ông Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết…” để bảo mọi người phải cảm thông, đoàn kết để cùng “xây dựng lại Đảng Cộng sản Việt Nam thành một Đảng thực sự của dân, do dân, vì dân, thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự xứng đáng là Đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc trong thời đại mới.” (!!!)

 

Đến đây thì đã rõ mục đích bài viết của ông Bin chủ yếu là vận động dân chúng, nhất là đồng bào Việt Nam hải ngoại, xoa dịu sự phẫn nộ và chống đối đối với đảng và chế độ Cộng Sản ở Việt Nam. Một kiểu dư luận viên cấp cao, làm ra vẻ thức thời, tiến bộ mà thực chất chỉ nhắm tuyên truyền, củng cố chế độ toàn trị của đảng CSVN ở trong nước.

 

Đoàn kết với ai và vì ai?

 

Thời gian gần nửa thế kỷ đã hàn gắn rất nhiều sự chia cắt, mặc cảm, nghi kỵ giữa người miền Nam và miền Bắc, giữa người trong nước và người Việt hải ngoại, không cần một “vòng tay” chào đón nào cả. Cái còn lại là mâu thuẫn đối kháng giữa người Việt, cả trong và ngoài nước, với đảng CSVN và chế độ toàn trị đang áp bức người dân và cản trở đà tiến hóa của dân tộc. Mâu thuẫn đó không thể hòa giải được.

 

Người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đều mong đất nước phồn thịnh trong một thể chế chính trị đa nguyên, tam quyền phân lập, pháp quyền được thượng tôn, người dân được hưởng những quyền tự do căn bản của con người. Chỉ một thể chế như vậy mới loại bỏ được tham nhũng, kiểm soát được quyền lực, phục hồi các giá trị văn hóa-lịch sử, ngăn ngừa độc tài và hội nhập với thế giới văn minh. Chính ông Bin trong bài viết đã phải thừa nhận “Đảng trị, độc quyền, không dân chủ, đã quá lẻ loi, lạc lõng, lỗi thời” chính là cái ngăn cản dân tộc ta hàn gắn vết thương nội chiến, thực hiện hòa giải, hòa hợp, đại đoàn kết. Thế thì, bài thuốc giải độc tất yếu phải là thực hiện dân chủ, xóa bỏ độc quyền đảng trị chứ không phải xây tượng đài, mở hội nghị Diên Hồng hay thay đổi một vài chính sách đối xử với cán binh chế độ VNCH mà đến nay chẳng còn bao nhiêu người.

 

Không thể chỉ trông mong “Đảng ban hành nghị quyết về đổi mới chính trị và ra tuyên bố đặc biệt về hòa giải hòa hợp dân tộc” như lời ông Bin… mà phải đòi hỏi, phải đấu tranh để buộc đảng CSVN phải trả lại cho nhân dân quyền yêu nước, quyền tự do chính trị – trước hết là quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội – để người dân có tiếng nói, có quyền tham gia vào công cuộc quản trị quốc gia thông qua các cuộc bầu cử tự do, công bằng, có sự giám sát của quốc tế. Đảng CSVN vẫn có thể tồn tại với tư cách một đảng chính trị, có thể cầm quyền nếu đạt được đủ số phiếu bầu, nhưng dứt khoát không thể là một đảng độc quyền, trùm lên mọi mặt đời sống Việt Nam như hiện nay.

 

Nếu nói hòa hợp, hòa giải, đoàn kết thì nên chăng đó chỉ là sự đoàn kết cần phải có giữa các tầng lớp nhân dân, trong nước và hải ngoại, miền Nam và miền Bắc, đoàn kết với cả những đảng viên cao cấp đã tự chuyển hóa trong guồng máy cai trị, cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước chứ không thể đoàn kết để “xây dựng lại đảng CSVN… xứng đáng là đảng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc” như lời kêu gọi của tác giả Nguyễn Đình Bin. [qd]





No comments:

Post a Comment