Thursday, May 5, 2022

NHÀ HÁT MARIUPOL : 600 NGƯỜI TỬ VONG, THEO LỜI KỂ CỦA NHỮNG NGƯỜI SỐNG SÓT (Việt Báo)

 



Nhà Hát Mariupol: 600 Người Tử Vong, Theo Lời Kể Của Những Người Sống Sót

Việt Báo

04/05/2022

https://vietbao.com/a312015/nha-hat-mariupol-600-nguoi-tu-vong-theo-loi-ke-cua-nhung-nguoi-song-sot

 

https://vietbao.com/images/file/V2Nc6ksu2ggBAA8-/w400/download.jpg

Hơn 600 thường dân tử vong trong cuộc không kích của Nga vào nhà hát kịch ở Mariupol ngày 16 tháng 3 năm 2022 theo lời kể lại của 23 người sống sót. (Nguồn: YouTube)

 

LVIV – Thế giới đã kinh hoàng khi Nga dội bom vào nhà hát kịch ở Mariupol ngày 16 tháng 3 năm 2022, nơi trú ẩn của hơn 1000 thường dân. Cuộc pháo kích đã kích động làn sóng ủng hộ đối với nỗ lực của Ukraine nhằm đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Hơn một tháng sau khi sự việc xảy ra, hãng thông tấn xã AP đã đưa những đánh giá riêng của mình dựa theo lời kể của 23 người sống sót. Bản tin ước tính có hơn 600 người tử vong, con số gấp đôi con số mà chính qyền Ukraine đã đưa ra.

Một trong những người mà AP đã nói chuyện là Oksana Syomina, lúc đó cô và chồng đang trú ẩn tại nhà hát.

Chỉ mặc áo choàng tắm, nằm kẹt trong tầng hầm của nhà hát Mariupol, người phủ đầy bụi thạch cao trắng xóa. Chồng cô kéo cô ra, liên tục khuyên cô nhắm mắt lại. Nhưng Oksana Syomina không thể - cô vẫn trừng mắt ra nhìn. Cho tới hôm nay, cô lại ước giá như đã nghe theo lời chồng.

Xác người rải rác khắp nơi, lớn nhỏ đều có. Ngay ở lối ra, có một bé gái nằm bất động trên sàn.

Syomina đã phải giẫm lên xác chết để thoát khỏi tòa nhà từng là nơi trú bom chính trong hơn một tuần. Tiếng rên rỉ của những người bị thương, tiếng la hét của những người cố gắng tìm kiếm người thân. Syomina, chồng cô và khoảng 30 người khác chạy mù mịt về phía biển và lên bờ trong gần năm dặm (8 km), không dám dừng lại, nhà hát đổ nát phía sau lưng họ.

Syomina khóc khi nhớ lại: “Tất cả mọi người vẫn đang ở dưới đống đổ nát, không ai đào mang họ lên. Đó là một ngôi mộ tập thể, rất lớn.”

Giữa tất cả những nỗi kinh hoàng diễn ra trong cuộc chiến Ukraine, vụ dội bom vào Nhà hát Donetsk Academic Regional Drama ở Mariupol ngày 16 tháng 3 là vụ tấn công  đẫm máu nhất nhằm vào dân thường được biết đến, cho đến nay. Hơn 600 người chết trong và ngoài tòa nhà, con số gần như gấp đôi số người chết từng được báo cáo.

Vì liên lạc bị cắt đứt, người đến và đi liên tục; lại thêm trí nhớ bị lu mờ bời những chấn thương của cuộc chiến, nên con số tử vong chính xác không thể xác định được. Chính phủ Ukraine đã ước tính rằng có khoảng 300 người thiệt mạng, và một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh được mờ ra.

Tất cả các nhân chứng cho biết có ít nhất 100 người đang ở một bếp dã chiến ngay bên ngoài, không ai sống sót, không một ai! Các phòng và hành lang bên trong tòa nhà đều chật cứng người, cứ 3 mét vuông thì có một người ở.

Ước tính khoảng 1,000 người đã ở bên trong vào thời điểm xảy ra vụ không kích, nhưng số người thoát ra được nhiều nhất, bao gồm cả lực lượng cứu hộ, chỉ vỏn vẹn có khoảng 200 người. Họ chủ yếu chạy qua lối ra chính hoặc lối vào một bên; mặt còn lại và mặt sau tòa nhà bom dội nát bét.

 

Cuộc điều tra của AP cũng bác bỏ cáo buộc của Nga rằng nhà hát đã bị quân đội Ukraine trưng dụng như một căn cứ quân sự của Ukraine. Không ai trong số các nhân chứng nhìn thấy binh lính Ukraine hoạt động bên trong tòa nhà. Và cũng không ai nghĩ tới Nga dám tiến hành một cuộc không kích vào mục tiêu dân sự mà mọi người đều biết là hầm trú bom lớn nhất của thành phố, dĩ nhiên là có cả trẻ em trong đó.

James Gow, giáo sư về an ninh quốc tế tại trường King’s College London, cho biết việc ghi lại những gì đã xảy ra tại nhà hát là rất quan trọng để thiết lập một mô hình tội ác chống lại loài người ở Ukraine. Ông cho biết: “Lời khai mạnh mẽ của nhân chứng sẽ rất quan trọng trong việc xác minh rằng hành vi (bất hợp pháp của Nga) là đã được lan rộng hoặc có hệ thống.”

Cuộc bao vây Mariupol của Nga bắt đầu vào những ngày đầu tiên của tháng 3 năm 2022. Với kích thước rộng lớn, những bức tường kiên cố và tầng hầm lớn, thành phố nhanh chóng ra lệnh mở toàn bộ tòa nhà làm nơi trú bom. Càng ngày càng có nhiều người đến, và họ ở trên các hành lang. Một nhóm gồm 16 người đàn ông lập thành đội an ninh, thay ca nhau để canh gác các cửa trước.

Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ đánh bom, nhà thiết kế bối cảnh của nhà hát đã sử dụng sơn trắng để ghi chữ "CHILDREN" bằng chữ cái Cyrillic trên vỉa hè bên ngoài, với hy vọng có thể tránh bị tấn công từ trên không. Các biển báo, được sơn ở cả lối vào trước và sau, đủ lớn để có thể đọc được ngay cả từ vệ tinh.

Ngày 9 tháng 3, Nga đã tấn công một bệnh viện phụ sản chỉ cách đó vài dãy nhà. Có 2 hay 3 thai phụ đã chạy đến nhà hát. Phụ nữ cùng với những gia đình có con nhỏ được bố trí phòng thay đồ thoải mái nhất trên tầng 2, dọc hành lang phía sau sân khấu. Đâu ngờ rằng nơi đó lại trở thành mồ chôn của họ.

Đến ngày 15 tháng 3, đã có khoảng 1,200 người chen chúc trong tòa nhà, ngủ trong văn phòng, hành lang, ban công, tầng hầm. Họ xếp hàng dọc các hành lang và hàng rào của các phòng hậu trường và phòng thay đồ. Họ ngồi trong khán phòng, trên những chiếc ghế sang trọng nay lại được dùng để đốt lửa nấu nướng.




Đến thời điểm này, thành phố không còn điện, thức ăn và nước uống. Nhà hát trở thành nơi mà bất cứ ai cũng có thể nhận được thức ăn và nước uống do Hội Hồng Thập Tự cung cấp, hoặc hỏi thăm tin tức về những cuộc di tản.

Trong số những người có mặt với hy vọng được di tản vào sáng ngày 16 tháng 3 có gia đình Kutnyakov và những người hàng xóm. Họ chẳng còn mảy may do dự về việc bỏ nhà cửa khi mà tòa nhà bên cạnh bị cháy trụi.

6 người trong số họ chạy ngang qua một xe tăng Nga, băng qua một bệnh viện đã bị pháo kích phá hủy, sau đó vô tình tiến về phía một xe tăng Nga khác, có tháp pháo quay về hướng của họ và nổ súng. Họ trốn một thời gian ngắn trong đống đổ nát của phòng khám dành cho trẻ em tại bệnh viện. Sau đó, họ chạy xuống một con phố nhỏ trong nửa dặm (km) cuối cùng để đến nhà hát.

Galina Kutnyakova, người mẹ 56 tuổi kể lại: “Chúng tôi ngay lập tức được mời vào và có trà nóng. Chúng tôi hầu như đã không ăn hoặc uống trong sáu ngày. Mọi người đã rất vui vì có trà nóng.”

Tầng hầm đã đầy. Tầng một và tầng hai cũng vậy. Họ nhìn thấy một chỗ trên tầng ba, gần những cửa sổ khổng lồ mà mọi người đều biết chắc chắn sẽ vỡ tan và biến thành những con dao thủy tinh nếu tòa nhà bị tấn công. Nhưng đó là nơi duy nhất có sẵn, nên họ đành ở lại. Lúc đó mới 10 giờ sáng.

Maria Kutnyakova, người con gái 30 tuổi của Galina, đi bộ qua toàn bộ tòa nhà để tìm chỗ trống, nhưng đều đã hết chỗ. Cô để mẹ mình làm thủ tục ghi danh sơ tán và tự mình ra ngoài để tìm người chú sống gần đó. Họ đã không gặp ông trong 9 ngày.

Rồi cô nghe thấy tiếng máy bay chiến đấu từ biển bay vào và hướng đến nhà máy thép Azovstal. Cô đi xa hơn một chút, và nghe thấy một tiếng máy bay, gần hơn nhiều. Sau đó là tiếng nổ. Cố trốn vào tòa nhà gần nhất, nhìn thấy khói bốc lên từ công viên rộng lớn với nhà hát ở trung tâm. Nhà hát trơ trọi, một mảng mái nhà lớn màu đỏ nằm trên đất. Những bức tường dày cạnh nhà bếp dã chiến đã tan thành bụi.

Tâm trí cô như đông cứng lại. Mẹ và chị gái của cô vẫn còn ở bên trong.

Cuộc không kích tấn công vào khoảng 10 giờ sáng, nhằm vào sân khấu và nhà bếp dã chiến.

Ngày 16 tháng 3 cũng là sinh nhật lần thứ 31 của Dmitriy Yurin. Sáng nào anh cũng đi 100 mét từ nhà của mình đến rạp hát, để lấy thức ăn và nước uống. Đến gần lối vào hầm để xe, vụ nổ đã làm anh gục xuống đất. Yurin, một ngư dân, chạy đến giúp đỡ, di chuyển đống đổ nát để kéo những người còn sống nhưng không thể đi được. Ông nói: “Tôi nhìn vào cánh tay của mình, và chúng đầy máu đến tận khuỷu tay. Và tôi đã bị sốc hoàn toàn.”

Có một cô gái trẻ, chừng 25 tuổi, nổi bật trong trí nhớ của ông. Ông lắp bắp khi nhớ lại. Họ đặt cô ấy nằm lên một chiếc giường trơ trọi, vẫn còn tỉnh táo. Hai người phụ nữ và một đứa trẻ đứng bên cô, vừa khóc vừa cố gắng trấn an cô.

“Chúng ta sẽ sống, chúng ta sẽ không chết, mọi thứ sẽ ổn thôi,” họ nói. “Sẽ có người tới cứu cô.”

Nhưng cô đã chết, ngay trước mắt ông.

Vẫn còn bàng hoàng, Nadia cho biết vụ nổ đã cướp đi chồng con cô, họ chết dưới tầng hầm. Vuốt ve chú chó của con trai, Nadia cầu xin những người cứu hộ đưa nó đi. Cô cũng xin một điếu thuốc. Cô đã không hút thuốc trong 7 tháng vì hứa với con trai sẽ bỏ thuốc lá. Nhưng giờ thì cô bỏ thuốc vì ai đây?

Câu hỏi vẫn còn đó: Rốt cuộc, thật sự có bao nhiêu người chết, và điều gì đã xảy ra với các thi thể? Một sĩ quan cảnh sát đi ngang qua nhà hát một tuần sau cuộc không kích cho biết mùi tử khí đang bao trùm.

Một viên chức của Hội Hồng Thập Tự Mariupol suy đoán rằng có lẽ có khoảng 500 người chết, nhưng hầu hết những người sống sót cho rằng các thi thể đã bị nghiền thành bụi hoặc bị người Nga giấu đi.

Clint Williamson, cựu đại sứ Hoa Kỳ về các vấn đề tội ác chiến tranh từ năm 2006 đến năm 2009, cho biết: với tình trạng giới hạn để điều tra hiện nay và đống đổ nát đã bị dọn dẹp, lời khai của nhân chứng cũng như hình ảnh và video về nhà hát trước và sau khi nó bị đánh bom sẽ rất quan trọng. Ông cho biết: “Rất khó để điều tra xa hơn nếu không tới được hiện trường.”

Organization for Security and Cooperation in Europe đã tuyên bố vụ dội bom nhà hát kịch Mariupol là “vi phạm nghiêm trọng” luật nhân đạo quốc tế. Báo cáo vào giữa tháng 4 của tổ chức cho thấy “những người ra lệnh hoặc thực hiện nó đã phạm tội ác chiến tranh.” Không có gì phải bàn cãi rằng việc phá hủy nhà hát là có chủ ý. Nga nóng lòng muốn tiếp quản Mariupol vì giá trị chiến lược của nó như là một hải cảng và cầu nối giữa các vùng lãnh thổ ở phía nam và phía đông do các lực lượng thân thiện với Nga nắm giữ. Moscow đã tuyên bố chiến thắng, nhưng Ukraine chưa hề thừa nhận thất bại. 





No comments:

Post a Comment