Thursday, May 26, 2022

NGA CÓ DÁM 'CHƠI' VÕ KHÍ NGUYÊN TỬ HĂM DỌA THẾ GIỚI? (Trà Nhiên / Người Việt)

 



Nga có dám ‘chơi’ võ khí nguyên tử hăm dọa thế giới?

Trà Nhiên/Người Việt

May 26, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/nga-co-dam-choi-vo-khi-nguyen-tu-ham-doa-the-gioi/

 

SAN FRANCISCO, California (NV) – Hơn ba tháng kể từ ngày Nga xâm lược Ukraine hôm 24 Tháng Hai khiến cả thế giới rúng động. Sự việc này nổ ra câu hỏi rằng liệu Nga có dám dùng võ khí nguyên tử để răn đe Âu Châu và thị uy với cả thế giới hay không?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/DP-EMS-Russia-Nguyen-Tu-1-1068x712.jpg

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây mối quy ngại nổ ra chiến tranh nguyên tử. (Hình minh họa: John Moore/Getty Images)

 

Để cùng thảo luận giải đáp vấn đề có phần nan giải này, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mở hội thảo trực tuyến vào Tháng Năm với các diễn giả: Giáo Sư Michael Klare, trưởng phân khoa Peace and World Security Studies của đại học Hampshire College; ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành hiệp hội Arms Control Association; cô Gabriela Hernandez, nhà nghiên cứu thuộc hiệp hội Arms Control Association; và ông Andrew Nynka, chủ bút báo The Ukrainian Weekly thuộc hiệp hội The Ukrainian National Association.

Điều phối buổi hội thảo là bà Sandy Close, giám đốc điều hành EMS.

 

Mối nguy hiểm nguyên tử tăng cao

 

Mở đầu buổi hội thảo, ông Daryl Kimball dẫn chứng một số phát ngôn có phần hăm dọa của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, về việc sử dụng võ khí nguyên tử nếu Nga cảm thấy bị các nước khác đe dọa nhằm ngăn cản chiến tranh ở Ukraine.

 

Ông Kimbal cho biết mục đích Tổng Thống Putin hăm he dùng võ khí nguyên tử là để ngăn cản Mỹ và NATO (Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) “nhúng tay” cản trở cuộc xâm lược của ông ở Ukraine.

 

“Chúng ta đang ở trong tình thế đáng báo động do nguy hiểm từ đe dọa võ khí nguyên tử so với thời trước khi Nga xâm lược Ukraine,” ông Kimbal cảnh báo.

 

Ông nhận định rằng nếu chiến tranh giữa Nga và Mỹ cùng NATO nổ ra thì mối đe dọa võ khí nguyên tử sẽ càng thể hiện rõ ràng, theo đó, có thể dẫn đến chiến tranh nguyên tử toàn cầu, gây ra hậu quả khôn lường cho cả thế giới.

 

“Chiến tranh giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đến hồi kết cho nên Nga, Mỹ và NATO phải cẩn thận trong việc đàm phán để để giữ hòa khí, và tránh mang võ khí nguyên tử ra đe dọa,” ông cho hay.

 

Ông Kimbal cảnh báo Đệ Tam Thế Chiến rất có thể xảy ra nếu một trong các phía quyết định dùng võ khí nguyên tử.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/DP-EMS-Russia-Nguyen-3-e1653607462459-1068x662.jpg

Giáo Sư Michael Klare (trái) của đại học Hampshire College, và ông Andrew Nynka thuộc báo The Ukrainian Weekly. (Hình: Cắt từ màn hình Zoom)

 

Giáo Sư Klare nhận định: “Xét theo khía cạnh quốc phòng, Mỹ luôn trong tình trạng cạnh tranh võ trang quân sự với Nga và Trung Quốc từ năm 2018. Có thể lý do này là một phần khiến ông Putin quyết định tấn công Ukraine.”

 

Ông tiếp: “Còn nguyên do thật sự của việc Nga xâm lược Ukraine thì tôi nghĩ nên để cho các chuyên gia lịch sử chính trị phân tích.”

 

Vị giáo sư cũng đưa ra giả thuyết việc cạnh tranh võ trang quân sự cũng là mầm mống cho Nga suy nghĩ đến việc dùng võ khí nguyên tử.

 

“Ở Á Châu cũng xảy ra điều tượng tự,” ông Klare nói. “Việc Mỹ tăng cường võ trang quân sự nhắm vào Trung Quốc cũng khơi dậy các mối lo lắng khiến nước này mở rộng các chiến lược dùng võ khí nguyên tử.”

 

Có cùng quan điểm với ông Kimbal, Giáo Sư Klare dẫn giải: “Khó mà biết được chừng nào chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Rất có thể, Âu Châu sẽ lại phân chia như thời Chiến Tranh Lạnh. Lần này ranh giới ‘Bức Màn Sắt’ sẽ sát với lãnh thổ Nga.”

 

“Bức Màn Sắt” là biên giới tư tưởng và vật lý chia cắt Âu Châu thành hai miền riêng từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến năm 1945 đến cuối cuộc Chiến Tranh Lạnh năm 1991.

 

Vị giáo sư cảnh báo: “Tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan hiện tại cũng dẫn đến cái mối nguy hiểm về chính sự ở Á Châu, mà hậu quả có thể giống như những gì xảy ra ở Ukraine hiện tại.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/DP-EMS-Russia-Nguyen-Tu-2-1068x711.jpg

Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, nhiều lần hăm he việc dùng đến võ khí nguyên tử. (Hình: Kenzaburo Fukuhara/Pool/Afp via Getty Images)

 

Xung đột “leo thang”

 

Cô Gabriela Hernandez, thuộc hiệp hội Arms Control Association, cho biết: “Nga không hài lòng việc dần mất quyền kiểm soát ở Ukraine nên quyết định tấn công quốc gia này. Và, mục tiêu của Nga là muốn biến Ukraine thành vùng phi quân sự.”

 

“Nga thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến này! Nga quá chủ quan và thiếu chiến lược khi đem quân đối đầu Ukraine,” cô nhận xét.

 

Cô cho hay rằng Nga và Ukraine cũng từng đề cập là hai bên đều không muốn chiến tranh.

 

Thêm vào đó, nhiều giả thuyết đặt ra là xung đột giữa các quốc gia sẽ ngày càng tăng cao vì Nga lầm tưởng Mỹ muốn can thiệp thay đổi chế độ Âu Châu sau cuộc chiến tranh này. Các nước NATO cũng sẽ bị cuốn vào xung đột này.

 

Theo cô Hernandez, nếu Nga dùng võ khí nguyên tử thì cũng không giúp ích gì cho mục tiêu của Nga.

 

Nói về tình hình ở Âu Châu, ông Andrew Nynka, một nhà báo lâu năm có thời gian làm việc ở Ukraine, cho biết cuộc xâm lược Ukraine của Nga thực chất là hậu quả của cuộc đấu trí căng thẳng từ năm 2014.

 

“Giả thuyết đưa ra rằng, những gì ông Putin đang làm là để gieo rắc nỗi sợ với quân thù của Nga rằng nước này sẽ dùng tới sức mạnh nguyên tử, một cách để chia rẽ liên minh các quốc gia,” ông Nynka cho biết.

 

“Câu hỏi lớn của thế giới ngay lúc này rằng không biết Nga có dám dùng võ khí nguyên tử hay không,” ông thêm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/05/DP-EMS-Russia-Nguyen-Tu-4-e1653607388538-1068x615.jpg

Ông Daryl Kimball (trái) cùng cô Gabriela Hernandez thuộc hiệp hội The Ukrainian National Association. (Hình: Cắt từ màn hình Zoom)

 

Được biết, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ukraine trở thành cường quốc nguyên tử lớn thứ ba trên thế giới do thừa hưởng khoảng 5,000 võ khí nguyên tử mà Nga đóng ở quốc gia này, theo BBC News.

 

Sau khi được Mỹ thuyết phục, Ukraine từ bỏ võ khí nguyên tử, chuyển giao tất cả đầu đạn nguyên tử lại cho Nga và phá hủy hầm chứa tên lửa, để đổi lại việc Nga, Mỹ và Anh bảo đảm an ninh và tôn trọng chủ quyền của Ukraine qua cam kết trong bản “Điệp Văn Budapest” vào năm 1994.

 

Thêm vào đó, các diễn giả đều đồng lòng lo sợ viễn cảnh xảy ra chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Nga, dẫn đến các quốc gia NATO cũng bị cuốn vào xung đột với Nga.

 

Ngoài bàn luận về vấn đề chính sự, Giáo Sư Klare cũng đề cập các hệ lụy của chiến tranh dẫn đến thiếu hụt lương thực ở Phi Châu và các quốc gia Trung Đông. [qd]

 

—–
Liên lạc tác giả: nguyen.nhien@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment