Kissinger
có đúng khi nói Ukraine nên nhượng đất cho Nga?
Nguyễn
Xuân Hoài, biên dịch
27/05/2022
Nhà hoạch
định chính sách đối ngoại kỳ cựu Henry Kissinger đã nêu ra khả năng Ukraine phải
nhượng một phần lãnh thổ [cho Nga để đổi lấy hòa bình]. Sự phẫn nộ của Kiev đối
với điều này là dễ hiểu. Nhưng dù đau đớn đến mấy, không ai có thể ra lệnh cho
nước Nga phải chấp nhận hòa bình. Vì vậy, phải có một sự thỏa hiệp.
Trong bảy
thập niên, Henry Kissinger là một trong những bộ óc vĩ đại về chính sách đối
ngoại, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn trên cả thế giới.
Chính ông,
sau cú sốc Sputnik năm 1957, đã chỉ ra cho phương Tây thấy chiến lược “trả đũa ồ
ạt” không còn phù hợp với thời cuộc nữa. Ông là một trong những cha đẻ của chiến
lược “phản ứng linh hoạt” thịnh hành kể từ đó. Ngoài ra, Kissinger, sinh ra ở
Fürth (Đức) năm 1923, một người Do Thái cùng cha mẹ chạy trốn khỏi nước Đức năm
1938, là một nhà tư tưởng đặc biệt ở Hoa Kỳ.
Trong khi
chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ được định hình bởi những người theo chủ nghĩa
biệt lập lẫn những người theo chủ nghĩa quốc tế, Kissinger vẫn kiên định giữ một
tinh thần châu Âu. Điều này khiến ông trở thành một trong số rất ít các chuyên
gia chính sách đối ngoại của Mỹ trung thành với tư duy của Metternich, Bismarck
và Castlereagh. Kissinger chỉ coi thế giới ổn định khi mà, như ở châu Âu sau Hội
nghị Vienna, có sự cân bằng quyền lực và mỗi cường quốc về cơ bản thừa nhận lợi
ích của các cường quốc khác.
Nếu một
bên thay đổi hiện trạng, các cường quốc khác, chẳng hạn như Napoléon, sẽ hành động
chống lại họ. “Cân bằng quyền lực” là câu cửa miệng cần ghi nhớ nếu bạn muốn hiểu
về chính sách của Kissinger cũng như những cuốn sách của ông.
Metternich,
Bismarck và Castlereagh, giống như Kissinger, là những người theo trường phái chính
trị hiện thực (realpolitiker). August von Rochau, người đã đặt ra thuật ngữ này
vào năm 1853, viết: “Chính trị hiện thực không di chuyển trong một tương lai viển
vông, mà theo quan điểm của hiện tại. Mục đích của nó không không phải là hiện
thực hóa các lý tưởng, mà là việc đạt được các mục tiêu cụ thể.” Đó là “một vấn
đề mang tính lương tâm khi xem xét mọi cá nhân và sự việc như bản chất thực tế
của họ và theo đó là những gì họ có thể làm”.
Đối với
Kissinger cũng vậy, chính trị thực dụng chính là kẻ thù của mọi sự tự huyễn hoặc.
Trong khuôn khổ định hướng này, ông đã đạt được một điều gây chấn động thế giới:
ông đã thành công trong việc giải phóng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra khỏi
vòng tay của Liên Xô. Ông là một trong những cha đẻ của chính sách hòa dịu,
chung sống hòa bình (détente) thời Chiến tranh Lạnh. Ông là người có công trong
việc kết thúc Chiến tranh Việt Nam và lập lại hòa bình giữa Israel và Ai Cập.
Kissinger vẫn sống thật với chính mình trong suốt cuộc đời ông. Điều đó giờ đây
cũng thể hiện trong đánh giá của ông về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.
Sẽ là ngớ
ngẩn khi quy kết rằng Henry Kissinger đã già [và tư duy không còn mạch lạc].
Chính bởi vì ông là kẻ thù của mọi sự tự huyễn hoặc, ông đã dám nhắc nhở cử tọa
trong một bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Thế giới ở Davos rằng
Nga là một siêu cường hạt nhân. Chỉ xét quy mô của nó, Nga quyết định số phận của
châu Âu và sẽ ảnh hưởng đến châu Âu mãi mãi. Kissinger thậm chí còn đi xa đến mức
đề nghị Kiev, nếu cần, nên chấp nhận nhượng một phần lãnh thổ để có thể bảo vệ
ít nhất một mức độ độc lập tối thiểu của đất nước.
Có thể hiểu
người dân Ukraine, những người đang chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của mình và sự
tồn tại của đất nước họ, sẽ bác bỏ những lời khuyên của Kissinger. Trên thực tế,
thật khó để làm theo sự tỉnh táo lạnh lùng của Kissinger. Nhưng điều đó có
nghĩa là phân tích của ông bị sai hay không?
Rõ ràng là
cuộc chiến ở Ukraine với hàng nghìn người chết đã gây ra quá nhiều tàn phá, đến
mức người ta khó có thể đạt được một thỏa thuận nào với người Nga mà qua mặt
người Ukraine dưới bất kỳ hình thức nào. Mục tiêu gây thương vong lớn cho người
Nga đến mức họ buộc phải ngừng chiến vẫn chưa đạt được. Tổng thống Hoa Kỳ Joe
Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đúng: cuộc chiến chỉ có thể đi đến thắng
lợi khi Moscow không thể áp đặt tùy tiện một nền hòa bình theo ý mình.
Ngược lại,
cho dù đau đớn đến mấy cũng phải chấp nhận, rằng cả Ukraine lẫn phương Tây cũng
không thể áp đặt một hòa ước theo ý mình lên Nga.
Nga có
quân đội lớn thứ hai trên thế giới và có những nguồn lực mà Ukraine khó có thể
sánh bằng, cho dù Kiev nhận được bao nhiêu vũ khí đi nữa. Tuy các lệnh trừng phạt
chống lại Nga rất khắc nghiệt, nhưng chúng sẽ không thể buộc Nga phải đầu hàng.
Tóm lại, đến một lúc nào đó người ta phải ngồi lại để đàm phán với Moscow.
Kết quả của
các cuộc đàm phán này sẽ là một thỏa hiệp, và điều đó có nghĩa là mục tiêu của
Kiev nhằm khôi phục toàn bộ lãnh thổ Ukraine như trước khi Nga chiếm đóng
Crimea có thể không đạt được. Nhận thức này có thể gây tổn thương, nhưng cần phải
lưu ý điều đó trong suốt quá trình của cuộc chiến.
Mọi chuyện
có thể sẽ khác nếu NATO trở thành một bên tham chiến. Nhưng ngay cả những chiến
lược gia giỏi nhất ngồi trong phòng bản đồ cũng không thể loại trừ khả năng, rằng
trong trường hợp phương Tây leo thang cuộc chiến, có thể thông qua sự can thiệp
tích cực hoặc bằng cách hộ tống các tàu Ukraine, Moscow sẽ mở rộng cuộc xung đột
cục bộ ở Đông Âu thành một cuộc xung đột lớn ở châu Âu, từ đó có thể nhanh chóng
biến thành một cuộc chiến tranh thế giới.
Henry
Kissinger từng trải qua Thế chiến 2 với tư cách là một người lính. Khi đang làm
giáo sư tại Đại học Harvard và cố vấn cho tổng thống John F. Kennedy, ông đã
quan sát cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba ở cự ly gần. Có thể dễ dàng cười nhạo
ông già lụ khụ ở tuổi 98 là không còn minh mẫn. Nhưng bạn cũng nên tự suy ngẫm
và tự hỏi bản thân mình: liệu vị chiến lược gia này có thể đúng hay không?
Cho dù câu
trả lời là thế nào đi nữa thì đó cũng là một việc đáng làm.
--------------------------------
Nguồn:
Ukraine-Kriegsverlauf:
Henry Kissinger hat recht – Der Westen darf sich nichts vormachen, WELT,
26/05/2022
No comments:
Post a Comment