Thursday, May 26, 2022

IPEF - MỘT SÁNG KIẾN THƯƠNG MẠI MỚI? (Nguyễn Vũ / Kinh Tế Saigon Online)

 



IPEF - một sáng kiến thương mại mới?

Nguyễn Vũ  -  Kinh Tế Saigon Online

24/05/2022 22:56

https://thesaigontimes.vn/ipef-mot-sang-kien-thuong-mai-moi/

 

(KTSG Online) – Nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden, 13 nước đã khởi động cuộc thảo luận về một sáng kiến hợp tác kinh tế mới với tên gọi “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng” (IPEF) vào thứ Hai đầu tuần này. Đây sẽ là một dạng hiệp ước thương mại mới, khác hẳn các hình thức trước đây như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ từng rút ra.

 

·         Doanh nghiệp dược tìm kiếm cơ hội mới trước các hiệp định thương mại tự do

·         Doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bi quan về nền kinh tế

 

IPEF sẽ bao gồm 13 nước: Mỹ, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Tính chung các nước này chiếm chừng 40% GDP toàn thế giới.

 

https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2022/05/IPEF.jpg

Lãnh đạo các nền kinh tế tham dự sự kiện ra mắt IPEF ngày 23-5.

 

Điểm khác biệt đầu tiên là IPEF sẽ không đặt ra yêu cầu phải có cam kết của các bên như phải mở cửa thị trường cho các nước thông qua giảm thuế hay tháo gỡ các rào cản thương mại khác. Nhờ vậy IPEF sẽ không đòi hỏi có sự phê duyệt của quốc hội từng nước bởi nó không phải là một hiệp định thương mại tự do. Gọi là “khuôn khổ” vì đích nhắm của sáng kiến này là tăng cường sự hợp tác của các nước trong nhiều lãnh vực như năng lượng, nền kinh tế số, chuỗi cung ứng. Cụ thể, nội dung thảo luận trong thời gian tới sẽ tập trung vào bốn trụ cột: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.

 

Một ví dụ cụ thể của sự hợp tác này là xây dựng lại chuỗi cung ứng trong đó các nước đồng ý sẽ sớm phát hiện các trục trặc của một chuỗi cung ứng rồi đưa ra giải pháp. Chẳng hạn nếu có dịch Covid bùng phát ở một nước làm các nhà máy của nước này phải đóng cửa, sẽ có ngay một nhà máy của nước khác sẵn sàng thay thế để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

 

Như thế có thể thấy IPEF trước tiên phục vụ cho mục đích xây dựng chuỗi cung ứng mới, không có Trung Quốc nhằm giúp các doanh nghiệp đa quốc gia giảm phụ thuộc vào nước này. Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung mấy năm gần đây rồi đại dịch Covid-19 và chính sách zero Covid của Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn, đẩy giá hàng hóa lên cao, gây lạm phát ở nhiều nước.

 

Điểm thứ nhì, cách thiết kế IPEF giúp tránh các ấn tượng không tốt trong dân chúng và ở Quốc hội Mỹ về các hiệp định thương mại tự do, từng là lý do buộc Mỹ rút ra khỏi TPP. Đó là ấn tượng các hiệp định thương mại trước đây chỉ nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa, từ đó chuyển công ăn việc làm từ các nước như Mỹ sang các nước khác như Trung Quốc. Toàn cầu hóa theo kiểu đó là làm mức sống của tầng lớp công nhân trung lưu trước đây của Mỹ vào chỗ bế tắc, mất việc làm.

 

Ngược lại, IPEF nhấn mạnh đến sự hợp tác, trong đó có thể có cả chuyện đưa một số khâu sản xuất trở về nước Mỹ, miễn sao chúng vẫn là một phần của chuỗi cung ứng mới. Một trong bốn trụ cột chính của IPEF là thương mại nhưng việc bàn thảo sẽ không còn tập trung vào việc giảm thuế hay tiếp cận thị trường; nay các nước sẽ bàn về các vấn đề khác, như các chuẩn mực cho dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số; tính riêng tư trên không gian mạng, cách sử dụng trí tuệ nhân tạo hợp đạo đức…

 

Có thể thấy IPEF có quy mô nhỏ hơn TPP nhiều và nhìn từ phía các nước châu Á, sẽ không giúp họ tăng xuất khẩu vào Mỹ như từng tính toán với TPP trước đây. Thay vào đó, người ta hy vọng khuôn khổ này giúp các nước liên kết chặt chẽ với nhau trong một phương cách hợp tác mới, chứ không đơn thuần là xuất khẩu hàng hóa.

 

Dù sao đây chỉ mới là giai đoạn khởi động; có lẽ phải chờ có thêm các chi tiết cụ thể mới đoán định được IPEF sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa Mỹ và 12 nước đối tác trong khuôn khổ này. Sau lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, bộ trưởng kinh tế 13 nước sẽ nhóm họp để bàn thảo về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, kể cả từng nước quyết định sẽ tham gia lãnh vực nào trong bốn trụ cột nói trên với thời gian thảo luận dự kiến sẽ kéo dài từ 12 đến 18 tháng.





No comments:

Post a Comment