Tuesday, May 3, 2022

HÃY ĐỂ MÔI TRƯỜNG TỰ DO QUYẾT ĐỊNH (Phạm Phú Khải)

 



Hãy để môi trường tự do quyết định

Phạm Phú Khải

04/05/2022

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A3y-%C4%91%E1%BB%83-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%E1%BB%B1-do-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh/6555152.html

 

https://gdb.voanews.com/06a70000-0aff-0242-699a-08da19a34577_w650_r1_s.jpg

Nhưng ba lá phiếu của Việt Nam liên quan đến Ukraine trong hai tháng qua đã để lộ tư duy của giới lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam.

 

Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đủ bản lãnh để chấp nhận điều kiện này hay tính đa nguyên của xã hội không thôi.

 

Nếu không có chiến tranh Ukraine, tôi không nghĩ rằng Mỹ, hay thế giới, có thể hiểu được tư duy và toan tính của nhà nước Việt Nam hiện nay.

 

Nói vậy chứ họ có thật sự hiểu bây giờ không thì cũng không có gì là chắc.

 

Nhưng ba lá phiếu của Việt Nam liên quan đến Ukraine trong hai tháng qua đã để lộ tư duy của giới lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam.

 

Như Bill Hayton tóm tắt trên BBC: “Lần đầu tiên là nhằm lên án cuộc xâm lược; Việt Nam đã bỏ phiếu trắng. Lần thứ hai là yêu cầu bảo vệ dân thường; Việt Nam lại bỏ phiếu trắng. Lần thứ ba, vào ngày 7/4, là trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc; Việt Nam bỏ phiếu chống.” Hayton nhận định rằng quan điểm của Việt Nam trong mỗi lần biểu quyết này giống hệt như Trung Quốc và Lào.

 

Nếu Nga không xâm lược Ukraine thì sẽ khó thể nào biết được chính xác Việt Nam đang đứng đâu về nhân sinh quan chính trị. Hay của Trung Quốc và Lào. Cũng như nhiều quốc gia khác. Việt Nam đã cho thấy quan điểm của mình, tuy lúng túng và miễn cưỡng.

 

Trong cách biểu quyết của Việt Nam đối với ba nghị quyết của Liên Hiệp Quốc vừa qua, nó cho thấy sự thiếu tự tin, bảo thủ, nếu không nói là tâm lý sợ hãi, của giới lãnh đạo Việt Nam. Họ tính toán rất kỹ, nhưng rốt cuộc đi đến quyết định như đã thấy. Họ quan tâm đến Ukraine không phải vì giá trị, nguyên tắc hay vấn đề nhân đạo, nhưng vì những tác động của nó có thể có đối với việc nắm giữ quyền lực của họ tại Việt Nam, cũng như quan hệ của Việt Nam với Nga lẫn Trung Quốc.

 

Nói cách khác, họ bỏ phiếu giống như Trung Quốc một phần vì tư duy/ý thức hệ giống nhau, một phần vì để trấn an Nga và Bắc Kinh rằng Việt Nam vẫn kiên định lập trường như trước. Vẫn không hề có ý định nào chống lại Trung Quốc, vẫn chủ trương “ba không” (nay là bốn không), bất kể rằng Trung Quốc có ý định nuốt trọn Biển Đông và xiết cổ Việt Nam bằng nước trên sông Mekong. Và nhiều thủ đoạn khác.

 

Tóm lại, qua ba nghị quyết LHQ, nó cho thấy được tư duy chủ đạo của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

 

Một, Việt Nam không sợ Mỹ hay cộng đồng quốc tế. Mỹ sẽ không bao giờ xâm chiếm một nước khác trừ khi nước đó đã tấn công vào nước Mỹ, hay nước đó chính thức nuôi dưỡng quân khủng bố hay thành phần đe dọa an ninh của Mỹ. Cộng đồng quốc tế, như Đại Hội đồng LHQ, cũng không bao giờ là mối đe dọa của Việt Nam. Những nghị quyết trên không mang tính ràng buộc. Quyết định của Việt Nam cùng lắm bị phê bình, nên cái giá phải trả không có gì hệ trọng.

 

Hai, Việt Nam vẫn còn rất sợ Trung Quốc. Dùng vũ lực để lên ngôi chiếm quyền, cai trị người dân bằng bạo lực, và khống chế bằng tâm lý sợ hãi, để duy trì ổn định và trật tự xã hội, là tư duy của kẻ chuyên quyền. Nó đã định hình nên cung cách của giới cai trị, và mối quan hệ đối với người bị trị. Cùng ý thức hệ và chiều dài lịch sử, lãnh đạo Việt Nam hiểu điều này hơn ai hết. Hơn nữa, Trung Quốc là mối đe dọa thường trực và kề cạnh. Cách đánh giá về rủi ro an ninh hàng đầu của Việt Nam là đúng, nhưng cách giải quyết vẫn đầy tâm lý sợ hãi và bất an.

 

Ba, nhân quyền hay nhân đạo không hề chiếm phần quan trọng nào trong tư duy lãnh đạo. Cũng vì thế nên Việt Nam chống lại nghị quyết vi phạm nhân quyền của Nga thật ra không có gì khó hiểu. Nó cho thấy rằng tư duy này vẫn đang chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hiện nay. Phiếu chống ở đây cho thấy ít nhất ba khía cạnh sau đây về quan điểm của Việt Nam. Một, Việt Nam không đồng ý rằng Nga đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Ukraine trong thời gian qua. Hai, cho dù Nga có vi phạm, một phần nào đó, thì Việt Nam không đồng ý rằng phải đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền. Ba, bất kể là Nga đã hành xử thế nào tại Ukraine, Việt Nam vẫn chủ trương ủng hộ Nga vì trên hết việc Nga xâm chiếm Ukraine vẫn là chính đáng.

 

Đọc những tuyên bố hay trả lời phỏng vấn của giới lãnh đạo Việt Nam thì nhìn ra và hiểu được luận điểm của họ, khi biết gạn lọc bỏ đi những màu mè son phấn chính trị.

 

Việt Nam không bỏ phiếu lên án cuộc xâm lược bởi vì họ không nghĩ hay tin rằng hậu quả sâu xa của nó có thể ảnh hưởng lên quốc gia Việt Nam; vì họ chỉ nhìn quyền lực và lợi của Đảng lên trên hết. Họ cũng không bỏ phiếu ủng hộ bảo vệ dân thường và chính sách nhân đạo trong khi hàng triệu người phải lánh nạn nơi khác và hàng triệu khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Sau cùng họ cũng không bỏ phiếu để đình chỉ vai trò của Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ mặc dầu có khá nhiều bằng chứng cho thấy Nga đã giết hại thường dân, và tệ hơn, diệt chủng.

 

Vậy mà dàn lãnh đạo, phát ngôn nhân và những người có học vị như tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, vẫn biện minh rằng Việt Nam “lựa chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa”.

 

Lẽ phải nào, chính nghĩa gì, ở đây? Nó không hề được giải thích, trình bày. Trên các phỏng vấn hay bài viết trên truyền thông nhà nước thì chỉ toàn tấn công những phê bình là “những luận điệu sai trái, suy diễn, xuyên tạc quan điểm của Việt Nam” v.v… Trước đến nay vẫn cứ thói quen này.

 

Tất cả những điều phi lý, lố bịch và kệch cỡm này sẽ không bao giờ thể nào xảy ra, và không thể nào tiếp diễn hơn 7, 8 thập niên qua, nếu Việt Nam là một thể chế đa đảng, truyền thông Việt Nam tự do độc lập, và người dân Việt Nam có quyền tự do diễn đạt, phát biểu.

 

Không tin? Chỉ cần để một số người truyền thông chuyên môn, và một vài kênh truyền thông độc lập hoạt động tại Việt Nam, có cơ hội phỏng vấn bất cứ ai mà chế độ đề cử để đại diện cho họ, về sự kiện Ukraine hay bất cứ vấn đề hệ trọng nào của quốc gia, một cách tự do và không bị cưỡng ép hay trả thù về sau. Tôi tin rằng đó là cách để có câu trả lời chính đáng. Chứ hiện nay những người làm phỏng vấn này không những không dám hỏi những câu hỏi cần thiết để thách thức những câu trả lời đầy mâu thuẫn được định hướng này, mà còn hùa theo và cổ võ cho các luận cứ này. Nó toàn là một chiều.

 

Đừng ngụy biện và coi thường sự hiểu biết người khác nữa. Khổ quá!

 

Vấn đề là lãnh đạo Việt Nam có đủ bản lãnh để chấp nhận điều kiện này hay tính đa nguyên của xã hội không thôi.





No comments:

Post a Comment