Wednesday, May 25, 2022

GIỚI THIỆU CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU THAM NHŨNG VIỆT NAM : LỰC LƯỢNG ĐỘC LẬP ĐANG ĐỨNG Ở ĐÂU? (Nguyễn Văn Lung / Luật Khoa)

 



 

Giới thiệu chuyên đề nghiên cứu tham nhũng Việt Nam: Lực lượng độc lập đang đứng ở đâu?

NGUYỄN VĂN LUNG  -  Luật Khoa

18/05/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/05/gioi-thieu-chuyen-de-nghien-cuu-tham-nhung-viet-nam-luc-luong-doc-lap-dang-dung-o-dau/

 

Các nhóm độc lập cần có tri thức riêng để tham gia vào vấn đề chống tham nhũng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/05/LK-TNS-W-2-1605-copy-1024x545.jpg

Minh họa: Luật Khoa

 

Vào năm 2006, gia đình tôi chuẩn bị xây dựng nhà mới khang trang hơn, thay cho căn nhà ọp ẹp cũ kỹ, vừa ngập nước vừa dột nát, đã gồng mình đứng được hơn 20 năm chống lại mệnh trời.

 

Chúng tôi không có quá nhiều tiền tại thời điểm đó, với chỉ khoảng 150 triệu đồng. Trong khi đó, bên thầu báo giá xây dựng đưa ra con số 250 triệu để hoàn thành công trình.

 

Bố tôi có chút quan hệ họ hàng với một vị giám đốc “Ngân hàng Phát triển Đô thị” địa phương (tôi đã thay tên ngân hàng). Vị này đồng ý giúp giấy tờ và đẩy nhanh quy trình vay phần còn lại cho gia đình chúng tôi, nhưng cái giá của nó không rẻ. Gia đình tôi sẽ phải chấp nhận khoản vay 110 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng là phí “lót tay” theo yêu cầu của người ta.

 

Chúng tôi nhận được 90 triệu đồng và phải tự chạy vạy thêm những khoản thiếu hụt.

 

Câu chuyện người dân cần 100 triệu hỗ trợ vay vốn theo chương trình của nhà nước, phải đi vay 110 triệu và thực nhận là 90 triệu, luôn ám ảnh cách tôi hiểu về quản lý nhà nước, tham nhũng, động lực vận hành tham nhũng tại Việt Nam với quan hệ giữa chủ thể nhà nước và người dân.

 

Đốt lò là điểm khởi đầu, nhưng không nên là kết thúc

 

Công cuộc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không thể nói là không có những thành công nhất định, dù nhiều người có thể tranh biện rằng đây chỉ là cuộc thanh trừng dài hạn giữa các phe phái.

 

Sự bao quát của chiến dịch chống tham nhũng hiện nay về quy mô (trải dài từ Bắc xuống Nam), về cấp độ (từ địa phương đến trung ương), về lĩnh vực (từ quản lý đất đai, kinh tế cho đến y tế và an ninh – quân sự), v.v. cho thấy những nỗ lực chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quản trị nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Hiển nhiên, điều này không đồng nghĩa với một thành công về mặt thể chế.

 

Như tác giả Võ Văn Quản đã từng phân tích trên Luật Khoa, cấu trúc nhà nước được “chủ động” xây dựng một cách cồng kềnh, quyền lực được trao nhiều hơn lương, “bản năng” tham nhũng, v.v. đã trở thành một phần của hệ thống. [1] Con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam đi hiện nay vẫn chỉ là chống tham nhũng cá nhân, và nó không thể thay đổi cấu trúc quyền lực trong vấn đề tham nhũng hệ thống.

 

Nói theo cách của tôi, nó sẽ là thứ thuốc kháng sinh giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục vượt qua vài cơn bạo bệnh trong tương lai. Nhưng thứ họ cần là một cuộc đại phẫu, và họ thì luôn thù địch với những ai cho rằng họ cần phải được phẫu thuật.

 

Ông Trọng có thể bắt rất nhiều người, song nền tảng quyền hành cho việc đánh đổi những con số 110 và 90 trong ký ức của tôi thì có lẽ vẫn sẽ còn tồn tại rất dài lâu.

 

Nghiên cứu tham nhũng không thể chỉ là định kiến

 

Nói ra những điều trên không phải là để rơi vào chiếc hố phủ nhận mọi giá trị của các thảo luận và nghiên cứu về vấn đề tham nhũng, chạy theo giọng điệu trào phúng “Nói rồi làm được gì?”, hay “Cộng sản lúc nào nó chả thế!”.

 

Trung Quốc cũng là chính quyền chuyên chính vô sản. Cách tiếp cận tham nhũng của họ không khác với chính quyền Việt Nam. Cấu trúc – động lực lợi ích giữa các chủ thể xã hội liên quan đến tham nhũng cũng tương tự.

 

Tuy nhiên, điều hoàn toàn khác biệt là nghiên cứu tham nhũng tại Trung Quốc lại phát triển có hệ thống một cách đáng ngạc nhiên.

 

Điều này có thể được khẳng định từ số lượng các bài viết nghiên cứu, cách mà những học giả sống và làm việc tại các trường đại học Trung Quốc có thể tham gia vào những thảo luận về tham nhũng, cũng như độ đa dạng của các chủ đề.

Trong khi đó tại Việt Nam, các cơ quan đảng nắm độc quyền tuyệt đối trong việc nghiên cứu và tìm hiểu về tham nhũng.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng việc độc lập trong thông tin, hiểu xu hướng hệ thống và có hàm lượng tri thức riêng về một vấn đề là cách duy nhất để quần chúng và các nhà quan sát tại Việt Nam thoát khỏi tư duy hiểu và biết về “tham nhũng” theo thời vụ và theo tiêu đề báo như hiện nay.

 

Nên e ngại sức sống của các tập đoàn chính trị Việt Nam

 

Một điều quan trọng khác mà tôi nghĩ các nhóm chính trị độc lập cũng cần nhìn nhận là sự “đa nguyên” ngay bên trong cấu trúc Đảng Cộng sản Việt Nam trong các vấn đề như định hướng chống tham nhũng, mục tiêu chống tham nhũng, tư duy chống tham nhũng và quyết tâm chống tham nhũng.

 

Đây có thể nói là sai lầm tương đối lớn của hệ thống độc lập tại Việt Nam.

 

Quên đi sự đa dạng tư duy, động lực khác nhau của các chủ thể nhà nước, nhu cầu và mục tiêu chính trị khác nhau của các đảng viên, chúng ta đang xem thường năng lực biến đổi, cải tiến, thích nghi và thậm chí là tiến hóa của tập đoàn chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai.

 

Đó không phải là một lời khen, bởi điều này sẽ chỉ khiến cho nền tảng quyền cá nhân tại Việt Nam trở nên tồi tệ.

 

Chúng ta không cần phải kể ra đã có bao nhiêu nhà báo, blogger, hay đơn thuần là những người dân bình thường bày tỏ quan điểm của họ trên mạng xã hội bị bắt, bị xâm hại, bị tuyên những án tù giam lên đến cả thập niên chỉ vì vài điều họ nói, họ viết trong một vài năm trở lại đây.

 

Song năng lực thích ứng và tiến hóa này, vốn đã được thể hiện vào năm 1986, và có thể nói là đang diễn ra ngay bây giờ, là cảnh báo cho các nhóm độc lập.

 

Những diễn ngôn phê bình cộng sản một cách nhiệt liệt và trên mọi phương diện mỗi khi báo chí trong nước đưa tin về việc bắt giữ và xét xử quan tham không khiến cho báo chí độc lập và các lực lượng chính trị ngoài đảng hiểu hơn về quản trị nhà nước. Chỉ có Đảng Cộng sản dần dần hoàn thiện cấu trúc quản lý và hệ thống chính trị của họ.

 

Thêm vào đó, việc các nhóm độc lập tiếp tục đứng ngoài hệ thống tri thức chủ động về tham nhũng cũng sẽ hạn chế nghiêm trọng năng lực hiểu và giải quyết vấn đề tham nhũng, dẫn đến việc tiếp tục bám vào những diễn ngôn sai lệch và lỗi thời về tham nhũng (như “cứ đa đảng thì các đảng sẽ quản lý lẫn nhau, hết tham nhũng”).

 

                                                                                *** 

 

Với những lý do trên, chuyên đề nghiên cứu tham nhũng trên Luật Khoa tạp chí hy vọng sẽ là một điểm bắt đầu cho các thảo luận và nghiên cứu nghiêm túc hơn về tham nhũng tại Việt Nam.

 

Chủ đề có thể bao gồm sự tiến hóa của khái niệm này trong lịch sử (bao gồm cả thời Việt Nam Cộng hòa lẫn phong kiến); hồ sơ của các cá nhân tham nhũng và sai phạm; xu hướng khái quát hóa của tham nhũng tại Việt Nam; xu hướng khái quát hóa trên thế giới; và các giải pháp “thời thượng”, v.v.

 

Chuyên đề hy vọng sẽ là nơi để bạn đọc Việt Nam, các nhà hoạt động, cũng như các lực lượng chính trị độc lập cùng tìm hiểu, một cách độc lập khỏi định hướng nhà nước, về tham nhũng, từ triết lý đến thực hành, và những giải pháp khả dĩ cho nó.

 


 

Chú thích

 

1.  Võ Văn Quản. (2020, October 6). Tham nhũng thể chế: Vì sao kỳ công “đốt lò” của ông Trọng là vô nghĩa trong dài hạn. Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2020/10/tham-nhung-the-che-vi-sao-ky-cong-dot-lo-cua-ong-trong-la-vo-nghia-trong-dai-han/ 

 

 




No comments:

Post a Comment