Đại
biểu Quốc hội: Chính quyền thực tế áp dụng “nguyên tắc suy đoán có tội” nhiều
hơn
RFA
2022.05.27
Hình minh hoạ: Những người tham gia biểu tình phản đối
Dự luật Đặc khu ra toà ở Bình Thuận hôm 23/7/2018. AFP
Một đại biểu
Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, trên thực tế "nguyên tắc suy đoán có tội" lại
được ngành tư pháp Việt Nam áp dụng nhiều hơn là “nguyên tắc suy đoán vô tội”
- vốn đã được ghi trong Điều 31 của Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
Luật sư
Trương Trọng Nghĩa của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh có phát biểu
như vừa nêu trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng ngày 25/5, đồng thời cho
rằng cần áp dụng một cách thống nhất nguyên tắc "người bị buộc tội được
coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản
án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."
Bình luận
thực trạng hiện nay, ông Hà Huy Sơn thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội- người tham gia
bào chữa trong nhiều vụ án chính trị, nói với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do:
“Nguyên
tắc suy đoán vô tội của luật Việt Nam, trong pháp luật hình sự, quy định nội
hàm không được rõ ràng lắm.
Cụ thể,
trong giai đoạn điều tra thì hiểu nguyên tắc vô tội là người chưa bị kết án bởi
một bản án có hiệu lực của pháp luật thì coi như là người chưa có tội.
Nhưng
nhiều trường hợp khi khởi tố vụ án khởi tố bị can thì nhiều người bị bắt tạm
giam, tức là họ mất quyền công dân rồi.
Người bị
tạm giam thì không thể nói là người bình thường như người chưa có tội được.
Đó là vấn
đề mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật và trong thực tế.
Pháp luật
cần quy định rõ cái nội hàm của suy đoán vô tội trong các giai đoạn của tố tụng.
Quy định trong pháp luật hiện nay (về nguyên tắc suy đoán vô tội- PV) rất chung
chung.”
Bình luận
với chúng tôi qua tin nhắn, luật sư Đặng Đình Mạnh từ thành phố Hồ Chí Minh
cũng khẳng định :
“Bộ Luật
Hình sự Việt Nam đã minh thị công nhận nguyên tắc này (suy đoán vô tội-PV). Đồng
thời, qua quá trình tu chính bộ luật, ngày càng có nhiều quy định bảo đảm
nguyên tắc này được bổ sung vào bộ luật, ví dụ như quyền được giữ quyền im lặng
trong quá trình điều tra...
Tuy vậy,
cũng cần nhìn nhận rằng, giữa những quy định ngày càng tiệm cận với các tiêu
chuẩn tiến bộ của luật pháp quốc tế với thực tiễn thực thi những quy định này vẫn
còn khoảng cách nhất định.”
Theo ông,
khoảng cách này thể hiện ở quy định rằng cơ quan công an điều tra ra quyết định
tạm giam người bị khởi tố và chỉ cần phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Ông nói đây
là một hạn chế so với luật tố tụng của nhiều quốc gia khác vì quyết định tạm
giam một công dân nên là việc của toà án.
Luật sư Mạnh
chỉ ra thực tế thủ tục xét xử ở phiên tòa hình sự hiện nay thì không chỉ công tố
viên mà nhiều thẩm phán có cách xét hỏi như đang chứng minh tội phạm, trong khi
các thẩm phán cần phải giữ vai trò trung lập và chỉ thể hiện quan điểm xét xử của
mình thông qua bản án được tuyên.
Từng tham
gia bào chữa cho một số nhà hoạt động nhân quyền cũng nói, luật sư Mạnh nói ông
và đồng nghiệp đã từng chứng kiến tận mắt điều tra viên quát tháo người bị khởi
tố, không công bố các quyền của họ theo quy định của pháp luật, hoặc điều tra
viên tự ý ghi lời khai theo ý mình...
Luật sư Đặng
Đình Mạnh đề nghị các nhà lập pháp tiếp tục sửa đổi các quy định về hình sự,
trong khi các điều tra viên cần được tăng cường trang bị kiến thức đầy đủ về nội
hàm của nguyên tắc này nhằm bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội được thực thi
đúng đắn.
No comments:
Post a Comment