NỘI
DUNG :
Vài
cảm nghĩ nhân ngày 30 tháng Tư
Phạm Phú Khải
Nhân
30 tháng Tư: Góp ý với lãnh đạo Việt Nam
Phạm Phú Khải
Vài
vấn đề sử nhân ngày 30 tháng Tư
Phạm Phú Khải
===========================================
.
Vài
cảm nghĩ nhân ngày 30 tháng Tư
25/04/2022
Bởi vì không thể chống độc tài toàn trị bằng tư duy
độc tài toàn trị khác. Nó vừa phản khoa học và vừa phản tác dụng.
Người Việt đã lưu lạc đến những phương trời xa
lạ, tận châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, châu Á, và nhất là Trung Quốc lẫn Ấn Độ, từ
trăm năm đến cả ngàn năm qua. Nhưng chưa bao giờ số người Việt lưu vong nhiều
như bây giờ. Và ngày càng gia tăng.
Sống xa quê hương mà vẫn còn giữ được truyền
thống và bản sắc dân tộc, đặc biệt là ngôn ngữ, là điều quý hiếm, nhất là đối với
thế hệ thứ hai và ba trở đi.
Gần 47 năm kể từ 30 tháng Tư năm 1975, người
Việt lưu vong đã rất thành công về nhiều mặt, nhất là ở khía cạnh cá nhân,
nhưng bên cạnh đó cũng đối diện với nhiều thử thách lớn, nhất là ở khía cạnh tập
thể. Một, nạn phân hóa trong hoạt động nhóm, cộng đồng. Hai, thế hệ kế thừa phần
lớn xa lánh hay chưa đủ tích cực để nhận lãnh trách nhiệm chung. Ba, các hoạt động
chính trị để thay đổi Việt Nam thiếu sự liên minh, phối hợp điều hướng và không
tạo được sự ảnh hưởng đáng kể lên vấn nạn độc tài tại Việt Nam.
Đầu tiên, về nạn phân hóa, những đảng phái
chính trị, tổ chức hội đoàn, và Cộng Đồng (tức Ban Điều Hành các tổ chức cộng đồng
người Việt) lần lượt chia năm xẻ bảy. Gần 47 năm sau, hiếm có một tổ chức nào vẫn
còn nguyên vẹn. Thực ra, bất đồng ý kiến đưa đến phân rã cũng là điều bình thường
trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội dân sự đối với mọi sắc
dân, không riêng gì người Việt Nam. Cái khác ở đây, mà có thể tránh hay giảm
thiểu phần nào, theo tôi là ba yếu tố sau. Một, phần lớn các tổ chức đều thiếu
những yếu tố cấu thành của thiết/định chế (institution). Vì thế nên khi có bất
đồng mà không giải quyết một cách hợp tình hợp lý, không công bằng và minh bạch,
nó có nguy cơ gây phân rã. Hai, quy trình lấy quyết định hay giải quyết công việc
chung có khi quan trọng hơn chính quyết định hay kết quả đưa ra. Những tổ chức
có nền tảng thiết chế sẽ cố gắng xây dựng những giá trị của mình thành văn hóa
để ăn sâu vào trong cách cư xử và hành động. Các tổ chức Việt Nam nên tìm hiểu
và học hỏi từ phương thức điều hành và giải quyết xung đột. Ba, cách giao tiếp
(communication) giữa người Việt dễ có vấn đề với nhau. Trong khía cạnh này, nó
bao gồm cả cảm xúc, từ ngữ sử dụng, khả năng tự chủ (self-control), cộng với
thói quen không nói thẳng nói thật mà nói quanh co, hay nói xấu sau lưng, cũng
như tung tin đồn nhảm. Những tính cách này dẫn đến tình trạng nghi kỵ lẫn, gây
tổn thương cho nhau, rồi coi nhau như kẻ thù nghịch. Mặc dầu những sự bất đồng
ban đầu không lớn đến độ không thể ngồi xuống lắng nghe và giải quyết với nhau.
Kế đến, về thế hệ kế thừa, nhìn một cách tổng
quát thì hiện nay giới trẻ Việt Nam tham gia chính trị vào dòng chính mạch tại
Mỹ, Úc, Canada, có vẻ thành công hơn là tham gia vào sinh hoạt trong cộng đồng
Việt Nam. Ngoài thành công phần nào về hoạt động chính trị, càng ngày càng cho
thấy, giới trẻ Việt Nam đang đi những bước vững chắc vào nhiều lĩnh vực văn
hóa, nghệ thuật hay từ thiện v.v… Đây là điều rất tích cực và đáng hãnh diện.
Nhưng sự tham gia của họ trong cộng đồng Việt Nam rất giới hạn. Điều này làm
cho chúng ta đặt câu hỏi vì sao người trẻ Việt Nam, có tài năng và nhiệt huyết,
lại không mặn mà hay tránh tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng người Việt?
Theo kinh nghiệm lẫn quan sát của tôi, nhất là qua một thời gian dài làm việc với
người trẻ, tôi cho rằng ba yếu tố về thiết chế, quy trình và giao tiếp mà đã
nói ở trên đã ảnh hưởng nhiều lên việc tham gia và sự cam kết của giới trẻ
trong các hoạt động cộng đồng Việt. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là tính cách
dân chủ trong sinh hoạt. Người trẻ không thấy rằng ý kiến của mình, hay cá nhân
mình, được tôn trọng trong môi trường hoạt động của người Việt.
Ba, với căn cước tị nạn, điều tự nhiên là nhiều
tổ chức hội nhóm và cộng đồng Việt Nam đã hoạt động chính trị mạnh mẽ kể từ sau
ngày 30 tháng Tư năm 1975 với ước mong thay đổi Việt Nam. Nỗ lực liên minh giữa
các tổ chức cũng có, nhưng cho đến nay cũng chỉ giới hạn và ngắn hạn. Chiến lược
đường dài, và nhân sự chuyên môn để thực hiện, khá khan hiếm. Trong công cuộc
này, biết người biết ta là điều vô cùng quan trọng. Đánh giá đối thủ không
chính xác hay đánh giá khả năng của chính mình một cách sai lệch, tự ti hay tự
cao, đều có hệ quả của nó.
Ngay cả cho đến gần đây, một số người, kể cả
vài nhà hoạt động tại Việt Nam, lạc quan cho rằng chế độ cầm quyền sớm muộn gì
cũng phải sụp đổ. Một lý do phổ biến thường đưa ra là mức nợ của nhà nước Việt
Nam. Có người biện luận nhà nước Việt Nam đang nợ nần chồng chất và ngày càng
gia tăng, nên mức nợ cộng với nạn tham nhũng tàn phá sẽ không thể duy trì được
chế độ, như bài viết của Nguyễn Vũ
Bình vào tháng 11 năm 2016. Nếu vậy thì khả năng Nhà nước Nhật sụp đổ
phải là cao nhất, vì tỷ lệ nợ quốc gia so với tổng sản lượng GDP của Nhật là
trên 200% từ nhiều năm qua. Khả năng Nhà nước Mỹ sụp đổ cũng cao v.v…
Theo Statista thì
năm 2021, tỷ lệ này của Nhật là 256.86%, và sẽ còn trên 250% đến năm 2026. Việt
Nam thì nợ
quốc gia là 174.46 tỷ năm 2021, và đến năm 2026 thì ước đoán lên đến
291.58 tỷ. Tỷ lệ nợ
quốc gia so với GDP thì năm 2021 là 47.8% và năm 2025 là 45.25%. Như
thế, tỷ lệ nợ quốc gia so với GDP của Việt Nam thuộc
hạng rất thấp so với đa số các nước khác.
Nhưng cho dầu tỷ lệ đó cao đi nữa, nó chưa phải
là lý do duy nhất hay trọng yếu làm sụp đổ một chế độ.
Hiện nay nhà nước Việt Nam đang tập trung vào
phát triển kinh tế, ổn định xã hội, và có lẽ chủ trương dần dần chuyển đổi
chính trị một cách tiệm tiến theo quy trình và chủ động của họ. Theo Ngân hàng Thế giới thì
với mức phát triển trung bình khoảng 5%, trong 25 năm tới, Việt Nam mong muốn đạt
được nền kinh tế với mức thu nhập cao (dù chỉ là thấp trong vòng cao đó, lower
high income economy). Về mặt chính trị và xã hội, lực lượng dân chủ và xã hội
dân sự chưa đủ mạnh để có thể thách thức chế độ hiện nay, tuy vấn nạn và hệ quả
từ chính sách và cung cách cầm quyền của chế độ có rất nhiều bất cập và tai hại.
Trong hai năm qua, nhà cầm quyền tiếp tục chủ trương bàn tay sắc đối với tất cả
những nhà hoạt động dân sự, từ những người hoạt động dân chủ đến làm báo đến
môi trường. Không gian xã hội dân sự ngày càng bị xiết lại. Chỉ trong năm 2021,
chế độ đã kết tội 32 người bất đồng chính kiến và kết án 26 người khác vì quan
điểm chính trị. Hiện có hơn 150
tù nhân chính trị tại Việt Nam. Nhưng chế độ sẵn sàng chấp nhận sự phê
phán của những tổ chức nhân quyền và các chính quyền dân chủ, từ Mỹ Anh Úc đến
Liên hiệp Âu châu. Họ tính toán rằng nếu nới lỏng không gian này, một lúc nào
đó họ sẽ không còn khả năng kiểm soát. “Giết từ trong trứng nước” hay “giết lầm
còn hơn bỏ sót” vẫn là chủ trương không thay đổi.
Hoàn toàn chưa có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ từ
bỏ độc đảng và chuyển đổi sang dân chủ.
Một cách khách quan, dựa trên những thông tin
dữ kiện đang có hiện nay, các hoạt động của người Việt trong và ngoài nước nhằm
tác động lên tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam trong thời gian qua là không
đáng kể.
Muốn có tác động và tạo thay đổi, trước hết là
nhu cầu phải cải tổ chính mình. Bắt đầu bằng tư duy, rồi hành động. Sau đó là
nhu cầu cần cải đổi quan hệ một cách sâu sắc với các tổ chức bạn và cộng đồng
quốc tế.
Nói một cách ngắn gọn, trong vòng ba chữ, là
“dân chủ hóa”. Nó là chìa khóa cho quan hệ “ta bạn thù”. Dân chủ hóa sẽ giúp
cho tổ chức mình mạnh hơn, liên minh được với các tổ chức bạn. Như vậy, chúng
ta mới có thế và lực để đối diện với thù. Dân chủ hóa cũng sẽ là yếu tố nền tảng
để hóa giải, một phần lớn, nạn phân hóa và vấn đề thế hệ kế thừa, như có trình
bày trên. Khi đã cải tổ chính tổ chức của mình (nếu không thì cũng bị đào thải
như nhiều đảng chính trị đã có tại Việt Nam trước đây), và chịu ngồi lại với
nhau trong thế liên minh chung, nó vừa là thử thách vừa là cơ hội để làm quen
môi trường đa nguyên dân chủ, với bao tiếng nói quan điểm khác biệt. Một khi thế
và lực từ liên minh các tổ chức với nhau, trong lẫn ngoài nước, được hình thành
và phát triển, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy và áp lực chế độ cầm quyền. Lẽ ra
xây dựng thế liên minh phải được thực hiện lâu rồi, nhưng thà bây giờ còn hơn
là sau này. Khi đã bỏ lỡ cơ hội, vực dậy tinh thần là việc làm khó khăn. Nếu
như tiếp tục trong tình thế hiện nay, mỗi tổ chức cứ hoạt động riêng lẽ, thì hiệu
quả rất giới hạn và sự mỏi mệt qua thời gian sẽ không gặt hái được như thành quả
mong đợi.
Dân chủ hóa cũng là con đường và tiến trình để
gỡ bỏ những cái xấu, cái không hiệu quả. Trong văn hóa dân chủ đích thực, những
sai lầm hay những việc làm vô hiệu quả sẽ được chỉnh sửa. Nó là cơ hội để xác định
lại nguyên tắc, giá trị, mục đích và nhiệm vụ của mình. Thay đổi tư duy và tự
làm mới mình để thích hợp với bối cảnh mới là cần thiết. Hiểu rằng chế độ cầm
quyền tại Việt Nam hiện nay chưa bao giờ là cộng sản, và sẽ không bao giờ là cộng
sản. Vì vậy, việc chống cộng, và chống một cách mù quáng, cuồng nhiệt có khi lại
đi sai mục đích, đi lầm đường. Từ trước đến nay nhà cầm quyền Việt Nam luôn
luôn là một chế độ độc tài toàn trị, không chấp nhận hay chia sẻ quyền lực với
bất cứ ai. Để chống cộng, chỉ có thế lực dân chủ và con đường dân chủ hóa mới đủ
khả năng và chính nghĩa để huy động sức mạnh hầu thay đổi. Trên bình diện thế
giới, Mỹ và khối tự do đã chiến thắng độc tài toàn trị Liên Xô. Trên bình diện
quốc gia, các nước Đông Âu đã chiến thắng những chế độ cầm quyền độc tài toàn
trị bên trong nước mình. Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan là những ví dụ thành
công điển hình. Xu hướng độc tài sẽ trở lại, bằng cách này hay cách khác, để
thách thức dân chủ, cho nên chỉ khi nào mầm mống dân chủ thật sự vững chắc thì
mới đứng vững lâu dài.
Việt Nam cũng phải đi qua con đường này để dân
chủ hóa hầu canh tân Việt Nam.
Bởi vì không thể chống độc tài toàn trị bằng
tư duy độc tài toàn trị khác. Nó vừa phản khoa học và vừa phản tác dụng.
Nhân
30 tháng Tư: Góp ý với lãnh đạo Việt Nam
25/04/2022
Lãnh đạo quốc gia không cần phải giỏi về mọi mặt.
Thật ra họ chỉ cần có viễn kiến, chiến lược, khả năng dùng đúng người đúng việc,
và tập trung lèo lái con thuyền.
Ai cũng có lỗi lầm và thất bại. Chính lỗi lầm
và thất bại đó, dù đau thương đến mấy, vẫn là bài học quan trọng và cần thiết
cho mỗi người, mỗi dân tộc, để từ đó vươn lên. Nhưng bài học chỉ thật sự có giá
trị nếu nó dựa trên những điều thật, không phải giả dối.
Trong bài trước, tôi biện luận rằng tôn trọng
lịch sử là nhu cầu thiết yếu của một quốc gia, mà giới lãnh đạo quốc gia phải
là người đi đầu.
Nhưng mỗi dịp 30 tháng Tư về, giới lãnh đạo Việt
Nam và guồng máy lại tiếp tục ra rả những lời tuyên truyền cũ rích và sai lệch.
Thành phần lãnh đạo vẫn tiếp tục coi đại thắng 30 tháng Tư năm 1975 là “Đỉnh
cao chói lọi của sự nghiệp giải phóng dân tộc”.
Trên những phương tiện truyền thông, những người
đứng đầu guồng máy đảng, nhà nước, chính quyền Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng, có vẻ rất tự mãn với những thành tựu của Việt Nam sau 47 năm chiến
tranh chấm dứt.
Nhìn kỹ lại, thật ra Việt Nam có điều gì đâu để
tự hào, tự mãn. Không cần nói điều gì quá to tát, và cũng không cần đưa ra các
con số về kinh tế, như bình quân thu nhập đầu người, tổng sản lượng quốc gia,
hay tỷ lệ tăng trưởng. Cứ nhìn vào hai yếu tố: cảm nhận của người Việt về chính
đất nước mình có lạc quan hay tự tin? và cảm nhận của quốc tế đối với người
mang quốc tịch Việt Nam có tích cực hay tín nhiệm? Thực tế là phần lớn người Việt
nếu có cơ hội thì xác xuất họ chọn ra đi sẽ cao hơn ở lại.
Tôi có dịp tiếp xúc với một số người Việt có
cơ hội đến Úc, trong đó phần lớn có vẻ được ăn học đàng hoàng và khá giả về tài
chánh. Hầu như tất cả đều thấy được nền văn minh của nước này, và ước gì Việt
Nam cũng tiến bộ như vậy. Họ cũng mong muốn con em họ học xong, có được công ăn
việc làm, và trở thành thường trú nhân hay công dân Úc sau này.
Tóm lại, tuy cuộc sống vật chất tại Việt Nam
ngày nay khá hơn, đại đa số vẫn muốn chính họ và con em họ có thể định cư ở một
nơi khác. Chắc trong thâm tâm, sự bất an về tương lai vẫn ám ảnh lên nhiều người
Việt, nên mới giải thích được tâm trạng này.
Chúng ta đều biết người Việt có giòng máu kiêu
hùng và yêu nước trong người, như lịch sử và văn học Việt Nam dẫn chứng. Nhưng
kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975 trở đi, và cho đến bây giờ, tinh thần yêu nước
đó đã phai nhòa. Nếu yêu nước là phải yêu xã hội chủ nghĩa, phải yêu đảng
yêu bác, còn nếu không thì sẽ bị trù dập, tù đầy, thì chính tư duy hẹp hòi và độc
hại này đã giết chết những hạt mầm yêu nước chân chính rồi.
Nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn, người dân Việt
Nam đã sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại.
Ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, người Việt vẫn không khuất phục. Nhưng mộng bá
quyền và bành trướng của Trung Quốc vẫn còn mạnh trong tư duy của Tập Cận Bình
và giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay. Những hành động của Trung Quốc trên Biển
Đông và trên sông Mekong chẳng khác gì đang xiết cổ đất nước Việt Nam. Họ không
chừa bất cứ thủ đoạn nào, kể cả sự đối xử thô bạo và tàn ác lên người dân mình
và các sắc tộc thiểu số tại Trung Quốc.
Tuy hiểm họa của Trung Quốc rất lớn, nhưng nó
cũng chỉ là một phần. Những hiểm họa khác như môi trường sống, biến đổi khí hậu,
thiên tai, thực phẩm, nước sạch, năng lượng v.v… cũng rất quan ngại.
Đối với tất cả những thử thách và hiểm họa
này, không thể ngồi chờ nước lụt đến chân rồi mới nhảy. Không có sự chuẩn bị,
thì khi tất cả đều ập đến, nó sẽ là “họa vô đơn chí”.
Ở vai trò lãnh đạo của mọi quốc gia, người đứng
đầu phải có tầm nhìn, chiến lược, và trên hết, là nhân sự chuyên môn và tài giỏi
để thay mặt và đại diện mình điều hướng công việc một cách hiệu quả nhất.
Nước Việt Nam không thiếu nhân tài. Người Việt
thông minh, hiếu học và chịu khó. Điều quan trọng là lãnh đạo có giữ được chất
xám, có thu hút được người tài, có chính sách biết trọng dụng giới tinh hoa
không thôi.
Đối với những thử thách lớn lao của Việt Nam
hiện nay, có ba điều ưu tiên mà lãnh đạo quốc gia cần phải thực hiện càng sớm
càng tốt.
Một, một “Hội nghị Diên hồng” 2025, hay một thời điểm nào đó thích hợp, để
tập hợp trí tuệ tập thể của những bộ óc ưu tú hàng đầu tại Việt Nam và trên thế
giới. Họ phải là những người có tri thức sâu rộng, tư duy độc lập, tinh thần
phóng khoáng, dám nhìn thẳng vào sự thật và nói những điều mình suy nghĩ, không
phải để vừa lòng lãnh đạo hay người khác, mà để đánh giá vấn đề một cách đúng đắn
nhất. Không một quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu thiếu đi tầm nhìn
và chính sách lâu dài dựa trên phương pháp khoa học. Những bộ óc ưu tú và chuyên
môn sẽ cùng nhau vạch ra con đường chiến lược để giúp cho Việt Nam hình thành
nên lộ đồ mà đi, hoặc thay đổi hướng đi khi cần vì các yếu tố khách quan hay vì
môi trường thay đổi liên tục. Chiến lược phát triển 10 năm, 20 năm và 30 năm tới,
dựa trên khả năng đích thực về vật chất và con người Việt Nam, là điều kiện căn
bản nhất mà Việt Nam không thể thiếu.
Hai, ngoài những bộ óc ưu tú hàng đầu để đưa ra sách lược lâu dài của quốc
gia, chính sách nhân dụng cho mọi thành phần trong xã hội là điều kiện ưu tiên
tiếp theo. Việt Nam hiện nay được xem là middle income
economy, theo World Bank, nhưng chưa được ở giữa mà ở dưới giữa (lower).
Giáo dục và thông tin là hai lĩnh vực phải cải cách hoàn toàn để người dân biết
rõ mình ở đâu, sở trường và sở đoản là gì, môi trường chung quanh lợi hại thế
nào, cơ hội lẫn thử thách ra sao, cũng như kỹ năng để nhận định và giải quyết vấn
đề kỹ thuật lẫn con người cần những gì. Giỏi kỹ thuật hay chuyên môn thôi vẫn
chưa đủ, nhân viên mọi cấp cần có kỹ năng mềm để đối phó với nhiều tình huống,
và để không mất nhân tài. Quan trọng nhất, chính sách nhân dụng hiệu quả nhất của
mọi quốc gia nằm gọn trong giá trị “nhân lễ nghĩa trí tín”. Những giá trị này,
người Việt không xa lạ. Chỉ cần hiểu sâu sắc, áp dụng triệt để nhưng bằng tinh
thần khoan dung, cởi mở và chân thành. Người Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đã áp dụng
tinh thần này trong chính sách nhân dụng của họ và họ trở thành con rồng con hổ
châu Á. Việt Nam có thể học và có cách riêng theo văn hóa của mình. Tóm lại, đối
xử nhân thế một cách nhân hậu thì không thể nào sai được.
Ba, những tiếng nói phê phán hay khác biệt thường khó nghe, nhưng chịu khó
tập lắng nghe sâu một chút thì sau một thời gian, ai cũng có thể nhận ra rằng đằng
sau những tiếng nói đó là những khát vọng chính đáng. Có khi nó thể hiện sự oan
ức bất công của một bộ phận trong xã hội. Có khi nó là cái nhìn quý hiếm mà cặp
mắt thường không thể thấy, lỗ tai thường không thể nghe, cảm giác thường không
thể nghiệm, trực giác thường không thể linh tính. Và cũng có khi nó là tiếng ồn,
như bao tiếng ồn khác trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải biết thanh lọc để
khỏi phân tâm. Nhưng làm lãnh đạo quốc gia thì phải có trách nhiệm và khả năng
để lắng nghe nguyện vọng của người dân. Bởi vì xã hội nào mà vận dụng được những
khác biệt hay cá biệt đó, biết tôn trọng, dung hòa hoặc tạo phương tiện để nó
trở thành điểm son, thì không có gì là bất khả cả. Ai cũng có thể đóng góp
trong khả năng và trong tính cách riêng của mỗi người. Sự khác biệt không hề là
một sự đe dọa mà còn là một sự cân bằng đúng nghĩa để mang lại tính hài hòa về
năng lượng tích cực giữa con người.
Tóm lại, trước những thử thách to lớn đối diện
Việt Nam hiện nay, và sắp tới, lãnh đạo không có tầm nhìn sẽ rất nguy hiểm cho
vận mệnh quốc gia.
Đã đến lúc giới lãnh đạo, vì sự tồn vong, phát
triển và thịnh vượng của Việt Nam, cần lắng nghe và học hỏi để hành xử một cách
văn minh đối với người dân của mình. Hãy bỏ hẳn những lời dối trá, giáo điều.
Tuy không nói ra, nhưng không có nghĩa là người dân không biết. Coi thường người
dân là đã sai từ điểm khởi đầu. Hãy tôn trọng lịch sử, ít nhất bắt đầu từ những
điều căn bản như bài viết trước của tôi, và đối xử tử tế tương kính với mọi
thành phần dân tộc, kể cả những người phê bình mình. Cách hành xử như thế của
lãnh đạo thì mới lấy được lòng dân và sự kính trọng của họ. Lãnh đạo có khả năng và bản lĩnh
là người không dùng vũ lực hay đe dọa người khác mà dùng lý lẽ và sự khôn ngoan
(wisdom) để thuyết phục. Hãy loại bỏ ngay biện pháp dùng côn đồ để
khống chế hay đe dọa những người bất đồng chính kiến. Hãy trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm
Đoan Trang và bao người bất đồng chính kiến khác hiện nay, và mời họ cùng tham
gia đóng góp ý kiến để cải cách đất nước. Sự hưng thịnh của một quốc
gia là trách nhiệm của toàn dân, không phải độc quyền của một cá nhân hay nhóm
người nào.
Lãnh đạo quốc gia không cần phải giỏi về mọi mặt.
Thật ra họ chỉ cần có viễn kiến, chiến lược, khả năng dùng đúng người đúng việc,
và tập trung lèo lái con thuyền. Còn lại, hãy để toàn xã hội dân sự tự do phát
huy tối đa tài năng và sáng kiến của họ. Chỉ có sức mạnh của toàn dân tộc mới
giúp Việt Nam có sự chuẩn bị và có khả năng vươn lên để đối diện những thử
thách và vận dụng cơ hội trong những thập niên đầy bất an trước mặt.
-----------------------------------------------
.
Vài
vấn đề sử nhân ngày 30 tháng Tư
19/04/2022
https://gdb.voanews.com/CAC71641-86E1-4C49-9BF6-1DFAA03D1897_w650_r1_s.jpg
Thắp nhang cho bộ đội
tử trận trong chiến tranh Việt Nam tại nghĩa trang Trường Sơn. Hình minh họa.
Vì quyền lợi quốc gia và tương lai dân tộc, hy vọng
những người có trách nhiệm thấy cần phải thay đổi để bắt đầu thay đổi. Càng sớm
càng tốt.
Hơn 45 năm qua, cứ mỗi dịp 30 tháng Tư về, điệp
khúc “giải phóng miền Nam”, “thống nhất đất nước” và “chiến thắng nguỵ quân ngụy
quyền” v.v… được lập đi lập lại trên các kênh truyền thông Việt Nam.
Nhưng, theo một số quan sát, dường như có một
sự thay đổi đáng kể từ tháng Tư năm 2021. Bài tường
trình trên Đài Á Châu Tự do vào 30 tháng Tư năm 2021 cho rằng Nhà nước
Việt Nam không còn tổ chức rầm rộ và bắn pháo hoa như trước đây. Những cụm từ
giải phóng, thống nhất, nguỵ quyền v.v… cũng đã giảm dần.
Phải chăng có một sự thay đổi tư duy?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng ‘đây là chủ ý của họ vì dần dần họ phải nhận thức rằng, sự thống
nhất đất nước không toàn vẹn, không tốt và thực tế cho tất cả mọi người.’ Trong
khi đó, nhạc sĩ Tuấn Khanh biện luận rằng một sự thay đổi tư duy trong hệ
thống chính trị Việt Nam là điều rất khó, phải qua một tiến trình xét lại, cho
nên hiện tượng năm 2021 là bất thường vì sự mệt mỏi của nhà cầm quyền, nhất là
trong giữa đại dịch Covid-19.
Nếu đó chưa phải là sự thay đổi tư duy, phải
chăng đang có một sự chuyển đổi trong nhận thức của một số lãnh đạo Việt Nam?
Trên thực tế, tuy mật độ tuyên truyền không dầy đặt như trước, Thông
Tấn xã Việt Nam vẫn còn sử dụng “Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh” trong
bài viết nhân ngày 30 tháng Tư năm 2021. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn sử
dụng câu từ như “Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm
dứt 21 năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn.” Trang tin
điện tử Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh cũng lập
lại các cụm từ “kháng chiến chống Mỹ”, “giải phóng”, “thống nhất”. Những
người viết trên vẫn tuyên
truyền rằng đại thắng 30 tháng Tư năm 1975 là “Đỉnh cao chói lọi của sự
nghiệp giải phóng dân tộc”.
Mới đây, một bài trên Công an Nhân dân, phổ biến
ngày 11 tháng 4 năm nay, lại lên án những nhà hoạt động Việt Nam như Nguyễn Văn
Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cầy)
v.v… là “kẻ phản bội đất nước, dân tộc để cầu vinh”, là “phá hoại sự nghiệp đại
đoàn kết dân tộc” v.v…
Rõ ràng giới
lãnh đạo đảng, nhà nước, và chính quyền Việt Nam đều biết rõ những điều nêu
trên là giả dối, xảo trá, tuyên truyền. Không những thế, tôi
tin rằng tất cả những gì liên quan đến sự kiện 30 tháng Tư được đăng trên các
cơ quan truyền thông tại Việt Nam, như trình bày trên, chắc chắn phải được sự
chấp thuận của Ban Tuyên huấn nói riêng và dàn lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng
sản Việt Nam nói chung.
Vậy thì, kêu gọi hòa hợp hòa giải, đoàn
kết yêu nước, “bộ phận dân tộc không thể tách rời”, nhưng cứ tiếp tục chà đạp
lên bộ phận này, lên nhân phẩm, lên danh dự, liên tục kể từ 30 tháng Tư năm
1975 cho đến nay, thì nghe có được không? Chưa kể bao nhiêu chính sách thô bạo
và dã man đối với bộ phận này để dồn họ vào đường cùng, để họ phải vượt biên vượt
biển, với vài trăm nghìn người bỏ mình tại đại dương!
Ai gây ra hận thù chồng chất này, rồi kêu gọi quên
đi quá khứ?
Có phải đã đến lúc giới lãnh đạo Việt Nam, nếu
còn chút lương tri, nên nhìn thẳng vào sự thật không? 47 năm rồi, đâu phải 2
năm, hay 7 năm. Hai thế hệ đã sinh trưởng trong thời gian này. Những gì xảy ra
trong cuộc chiến Việt Nam, cứ cho như là 1955 – 1975 (hay 10 năm trước đó, từ
1945 – 1955, tức cuộc kháng chiến chống Pháp), tất nhiên có nhiều khía cạnh lịch
sử và hẳn nhiên vô cùng phức tạp. Mỗi bên tham chiến, từ Việt Nam cho đến quốc
tế, và bên trong mỗi bên tham chiến, đều có những cách nhìn và góc nhìn khác
nhau. Bởi vì lịch sử là sự viết lại, xây dựng lại, câu chuyện đã xảy ra. Không
bao giờ có một sự thật trong lịch sử. Nhưng những sử gia chân chính sẽ dựa trên
các sự kiện có thật hoặc đã được kiểm chứng hẳn hoi để từ đó đưa ra những nhận
định nhỏ hay lớn, mang tính tình tiết hay bao quát, về các vấn đề nghiên cứu.
Người đọc sẽ học hỏi được nhiều hơn khi có điều kiện đối chiếu, từ tác phẩm này
đến tác giả khác. Độc
quyền lịch sử, do đó, rất phản khoa học, và không ai có quyền làm điều đó.
Lịch sử của một dân tộc thuộc quyền của toàn dân tộc đó, không phải của riêng đảng
phái, chính quyền hay chế độ nào cả. Nhưng không chỉ thuộc quyền của dân tộc
đó, nó còn thuộc quyền của toàn nhân loại, bởi vì người ngoài cuộc vẫn có thể
viết sử theo nhãn quan của họ. Khi chiếm độc quyền lịch sử, nó cũng hàm nghĩa độc
quyền sự thật. Như thế nó chỉ loại bỏ tất cả những phiên bản khác, những cách
nhìn và đánh giá khác, mà có khả năng là gần với sự thật nhất.
Lịch sử được biên
soạn và phát hành tại Việt Nam hiện nay đã bị định hướng hoàn
toàn, để rồi chỉ còn công nhận vai trò và công lao của Đảng.
Thời gian 47 năm, khoảng một nửa dân số sinh
ra sau thời điểm này. Họ có quyền biết sự thật. Người dân miền Bắc đã hy sinh
hay cam chịu khổ đau trong suốt cuộc chiến kéo dài gần 20 năm cũng cần biết sự
thật. Người dân miền Nam bị bức tử và trù dập cũng cần biết sự thật. Tóm lại,
đây là lúc giới cầm quyền Việt Nam hãy thôi tuyên truyền và thật lòng nhìn nhận
và chấp nhận rằng mình đã không tôn trọng một số sự thật về cuộc chiến Việt
Nam.
Có vô số vấn đề,
nhưng ít nhất là ba điều căn bản như sau.
Một, nó hoàn toàn
không phải là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, chống Mỹ xâm lăng gì cả. Mỹ
hoàn toàn không có chủ trương xâm chiếm/lăng gì Việt Nam trong cuộc chiến này.
Washington chỉ đổ dồn nguồn lực vào miền Nam Việt Nam chủ yếu để ngăn chặn sự
bành trướng của chủ nghĩa cộng sản sang Đông Nam Á, mà họ tin vào lúc đó, theo
thế cờ Domino, sẽ xảy ra như thế. Hiểu rằng chủ trương của Mỹ trong Thế Chiến
II là trả lại độc lập và quyền tự quyết của đại đa số, nếu không phải là tất cả,
các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước như Ấn Độ, hay cảng lớn như Hồng
Kông, về cho quốc gia sở hữu nó. Quan điểm này tất nhiên không được đồng minh
thân cận nhất của Mỹ lúc đó tán thành. Winston Churchill, với chủ nghĩa đế quốc
vẫn nằm trong tư duy, chưa muốn từ bỏ vai trò của Anh trên bàn cờ chính trị quốc
tế. Nhưng lập trường và quyết tâm của Mỹ để xây dựng lại một trật tự mới, dựa
trên pháp luật (rules-based international order), kể từ cố Tổng thống Franklin
Delano Roosevelt, và các tổng thống tiếp theo của Mỹ sau đó, đã phản ảnh điều
này. Mỹ trao trả lại chủ quyền cho Nhật, Đức và Ý sau Thế Chiến II, và với Nam
Hàn trong cuộc chiến Bắc Nam, cho thấy họ không hề có chủ trương chiếm giữ. Đó
là quan niệm nhất quán về chủ quyền quốc gia của Mỹ, kể cả chiến tranh Iraq hay
Afghanistan gần đây. Việt Nam, là đối tác của Mỹ kể từ năm 1995 khi bình thường
hóa quan hệ, nên tôn trọng sự thật và quan hệ này.
Hai, nó hoàn toàn cũng không phải để thống nhất hay giải phóng dân tộc gì cả,
điều cũng được rêu rao từ bao thập niên qua. Không phủ nhận rằng một trong các
mục tiêu của lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cũng như phía quốc gia Việt Nam, trước
năm 1954, và nhất là trước năm 1945, là giành lại độc lập cho Việt Nam từ Pháp.
Nhưng với tư duy của lãnh đạo miền Bắc coi cộng sản là thiên đường để xây dựng
thế giới đại đồng, Lenin và Stalin và Mao là thánh thần không thể sai, thì thống
nhất hay giải phóng chỉ còn là mục tiêu phụ, hay thật ra chỉ là cái cớ để gây
chiến. Bởi nếu thật sự là thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc, làm sao có
thể biện minh cho những chính sách và hành động trả thù, trù dập, phân biệt đối
xử v.v… một cách dã man và thô bạo dành cho quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa?
Ba, nó hoàn toàn cũng không phải là cuộc chiến có chính nghĩa gì cả. Lãnh
đạo cộng sản đã không tôn trọng sự thật, mà còn tuyên truyền và sử dụng những
ngôn từ rất xúc phạm dành cho phía Việt Nam Cộng Hòa. Các từ nguỵ quân nguỵ quyền,
v.v… được dùng cho một chính thể mà đã có công lớn trong việc phát triển kinh tế,
chính trị, văn hóa, giáo dục, thể thao v.v… Vào lúc đó Việt Nam Cộng Hòa tuy
chưa bằng Nhật, nhưng có thể sánh vai với những nước như Singapore, Nam Hàn,
Đài Loan, và hơn hẳn Thái Lan hay Mã Lai. Việt Nam Cộng Hòa có rất nhiều tiềm
năng vì, tuy đang chiến tranh, chính sách nhân dụng đã rất tiến bộ và có tầm
nhìn xa. Sinh viên Việt Nam đi du học ở khắp nơi trên thế giới về mọi lĩnh vực
kể từ đầu cuối thấp niên 1950s, và mong chờ cơ hội về phục vụ quốc gia.
Tất cả những điều nêu trên, những ai muốn thật
sự tìm hiểu, thì sẽ tìm ra tài liệu. Nhiều người Việt Nam cũng đã nhận thức được
những sự thật trên. Nhưng chính sách giáo dục nhồi sọ và bưng bít thông tin cộng
với chính sách tuyên truyền đã gây cản trở cho sự tiếp cận và tìm hiểu ngọn
ngành về cuộc chiến Việt Nam cũng như lịch sử cận đại và hiện đại.
Dối trá với
lịch sử một cách có chủ đích và hệ thống để phục vụ cho mục tiêu nắm quyền và
giữ quyền của một cá nhân hay phe nhóm, là một trọng tội đối với dân tộc. Bởi vì khi không hiểu và
không học từ lịch sử, hay học toàn những điều dối trá, những thế hệ sau này sẽ
gặp phải những thử thách trọng lớn.
Vì thế, việc trả lại sự thật và công bằng cho
lịch sử là tư duy đúng đắn của mọi lãnh đạo quốc gia. Lãnh đạo và chế độ sẽ ra
đi, nhưng dân tộc là trường tồn. Nếu giới lãnh đạo Việt Nam cho rằng những điều
nêu trên là không đúng, thì tại sao không để cho mọi người dân tại Việt Nam, nhất
là giới học giả chuyên về sử học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, triết
học và các nhà văn phê bình văn học có toàn quyền tự do học thuật để tranh luận
nhau. Chỉ khi nào lịch sử được viết lại một cách tự do, độc lập, không bị ràng
buộc hay cưỡng ép về ý thức hệ chính trị hay mưu toan quyền lực/lợi, thì lúc đó
mới có khả tín. Ngược lại, khi nào lịch sử vẫn còn bị uốn nắn hay chỉ đạo, theo
ý thức hệ hay khuôn khổ nào đó, nó sẽ không thuyết phục được người hiểu biết.
Người ta thường nhắc nhở nhau: “Đừng nghe
những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Sự thật là lãnh đạo
Việt Nam ngày nay không còn là cộng sản nữa, từ lý thuyết đến thực hành. Đúng
ra là họ chưa bao giờ là cộng sản cả. Nhưng ai cũng có thể thay đổi để trở
thành người tốt hơn, lương thiện hơn. Lịch sử và các thế hệ tương lai sẽ phán
xét hành động của thế hệ hôm nay. Vì quyền lợi quốc gia và tương lai dân tộc,
hy vọng những người có trách nhiệm thấy cần phải thay đổi để bắt đầu thay đổi.
Càng sớm càng tốt.
No comments:
Post a Comment