Saturday, April 23, 2022

UKRAINE QUA BA CUỐN PHIM (Nguyễn Thị Hải Hà / Saigon Nhỏ)

 



 

Ukraine qua ba cuốn phim

Nguyễn Thị Hải Hà
22 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ukraine-qua-ba-cuon-phim/

 

Maidan

 

Được Cinema Guild phát hành năm 2014, Maidan là một phim tài liệu do đạo diễn Sergei Loznitsa thực hiện, có phụ đề Anh ngữ. Maidan là từ mượn của Ba Tư, có nghĩa là quảng trường. Người xem sẽ được chứng kiến cuộc biểu tình đòi độc lập tự do của người Ukraine trên Maidan Nezalezhnosti (Quảng Trường Độc Lập) ở Kyiv, thủ đô Ukraine. Cuộc biểu tình rộng lớn này còn được gọi là cuộc Cách mạng Euromaidan, bắt đầu từ ngày 21 Tháng Mười Một 2013 kéo dài cho đến 21 Tháng Hai 2014. Ngay hôm sau (22 Tháng Hai 2014) là sự truất phế Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Diễn tiến kinh tế và chính trị sau đó đưa đến cuộc chiến tranh Nga và Ukraine ngày hôm nay.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/phim-1-1-1024x492.jpg

MAIDAN

 

Cuộc biểu tình được tổ chức rất qui mô. Người đi biểu tình chiếm đóng các tòa nhà rộng lớn từ đêm trước, mang mền rất dày để ngủ qua đêm mùa Đông. Thức ăn nóng được cung cấp, có lều cứu thương, và các nhóm tự vệ. Mở đầu chương trình là bài Quốc ca Ukraine, ca ngợi dòng giống Cossack, hùng hồn nhưng không kém phần thơ mộng. “Kẻ thù của chúng ta sẽ tan biến như sương trong ánh mặt trời”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-470193947.jpg

Cuộc Cách mạng Maidan; Kyiv, ngày 19 Tháng Hai 2014 (ảnh: Brendan Hoffman/Getty Images)

 

Những ngày đầu cuộc biểu tình, khán giả thấy những buổi thuyết trình, trình diễn âm nhạc, đọc thơ, và hô khẩu hiệu. Giữa Quảng trường Độc Lập là một máy truyền hình rộng lớn.  Người biểu tình đứng chật kín quảng trường, không khí nhộn nhịp khiến người xem phim không khỏi liên tưởng đến sự chào đón đêm Giao thừa của New York City tổ chức hằng năm ở Times Square. Nhiều lần, khán giả sẽ được nghe bài Bella Ciao với ca từ Ukraine trên màn ảnh và cả nhạc sống. Bella Ciao là bài hát về những người kháng chiến, chết nơi sa trường, máu xương biến thành hoa.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-467156737.jpg

Quảng trường Độc lập (Maidan Square) ngày 6 Tháng Hai 2014 (ảnh: Alexander Koerner/Getty Images)

 

Cảnh sát chính quyền Viktor Yanukovych được vũ trang đến tận răng, đứng sau những tấm khiên sắt vừa to vừa dày. Khi bạo loạn bắt đầu, phụ nữ được yêu cầu di tản khỏi “mặt trận”.  Cả hai bên, cảnh sát và người biểu tình, đều dùng hơi cay. Nghe nói cảnh sát chuyên bắn tỉa cũng có mặt. Phía sau mặt trận, với tầm nhìn của đoàn quay phim, khán giả thấy người biểu tình đa số dùng gạch đá. Thỉnh thoảng thấy bom xăng được ném đi không biết từ phe nào. Phim không có lời bình luận. Có thể nói, phim Maidan là cái nhìn trực tiếp, từ xa, của người quan sát. Cuộc biểu tình đưa đến hơn một trăm người chết, hơn một trăm người mất tích, và mấy trăm người bị thương. Số người chết vì bị bắn cũng nhiều. Họ bị bắn vào đầu và sau lưng.

 

I am FEMEN

 

Phim tài liệu này phát hành năm 2014, phụ đề Anh ngữ, đạo diễn là Alain Margot. Phim nói về một nhóm phụ nữ Ukraine tranh đấu cho nữ quyền. Oxana Shachko, Anna Hutsol, Inna Shevchenko, và Alexandra Shevchenko là những người trong nhóm lãnh đạo.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/phim-1-1024x1435.jpg

I am FEMEN

 

Anna Hutsol được cho là người thành lập FEMEN ngày 10 Tháng Tư 2008. Tuy nhiên, có nguồn tin khác cho là người thành lập là Viktor Sviatsky. Những năm do tình trạng kinh tế bất ổn định, một số phụ nữ Ukraine đã làm nghề bán dâm. Rồi có tổ chức đưa người vào Ukraine theo chương trình du lịch mua dâm. Femen biểu tình chống đối việc người ta xem tất cả phụ nữ Ukraine là người bán dâm.

 

Femen nổi tiếng nhờ cách tranh đấu ngược với phong tục. Họ cởi trần và vẽ những thông điệp biểu tình trên ngực và bụng. Đầu đội vòng hoa có giải thắt lua tua, một thứ vương miện của phụ nữ Ukraine, rất đẹp. Rất nhiều lần, họ bị công chúng, nhất là những bà cụ già chửi rủa thậm tệ cách biểu tình của họ, gọi họ là đồ đĩ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-105187013.jpg

Một cuộc biểu tình của FEMEN; Kyiv 24 Tháng Tám 2010 (ảnh: Filippo Mutani/Getty Images)

 

Đầu tiên, họ tranh đấu cho một cô gái 18 tuổi bị hiếp dâm nhưng những kẻ mang tội cưỡng hiếp không được xử tội thích đáng. Những cuộc cởi trần biểu tình này mang danh tiếng cho nhóm chủ trương và được nhiều người ủng hộ. Oxana Shachko, thành viên Femen, cho biết tuy là cách tranh đấu này có vẻ kỳ khôi nhưng tổ chức Femen không làm gì trái với pháp luật. Thường họ xuất hiện, cởi trần chớp nhoáng, hô khẩu hiệu, và chạy trốn trước khi cảnh sát bắt được.

 

Dần dần, những cuộc cởi trần tranh đấu xuất hiện ở những nơi nhạy cảm hơn. Năm 2010, họ cởi trần phản đối cuộc bầu cử của Victor Yanukovych. Tháng Mười Hai 2011, ba thành viên Femen đến Minsk, thủ đô Belarus, phản đối cuộc họp có sự tham dự của Tổng thống Nga Putin. Sau đó họ bị bắt và được thả ở biên giới Belarus. Họ bị một nhóm người đánh đập và bị dọa giết. Anna Hutsol mặt mũi sưng vù. Ngày 8 Tháng Tư 2013, họ phục kích, cởi-trần-để-tấn-công, ông Putin và bà Angela Merkel ở Hội nghị Thương mại tại Hanover.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/GettyImages-105187035.jpg

Tôi là FEMEN (ảnh: Filippo Mutani/Getty Images)

 

Vì sự đe dọa tính mạng của các thành viên, Femen dời tổ chức của họ sang Paris năm 2013.  Ở Paris, họ giúp các cô gái Pháp thành lập Femen. Oxana Shachko là một họa sĩ chuyên vẽ các hình ảnh để tôn thờ của các vị thánh và Jesus. Vì có sự bất hòa trong nhóm nên cô tách ra khỏi nhóm sống và làm việc một mình. Ngày 24 Tháng Bảy 2018 cô được tìm thấy trong tư thế treo cổ trong nhà mình. Cái chết của cô được cho là tự tử.

 

Hutsulka Ksenya

 

Bộ phim âm nhạc này của Ukraine phát hành năm 2018 bởi nữ đạo diễn Olena Demyanenko. Phim dựa trên vở nhạc kịch của Yaroslav Barnych lấy bối cảnh Ukraine vào năm 1939. Phim nói tiếng Ukraine, họa hoằn chêm vài câu tiếng Anh đơn giản, tuyệt đối không có phụ đề Anh ngữ. Để hiểu phim này, tôi đọc chú thích đăng trên hộp đựng DVD, và đọc thêm ở Wikipedia. Sau khi xem, tôi đoán thêm vài chi tiết.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/phim-4-1024x576.jpg

IMDb

 

Năm 1939, phía Tây Ukraine bị Bolshevik chiếm đóng. Một chàng Mỹ gốc Ukraine tên Yaro đến miền núi Carpathian để tìm hiểu nguồn gốc của mình. Anh chỉ được hưởng gia tài kếch sù của cha nếu anh cưới vợ người Ukraine. Yaro cư ngụ ở một khách sạn được điều hành bởi một nhóm phụ nữ cấp tiến. Cùng ở khách sạn này có một vị giáo sư (khùng) đi tìm một loại bướm đặc biệt chỉ đẻ trứng lên đuôi của con cừu.

 

Một năm sau khi cha chết mà Yaro không cưới được vợ Ukraine thì gia tài sẽ về tay người em họ tên là Mary. Vì muốn chiếm gia tài cho con gái, Helene, mẹ của Mary dẫn con đến vùng núi Carpathian làm mọi cách để ngăn cản Yaro cưới vợ, thí dụ như lập mưu kế để cô chủ khách sạn dụ dỗ Yaro, gọi tất cả những cô gái trong vùng đến cho Yaro tuyển chọn.

 

Ngay từ buổi đầu tiên đến khách sạn, Yaro đã gặp một cô gái người Hutsul tên là Ksenya và anh đem lòng yêu mến. Mary cũng yêu anh chàng Cossack đẹp trai. Helene nhận ra ông giáo sư săn bướm lạ là người yêu cũ trước khi bà có Mary. Bolshevik cho người đến bắt Yaro nhưng những người Cossack trong vùng lên tiếng can thiệp… Ukraine Carpathian là vùng núi giàu có với rất nhiều câu chuyện dân gian đầy ma quái kinh dị. Ksenya là một cô gái Ukraine hội đủ tất cả những điều kiện ông bố mong ước có ở người vợ tương lai của con trai. Xem chừng Yaro không cần gia tài của ông bố cho lắm vì anh quyết định ở lại vùng núi này với Ksenya…

 

Ngày 1 Tháng Bảy 2019, phim được giải Grand Prix trong liên hoan phim Mt. Fuji — Atami International Film & VR Festival ở Nhật Bản.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/phim-2-1024x683.jpg

Cảnh trong Hutsulka Ksenya (IMDb)

 

Khán giả sẽ được xem phim rất đẹp. Người ta nói rằng người Ukraine rất yêu hoa. Xem phim này, khán giả sẽ đồng ý với nhận xét trên. Những cô gái Ukraine với trang phục cổ truyền, đầu đội vòng kết hoa có những giải lụa bay phất phơ, cổ áo, tay áo, và viền quanh váy cũng thêu đầy hoa. Những buổi khiêu vũ của các chàng và nàng Cossack rất ngoạn mục.  Họ mặc áo vải trắng có viền hoa đỏ, dọc theo chiều dài tay áo cũng có thêu hoa. Khán giả sẽ được nghe âm nhạc cổ truyền trình diễn bằng những nhạc cụ cổ truyền. Có một loại đàn dây được cắn giữa hai hàm răng (drymba). Người ta khảy vào dây phát ra tiếng đàn để đệm theo tiếng hát. Loại đàn này chỉ còn tìm thấy ở Carpathian, dành riêng cho phái nữ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/phim-3-1024x683.jpg

Cảnh trong Hutsulka Ksenya (IMDb)

 

Có một loại kèn thật dài, trembita, giống như một cái tù và dài ba mét. Những buổi trình diễn âm nhạc đương đại do ban The Dakh Daughters Freak Cabaret đàn và hát nhiều loại nhạc. Nhạc Ukraine nghe rất êm dịu và du dương với tiếng phong cầm, dương cầm, và vĩ cầm, với những điệu Tango và Valse lả lướt. Những hình ảnh đậm đà bản sắc Ukraine của cuối thập niên 1930 thật là quyến rũ. Có thể nói, phim thuộc loại hiện thực huyền ảo.

 

Lời người viết

 

Những năm đầu tiên đến Mỹ, tôi ngạc nhiên khi nhận ra rất ít người Mỹ biết về phong tục tập quán Việt Nam dù chiến tranh Việt Nam xuất hiện hằng ngày trên truyền hình Mỹ. Đến năm 2010 tôi vẫn gặp những người Mỹ không biết Việt Nam ở chỗ nào trên bản đồ dù gần 60 ngàn quân nhân Mỹ chết ở Việt Nam. Nay, tôi muốn giới thiệu với độc giả người Mỹ gốc Việt vài nét đơn sơ về lịch sử, chính trị, âm nhạc, và phong tục Ukraine, một quốc gia mà người Mỹ đang tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức để giúp đỡ họ chống lại sự xâm lăng của Nga.





No comments:

Post a Comment