Saturday, April 30, 2022

TỶ GÍA ĐỒNG RÚP : NGA ĐÃ THẮNG HIỆP ĐẦU TIÊN BẤT CHẤP TRỪNG PHẠT CỦA PHƯƠNG TÂY (Chi Phương / RFI)

 



Tỷ giá đồng rúp : Nga đã thắng hiệp đầu tiên bất chấp trừng phạt của Phương Tây

Chi Phương  -  RFI

Đăng ngày: 30/04/2022 - 10:20

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20220430-t%E1%BB%B7-gi%C3%A1-%C4%91%E1%BB%93ng-r%C3%BAp-nga-%C4%91%C3%A3-th%E1%BA%AFng-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-c%E1%BB%A7a-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

 

Sau cú trượt dốc lịch sử do cuộc xâm lăng của Nga và Ukraina, đồng rúp đã phục hồi ngoạn mục, tăng vọt lên mức cao nhất từ hai năm qua trong phiên giao dịch ở Matxcơva, ngày 27/04/2022. Các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và chính sách xuất khẩu năng lượng - « bắt chẹt » châu Âu chính là lý do tạo ra cú lội ngược dòng này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6f6f00ec-162d-11ea-9cd5-005056a99247/w:1024/p:16x9/aa5e0a5d15bb15eafd3e42f308e023407e577e1b.webp

Hình ảnh minh họa đồng rúp của Nga. AFP/File

 

Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgari và Ba Lan hôm 27/04 do hai nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, giải thích rằng việc thanh toán bằng đồng rúp là để đáp trả lại việc phương Tây đã đóng băng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngay sau thông báo này, vào 14 giờ GMT cùng ngày, tỷ giá đồng rúp đã tăng 1,8 % so với đồng euro - 75,43/ euro, đây là tỷ giá cao nhất kể từ đầu tháng 3 năm 2020. So với đồng đô la, đồng rúp cũng tăng thêm 1,1 %, ở mức 72,75/ đô la.

 

Đồng tiền của Nga rớt giá từ cuối tháng Hai và xuống mức thấp kỷ lục, khoảng 136 rúp/đô la hôm 10/03, do hàng loạt trừng phạt của phương Tây đối với hành động xâm lăng vào Ukraina. Kể từ 31/03, đồng rúp đã phục hồi dần, sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh chỉ chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Theo đó, bên mua khí đốt Nga phải mở một tài khoản tại các ngân hàng của Nga, nguồn cung ứng khí đốt sẽ bị cắt nếu bên mua không tuân thủ các điều khoản này.

 

Về sự biến động tỷ giá đồng rúp, RFI trao đổi với chuyên gia kinh tế Nga Julien Vercueil, giảng viên môn khoa học kinh tế tại trường INALCO, tác giả của cuốn sách Économie politique de la Russie (1918-2018).

 

.

Trước tiên ông đánh giá về đồng rúp thế nào ? Đây có phải là một đồng tiền mạnh ?

 

Julien Vercueil : Thông thường các loại tiền tệ được đánh giá là mạnh khi loại tiền đó được sử dụng nhiều trong giao thương quốc tế. Loại tiền này phải dựa vào một nền kinh tế mở cửa với thế giới và có thị trường xuất khẩu đa dạng. Đồng rúp được sử dụng trong một nền kinh tế mở nhưng lại không có nhiều mặt hàng xuất khẩu, mà chỉ tập trung trong một số loại nhất định như dầu khí, kim loại quý và một số sản phẩm nông nghiệp thô và ít sản phẩm công nghệ cao (trừ các sản phẩm hóa học hoặc vũ khí). Đây chính là điểm yếu của đồng rúp. Bởi vì chỉ cần nhu cầu của một mặt hàng nào đó giảm, đồng rúp sẽ giảm theo. Do vậy, chúng ta không thể nói rúp là một loại tiền tệ mạnh, mà đúng hơn nó phụ thuộc vào sự biến động của giá của nguyên liệu thô được định mức theo chuẩn quốc tế. Mối liên hệ cung - cầu lại không phụ thuộc vào Nga mà vào các nhân tố rộng lớn hơn rất nhiều so với nền kinh tế Nga.

 

.

Vừa qua, Nga đã thực hiện một cú lội ngược dòng, phục hồi tỷ giá đồng rúp về mức trước chiến tranh Ukraina, tỷ giá đồng tiền của Nga trong những ngày gần đây còn cao hơn cả mức của hai năm về trước. Vậy Nga đã thực hiện những biện pháp nào ?

 

Julien Vercueil : Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đồng rúp phục hồi là do các doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga bắt buộc phải chuyển 80 % doanh thu xuất khẩu về ngân hàng Trung ương của Nga. Các doanh nghiệp này phải bán ngoại tệ, đồng nghĩa với việc họ phải mua đồng rúp từ ngân hàng Trung ương. Điều này khiến cho nhu cầu đồng rúp tăng trở lại và duy trì tỷ giá của đồng tiền Nga. Biện pháp này do bộ Tài Chính của Nga đưa ra, đã tạo ra đòn bẩy làm tỷ giá đồng rúp tăng.

 

Một lý do khác nữa, đó là vì kim ngạch nhập khẩu của Nga đã giảm, nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp của Nga cũng giảm theo. Và chúng ta có thể thấy cán cân cung cầu mất thăng bằng, khiến tỷ giá hối đoái có lợi cho đồng rúp.

 

Các biện pháp mà tôi kể trên rất hiệu quả, nhất là trong trường hợp của Nga, nước này chỉ phải xử lý một số nhỏ các nhà xuất khẩu lớn. Nếu như Nga xuất khẩu hàng ngàn sản phẩm khác nhau, Matxcơva sẽ rất khó kiểm soát. Nhưng nền kinh tế Nga rất tập trung, đặc biệt trong lĩnh vực nguyên liệu thô.

 

.

Nga có thể tiếp tục duy trì các biện pháp kể trên về lâu dài hay không ?

 

Julien Vercueil : Chắc chắn rằng Nga có thể duy trì các biện pháp này về lâu dài, miễn là chính quyền Nga kiểm soát được hoạt động của các công ty xuất khẩu. Và câu hỏi thứ hai được đặt ra, theo tôi còn quan trọng hơn, đó là liệu các điều kiện quốc tế có cho phép các biện pháp này có hiệu quả về lâu dài hay không ? Câu trả lời là không.

 

Có hai lý do chính. Một là, các khách quen của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, bắt đầu đặt vấn đề về sự phụ thuộc vào Nga, do vậy chúng ta có thể thấy xu hướng hiện nay về việc giảm bớt phụ thuộc đối với khí đốt của Nga. Tức là trong 2, 3 năm nữa, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nhà nước Nga sẽ không thể xuất khẩu lượng khí đốt lớn như hiện nay, ví dụ như cho các nước như Đức hay châu Âu.

 

Lý do tiếp theo đó là giá dầu khí dao động mạnh trong những năm gần đây. Vào năm 2020, 2021, ở một số thời điểm, giá dầu đã âm (thấp hơn giá thành). Hiện nay giá dầu rất cao, lên đến 100 đô la/thùng, nhưng cách đây không lâu, 1 thùng dầu chỉ có giá 20 đô la, và trước đó nữa, là 80 đô la. Trong tương lai, giá quốc tế về nguyên liệu thô và dầu sẽ tiếp tục dao động mạnh. Dù các chính sách mà chính phủ Nga áp đặt có bền vững hay không, các điều kiện quốc tế về nguồn cung nguyên liệu thô mà Nga xuất khẩu sẽ buộc nước này phải tuân theo, và chắc chắc là chúng không đủ để cứu lấy đồng rúp về lâu dài.

 

Nhà kinh tế học Julien Vercueil, chuyên nghiên cứu về kinh tế Nga, giảng dạy môn khoa học kin tế tại Institut Orientale des Langues et des Civilisations (INALCO). © ảnh do tác giả cung cấp.

 

.

Sự bất ổn của tỷ giá nội tệ Nga tác động tới nền kinh tế nước này ra sao ? Liệu giao thương thế giới có bị ảnh hưởng không ?

 

Julien Vercueil : Đối với nền kinh tế Nga, tác động đầu tiên là lạm phát. Có khả năng tỷ lệ lạm phát ở Nga sẽ tăng gấp đôi so với tỷ lệ trước chiến tranh, lên đến 20 %. Đây là một con số lớn, nhưng không phải là thảm hoạ cho kinh tế nước này, nhưng đối với các gia đình có thu nhập thấp, 20 % là một vấn đề lớn. Hơn nữa, đây lại là tầng lớp ủng hộ Putin. Chính phủ sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để giải ngân một khoản khổng lồ, nhằm bình ổn giá, cũng như trợ giúp các doanh nghiệp liên quan.

 

Lạm phát gia tăng kéo theo đó là giảm sức mua và nợ công tăng. Nếu như ngân hàng Trung ương Nga không đưa ra các chính sách để kiểm soát ngoại hối, đồng rúp có thể xuống thấp nữa và cả việc mất vốn. Bởi vì trong trường hợp này các doanh nghiệp Nga muốn giữ đô la và không gửi về Nga, đồng rúp có thể rớt giá nghiêm trọng hơn, và tỷ lệ lạm phát có thể cao hơn nhiều. Ngân hàng Trung ương không thể cứu vớt đồng rúp do các lệnh trừng phạt hiện nay. Nga cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn để vực dậy. Cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài và có nguy cơ trở thành cuộc đại suy thoái kinh tế, giống như vào đầu những thập niên 80 ở Nga, mọi thứ sụp đổ sau khi Liên Xô tan rã.

 

Còn đối với nền kinh tế toàn cầu, theo tôi, tỷ giá đồng rúp có tăng hay giảm thì cũng không tạo ra bất cứ rủi ro nào. Tuy nhiên, sự bất ổn của thị trường năng lượng và việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Nga, đây mới chính là hai yếu tố lớn tác động với thế giới. Nhưng sự bất ổn này không liên quan đến đồng rúp. Đồng rúp không quyết định mà là do các khả năng của chính phủ Nga tìm ra con đường xuất khẩu cho hàng hóa của mình.

 

.

Kể từ khi đồng rúp trên đà tăng trở lại, câu hỏi đặt ra là liệu các trừng phạt của châu Âu có hiệu quả không ?

 

Julien Vercueil : Các trừng phạt của phương Tây nhắm đến hai mục đích. Thứ nhất đó là phong tỏa tài sản của tài phiệt thân chính phủ Nga ở bên ngoài lãnh thổ Nga hoặc ngăn cản ngân hàng Trung ương trợ giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn bằng đồng đô la, hiện đang ở Pháp hay Mỹ. Do vậy, các biện pháp này có hiệu quả khi thống đốc ngân hàng Trung ương Nga không thể sử dụng số vốn của họ. Tuy nhiên, mục đích thứ hai đó là khiến chính quyền Putin phải suy tính lại về hành động xâm lăng, rằng Nga phải trả cái giá quá đắt vì gây chiến nên phải dừng lại và đàm phán nhanh chóng với Ukraina và kết thúc chiến tranh. Và dĩ nhiên là phương Tây không đạt được mục đích này.

 

.

Từ cuộc khủng hoảng năm 2014, Nga đã tìm cách thay thế đồng đô la trong thanh toán quốc tế (phi đô la hóa) để giảm thiểu thiệt hại từ các trừng phạt của phương Tây. Vào năm 2019, lần đầu tiên tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom thông báo bán khí đốt cho một doanh nghiệp châu Âu bằng đồng rúp. Ông nhận định thế nào về chiến lược phi đô la hóa của Nga ?

 

Julien Vercueil : Nếu như Nga là quốc gia duy nhất thực hiện phi đô la hoá, vậy thì chiến lược này không hiệu quả. Bởi vì, Nga là quốc gia xuất khẩu rất ít mặt hàng (chủ yếu là nguyên liệu thô, dù xuất khẩu với số lượng lớn). Tuy nhiên nếu như Nga liên minh với Trung Quốc để giảm thiểu vai trò của đồng đô la trong giao thương quốc tế, điều này có thể tạo những tác động lớn và về lâu dài làm suy yếu đồng đô la. Phi đô la hoá có thể thực hiện, về lâu dài, nếu như một số tác nhân lớn của hai nước này và của một số nước châu Á, đồng loạt không muốn dự trữ đô la trong kho dự trữ ngoại hối của nước đó.

 

Một câu hỏi khác được đặt ra, đó là đồng tiền nào sẽ thay thế đồng đô la trong trường hợp này ? Trả lời câu hỏi này không dễ dàng bởi vì Trung Quốc không thể thay đồng đô la bằng Nhân Dân Tệ (NDT) trong giao thương quốc tế và Bắc Kinh cũng không muốn điều này, vì để khiến đồng NDT trở thành một loại tiền tệ quốc tế, quốc gia này phải gánh rất nhiều trách nhiệm. Đặc biệt là sau sự kiện phá giá năm 2015 (làm bay vốn 1000 tỷ đô la), rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, đồng NDT đã suy yếu, kể từ đó Trung Quốc muốn hạn chế thanh toán quốc tế bằng đồng nội tệ của mình.

 

Còn đồng rúp thì không thể thay thế được đồng đô là vì đây là đồng tiền của một nền kinh tế nhỏ, dù cho có mở cửa với thế giới và xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô. Thế nhưng, Nga lại không có nhiều mặt hàng để xuất khẩu như Trung Quốc. Nga chủ yếu xuất khẩu với số lượng lớn một vài mặt hàng như dầu khí, kim loại quý và một số sản phẩm nông nghiệp, chủ yếu là nguyên liệu thô và không tiên tiến, sáng tạo và đa dạng như Trung Quốc (ngoại trừ các sản phẩm hoá học hay vũ khí). Phi đô la hoá có thể giúp Nga hạn chế tác động của các trừng phạt, nhưng lại không có giải pháp nào thay thế đồng đô la trong thanh toán quốc tế.

 

.

RFI xin cảm ơn ông Julien Vercueil, nhà kinh tế học, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Nga, giảng dạy tại trường INALCO, Paris, Pháp.

 

Tỷ giá đồng rúp tiếp tục tăng vào 29/04, 0,3 % so với đồng euro. Tuy nhiên sự phục hồi ngoạn mục này không đồng nghĩa với việc kinh tế Nga phục hồi sau hàng loạt trừng phạt của phương Tây. Các tổ chức tài chính quốc tế ước tính tốc độ tăng trưởng của quốc gia này có thể giảm mạnh tới 15% trong năm 2022. Như vậy, Nga sẽ phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ năm 1992 (14,5 %). Alfa Bank nhận định với AFP rằng « thị trường chứng khoán Nga và đồng rúp hiện vẫn bị tách biệt khỏi nền kinh tế toàn cầu do các biện pháp kiểm vốn ».

Theo AFP, các nhà kinh tế cho rằng Nga sẽ tiếp tục hứng chịu các tác động tồi tệ hơn từ các lệnh trừng phạt. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thiết bị sản xuất và hàng tiêu dùng sẽ rơi vào suy thoái sâu hơn. Nhà nghiên cứu chiến lược thị trường tại Blue Bay Asset Management, Timothy Ash, cho rằng ngân hàng Trung ương Nga đang lũng đoạn. « Đây không phải là một thị trường thanh khoản, đây chỉ là một chiến dịch PR của ngân hàng TƯ Nga - một công cụ của điện Kremlin. »

 

-----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Chiến tranh Ukraina: Nga áp đặt đồng rúp tại thành phố Kherson kể từ ngày 01/05

 

NGA - CHÂU ÂU - KHÍ ĐỐT

Putin ký sắc lệnh buộc các nước « thù nghịch » mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp

 

TẠP CHÍ KINH TẾ

Nga đòi được thanh toán bằng đồng rúp : Đòn « rung cây dọa khỉ » ?





No comments:

Post a Comment