Friday, April 22, 2022

TỘI ÁC CHIẾN TRANH CỦA NGA TẠI UKRAINE : AI CÓ THẨM QUYỀN XÉT XỬ? (Vincente Nguyen - Luật Khoa)

 



“Tội ác chiến tranh” của Nga tại Ukraine: Ai có thẩm quyền xét xử?    

VINCENTE NGUYEN  -  Luật Khoa

19/04/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/04/toi-ac-chien-tranh-cua-nga-tai-ukraine-ai-co-tham-quyen-xet-xu/

 

Những nguyên tắc pháp lý và định chế quốc tế có thể đối phó với tội ác chiến tranh.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/04/Bucha-1200-%C3%97-628-px3-1024x536.jpg

Ảnh: NBC News, Getty Images, AP

 

Những cáo buộc về việc Nga tấn công thường dân và các công trình dân sự trên diện rộng của Ukraine đang trở nên ngày càng dày đặc. Đặc biệt nghiêm trọng là những cáo buộc thảm sát thường dân như ở Bucha, và khả năng cao là các sự việc tương tự sẽ xuất hiện thêm ở những vùng bị Nga tạm chiếm trước kia, vốn đang được quân Ukraine tái kiểm soát.

 

Bài viết “Thảm sát Bucha: Chúng ta biết gì, và trách nhiệm pháp lý của Putin đến đâu?” đăng trên Luật Khoa mới đây đã ghi nhận một số thông tin về khả năng Nga phải chịu trách nhiệm, đồng thời giới thiệu cách mà pháp luật quốc tế phân cấp và truy xét trách nhiệm bên trong cấu trúc một nhà nước khi xuất hiện hành vi tội ác chiến tranh. [1]

 

Tuy nhiên, trách nhiệm công tố và thẩm quyền xét xử thuộc về ai thì lại là một vấn đề rất khác. Bài viết này hy vọng có thể diễn giải về các khả năng có thể diễn ra trong trường hợp tội ác chiến tranh của một bên tham chiến như Nga bị mang ra ánh sáng.

 

1. Bốn nguyên tắc cơ bản của thẩm quyền công tố – xét xử tội phạm chiến tranh

 

Không phải quốc gia nào cũng muốn thừa nhận rằng quân đội của nước mình đã thực hiện hành vi tội ác chiến tranh. Và lại càng hiếm có quốc gia nào mong muốn truy tố quân nhân hay các lãnh đạo quân sự của mình vì hành vi này.

 

Thêm vào đó, vấn đề chủ quyền và quyền miễn trừ ngoại giao khiến khả năng tố tụng, điều tra và xét xử những nhân vật liên quan đến hành vi tội ác chiến tranh, đặc biệt là những người giữ chức vụ cấp cao của một nhà nước, chưa bao giờ là điều dễ dàng.

 

Vì hai lý do trên, các nguyên tắc pháp luật quốc tế trong việc hình thành thẩm quyền điều tra, công tố và xét xử tội ác chiến tranh được vận dụng một cách đa dạng. [2]

 

Nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc lãnh thổ (territoriality principle).

Theo đó, lãnh thổ nơi mà tội ác chiến tranh diễn ra được dùng để xác định thẩm quyền có thể có nhằm xem xét điều tra và xét xử. Nguyên tắc này đặc biệt có lợi trong các xung đột vũ trang quốc tế mà một bên tham chiến không phải là thành viên trong Quy chế của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

 

Ví dụ, Hoa Kỳ không phải là một thành viên trong phạm vi thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, một số cuộc chiến mà Hoa Kỳ thực hiện nằm trên lãnh thổ của quốc gia vốn là thành viên của ICC, ví dụ như trường hợp của Iraq. Vì thế, ICC vẫn có thể điều tra và xét xử hành vi của Hoa Kỳ.

 

Nguyên tắc lãnh thổ, do đó, tạo điều kiện cho việc xét xử tội ác chiến tranh dù quốc gia thực hiện hành vi vẫn chưa là thành viên của ICC.

 

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc cá thể chủ động (active personality principle). Nó xác định thẩm quyền dựa trên quốc tịch của người thực hiện hành vi phạm tội.

 

Với nguyên tắc này, nếu quân nhân Nga được cho là nghi phạm của một hành vi tội ác chiến tranh, nhà nước Nga sẽ là chính quyền đương nhiên có thẩm quyền xét xử trước tiên (từ đó tạo ra hiệu lực pháp lý dựa trên các văn bản công ước quốc tế khác mà Nga là thành viên).

 

Nguyên tắc thứ ba, gần gũi với nguyên tắc thứ hai, là nguyên tắc cá thể bị động (passive personality principle) – có thể diễn giải là việc xác định thẩm quyền dựa trên quốc tịch của người bị hại.

 

Nguyên tắc cơ bản cuối cùng là nguyên tắc bảo hộ (protective principle).

Theo nguyên tắc này, bất kỳ một quốc gia nào (dù không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột vũ trang) cũng có thể viện dẫn lý do là các hành vi tội ác chiến tranh đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích và an ninh quốc gia của mình, và trên cơ sở đó, sử dụng các hệ thống tài phán đang có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia của mình.

 

Đây là một nguyên tắc hơi khó lý giải trong phạm vi của một bài viết ngắn, song chúng ta có thể nhìn vào một số án lệ của Hoa Kỳ để hiểu về vấn đề này. [3]

 

Ví dụ, hành vi làm giả tài liệu của nhà nước Hoa Kỳ, khai gian và tạo đường dây buôn bán người sang Hoa Kỳ, dù không có những thành tố cơ bản về lãnh thổ hay cá thể, vẫn được xem là gây nguy hại nghiêm trọng đến an ninh Hoa Kỳ và có thể tạo ra thẩm quyền liên lãnh thổ cho tòa án nước này.

 

Những ví dụ tương tự cũng có thể được diễn giải trong môi trường xung đột vũ trang.

 

2. Chủ thể có trách nhiệm đầu tiên

 

Sau khi đã xác lập bốn nguyên tắc cơ bản nói trên, và dù ghi nhận rằng tội ác chiến tranh là một khái niệm pháp lý quốc tế, chính các quốc gia có quân nhân, sĩ quan thực hiện hành vi này phải có trách nhiệm nội địa hóa các quy định của pháp luật nhân đạo quốc tế, dưới dạng thức các quy định quân sự (military manual) hay quy định tham chiến (code of conducts).

Trên cơ sở đó, tội ác chiến tranh đồng thời cũng là tội danh hình sự của quốc gia sở tại. Nó có thể bị điều tra, truy tố, xét xử trên khung cơ sở pháp luật hình sự của quốc gia vi phạm. [4]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/04/1.jpg

Một hố chôn tập thể được phát hiện tại Bucha, Ukraine vào tháng 4/2022. Ảnh: Rodrigo Abd/ The Associated Press.

 

Ví dụ, nếu nhà nước Nga thừa nhận quân nhân nước mình vi phạm các điều ước quốc tế liên quan đến tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, họ sẽ là bên có thẩm quyền trước tiên để xét xử và đưa ra các chế tài cần thiết để trừng trị tội ác.

 

Việc này có khách quan hay có đến nơi đến chốn hay không là một câu chuyện khác, nhưng trước hết nó giải quyết được hai vấn đề:

 

(1) Quốc gia bị cáo buộc thừa nhận rằng quân đội nước mình có thực hiện hành vi “tội ác chiến tranh”;

 

(2) Quốc gia bị cáo buộc, ở một mức độ nào đó, xác lập khung và giới hạn trách nhiệm của các cá nhân liên quan.

 

Dù có thể bị chỉ trích là chưa đủ khách quan, việc chính quốc gia tham chiến thừa nhận hành vi “tội ác chiến tranh” có tầm quan trọng chính trị, mang ý nghĩa nhượng bộ rất lớn.

Mục tiêu chính của công lý quốc tế là tìm kiếm sự thật và xác lập quy chuẩn hành vi cho các quốc gia có chủ quyền, không phải can thiệp sâu vào chủ quyền của họ.

 

Nếu một quốc gia thừa nhận hành vi tội ác chiến tranh cũng như chủ động điều tra và xét xử nó, khả năng cao là sẽ không có tổ chức quốc tế hay quốc gia nào khác can thiệp thêm vào những hành vi này.

 

Mặc khác, điều này cũng giúp giới lãnh đạo chính trị quốc gia đặt ra những khoảng cách nhất định giữa họ với lực lượng thực chiến và trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm.

 

3. Ba lựa chọn khó: ICC, Tòa Hình sự đặc biệt và “thẩm quyền phổ quát”

 

Việc một quốc gia tự xét xử quân nhân thực hiện hành vi “tội ác chiến tranh” đồng nghĩa với việc quốc gia đó thừa nhận hành vi bị cáo buộc có xảy ra, và rằng chính quân đội của mình chịu trách nhiệm cho những hành vi đó.

 

Nhiều chính quyền xem sự thừa nhận này là một thất bại chính trị.

 

Vì vậy, trong rất nhiều trường hợp, những quốc gia bị cáo buộc đều phủ nhận hoàn toàn việc hệ thống chính trị và quân đội của họ có liên quan đến hành vi tội ác chiến tranh, tương tự như cách Nga phủ nhận hoàn toàn mọi tội ác liên quan đến Bucha.

 

Điều này dẫn chúng ta đến ba công cụ định chế thay thế được sử dụng và nhắc đến nhiều nhất:

 

(1) Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC);

 

(2) Tòa án Hình sự Quốc tế đặc biệt theo trường hợp;

 

(3) “Thẩm quyền phổ quát” của tòa án các quốc gia.

 

Thẩm quyền của ICC là vấn đề tương đối đơn giản.

 

Thẩm quyền lãnh thổ của ICC đối với Ukraine được chính quyền của nước này thừa nhận. Từ năm 2014, Ukraine đã chủ động mời ICC và tạo điều kiện để tổ chức tài phán quốc tế này có thể thu thập chứng cứ, tạo căn cứ thực hiện quyền công tố và xét xử các tội ác chiến tranh có thể có do Nga và lực lượng ly khai thân tín thực hiện.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/04/2.jpg

Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan và Tổng trưởng Công tố của Ukraine Iryna Venediktova tại Bucha. Ảnh: Reuters.

 

Cho đến nay, các lãnh đạo pháp lý của ICC đã chỉ rõ tình hình chiến tranh tại Ukraine chẳng khác nào một “hiện trường gây án” (crime scene), nơi phơi bày các tội ác chiến tranh của phía Nga. [5]

 

Vai trò của ICC hiện nay bao gồm thống kê, tìm và lưu trữ vật chứng, soạn thảo các báo cáo, từ đó hình thành các tài liệu có tính thẩm quyền làm tư liệu lịch sử, được sử dụng cho các tổ chức quốc tế hay các cơ quan tài phán khác.

 

ICC cũng hoàn toàn có thể bắt đầu tiến trình công tố và xét xử nếu thu thập đủ chứng cứ để chứng minh hành vi tội ác chiến tranh của quân đội Nga.

 

Vấn đề ở chỗ, khả năng Nga chấp nhận thẩm quyền của ICC cũng như hợp tác với cơ quan này là rất thấp. Trong khi đó, quy chế của ICC cũng không cho phép xét xử vắng mặt (trial in absentia).

 

Điều này dẫn chúng ta đến một khả năng khác là việc hình thành nên các tòa án hình sự đặc biệt như Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư (ICTY) hay Tòa án Hình sự Quốc tế cho Rwanda (ICTR).

 

Các tòa án này được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tạo ra, thông qua hệ thống nghị quyết của mình, và do đó, quy chế và thủ tục hoạt động cũng có thể linh hoạt hơn ICC.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý đến yếu tố chính trị – sự ủng hộ của các quốc gia trong Hội đồng Bảo an.

 

Ví dụ như trường hợp của ICTY. Nga và Trung Quốc chỉ ủng hộ thông qua Nghị quyết 808 hình thành tòa án này vào năm 1993 vì họ không nghĩ rằng các lãnh đạo Nam Tư được họ ủng hộ lại thực hiện nhiều tội ác chiến tranh trong suốt nhiều năm sau đó (đặc biệt trong trường hợp Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic). [6]

 

Với việc Nga chủ động tiến đánh Ukraine, khả năng có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an hình thành nên Tòa án Hình sự Quốc tế cho Ukraine là rất khó xảy ra.

 

Tuy nhiên, các công cụ khác như Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế như Liên minh Châu Âu vẫn là những khả năng để ngỏ.

 

Cuối cùng, chúng ta nói đến khái niệm “thẩm quyền phổ quát” (universal jurisdiction).

 

Thẩm quyền phổ quát là một học thuyết khoa học pháp lý quốc tế nhưng đồng thời cũng là quy định pháp lý đang được sử dụng khá nhiều tại các quốc gia phương Tây, dựa trên nền tảng của hệ thống Công ước Geneva và Quy chế của ICC. [7]

 

Nguyên tắc này cho rằng các tội ác chống lại loài người đặc biệt nghiêm trọng, tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng và một số những hành vi khác gây ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng quốc tế nói chung, cũng như nhân phẩm, vị trí và sự phát triển của con người.

 

Vì lý do này, bất kể tội ác được thực hiện ở đâu, có liên quan gì đến quốc gia sở tại hay không, có ảnh hưởng gì đến lợi ích của một quốc gia hay không, một quốc gia vẫn có quyền công tố và xét xử những tội phạm này.

 

Nghe thì có vẻ xa vời và bất khả thi, nhưng chúng ta cũng cần cân nhắc rằng nền tảng này đã tạo thẩm quyền cho hệ thống tư pháp Anh trong việc xét xử và đưa ra các quyết định tư pháp liên quan đến nhà độc tài Chile Augusto Pinochet, [8] hay trao quyền cho tòa án Đức xét xử các thành viên của lực lượng chính phủ Syria tìm chỗ nương náu tại châu Âu, [9] hoặc xác lập cơ sở cho tòa án của Mỹ xét xử lãnh chúa quân sự Liberia Mohammed Jabbateh. [10]

*** 

Với tất cả những thông tin trên, chúng ta có thể thấy rằng việc điều tra, xét xử và đưa những tội ác chiến tranh tại Ukraine ra ánh sáng không phải là một công việc dễ dàng.

 

Tuy nhiên, với sự tham gia của nhiều chủ thể pháp luật quốc tế, người viết tin rằng sự thật về những gì đang diễn ra ở Ukraine sẽ có cơ hội được làm sáng tỏ. Và trong tương lai không xa, sự kết hợp của các nhà nước phương Tây trong việc áp dụng mô hình thẩm quyền phổ quát chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội để thực thi công lý đối với người dân Ukraine.

 


Chú thích

 

1.  Trung, N. Q. T. (2022, April 7). Thảm sát Bucha: Chúng ta biết gì, và trách nhiệm pháp lý của Putin đến đâu? Luật Khoa Tạp Chí. 

https://www.luatkhoa.org/2022/04/tham-sat-bucha-chung-ta-biet-gi-va-trach-nhiem-phap-ly-cua-putin-den-dau/ 

 

2.  Dinstein, Y. (2014). The Universality Principle and War Crimes. International Law Studies – The Law of Armed Conflict: Into the Next Millenium71, 18–37. 

https://digital-commons.usnwc.edu/cgi/viewcontent.cgi?referer=&httpsredir=1&article=1639&context=ils 

 

3.  Dinstein, Y. (2014). The Universality Principle and War Crimes. International Law Studies – The Law of Armed Conflict: Into the Next Millenium71, 18–37. 

https://digital-commons.usnwc.edu/cgi/viewcontent.cgi?referer=&httpsredir=1&article=1639&context=ils 

 

4.  Customary IHL – Rule 158. Prosecution of War Crimes. (2020). IHL Database. 

https://ihl-databases.icrc.org/customary-ihl/eng/docs/v1_rul_rule158 

 

5.  Sullivan, R. (2022, April 14). Chief ICC prosecutor declares Ukraine a ‘crime scene’ after visiting Bucha to investigate Russia’s war. The Independent. 

https://www.independent.co.uk/news/world/europe/icc-investigation-bucha-war-crimes-b2057997.html 

 

6.  UN Security Council, Security Council resolution 808 (1993) [nternational Criminal Tribunal for the former Yugoslavia (ICTY)], 22 February 1993, S/RES/808 (1993), available at:

https://www.refworld.org/docid/3b00f15d30.html  [accessed 18 April 2022] 

 

7.  Philippe, Xavier (2006) “The principles of universal jurisdiction and complementarity: how do the two principles intermesh?” IRRC No. 862 June 2006. 

https://www.icrc.org/en/doc/assets/files/other/irrc_862_philippe.pdf 

 

8.  Jamison G. White, Nowhere to Run, Nowhere to Hide: Augusto Pinochet, Universal Jurisdiction, the ICC, and a Wake-Up Call for Former Heads of State, 50 Case W. Rsrv. L. Rev. 127 (1999) Available at: 

https://scholarlycommons.law.case.edu/caselrev/vol50/iss1/7 

 

9.  Gladstone, R. (2021, August 10). What Is Universal Jurisdiction? The New York Times. 

https://www.nytimes.com/2021/02/28/world/europe/universal-jurisdiction-war-crimes.html 

 

10.  Liberian warlord “Jungle Jabbah” receives historic sentence in immigration fraud case. (2018). ICE. 

https://www.ice.gov/news/releases/liberian-warlord-jungle-jabbah-receives-historic-sentence-immigration-fraud-case 





No comments:

Post a Comment