Saturday, April 23, 2022

TA ĐÃ THẤY GÌ SAU BAO NĂM? (Viết Từ Sài Gòn, RFA)

 



Ta đã thấy gì sau bao năm?

Bình luận của blogger Viết Từ Sài Gòn
2022.04.22

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-have-we-seen-04222022095814.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-have-we-seen-04222022095814.html/@@images/d09bf796-97ab-43e6-809f-49a288b5149a.jpeg

Xe tăng của quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn hôm 30/4/1975, xung quanh là người dân đứng nhìn. AP

 

Những ngày này, giữa tháng tư này, trước đây gần nửa thế kỉ, nhân dân hai miền Nam và Bắc đón nhận một biến cố, biến cố của kẻ thắng cuộc và biến cố của bên thua cuộc. Sở dĩ tôi gọi biến cố bên thắng cuộc và đồng nhất họ với bên thua cuộc trong một biến cố bởi vì nếu nhìn từ bên ngoài thì miền Bắc đã thắng miền Nam, nhưng nhìn sâu xa hơn thì quốc gia này, dân tộc này đã thua, đã đón nhận một biến cố mà ở đó, các giá trị văn minh của cả hai miền chính thức bị bức tử, một chu kì mới với đầy rủi ro, hoang mang và tan thương đang bắt đầu.

 

Trước 30 tháng tư năm 1975, không ít người miền Bắc đau đáu dành dụm từng cân gạo, từng ký khoai để mang vào cho bà con, người thân, tộc họ và cả người không quen biết của miền Nam “đang đau khổ, thiếu thốn, đói kém vì chịu sự kìm kẹp của Mỹ Diệm”. Dường như trong hàng triệu người lên đường, trong hàng triệu trái tim nôn nóng “giải phóng miền Nam” ấy có rất nhiều, thậm chí hoàn toàn nghĩ như vậy bởi sau quá nhiều tuyên truyền và tẩy não của người Cộng sản. Và từng cân gạo, ký khoai lang khô chắt chiu ấy là gì nếu không phải là tình yêu thương, là văn minh, là giá trị nhân văn?

 

Thế nhưng sau khi người lính Cộng sản Bắc Việt chính thức bước vào dinh Độc Lập và sau một thời gian dài thu chiến lợi phẩm, hưởng niềm vui chiến thắng và nhìn miền Nam như một cái xác mang linh hồn Mỹ Diệm bởi quá nhiều lời chỉ giáo, lên dây cót thù hận của chỉ huy, của cấp trên. Song hành với các giáo huấn này là những chiến dịch tận diệt người miền Nam có liên quan đến chế độ cũ, đẩy người miền Nam đến đường cùng và tha hồ thu chiến lợi phẩm mang về quê hương, cả một kho chiến lợi phẩm dù có tưởng tượng giỏi cỡ nào người lính Cộng sản cũng không bao giờ tin nổi vào mắt mình, đó là sự thật. Thế mới có người mang con búp bê, mang chiếc xe đạp, chạy cả chiếc xe Honda 67, Honda Dame về miền Bắc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-have-we-seen-04222022095814.html/ap757669898331.jpg/@@images/d68b4781-ea7c-4277-8804-4257294fac90.jpeg

Lính Bắc Việt trên chiếc xe tăng đang vứt cờ của Việt Nam Cộng Hoà xuống đất bên ngoài Dinh Độc Lập hôm 30/4/1975. AP

 

Và đương nhiên, điều đáng buồn nhất, có tính chấm dứt mọi lý tưởng có được (cho dù đó là lý tưởng sai lầm, hình thành từ sự tuyên truyền đối trá) còn mang hơi hướm tình người của miền Bắc dành cho miền Nam chính thức chết đi bởi họ bẽ bàng nhận ra những bước chân lạc lõng của mình trên đất phương Nam. Họ hiểu rằng kể từ khi bước vào đây, không có khái niệm giải phóng nào ở đây mà là đi xâm chiếm, đi dọn cỏ miền Nam và đi thu chiến lợi phẩm. Và họ cũng bẽ bàng nhận ra rằng họ chẳng phải là bậc cứu thế trong mắt người miền Nam, họ nhếch nhác và có phần tệ hại trong mắt người miền Nam… Chút lòng yêu thương hay trắc ẩn của kẻ thắng cuộc nhanh chóng chuyển sang thù hận và trả thù. Ranh giới phân chia Nam – Bắc giãn rộng trong tâm hồn mỗi người.

 

Và chưa dừng ở đó, cuộc chiến trong tâm hồn người Việt Nam, cuộc chiến trong tâm linh dân tộc trở nên ráo riết, tàn bạo hơn khi người Cộng sản áp đặt mô hình kinh tế tập trung bao cấp thần thánh của họ lên miền Nam và thít chặt hơn ở miền Bắc, điều đó dẫn đến những bài ca ca ngợi quê hương với hình ảnh chất đầy những bữa ăn ước mơ, những hạt lúa ước mơ, những thứ tưởng chừng rất đơn giản nhưng nằm trong ước mơ của con người. Phải lâu lắm, hơn mười một năm sau, sau biết bao nhiêu biến cố chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, đói khổ, đau đớn vượt biển, đền đài miếu mạo, lăng tẩm bị đập phá, bị hoang phế… Cả một dân tộc tan tác dưới trời đau… Người ta mới chịu mở ra cánh cửa thị trường.

 

Nhưng cái cánh cửa thị trường ấy thêm một lần nữa cắt sâu vết thương dân tộc bởi cái định hướng xã hội chủ nghĩa của nó. Vì đây là thị trường có định hướng, có đảng Cộng sản vẽ kim chỉ Nam và có sự giám sát, quản lý toàn triệt của Đảng, nên chắc chắn một điều, trong cái thị trường ấy, chỉ có thái tử Đảng, phe cánh hẩu của đảng, những nhóm lợi ích trực thuộc đảng thu về mối lợi lộc, dân đen không những không được lợi lộc gì mà phải đối diện với một thứ tư bản rừng rú nấp bóng “định hướng xã hội chủ nghĩa”, mượn danh “tài sản quốc dân, toàn dân”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-have-we-seen-04222022095814.html/000_par2004041558932.jpg/@@images/197a33a1-5e89-4c53-95f2-655021c2c0f7.jpeg

Những người Việt Nam vượt biển tìm đường đi tỵ nạn được cứu trên biển hôm 8/7/1979 trên tàu bệnh viện của Pháp có tên L'Ile de Lumière. AFP

 

Và trong cơn quẫy đạp đầy rẫy máu và nước mắt của những con quái thú tư bản rừng rú, có hàng triệu người dân bỗng chốc trở thành dân oan, có hàng triệu người dân cho đến thế kỉ 21 vẫn không dám mở miệng nói ra suy nghĩ của mình cho dù đó chỉ là suy nghĩ rất đơn giản rằng mình cần được đối xử công bằng. Vực thẳm phân ly của dân tộc ngày càng mở ra toang hoác, sự phân chia Nam – Bắc ngày càng thêm nặng. Và đau đớn nhất là người ta trở nên mù quán và tự phát. Mù quán vì không cần biết đúng – sai, tốt – xấu, đen – trắng mà chỉ cần biết đã Bắc thì phải xấu, cũng như ngược lại, đã Nam thì phải ngố và hợm hĩnh. Tự phát bởi người ta đánh mất trung tính để nhận biết đúng sai mà chỉ cần chứng minh rằng mình hiểu biết, mình tử tế, người ta sẵn sàng đạp lên mọi giá trị và đạp qua cả chính sự tử tế và lòng trắc ẩn của bản thân để nói cái mình thích, cái có lợi cho mình.

 

Và sau gần nửa thế kỉ, sự đánh mất trung tính của một dân tộc đã đến hồi cao trào, người ta không những không còn phân biệt đúng – sai mà chuyển lên cấp độ mới hơn là phe tao luôn đúng và phe mày luôn sai. Phe tao là ai? Phe tao là những ai phát biểu, chống đối, xun xoe, bợ đỡ hay vùi dập giống với tao, cùng mục tiêu như tao thì đều đúng cả. Còn phe mày là ai, là đứa nào dám nói ngược, dám phản biện, dám phản tư, dám chỉ ra điều bất công và dám chặn đứng tiến trình bóc lột của tao, đương nhiên phải là sai và là kẻ thù của tao rồi.

 

Cái nếp nghĩ cực đoan một cách có biện chứng này đã thành nếp nghĩ phổ quát của dân tộc một khi các hệ hình giá trị dân tộc được căn cứ trên vật dục, trên cái nhà, chiếc xe, bể bơi, siêu xe, siêu biệt thự và sâu xa hơn nữa là nhiều thớt, tức vợ ở nhà là thớt chính, các thớt còn lại ngoài xã hội chính là các chân dài, và chân càng dài, óc càng ngắn thì càng dễ kiếm tiền. Bởi chân dài giúp người sở hữu có cái để dợt le và thỏa cơn khát dục, chân dài cũng là thứ chuẩn mực thẩm mỹ duy vật biện chứng. Và óc càng ngắn thì càng hay, bởi óc ngắn ít thủ đoạn, óc ngắn ít làm việc đầu óc mà chuyển năng lượng sang làm việc ở các đơn vị cơ thể khác. Khi chân dài óc ngắn trở thành món hang hiếm, hàng hot của xã hội, len lỏi trong cả giáo dục và quản lý, chính trị, kinh tế… thì đương nhiên, điểm đến của dân tộc nằm ở đâu, thiết không cần bàn thêm!

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-have-we-seen-04222022095814.html/000_hkg9218479.jpg/@@images/9a923f29-edda-422f-921f-0819a902f9fe.jpeg

Một người lái xe ôm nằm trên chiếc xe máy của mình chờ khách trước một tấm biển quảng cáo căn hộ chung cư đắt tiền ở TPHCM hôm 20/11/2013. AFP

 

Và sau gần nửa thế kỉ đi qua, chuyện chén cơm, manh áo, chỗ ở không còn thao thức như ngày xưa. Nhưng không thao thức không có nghĩa là bình yên, thái bình. Vì sau gần nửa thế kỉ, con người, khi đối mặt với chuyện ăn, mặc, ở đã chuyển từ thao thức sang khốc liệt, con người dẫm đạp lên nhau, con người man trá, lừa lọc và bất chấp thủ đoạn kể cả người thân với nhau để đạt mục đích của họ. Mà đáng sợ là cái mục đích ấy lại quanh quẩn ở chuyện ăn mặc ở, một tầng bậc cấp thấp, thứ tầng bậc ở nhân loại chưa phát triển. Bởi trong một nhân loại đã phát triển, nỗi thao thức chuyện ăn mặc ở sẽ chuyển sang nỗi thao thức về thân phận cá nhân và nhân quần, thao thức về đồng loại và thế giới, thao thức về vũ trụ quan sau chuỗi dài chiêm nghiệm tri thức.

 

Đáng sợ ở chỗ một quốc gia nghèo và dốt, cánh cửa tri thức chỉ mới mở hé và lực lượng trí thức còn rất mỏng, hàm lượng tri thức còn yếu ớt khi bước ra biển lớn. Nhưng chúng ta lại có quá nhiều giáo sư tiến sĩ, chúng ta có quá nhiều cử nhân và các giáo sư tiến sĩ bận xun xoe, bợ đỡ, hiếm hoi người suy tư về dân tộc, các cử nhân bận chạy xe ôm, cò đất, cò nhà, ship hàng online… Kết quả là sao? Sau rất nhiều nỗ lực để xóa nghèo đói, xóa dốt, Việt Nam có những cánh rừng trơ trọi và có những biệt phủ triệu đô trang trí đầy gỗ quý, Việt Nam có những con người vung tiền như lá mít và có những vùng quê bị xóa sổ bởi nghèo đói và nạn cờ bạc, đề đóm, Việt Nam cạn kiệt tài nguyên tự nhiên và con người, Việt Nam có những người đi bán thận để mua điện thoại, Việt Nam có những gia đình nhà chứa đầy các vật dụng đắt giá, thời thượng và có hầm rượu ngoại nhưng không có lấy một cái kệ sách nhỏ. Việt Nam cơ bản đã vượt qua được đói, nghèo bằng nỗ lực đấu tranh và đấu tranh nhưng cũng cơ bản vượt qua nạn dốt bằng nỗ lực học thuộc điều lệ Đảng, những cánh cửa tri thức khác vẫn im ỉm đóng với dân tộc, chỉ có những trí thức chịu dòm lén qua khe cửa và tự than vãn về góc u tối của đời mình, giỏi lắm cũng chỉ dám thở dài về bóng tối bao phủ cả căn nhà có quá nhiều ổ khóa.

 

Vậy thì sau gần nửa thế kỉ, chúng ta nhìn lại và thấy gì? Thấy lòng hoài nghi, thấy sự dửng dưng, thấy kẻ hãnh tiến và đạp qua nỗi đau đồng loại, thấy người xun xoe, thấy đời trống rỗng và vô vị... Và thấy ai đó đang khóc thầm nhớ tiếc những ngày vàng son, những ngày con người dù đau khổ, chết chóc những vẫn còn biết tử tế với nhau!

 

-------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

VIDEO : Sự kiện 30/4/1975 - 45 năm nhìn lại

https://www.youtube.com/watch?v=Yz20NYFwF7s

 

*

Tin, bài liên quan

·         Dư âm từ một kỳ nghỉ dài

·         Những người lính 30/4





No comments:

Post a Comment