Tuesday, April 5, 2022

PHẢI CHĂNG PUTIN SẼ GIẾT CHẾT NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU? (Paul Krugman - New York Times)

 



Phải chăng Putin sẽ giết chết nền kinh tế toàn cầu?

Paul Krugman  -  New York Times   

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

04/04/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/04/04/phai-chang-putin-se-giet-chet-nen-kinh-te-toan-cau/

 

Các nhà bình luận kinh tế luôn thích tìm đến với những so sánh tương đồng trong lịch sử, và họ có lý do chính đáng để làm điều đó. Chẳng hạn, những người đã nghiên cứu các cuộc khủng hoảng ngân hàng trong quá khứ sẽ có khả năng nắm bắt những gì xảy ra trong năm 2008 tốt hơn so với những người chưa tìm hiểu gì. Tuy nhiên, câu hỏi luôn là nên chọn phép so sánh nào.

 

Lúc này đây, nhiều người đang quay trở lại với thời kỳ lạm phát đi kèm tăng trưởng đình trệ của thập niên 1970. Bản thân tôi đã từng tranh luận rằng đây là một phép so sánh rất tệ; lạm phát hiện tại của chúng ta rất khác so với những gì xuất hiện trong những năm 1979-1980, và có lẽ, nó cũng dễ chấm dứt hơn nhiều.

 

Tuy nhiên, vẫn có những lý do chính đáng để lo lắng rằng nền kinh tế đang tái hiện lại năm 1914 – năm kết thúc điều mà một số nhà kinh tế gọi là làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên, sự mở rộng mạnh mẽ của thương mại thế giới, nhờ đường sắt, tàu hơi nước, và cáp điện báo.

 

Trong cuốn sách xuất bản năm 1919, The Economic Consequences of the Peace (Hậu quả Kinh tế của Hòa bình), John Maynard Keynes – người sau này còn dạy chúng ta cách hiểu về suy thoái (depression) – than phiền về điều ông đã gọi, một cách chính xác, là hồi kết của một kỷ nguyên, là “một giai đoạn phi thường trong tiến bộ kinh tế của loài người.” Ông viết, thời điểm ngay trước Thế chiến I, một cư dân ở London có thể dễ dàng đặt mua “các sản phẩm khác nhau trên khắp Trái Đất, với số lượng mà anh ta muốn, và có thể kỳ vọng một cách hợp lý, rằng chúng sẽ sớm được giao đến ngay trước cửa nhà anh ta.”

 

Nhưng chuyện đó đã không kéo dài, do “các dự án và chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc, của sự cạnh tranh chủng tộc và văn hóa.” Nghe quen không?

 

Keynes đã đúng khi xem Thế chiến I là hồi kết cho một kỷ nguyên của nền kinh tế toàn cầu. Xin lấy một ví dụ rõ ràng có liên quan: vào năm 1913, Đế quốc Nga là một nước xuất khẩu lúa mì khổng lồ. Phải mất đến ba thế hệ thì một số nước cộng hòa cũ của Liên Xô mới có thể quay lại vai trò đó. Và làn sóng toàn cầu hóa thứ hai, với các chuỗi cung ứng trải dài khắp thế giới được triển khai nhờ container hóa và viễn thông, đã không thực sự bắt đầu cho đến khoảng năm 1990.

 

Thế nghĩa là, chúng ta sắp chứng kiến một làn sóng phi toàn cầu hóa (deglobalization) thứ hai? Câu trả lời: vâng, có lẽ vậy. Dù toàn cầu hóa cũng có những mặt trái đáng kể, như chúng ta đã biết, nhưng sẽ có những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn nếu, như tôi và nhiều người khác lo sợ, thương mại thế giới thụt lùi đáng kể.

 

Tại sao thương mại thế giới lại phải chịu tác động? Trước tiên, cuộc xâm lược của Vladimir Putin đồng nghĩa với việc chấm dứt xuất khẩu lúa mì từ Ukraine, và có lẽ cũng sẽ làm giảm phần lớn xuất khẩu lúa mì từ Nga. Chưa thể nói rõ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sẽ sụt giảm thế nào. Châu Âu đã miễn cưỡng áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các sản phẩm nhập khẩu mà trước đó họ đã cho phép mình bị phụ thuộc vào, nhưng Liên minh Châu Âu đang tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc đó.

 

Còn nữa. Chúng ta có thể không nghĩ rằng cuộc chiến của Putin sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất xe hơi. Nhưng những chiếc xe hơi thời hiện đại cần rất nhiều dây điện, trong đó có một bộ phận chuyên biệt là bộ dây dẫn (wire harness) – và rất nhiều bộ dây dẫn của châu Âu hiện đang được sản xuất tại Ukraine. (Phòng khi bạn thắc mắc, hầu hết các bộ dây dẫn xe hơi Mỹ được sản xuất tại Mexico.)

 

Tuy nhiên, quyết định tự biến mình thành một quốc gia bị bài xích của Nga có lẽ không đủ để làm giảm đáng kể thương mại thế giới – như những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc, nước đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng, quyết định hướng vào bên trong.

Thế nhưng, dù cuộc tấn công của Nga vào Ukraine chưa ‘truyền cảm hứng’ cho Trung Quốc xâm lược bất kỳ quốc gia nào, thì họ cũng đang phải đối mặt với nhiều rắc rối.

 

Trước mắt, phản ứng với Covid-19 của Trung Quốc, vốn rất thành công trong giai đoạn đầu của đại dịch, nay lại trở thành một nguyên nhân gây gián đoạn kinh tế ngày một nhiều hơn. Chính phủ Trung Quốc vẫn khăng khăng sử dụng các loại vaccine tự sản xuất, vốn có hiệu quả không thực sự tốt, và vẫn đối phó với các đợt bùng phát dịch bằng các biện pháp phong tỏa hà khắc, từ đó gây ra nhiều vấn đề, không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho phần còn lại của thế giới.

 

Ngoài ra, những gì Putin đã dạy cho chúng ta là các quốc gia được điều hành bởi các nhà độc tài (strongmen), những người được vây quanh bởi các cận thần chỉ biết xu nịnh, không phải là những đối tác kinh doanh đáng tin cậy. Một cuộc đối đầu của Trung Quốc với phương Tây, về kinh tế hay quân sự, sẽ là một điều vô cùng bất hợp lý – thế nhưng người ta cũng đã từng nghĩ như vậy về việc Nga xâm lược Ukraine. Điều đáng chú ý là cuộc chiến tại Ukraine lại dường như đang dẫn đến một cuộc tháo chạy vốn quy mô lớn khỏi…Trung Quốc.

 

Vì vậy, nếu bản thân là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chắc chắn bạn đang tự hỏi rằng liệu có khôn ngoan không khi đặt cược tương lai của công ty mình vào giả định rằng bạn sẽ có thể tiếp tục mua được những thứ mình cần từ các chế độ độc tài. Đưa hoạt động sản xuất quay trở lại các quốc gia tin tưởng vào pháp quyền có thể làm tăng chi phí của bạn lên thêm vài phần trăm, nhưng cái giá đó là xứng đáng với sự ổn định mà nó mang lại.

 

Nếu chúng ta sắp phải chứng kiến sự thoái lui một phần của toàn cầu hóa, liệu đó có phải là một điều tồi tệ hay không? Các nền kinh tế giàu có, tiên tiến sẽ chỉ nghèo đi đôi chút so với trước đây. Nước Anh vẫn tiếp tục tăng trưởng bất chấp sự suy giảm thương mại thế giới sau năm 1913. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là tác động lên các quốc gia chỉ mới đạt được tiến bộ trong những thập niên gần đây, và sẽ nghèo đi đến mức tuyệt vọng nếu không được tiếp cận thị trường thế giới – những quốc gia như Bangladesh, vốn có thành tựu kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu hàng may mặc.

 

Thật không may, chúng ta đang phải học lại những bài học của Thế chiến I: Lợi ích của toàn cầu hóa sẽ luôn bị đe dọa bởi nguy cơ chiến tranh và tính khí thất thường của các nhà độc tài. Để làm cho thế giới trở nên giàu có hơn, chúng ta cần làm cho nó an toàn hơn.

Paul Krugman là chuyên gia bình luận của New York Times từ năm 2000, đồng thời là giáo sư tại Viện Cao học Đại học Thành phố New York. Ông giành Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 cho công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.

 

 

Nguồn: Paul Krugman, “Will Putin Kill the Global Economy?”, New York Times, 31/03/2022





No comments:

Post a Comment