Sunday, April 24, 2022

NHÀ VĂN THUẬN Ở PHÁP : TÔI KHÔNG THỂ 'SANG CHẢNH' ĐỂ MÀ KHÔNG ĐI BẦU (TG : Thuận - Nguồn : L'OBS)

 



Nhà văn Thuận ở Pháp: Tôi không thể ‘sang chảnh’ để mà không đi bầu

Tác giả: Thuận

Nguồn : L’OBS

Joaquin Nguyễn Hòa, biên dịch

24/04/2022

https://baotiengdan.com/2022/04/24/nha-van-thuan-o-phap-toi-khong-the-sang-chanh-de-ma-khong-di-bau/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/2-6.jpg

Những người ủng hộ ứng cử viên Emanuel Macron. Nguồn ảnh: BBC

 

Lời người dịch: Chủ Nhật, ngày 24/2/2022, cử tri Pháp sẽ bầu chọn tổng thống vòng cuối, chọn lựa giữa hai ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen. Bà Le Pen có khuynh hướng cực hữu, chống di dân. Nhiều cử tri Pháp cũng ghét Macron và nói họ sẽ không đi bầu, và điều đó tạo thêm cơ hội cho bà Le Pen.

 

Chuyện tương tự xảy ra ở Mỹ vào năm 2016, tạo điều kiện cho Trump thắng cử. Bài sau đây của bà Thuận, một nhà văn Pháp gốc Việt, phản đối hành động không đi bầu đó.

 

                                                      ***

Lần đầu tiên tôi đi bầu cử tổng thống vào năm 2002. Lúc ấy tôi 35 tuổi, trước đó ít lâu, tôi có quốc tịch Pháp, và tôi chưa bao giờ đi bầu trong đời. Ở Việt Nam không có chuyện bầu cử, đến bây giờ vẫn không có. Đảng cộng sản quyết định hết, họ chọn ai là người điều khiển quốc gia. Tôi muốn nhắc những người bạn Pháp của tôi, họ nói sẽ không đi bầu vào Chủ Nhật (ngày 24/4/2022), rằng quyền bầu cử là một quyền vô cùng quý giá.

 

Tôi nhớ vào năm 2002, có một cuộc biểu tình rất lớn, chống Mặt trận quốc gia (sau này đổi thành Tập hợp quốc gia, vào năm 2018). Tôi cũng đi biểu tình, và đó cũng là lần đầu tôi đi biểu tình. Chính ở Pháp, nơi tôi tị nạn vào năm 1991, tôi biết được khái niệm về biểu tình.

 

Ở Việt Nam không có chuyện biểu tình, đến bây giờ cũng không có, và ngay cả cái từ ‘biểu tình’ cũng không có. À có, đôi khi báo chí nhà nước nói về chuyện biểu tình bên Pháp, cho rằng đó là cái thú vị, buồn cười, rất đặc thù của nước Pháp, và rất có hại cho sự ổn định về kinh tế và chính trị của đất nước. Tuy nhiên ở Việt Nam cũng có những người phản đối những vụ bê bối về môi trường, nhưng nhà nước không gọi đó là biểu tình, mà là bọn gây rối.

 

Tôi nghe nhiều người nói rằng, Chủ Nhật (24/4/2022) họ sẽ không đi bầu, hoặc bỏ phiếu trắng, vì Macron, cũng như Le Pen đều là bọn độc tài cả. Tôi là một người lớn lên trong chế độ độc tài, tôi có thể nói với các bạn rằng độc tài không phải thế. Tôi là một người lớn lên trong chế độ độc tài, tôi không có được cái sang chảnh như họ để mà không đi bầu.

 

Đối với tôi, sự lựa chọn rất rõ ràng. Tôi không ưa chính sách thị trường cực đoan của Emmanuel Macron, như ông ta giảm các dịch vụ công cộng mà các trường đại học sẽ bị ảnh hưởng nặng. Chuyện đó làm tôi giận dữ và buồn cho tương lai của nước Pháp. Nhưng mà ở đây, ở Pháp, ít nhất tôi có thể nói rằng tôi chống những chính sách của chính phủ, tôi có thể viết, có thể biểu tình để chống chính phủ. Ở Việt Nam không thể như thế. Bạn có thể ở tù nếu bạn chỉ trích chính phủ.

 

Cuốn tiểu thuyết áp chót của tôi, có tên “Chỉ còn bốn ngày là hết tháng tư”, bị cấm xuất bản ở Việt Nam. Trong sách đó, tôi nói về ngày 30/4/1975, ngày mà người Việt hải ngoại gọi là ngày Sài Gòn sụp đổ, và ở Việt Nam người ta gọi là ngày “giải phóng”. Còn rất nhiều sách vở như thế bị cấm ở Việt Nam, chẳng hạn như quyển 1984, của George Orwell.

 

Bạn hãy cẩn thận ngôn từ, một chế độ độc tài không có gì giống với nước Pháp hiện nay cả. Chúng tôi, gia đình tôi, có thể là những chuyên gia về chế độ độc tài. Hãy để tôi giải thích cho các bạn.

 

Cha tôi là một nhà toán học ở miền Bắc Việt Nam. Năm 14 tuổi, ông khai gian tuổi để tham gia Việt Minh, chống lại người Pháp, ông từng đánh nhau ở Điện Biên Phủ. Sau đó ông đi học tiếp, lúc đó vẫn còn chiến tranh, ở Bucarest, dưới chế độ của Ceausescu. Ở miền Bắc Việt Nam, sau năm 1954, người ta không thể đi Pháp hay Mỹ, vì phương Tây được xem là bọn xấu, người ta chỉ có thể học tập ở các nước… “anh em”, có nghĩa là các nước cộng sản.

 

Nhưng ở Bucarest, cha tôi lại làm bạn với một người Mỹ, thế là ông bị tố cáo và gửi trả về Việt Nam. Đó (từng là) một nỗi xấu hổ của gia đình. Cha tôi chưa bao giờ muốn tham gia đảng cộng sản, và điều đó bị nhà cầm quyền xem là rất xấu. Ông không thể chịu nỗi cái không khí đàn áp của miền Bắc, bà con gia đình cứ người này tố cáo người kia. Sau “giải phóng” miền Nam Việt Nam, chúng tôi vào Nam sống. Tôi nhớ, ở trường chúng tôi hát những bài tuyên truyền và mặc những cái áo sơ mi đỏ (có lẽ tác giả viết nhầm khăn quàng đỏ: ND).

 

Người ta tẩy não chúng tôi. Chúng tôi biết thế vì cha tôi ăn nói rất tự do ở nhà. Nhưng ông cũng rất lo sợ, một trong những người bạn của ông bị tố cáo bởi chính con cái của người ấy. Ông cứ nhắc đi nhắc lại, “bố hy vọng, các con không tố cáo bố nhé!”. Ở trường học, chúng tôi cảm thấy chúng tôi khác, như là chúng tôi bị giam vậy.

 

Vào năm 1980, vì một lỗi nhỏ, cha tôi bị tố cáo và bị ở tù một năm. Nhưng chính vì ở tù ông biết được nhiều điều, ông biết về những người bất đồng chính kiến, những thuyền nhân bị bắt giam. Ông kể lại với chúng tôi sau khi ra tù. Ông bị đuổi việc, và trở thành một kẻ bị tình nghi.

 

Ở trường, tôi học tiếng Nga, nhưng ở nhà chúng tôi lén học tiếng Pháp. Đối với cha tôi, đó là thứ tiếng của tự do, một ngôn ngữ phương Tây. Sau năm 1975, người ta hủy bỏ một khối lượng khổng lồ sách vở phương Tây. Nhiều người tự động bỏ đi các sách vở đó vì họ sợ bị tố cáo. Và thế là tôi tìm thấy ở chợ đen những tác giả như là Sartre, Sagan, Balzac, Andre Gide, … với giá vô cùng rẻ. Những quyển sách đó đại diện cho tự do.

 

Tôi học giỏi ở trường, nên tôi được cho đi học ở Nga vào năm 18 tuổi, năm 1986, ngay lúc “perestroika” (chính sách mở cửa của Gorbachev) được tiến hành. Tôi có cảm giác là, ngược với không khí xã hội lạnh giá ở Việt Nam, tôi đã thấy tự do. Và thật là lạ lùng là bây giờ nước Nga lại lùi lại, trở lại như trước, với một bức màn sắt, và còn nhiều tuyên truyền hơn trước nữa.

 

Năm 1991, tôi trốn qua Pháp, thay vì trở về Việt Nam. Chồng tôi cũng thế. Anh là một họa sĩ, và chúng tôi gặp nhau ở Paris. Anh có một học bổng ở trường nghệ thuật. Cha anh là một người bất đồng chính kiến. Ông từng tham gia Việt Minh, một người rất có lý tưởng. Ông đã cùng các bạn thành lập một nhóm tự do biểu đạt, tự do nghệ thuật. Ông luôn bị nhà cầm quyền cộng sản quấy nhiễu.

 

Trong 10 năm đầu ở Pháp, chúng tôi không xin quy chế tị nạn vì cha chồng tôi vẫn ở Việt Nam. Với quy chế đó chúng tôi không thể về Việt Nam được. Thế là chúng tôi là những di dân thay vì tị nạn, và rất khổ sở. Năm nào cũng phải xin gia hạn quy chế di dân, những cơn ác mộng, rất là nhục nhã. Việc đó hằn lại những dấu ấn trong tâm khảm chúng tôi.

 

Những người sẽ không đi bầu vào Chủ Nhật, ngày 24/4/2022, có rất nhiều lý do. Tôi thì tôi nói thế này, tôi không phải là đứa nhỏ õng ẹo được cưng chiều mà bỏ cái quyền đó. Đối với Marine Le Pen, tôi chỉ là một người Pháp trên giấy tờ, một người Pháp hạng hai.

 

Trong 10 năm xin gia hạn quy chế di dân, tôi lúc nào cũng có nỗi lo bị trục xuất. Nếu bà ta thắng, tôi và những đứa con tôi phải đi đâu? Qua Đức ư? Tôi đâu có nói tiếng Đức. Tôi không muốn nghĩ tới nữa.

 

Năm 1997, chúng tôi về Việt Nam dự đám tang bố chồng tôi. Chúng tôi bị hoảng loạn trong suốt khoảng thời gian ở đó, vì lo sợ họ bắt giam chúng tôi. Sự sợ hãi đó vẫn còn ở trong đầu tôi bây giờ, giống như Kundera mô tả trong quyển sách của ông: “Sự vô tri”. Nhân vật chính, một di dân, cứ có những cơn ác mộng là cô ở trên một chiếc máy bay, và nó sẽ đáp ở một phi trường vô danh nào đó, rồi cảnh sát Tiệp Khắc sẽ đến bắt cô ấy.

 

Chúng tôi đã chọn nước Pháp để không có những cơn ác mộng đó. Tôi không hiểu được những người muốn thử… Marine Le Pen, xem sao. Làm sao chúng ta thử một chế độ phát xít được. Nền dân chủ rất mong manh các bạn ơi.

 

Năm 2000, tôi và chồng tôi xin quốc tịch Pháp, từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Đó là một sự lựa chọn rất khó khăn, vì tôi có cảm xúc hoàn toàn là một người Việt Nam, tôi viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt nữa. Nếu tôi có quốc tịch Pháp, tôi sẽ được bảo vệ nhiều hơn khi tôi có chuyện rắc rối gì đó ở Việt Nam vì tôi “thực sự” là một công dân Pháp. Sau việc cấm quyển sách “Chỉ còn bốn ngày là hết tháng tư”, nhà xuất bản của tôi nói với tôi rằng, tốt nhất đừng về Việt Nam trong vài tháng.

 

Những người không muốn đi bầu ca cẩm về chế độ độc tài, mà họ chẳng biết độc tài là gì.

Tôi lấy ví dụ nhé, những người đó có thể chửi rủa Macron trên mạng xã hội. Thử làm chuyện tương tự ở Việt Nam xem. Đúng là ở Việt Nam có thể vào Facebook, nhưng mà Facebook chuyển thông tin cho nhà cầm quyền, thế là ai viết cái gì đó trên mạng mà nhà cầm quyền không thích, sẽ bị tố cáo ngay. Để làm điều đó, bộ công an có một nhóm gọi là “lực lượng 47” mà dân chúng gọi là bọn bò đỏ, một loại cảnh sát văn hóa, sẽ báo cáo và quấy rối những ai chỉ trích, kể cả khi người đó ở nước ngoài.

 

Hồi Tết, nhà văn Phạm Thị Hoài có viết một bài về bánh chưng trên mạng xã hội, theo kiểu rất tiếu lâm và cay độc của bà, thế là bà bị bọn bò đỏ tấn công, nhân danh lòng yêu nước. Bà Hoài sống ở Đức hơn 20 năm nay, và chính quyền Việt Nam rất ghét bà ấy. Có kẻ còn báo cho Facebook rằng bà Hoài kích động lòng thù hận. May là Facebook ở Đức không giống Facebook ở Việt Nam.

 

Quyền tự do biểu đạt rất quý báu. Việc đầu tiên mà Marine Le Pen sẽ làm nếu bà ta đắc cử là, sẽ dẹp hết bọn báo chí và nhà văn, giống như gã bạn của bà ta là Viktor Orban ở Hungary. Có phải chúng ta không biết trước đâu. Tôi chọn nước Pháp vì đó là nơi tôi có tự do biểu đạt. Các bạn ơi, để bảo vệ quyền tự do đó, vào Chủ Nhật này, các bạn hãy bầu cho Macron, dù có đau đớn, để chặn Marine Le Pen.





No comments:

Post a Comment