Tuesday, April 26, 2022

CÓ DỄ ĐỂ QUÊN LÃNG LỊCH SỬ MỘT QUỐC GIA? (Tuấn Khanh)

 



Có dễ để quên lãng lịch sử một quốc gia?

Tuấn Khanh
24 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/co-de-de-quen-lang-lich-su-mot-quoc-gia/

 

Môn học Lịch sử lại đang là chuyện gây tranh cãi ở Việt Nam, nhất là khi ngày 19 Tháng Tư, Bộ Giáo dục của Việt Nam đưa ra lời giải thích về việc đưa môn Lịch sử sẽ trở thành môn học không bắt buộc từ năm học 2022-2023, ở bậc Trung học Phổ thông, tức từ lớp 10 đến lớn 12.

 

Lớp 10 đến lớp 12, tức tuổi của nhiệt huyết, của ý thức vào đời và thời điểm hun đúc ý chí trưởng thành của một công dân.

 

Trong những đoạn văn rất dài và rối rắm, cuối cùng người ta tìm thấy trong bản giải thích của Bộ Giáo dục gửi cho báo chí, tóm tắt là “Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện”. Và vì vậy, môn lịch sử Việt Nam được đặt vào tình thế là có thể thích thì chọn, hoặc không thấy cần thiết thì bỏ qua.

 

Thế nhưng trong các môn học bắt buộc, người ta nhìn thấy có môn Giáo dục Quốc phòng và an ninh. Mà trên thực tế, môn “an ninh” là môn lồng ghép lịch sử đảng Cộng sản và quyền cai trị của đảng. Một học sinh lớp 12 kể, bài kiểm tra về an ninh được trường ra đề là “nếu thấy một người tuyên truyền phản động thì em phải làm gì?”, đáp án đúng của câu hỏi đó là đi báo công an. Dĩ nhiên, trong phần giải thích mở rộng “phản động” là gì, và vì sao phải tự nguyện làm chỉ điểm, chắc chắn lịch sử và công lao thống nhất đất nước của đảng Cộng sản phải được làm rõ.

 

Có thể nhìn thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang học mót theo cách làm của Hàn Quốc vào năm 2005, trong việc muốn đưa môn học lịch sử trở thành môn không bắt buộc, sai lầm này diễn ra trong suốt 10 năm, khiến các nhà đạo đức, xã hội và cả chính trị gia tức giận, phải làm áp lực Chính phủ phải đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, dần từ cuối năm 2014.

 

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội có lan truyền bản video được thực hiện bởi chính Đài truyền hình VTV của Nhà nước, trong đó là nội dung thăm dò từ những thanh thiếu niên đến người già về cuộc thảm sát Gạc Ma mà Trung Cộng đã gây ra cho hải quân Việt Nam vào 14 Tháng Ba 1988. Hơn 90% số người được hỏi là hoàn toàn ngơ ngác về một vệt lịch sử hiện đại đẫm máu này. Điều ngạc nhiên ngoài lề là hầu hết người được hỏi đều là sống ở Hà Nội, thủ đô nước CHXHCN. Trong khi đó, suốt hơn chục năm, ở Sài Gòn, công an phải chặn cửa nhà nhiều người, bao vây lư hương Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng hay gác ở những nơi trung tâm Sài Gòn… để đề phòng người xuống đường chống Trung Quốc, tưởng niệm những binh sĩ đã hy sinh bởi tội ác này.

 

Tương tự vậy, kỷ niệm Thiên An Môn 30 năm (2019), Đài BBC Có làm một phóng sự ngắn, hỏi bất kỳ người dân Trung Quốc nào đi trên đường phố rằng họ có biết gì về sự kiện Thiên An Môn không – và hầu hết ở mọi lứa tuổi, nói là “không biết”. Cuối cùng thì ta tìm thấy có một người đàn ông duy nhất, bối rối nói với phóng viên đài BBC là “anh hỏi cái này thì bị bắt đấy”. Chỉ duy nhất ở Hong Kong và Đài Loan là có những hoạt động tưởng niệm này.

 

Như vậy đó, lịch sử hiện đại của mỗi quốc gia thì vẫn có những phần mà nhà cầm quyền không thích, và dĩ nhiên họ luôn tìm cách xóa đi theo thời gian, xóa trong trí nhớ của con người.

 

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử hiện đại phức tạp. Cuộc nội chiến dài hơn 20 năm kết thúc, nhưng vẫn có quá nhiều điều vượt ngoài ý chí tập trung của nhà cầm quyền đương thời. Việc giảng dạy lịch sử cho cả một quốc gia, với những khái niệm chính trị, quốc gia, và lịch sử thống nhất đất nước đầu tiên từ thời Chúa Nguyễn, lúc này, là một vấn đề không dễ.

 

Từ những quan điểm lịch sử bị diễn giải theo tư duy “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” của Hà Nội, tất cả những nhân vật lịch sử Việt Nam bị đào bới và trói gô, đem ra trước toà án tư duy chính trị, biến thành chuyện giáo dục. Từ Phạm Quỳnh, cho đến Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản… đều bị gán cái mác là “phản quốc” hay “tay sai”. Tung hô cho những bản án này có cả một hệ thống những trí thức nô dịch, và một lớp dư luận viên luôn diễn giải độc đoán về tổ tiên của mình.

 

Cũng tương tự như vậy, nhà nước hiện tại muốn nhấn mạnh vai trò “khởi nghĩa” của nhà Tây Sơn, như một cách soi chiếu im lặng về hình ảnh của mình, và luôn miệt thị nhà Nguyễn, với những phương thức liên kết và vận động sự trợ giúp từ Pháp, Thái Lan, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam… để lấy lại vương quyền. “Cõng rắn cắn gà nhà” cho đến “nhận giặc làm cha” là những cách mà sách và ngôn luận của nhà cầm quyền luôn nhấn mạnh vào lịch sử, nhằm điểm chỉ cho tính “thuần túy nhân dân” của cuộc chiến giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với Việt Nam Cộng Hòa.

 

Thế nhưng, thời đại hôm nay là thế giới thông tin mở. Internet có tất cả dữ liệu trung dung nhất có thể được tìm thấy giúp cho một người bình thường có thể tự mình tham khảo và lý giải được mọi thứ đang diễn ra trong màn sương. Điều khó nghĩ hơn, Việt Nam hôm nay có hàng chục triệu người thuộc vùng Nam vĩ tuyến 17 trở vào, được giáo dục phần lịch sử hoàn toàn khác biệt từ thời VNCH.

 

Trong suốt hàng chục năm, giới truyền thông Hà Nội vẫn kể tội chuyện chế độ VNCH đã rước ngoại bang vào đất nước như thế nào. Nhưng rồi qua thời gian, sự yểm trợ từ tài lực, quân lực từ Bắc Triều Tiên, Liên Xô, Trung Quốc được giải mật và mọi thứ lại cho thấy các đã có hàng trăm ngàn quân Trung Quốc tham chiến trong cuộc nội chiến. Chuyên gia quân sự Nga, phi công chiến đấu Bắc Triều Tiên… đã đến miền Bắc VNDCCH và thậm chí hy sinh, được lập nghĩa địa riêng như thế nào.

 

Để giải thích nhiều điều của lịch sử từ phía nhà cầm quyền, với những chuyện nhỏ nhất như anh Lê Văn Tám, anh Phan Đình Giót, anh K ‘pa K’lơng… quả thật không dễ. Và với những cuộc đối đầu lớn và gần nhất năm 1979, việc cắt sửa và đưa vào sách giáo khoa chỉ ít dòng thôi, nhưng ít ai biết được đó là cả một cuộc vận động, tranh đấu nhàu nhĩ suốt nhiều đời chủ tịch và bí thư đảng cộng sản.

 

Bỏ bắt buộc học môn lịch sử, nhưng dạy lịch sử đảng, thông qua bộ môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh, có lẽ là một “giải pháp” tốt. Với chương trình giáo dục nặng nề suốt nhiều năm nay, lời than vãn không ngớt từ phụ huynh và học sinh, thì để tự chọn môn không cần học thuộc và nhớ nhiều, sẽ là cách để cho các thế hệ Việt Nam tự cắt đứt với quá khứ mà không cần phải làm gì cả, xóa mờ lịch sử nước Việt một cách hết sức “dân chủ”.

 

Thế nhưng, tạo nên việc coi nhẹ hay cố ý tạo sự lãng quên lịch sử, với những điều khó nói, không hẳn đã là một lợi thế tuyệt đối của những người cầm quyền. Khi công dân mờ nhạt nguồn gốc của họ trên đất nước, thì việc nhận thức mình chỉ là một công cụ để phục vụ vô nghĩa cho quyền lợi của một chế độ sẽ từ đó phát sinh. Giá trị yêu nước bị biến thành sự tuân phục đảng phái chính trị là nguy cơ tiềm ẩn của hỗn loạn. Mà những điều này đã được nhìn thấy từ những bài học lịch sử của nhân loại.

 




No comments:

Post a Comment