Wednesday, April 27, 2022

CHUYỆN KỂ CỦA CHỨNG NHÂN SỐNG SÓT TỪ TRẠI TÙ KHÉT TIẾNG BA SAO - NAM HÀ (Nguyễn Minh Chí)

 



Ký ức 30-4

Chuyện kể của chứng nhân sống sót từ trại tù khét tiếng Ba Sao-Nam Hà

Nguyễn Minh Chí

26 tháng 4, 2022

https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/ky-uc-30-4/chuyen-ke-cua-chung-nhan-song-sot-tu-trai-tu-khet-tieng-ba-sao-nam-ha/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/04/denny-muller-uWYedErgXgU-unsplash-1024x683.jpg

Minh họa: denny-muller-unsplash

 

Dưới đây là trích hồi ký của một cựu tù trại giam khét tiếng Nam Hà-Ba Sao. Tác giả – một người lính thuộc đại đội trinh sát Sư đoàn 23 Bộ binh Quân lực VNCH – bị bắt giam từ ngày 12 Tháng Chín 1975, được chuyển ra Ba Sao-Nam Hà và bị tù đày ở đây từ Tháng Tư 1977 đến ngày 12 Tháng Mười 1987.

 

Nếm mùi biệt giam

 

Cuộc sống tù xa xứ coi vậy cũng dần quen. Minh nằm cạnh bác sĩ Mã Thạch Truy Phong, Trưởng Ty Y Tế Bà Rịa và Huỳnh Thiện Hùng. Hai nhân vật này đã giúp Minh khá nhiều. Bác sĩ Mã Thạch Truy Phong là một người quá đỗi đặc biệt. Là bác sĩ Tây Y thuộc vào loại giỏi nhưng ông lại chuyên tâm nghiên cứu Đông Y mới kỳ lạ. Từ Bản Thảo Cương Mục, Dược Tính Chỉ Nam, đến sách châm cứu của Nhật, của Thượng tọa Thích Tâm Ấn, bác sĩ Nguyễn Tài Thu…, ông có tất. Trước khi ra Bắc, ông phụ trách trạm xá của K3 Long Khánh nên cũng được chút ưu ái khi yêu cầu gửi sách nghiên cứu. Bây giờ, Minh tha hồ đọc với sự hướng dẫn và giải thích tận tình của ông…

 

Và Huỳnh Thiện Hùng, vốn là học trò của ông Nguyễn Văn Mỳ, tức Xuân Phong Tổng Hội trưởng Tổng hội Dịch lý Việt Nam. Minh được Hùng xem là bạn thân và cũng tha hồ đọc và học. Hùng bị liệt hai chân, tham gia phong trào chống cộng ở Quận 8, cánh này khá đông trong thành phần bị chuyển trại từ K3 Long Khánh, và cũng chẳng hiểu với cách đánh giá hay tiêu chuẩn nào, anh bị liệt vào thành phần gây nguy hại cho chế độ và bị đưa chuyển ra Bắc. Suốt ngày, Minh cúi đầu vào đọc. Một hôm anh chợt nhận ra vẫn có thể có nhiều thời gian hơn để đọc nhiều tài liệu quý hiếm này.

 

Thế là anh quyết định…

 

Một buổi sáng hệt như mọi buổi sáng khác, trại chuẩn bị xuất quân. Đọc đến tên đội nào, đội trưởng sẽ đứng dậy báo cáo quân số rồi đi hàng đôi ra cổng trại. Các đội lần lượt xuất quân. Đến đội của Minh, tất cả đứng dậy và lầm lũi bước. Khi rời khỏi vị trí, lạ sao vẫn còn một thằng tù ngồi chồm hổm ở lại trên sân. Đội trưởng Tân, cựu trung úy cảnh sát dã chiến VNCH, hoảng hồn chạy lại. Nhìn thấy gã tù ngửa mặt cho nhìn, anh ta thở dài đánh sượt im lặng không nói lời nào. Là Minh, chẳng ai muốn dây…

 

Thịnh Khuỳnh, biệt danh của thiếu úy công an Nguyễn Hồng Thịnh, gã trực trại hắc ám với đôi tay khuỳnh hách dịch đến độ thành biệt danh, hét lên: “Thằng kia, sao không đứng dậy xuất trại?”. Gã tù quái gở nói lớn, tất cả còn hơn chục đội chưa xuất quân cùng nghe: “Tôi không thích đi lao động!”. Thịnh Khuỳnh ngớ người ra ngạc nhiên. Trong đời coi tù gần hai chục năm của gã, đây là lần đầu gã đối mặt với cách phản ứng của tù quá đỗi kỳ quặc này.

 

Gã thoáng chút mất bình tĩnh, gầm lên: “Mày muốn gì?”.

 

Vẫn câu trả lời đến thản nhiên: “Muốn không đi lao động, muốn nghỉ ngơi ở nhà!”.

 

“Thực ra anh muốn gì?” Thịnh Khuỳnh hỏi Minh, khi trại đã vắng ngắt, chỉ còn vây quanh Minh là gã và khoảng chục tên vệ binh. Chuẩn úy Dục đi ngang bửa luôn một câu: “Đánh chết mẹ nó đi. Chống đối lao động à?”.

 

Minh cười gằn đáp luôn: “Dám thì tới đi…” (cũng từ những cú chống đối trong trại giam có chút quái gở của Minh, ông Nguyễn Đức Cung, dân biểu Đảng Đại Việt, đã nhận Minh làm con nuôi với nhận xét: “Thằng này hết sức thông minh, nhưng lại gan lì hết biết…) Trở lại với câu chuyện lúc bấy giờ…

 

Thịnh Khuỳnh lôi giấy tờ ra lập biên bản. Gã hí hoáy ghi, thỉnh thoảng hỏi vài câu phần lý lịch. Xong xuôi, gã chìa biên bản cho Minh: “Anh đọc lại đi rồi ký tên vào!”.

 

“Đọc làm gì…” Vừa nói Minh vừa ký. Chiều hôm đó, Minh được Thịnh Khuỳnh dẫn đi một đoạn đường gần 3km để vào Trại B. Chỉ nơi này mới xây hẳn một công trình kiên cố gọi là khu kỷ luật. Trên đường đi, Thịnh dắt Minh ghé vào lò rèn. “Vào chọn lấy một cái móng cùm…”. Đểu nhỉ, Minh nghĩ thầm, đến đi cùm cũng tự chọn và mang theo móng cùm. Cửa hàng tiện lợi sau này chắc phát xuất từ ý tưởng của ai đó đã từng đi cùm giống như Minh. Gã tù giữ kho cuốc xẻng và cùm, nhận ra Minh ngay lập tức. Gã là đàn em của Nam Vồ. Gã nheo mắt với Minh và đưa một chiếc móng cùm cho anh. Anh không hiểu cái nheo mắt ấy cho đến khi trực tiếp đút chân vào cùm…

 

Khung cảnh của trại B nhìn hơi ghê rợn. Không khang trang như trại A, nơi các phái đoàn từ Hà Nội hoặc nước ngoài hay ghé thăm… Hoang sơ và đầy lam sơn chướng khí, nhận xét ban đầu của Minh về Trại B là vậy. Và khu kỷ luật, quả là một tác phẩm tinh hoa siêu việt của những cái đầu biến thái đến cùng cực khi nghĩ ra cách đày đọa con người. Được xây bằng đá phiến dày độ một mét với một vách là đá núi. Gồm năm phòng ngăn cách nhau bằng những vách đá phiến dày nửa mét. Các bệ nằm, thay vì là xi măng, cũng là đá phiến. Chính vì vậy, khu kỷ luật lạnh không thể tưởng.

 

Các cửa thông gió chỉ độ bằng bàn tay, luôn được đóng và chỉ mở ra khi đương sự có “dấu hiệu ăn năn thành khẩn”. Bên trong có hai bục nằm và ở giữa là một khoảng trống nhỏ đặt một cái sô nhỏ. Cùm được xỏ bên trong, đưa ra ngoài bằng một cây xỏ khác, khóa lại bằng ống khóa Tiệp cũ mèm. Sau này do các ổ khóa hỏng hóc nên các thanh cùm đa phần được khóa bằng dây kẽm, khi mở phải dùng kềm cắt… Xỏ xong suốt cùm, Minh nhận ra ngay cái nheo mắt của anh bạn tù hình sự giữ kho. Móng cùm rộng đến độ nếu khéo léo, Minh có thể rút chân ra một cách vô tư! Ở đâu có quen biết cũng hay…

 

Lệnh kỷ luật cùm chân trong 15 ngày, xem ra cũng nhẹ so với những lần cùm trong trại tù miền Nam mà Minh từng trải qua. Nhưng đến tối, Minh nhận ra ngay mình đã lầm, lầm nặng nề. Cái lạnh ở miền Bắc có Giá và Rét. Rét thì trùm chăn ngủ kỹ. Nhưng Giá thì khác, đụng vào cái gì cũng lạnh buốt kể cả mền đắp! Và một trong những hình phạt gọi là kỷ luật của trại tù cộng sản, có cái lạnh thấu xương của núi đá. Cái đáng phục của kẻ nghĩ ra nhà kỷ luật này là: Tận dụng luôn cả thời tiết vốn dĩ của xứ sở thiên đường xã nghĩa làm phương tiện tra tấn!

 

Hay thật, vậy cũng nghĩ ra! Cùm, nghe tưởng là chỉ mất thoải mái cái giò cái cẳng? Đơn giản vậy sao gọi là tù-cộng-sản. Móng cùm ép chân tù không co duỗi được ở đầu gối. Sau vài tuần, đầu gối sẽ bị cứng. Các mạch máu ở chân nằm ngang không chịu áp lực của bơm máu, khi trả về trạng thái đứng thẳng sẽ đau nhức kinh khủng và nếu kéo dài trên ba tháng, nguy cơ là chân đi đàng chân, não đi đàng não.

 

“Trói cánh tiên”

 

Vệ sinh ư? Cái sô sắt nặng chình chịch rất đỗi thần kỳ của xứ Bắc chính là toàn bộ thứ thay thế nhà vệ sinh, phòng tắm. Bữa ăn thì đúng bằng một trái bóng bàn! Nghe tưởng chừng như nói quá, nhưng ai từng trải qua sẽ thấy Minh nói chính xác đến độ tuyệt đối! Nước, chỉ đúng ba muỗng canh. Mười lăm ngày sau, Minh được tháo cùm tuy vẫn còn bị nhốt trong phòng kỷ luật. Và trưa hôm ấy, anh chứng kiến một cảnh tượng không vui từ lỗ thông gió, và nhận ra mức độ con người có thể tàn ác với nhau là vô hạn!

 

Trói giật cánh khuỷu, miền Nam thấy rồi… nhưng trói giật cánh khuỷu rồi treo lên lơ lửng, dùng cây bạch đàn to cỡ cườm tay vụt vô tội vạ vào thân thể còm cõi của một người khác thì lần đầu tiên Minh chứng kiến. Nạn nhân kêu gào khoảng ba đến năm phút rồi tắt tiếng.

“Coi vậy chứ bọn đầu lâu chân tay này sống dai lắm, hết sao được?”. Tên tù hình sự Phó Đức Minh trả lời khi nghe Minh hỏi.

 

“Ai bảo nó ăn cắp rau?” Phó Đức Minh cho biết tội trạng của nạn nhân.

 

Cái lạ lùng mà Minh không thể hiểu là, dân xứ Bắc khi chứng kiến những cảnh tượng người đối với người hết sức tàn ác, rất đỗi phi nhân… thì họ dường như xem là đương nhiên phải thế, và nếu bị cư xử như thế, họ cũng xem là xui rủi. Có lẽ bao nhiêu năm xây dựng con người xã hội chủ nghĩa trên xứ Bắc, bọn cầm quyền đã thành công trong lĩnh vực này: Biến tàn nhẫn thành thói quen và phi nhân là đức tính! Cái mà Minh chứng kiến gọi là “trói cánh tiên”. May mắn cho nạn nhân, theo cách nghĩ của tù hình sự như Phó Đức Minh, là nạn nhân chỉ cần bị treo lên vài phút thì sẽ bị ngất vì ép ngang ngực không thể thở được.

 

“Lỡ chết thì sao?” Minh hỏi. Câu trả lời thật rùng rợn.

 

“Ngày nào chả chết! Vậy là ông chưa đi về phía làng cùi rồi… Chôn ở đó nhiều đếm không xuể…Tù như mấy ông chưa ai chết mà, lo gì… Từ từ gặp nhau ở đó tất!”.

 

Mãi sau khi tù chính trị có con số tử vong lên đến gần 700 mạng, Minh mới nhận ra Phó Đức Minh nói đúng. Ba ngày sau, Minh mới được về lại trại A. Minh chia tay Phó Đức Minh, không ngờ rằng anh sẽ lại gặp anh chàng tử tội này thật sớm. Khi anh bước ra cổng trại B, Minh nghe kể, người tù bị trói cánh tiên đã chết, theo bệnh án là… cảm!

 

Giang hồ khử nhau

 

Phó Đức Minh, được đưa ra lao động tự giác không phải vì mức án sáu năm là rất thấp ở trại Nam Hà Ba Sao này mà là nhờ chị gái Phó Thị Thanh Hương, một mỹ nữ Hà Nội đúng nghĩa.

Những câu chuyện nho nhỏ đôi khi hơi vớ vẩn của tù hình sự, được kể xen lẫn, giúp chúng ta hiểu hơn một thế giới khác của miền Bắc. Đó là một xã hội sau bao nhiêu năm dưới chế độ cộng sản được cô đọng và thu hẹp trong thế giới tù nhân. Nó cho chúng ta hiểu thêm vì sao tội phạm hình sự ở Bắc khác xa thứ giang hồ nghĩa khí chúng ta thường thấy ở miền Nam trước đây.…

 

Phó Đức Minh, con nhà dòng dõi nhưng ham chơi và bị ở tù chỉ vì trộm vặt. Gia đình bực mình bèn bỏ mặc nhưng cô chị thương em cứ lén lút lui tới thăm nom. Phó Đức Minh chuyển từ Hỏa Lò về trại E, nơi chỉ có hơn hai trăm mạng, với án nhẹ vài ba năm. Trong đó hai băng, theo ngôn ngữ giang hồ xứ Bắc là “Hội”, đang cạnh tranh vị trí đầu lĩnh. Trại E ít quân nhưng ở gần khu vực dân cư nhất, nên ở trại này, làm ăn mua bán giữa tù với dân hết sức rôm rả. Do đó, việc giành giật làm ăn khiến ai cũng muốn là ông trùm của trại.

 

Hội của Thịnh Kiếm-Tâm Bưởi đang cầm đầu. Chợt Hỏa Lò chuyển lên một con cọp dữ: Quỳnh Con hay còn gọi là Quỳnh Du Đãng. Gã vừa lên đã khiến các đầu gấu khác phải chờn ngay tắp lự với kiểu lì lợm, ngang tàng và nói là làm. Phó Đức Minh phục lắm bèn mon men tìm cách kết thân.

 

Phó Thị Thanh Hương nghe vài chú cán bộ trẻ, do mê mệt nhan sắc mình, thông báo tình hình rằng thằng em trai của Hương đang mơ làm đầu gấu và nhập hội của Quỳnh Con. Thế là Hương bèn đưa thằng em về đội chăn nuôi, tách ra khỏi cuộc chiến băng đảng ở trại E. Trong khi đó, Thịnh Kiếm và Tâm Bưởi bàn nhau triệt hạ hội của Quỳnh. Mưu xem ra đơn giản: Chúng thả vài tên đàn em đến khiêu khích. Nếu Quỳnh nhịn thì chẳng còn mặt mũi nào mà đứng trong hàng ngũ đầu gấu của trại Nam Hà. Nhưng bật lại thì rơi luôn vào bẫy! Quỳnh dính bẫy gần như lập tức…

 

Hai chỉ vàng 24K đủ để tên cán bộ phụ trách an ninh trại lập biên bản buộc hàng loạt tội danh đối với Quỳnh, tội cùng đàn em Phú và Đức dùng suốt cửa nện vỡ đầu tên đàn em Tâm Bưởi. Thế là Quỳnh và hai tên đàn em thân tín bị chuyển qua giam ở một phòng kỷ luật mở. Kỷ luật mở là những tên tù vi phạm vẫn phải đi cuốc ruộng, đập đá hàng ngày. Đến tối thì cả chục tên phải tự đeo móng cùm xỏ chân vào cây suốt dài sọc.

 

Thành Hà Đông, đàn anh ngoài đời của Quỳnh, là tù phụ trách vệ sinh khu vực ban chỉ huy trại. Mà ở vị trí đó, gì chẳng biết? Thế là mưu hèn kế bẩn của Thịnh Kiếm-Tâm Bưởi được Thành bỏ nhỏ cho Quỳnh biết. Một buổi trưa, Thành đi vào sân trại, tuồn qua song cửa sắt phòng giam cho Quỳnh một cây cuốc ngắn và một bó dùi sắt tự tạo bằng sắt xây dựng. Có cuốc, chỉ chưa đầy nửa giờ, Quỳnh và hai gã đàn em khoét được cái lỗ đủ một người chui. Gã không trốn trại mà lại “bò” thẳng đến phòng giam Thịnh Kiếm-Tâm Bưởi, phá cửa xông vào thanh toán kẻ thù!

 

Hai nạn nhân bị đâm chi chít được chuyển đi Bệnh viện Phủ Lý. Quỳnh và hai đàn em bị còng tay cấp tốc, chuyển ngay vào trại B để thi hành án kỷ luật vô thời hạn, ngôn ngữ của bọn coi tù là “Kiên Giam”.

 

Bây giờ mới trở lại chuyện của Phó Đức Minh. Cậu em được gởi về đội chăn nuôi bằng lời mật ngọt và nhan sắc của cô chị nên hầu như chẳng tốn xu nào theo thông lệ. Lợi thì có lợi thật khi có cô chị xinh đẹp nhưng cái hại thì gần kề. Do được ngang xương về đội chăn nuôi, cộng thêm việc dựa hơi vào uy danh của Quỳnh Du Đãng, Phó Đức Minh chẳng coi bất kỳ tên nào khác ở đội chăn nuôi ra gì, kể cả tên Trứ Đội trưởng.

 

Cũng nói thêm, Trứ với bản án 20 năm, đã thụ hình hơn sáu năm, có lẽ là người ở trại E lâu thứ nhì sau Thành Tô Vũ, đã được tha về. Trứ mang án giết vợ. Hắn chặt vợ làm ba khúc bỏ vào bao đựng lúa vác ra sông phi tang. Bị du kích chặn đường và được hỏi lý do khuya khoắt ra sông, gã trả lời tỉnh queo: “Tao giết con vợ tao, giờ mang xác đi vứt đây!”. Tưởng gã nói đùa nên chẳng ai thèm lý đến, nhưng khi nhóm tuần đêm đi ngang qua Trứ, họ thấy máu chảy ròng ròng từ chiếc bao…

 

Trở lại vụ Phó Đức Minh. Trứ bắt đầu kiếm chuyện “đì” tên tù thấy ghét Phó Đức Minh. Ngày mỗi tăng dần mức độ và Trứ tuyên bố: Đức Minh chỉ có cách xin chuyển trại, chuyển đội mới sống thọ! Phó Đức Minh chọn cách khác…

 

Anh ta thửa con dao thọc huyết heo (ở Bắc gọi là cây phóng lợn) ở nhà bếp mang về giấu ở sàn nước khu chăn nuôi. Trưa nào cũng vậy, sau khi đi một vòng kiểm tra các thành viên đội chăn nuôi, Trứ về khu chuồng trại giăng võng nằm kẽo kẹt chờ nhà bếp phát cơm. Đang thiu thiu gió mát, Trứ đau nhói một bên sườn. Gã bật dậy ngã ra khỏi võng và dính luôn hai nhát vào bụng và lưng. Chạy vội ra hướng sàn nước, gã loạng choạng trượt chân ngã. Lồm cồm ngồi dậy toan chạy tiếp thì Phó Đức Minh lao đến đâm luôn một nhát cật lực vào gáy. Theo biên bản pháp y, nhát đâm này gây tử thương ngay tức thì cho Trứ. Nghe nói, Trứ cũng đâm chết vợ bằng nhát dao thọc vào gáy trước khi chặt từng khúc mang đi vất bờ sông!

 

Ngày xử bắn Phó Đức Minh, tấu xảo làm sao khi đó Minh đã về tổ văn hóa của đại tá Phạm Bá Hoa nên cũng được chứng kiến. Khu vực xử bắn ở gần con đường dẫn ra sau núi, phía chuồng trâu, chuồng dê. Nơi này cũng là con đường dẫn đến nghĩa trang tù chính trị sau này. Mở ngoặc một chút, một trong những người luôn tranh thủ lấy củi mà anh em tù lấy về dùng sinh hoạt nấu nướng để sửa sang mồ mả cho anh em tù chính trị một cách thầm lặng là ông dân biểu gốc Đại Việt miền Trung Nguyễn Đức Cung…

 

Sáng hôm ấy, Phó Đức Minh được đưa lên khu trực trại để viết lá thư cuối cùng, ăn một bát xôi gà. Đại tá Phạm Bá Hoa còn mang cho Phó Đức Minh vài điếu thuốc thơm, ly cà phê tan ngay mà ông xin của đại tá Phạm Kim Quy. Sau đó người ta đọc lệnh tử hình rồi giải đi. Phó Đức Minh bị cột vào cây cọc dựa sát sườn núi. Anh ta bị cột như một đòn bánh tét và cột chặt đến nỗi Minh có cảm giác nếu để lâu một chút, chẳng cần phải bắn, can phạm vẫn chết ngạt! Đội thi hành án từ Hà Nội về toàn tân binh gồm năm khẩu AK. Đội trưởng với cấp trung úy đeo kè kè khẩu K59.

 

Sau khi bị năm viên găm vào người, Phó Đức Minh gục đầu sang một bên, máu loang đỏ bộ đồ tù mới toanh. Đội trưởng đến bắn phát ân huệ. Bác sĩ đến khám và ra hiệu “còn sống”. Gã đội trưởng đến kéo đầu Phó Đức Minh bắn thêm một phát trước sự ngạc nhiên của vài người tù miền Nam… “Nghe nói sau phát ân huệ mà còn sống là được tha luôn chứ phải không cán bộ?” Một người rụt rè hỏi tên trung úy đội trưởng thi hành án. “Vớ vẩn!” Gã xua tay, giọng tỉnh bơ: “Lệnh chủ tịch nước là bắn chết, không chết thế nào được. Không chết thì bắn cho đến khi chết, nhá!”.





No comments:

Post a Comment