Friday, March 4, 2022

PHỎNG VẤN TƯỚNG BỐN SAO về CUỘC CHIẾN Ở UKRAINA (Focus Online)

 



NỘI DUNG :

 

Phỏng vấn tướng bốn sao về cuộc chiến ở Ukraina

Focus Online

.

“Chiến tranh sấm chớp” sai lầm của Putin

Alexander Schultze

 

============================================

.

.

Phỏng vấn tướng bốn sao về cuộc chiến ở Ukraina

Focus Online

Phan Ba dịch

Posted on Tháng Ba 3, 2022 by Phan Ba

https://phanba.wordpress.com/2022/03/03/phong-van-tuong-bon-sao-ve-cuoc-chien-o-ukraina/

 

Ông Wolf-Dieter Langheld (sinh năm 1950) là một tướng bốn sao đã nghỉ hưu của Quân đội Đức. Gần đây nhất, ông đã là tư lệnh của “Bộ chỉ huy Lực lượng Liên hợp Đồng minh” ở Hà Lan, một trong hai bộ chỉ huy của NATO châu Âu ở cấp chỉ huy tác chiến.

 

 

Focus Online: Ông Langheld, đêm qua quân đội của Putin đã chiếm được thành phố cảng Cherson – thành phố lớn đầu tiên của Ukraine với gần 300.000 dân. Việc chiếm được thành phố này quan trọng như thế nào theo tầm nhìn chiến lược tới tiến trình chiến tranh?

Wolf-Dieter Langheld: Việc chiếm được một thành phố lớn tất nhiên là tin tốt theo góc nhìn của Putin. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, nó không có tầm quan trọng lớn.

 

Nhưng Putin đã kiểm soát Crimea. Mariupol, thành phố cảng trên Biển Azov, bị bao vây. Ngoại trừ Odessa và Mykolaiv ở phía tây, Putin hiện kiểm soát được một phần lớn biên giới biển của Ukraine.

Langheld: Tuy vậy, điều này tạm thời không mang tính quyết định đối với tiến trình chiến tranh đã định. Kế hoạch ban đầu của Putin có thể là chinh phục Ukraine trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Và ông ấy đã không thành công. Từ góc độ này, việc chinh phục Kherson chỉ là một chiến thắng ngẫu nhiên không quan trọng. Putin lẽ ra phải thắng được cuộc chiến tranh chớp nhoáng trong một hoặc hai ngày. Nhưng ông ấy đã không thành công. Đây mới là điều quan trọng.

 

 

Bây giờ thì điều gì là quan trọng theo quan điểm chiến lược?

Langheld: Kharkiv và Mariupol là những mục tiêu chiến lược quan trọng trong kế hoạch chiến tranh đã thay đổi. Nhưng điều quan trọng nhất đối với việc chinh phục toàn bộ đất nước vẫn là chiếm Kyiv. Thủ đô có tầm quan trọng then chốt vì ở đó, ông ta có thể thành công trong việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyi và ngay lập tức chiếm giữ các trung tâm quyền lực.

 

 

Tại sao Putin lại thua canh bạc chiến tranh chớp nhoáng?

Langheld: Putin không dự đoán với sự kháng cự cực kỳ mạnh mẽ này từ các lực lượng vũ trang Ukraine và sự ủng hộ của người dân. Việc lập kế hoạch cho cuộc chiến tranh chớp nhoáng có thể mất từ sáu đến bảy tháng. Và kế hoạch này đã sụp đổ trong 24 giờ đầu tiên của cuộc chiến do kết quả của cuộc kháng cự.

 

 

Tức là quân đội đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài hơn một hoặc hai ngày?

Langheld: Đúng là như vậy. Và đó là lý do quan trọng thứ hai, tại sao Putin đã tính toán sai. Nếu không được bổ sung, tức là không có đủ nhiên liệu, đạn dược và lương thực dự trữ, một cuộc tấn công bị đình trệ rất nhanh. Cho một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, quân đội chắc là được trang bị từ hai đến ba ngày. Putin chắc chắn rằng quân đội của ông sẽ gặp phải ít kháng cự. Nhưng người Ukraine dũng cảm và quyết tâm chống trả, ở mọi nơi.

 

Ngay từ thời Xô Viết, quân đội Nga đã nghĩ đến các cuộc chiến tranh theo nhiều giai đoạn. Nguyên tắc này của học thuyết quân sự Nga ban đầu đã bị bỏ qua. Kế hoạch là một thành công nhanh chóng trong chiến tranh chớp nhoáng. Nhưng Putin không có kế hoạch B. Vì sai lầm thật khó tin trong kế hoạch này, ông ta đã phải tùy cơ ứng biến mỗi ngày kể từ ngày 25 tháng Hai. Mọi hành động quân sự của quân đội Nga hiện đang diễn ra ở Ukraine đều là ứng biến vội vã. Nhưng bây giờ ông ta chắc là đã nhớ lại học thuyết của việc tiến quân từng đợt và sẽ chỉ đạo các chiến dịch mình cho phù hợp theo đó. Điều này đồng nghĩa với một ưu thế quân sự liên tục mà người Ukraine phải đối phó với nó.

 

 

Nhưng Putin có lực lượng không quân và pháo binh vượt trội hơn hẳn so với Ukraine.

Langheld: Đúng vậy. Nhưng nếu Putin muốn biến Kyiv thành đống đổ nát, thì ông ta đã làm từ lâu rồi.

 

 

Ông nghĩ điều gì đang ngăn cản ông ta?

Langheld: Tôi không nghĩ Putin là kẻ điên rồ. Một mặt, bởi vì ông ta biết rằng một cuộc chiến như vậy không chỉ có thể giành được chiến thắng bằng các cuộc tấn công từ trên không, mà phải với một cuộc xâm lược bằng quân bộ trong giai đoạn thứ hai của cuộc chiến. Và ông ta biết mình không thể tiêu diệt Kyiv vì nếu thế thì kế hoạch sáp nhập Ukraine vào đế chế Nga của ông ta sẽ không bao giờ thành công. Sự phản kháng đã lớn hơn nhiều so với dự đoán của ông ta. Nó sẽ còn nhiều hơn nữa nếu ông ta phá hủy Kyiv. Người Ukraine, như họ đã thể hiện, sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

 

Các lựa chọn khác của Putin là gì – các cuộc đàm phán hòa bình ư?

Langheld: Đó là một trong hai giải pháp. Đó sẽ là lý do cho cuộc hội đàm dự kiến diễn ra vào ngày hôm nay. Điều tối đa mà ông có thể đạt được trong tình huống này sẽ là một vị thế trung lập của Ukraine. Ông ta có thể cố gắng thương lượng điều đó.

 

 

Điều đó đã có trên bàn đàm phán từ trước khi chiến tranh bắt đầu. Phương Tây có hiểu sai Putin không?

Langheld: Điều mà Phương Tây có thể bị cáo buộc là đã không thể đặt mình vào đầu của Putin. Những người biết đối phương suy nghĩ như thế nào thì có thể dự tính họ sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp xảy ra xung đột. Putin suy nghĩ khác Phương Tây. Nếu không đạt được mục tiêu chính trị, ông ta sẽ cố gắng thực thi nó bằng các biện pháp quân sự. Lẽ ra người ta phải thấy trước điều đó.

 

Và đâu sẽ là giải pháp khác nếu chúng thất bại?

Langheld: Tôi nghĩ Putin sau đó sẽ gửi quân tiến vào Kyiv. Và điều đó có nghĩa là không có giải pháp nhanh chóng trong cuộc chiến này. Ukraine và Nga sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến đẫm máu, cực kỳ tốn kém. Một cuộc chiến mà Putin sẽ không từ bỏ, người Ukraine cũng vậy. Các kịch bản chiến tranh đô thị, đó là các kịch bản chiến tranh đẫm máu nhất và tốn kém nhất. Cuộc chiến ở Chechnya với cuộc bao vây Grozny đã cho thấy một cuộc chiến như vậy khốc liệt như thế nào. Với điều khác biệt là so với Kyiv, Grozny chỉ là một ngôi làng. Số người chết ở Kyiv có khả năng cao hơn nhiều so với ở Grozny, nơi hàng chục ngàn người đã chết.

 

Phan Ba dịch

 

===================================

 

“Chiến tranh sấm chớp” sai lầm của Putin

Alexander Schultze

Phan Ba dịch

Posted on Tháng Ba 1, 2022 by Phan Ba

https://phanba.wordpress.com/2022/03/01/chien-tranh-sam-chop-sai-lam-cua-putin/

 

Tổng thống Nga Putin hẳn đã hình dung cuộc chinh phục Ukraine theo một cách khác: nhanh chóng, không tốn nhiều công sức và không bị phản kháng. Nhưng không có điều nào trong số đó đã xảy ra. Cuộc tấn công bị khựng lại là do sức đấu tranh của người Ukraine, nhưng cũng vì Putin đã đánh giá sai lầm tình hình.

 

Đêm 23-24 / 2, nước Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Đó là một cuộc chiến không cân sức. Đầu tiên, nhiều tên lửa từ Nga được bắn vào các sân bay và hệ thống phòng không ở Ukraine để vô hiệu hóa chúng, sau đó xe tăng bắt đầu lăn bánh. Hàng ngàn binh lính tấn công từ phía bắc, nam và đông. Ukraine thua kém rõ ràng về quân số và trang thiết bị. Như vậy, có vẻ như chỉ trong vòng vài ngày nữa là Nga sẽ chinh phục được Ukraine.

 

Gần một tuần sau, lực lượng Nga còn đứng cách xa chiến thắng. Tuy đang đứng với một số quân lớn ở bên ngoài thủ đô Kyiv, và đang chiếm được lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine, nhưng ngay từ bây giờ họ đã sa ngay vào một cuộc chiến tiêu hao.

 

Chỉ hai ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc tấn công không diễn ra theo cách mà Tổng thống Nga Putin có lẽ đã hình dung. Những dấu hiệu này ban đầu chủ yếu được lan truyền bởi quân đội Mỹ và có thể được coi là sự ủng hộ tinh thần đối với quân đội Ukraine thua kém về mặt quân sự. Nhưng sau đó bằng chứng đã nhiều lên. Mặc dù đã hết sức thận trọng trong việc đối phó với các báo cáo, video và số liệu do các phe tham chiến lan truyền đi, nhưng có vẻ như cuộc tấn công của quân đội Nga đang chậm lại và thậm chí là đã phải chịu nhiều thất bại.

 

Kamil Galeev, người làm việc cho Trung tâm Woodrow Wilson của Mỹ, một tổ chức Think Tank, nhận thấy ba lý do chính cho điều này, mà ông đã nêu ra trong một chủ đề dài trên Twitter: Putin đã đánh giá quá cao quân đội của mình, ông ta đánh giá thấp khả năng và ý chí tự vệ của quân đội và người dân Ukraine. Đó là điểm chính của Galeev, ông ấy đã tấn công với một chiến thuật hoàn toàn sai lầm.

 

Quân đội Nga được hiện đại hóa nhiều

 

Đầu tiên, Galeev giải thích rằng dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov, một cuộc hiện đại hóa đáng kể cho lực lượng vũ trang Nga đã diễn ra từ năm 2007 đến năm 2012. Điều này rất quan trọng về mặt quân sự, nhưng lại không được ưa thích. Bởi vì Serdyukov đã tạo ra nhiều kẻ thù với hoạt động của mình. Ông đã chiến đấu chống tham nhũng và kết thúc sự thân hữu bè phái với các nhà sản xuất vũ khí. Mục tiêu của ông là làm cho quân đội của đất nước được triển khai tốt hơn và hiệu quả hơn. Ông đã khá thành công trong việc đó. Tuy nhiên, con số các đối thủ chính trị trong nước đã tăng lên nhiều đến mức ông phải từ chức vào năm 2012. Người kế nhiệm ông, Sergei Shoigu, biết cách đảm bảo thiện chí của mọi người liên quan bằng cách không hành động chống tham nhũng và không gây bất hoà với các nhà cung cấp vũ khí. Thay vào đó, theo Galeev, ông ta tự miêu tả mình là “vị cứu tinh” cho di sản của Serdyukov.

 

Đó là lý do nước Nga loại bỏ ý tưởng về hiệu quả. Galeev nói rằng về mặt kinh tế, hầu như không thể phát triển và duy trì để cho cả lục quân lẫn hải quân luôn đứng ở hàng đầu. Nước Nga đã cố gắng làm điều đó. Ở đây Galeev nhận ra tinh thần của Liên Xô, cái mà người ta muốn gìn giữ bằng mọi giá. Putin và Shoigu đã dồn rất nhiều sức lực cho hải quân – đến năm 2027, 70% tổng số tàu phải được sản xuất mới. Galeev viết, đây là cái giá phải trả của lực lượng trên bộ, và điều này thể hiện rõ ràng ở Ukraine.

 

“Chiến tranh sấm chớp” không có tiếp liệu

 

Galeev không cho rằng con số 150.000 binh sĩ được đoán tập trung tại Belarus và Nga ở cạnh biên giới với Ukraine là đặc biệt lớn. Tuy quân đội Nga có rất nhiều pháo binh, nhưng điều đó là không đủ để đạt được chiến thắng. Và đó là do những chiến thuật sai lầm mà Putin và các tướng lĩnh của ông đã lựa chọn. Rõ ràng họ cho rằng chỉ cần một đợt tấn công là đủ chinh phục Ukraine. Galeev trích dẫn “Blitzkrieg” (“Chiến tranh sấm chớp”) của Đức Quốc xã làm ví dụ. Các đội quân của đợt tấn công đầu tiên tiến quân vào một quốc gia càng nhanh càng tốt và tấn công các trung tâm quan trọng. Sau đó, các đơn vị khác nhanh chóng tiến lên trong đợt thứ hai và thứ ba. Nhiệm vụ của họ là tiêu diệt những chiến binh mà quân lính của đợt đầu tiên chưa giết hoặc bắt được. Tiếp theo đó, họ phải đảm bảo kiểm soát các khu vực bị chiếm đóng và bảo đảm tiếp tế.

Quân đội của Putin cũng tiến nhanh và chiếm đất nhanh chóng. Giao tranh được cho là đã nổ ra xung quanh Kyiv vào thứ Sáu – ít ra thì thủ đô Ukraine cũng cách biên giới Belarus gần 150 km. Tuy nhiên, các binh sĩ của Putin đang bỏ lỡ đợt tấn công thứ hai và thứ ba, theo Galeev.

 

Nhà khoa học cho rằng lý do là Putin không cho rằng ông phải tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự. Việc Nga gọi cuộc xâm lược là một “chiến dịch đặc biệt” có thể có lý do chủ yếu là tuyên truyền. Tuy nhiên, Galeev cho rằng bản thân Putin có thể đã tin vào điều đó. Putin là người của mật vụ, không phải quân đội. Trong một thời gian dài ông là sĩ quan trong cơ quan mật vụ Nga KGB, đồng thời ông cũng là giám đốc cơ quan mật vụ nội địa FSB. Theo truyền thống, quân đội và các cơ quan mật vụ thường hay có xung đột với nhau ở Nga.

 

Loại chiến tranh này là mới đối với Putin

 

Galeev chỉ ra một điểm khác: khi Putin tiến hành hoạt động quân sự, ông luôn chống lại những đối thủ kém hơn với tương đối ít rủi ro. Các chiến dịch ở Chechnya, Gruzia và Syria cuối cùng là những sứ mệnh thành công của lực lượng vũ trang Nga. Ở Gruzia và Syria, mục tiêu không phải là lật đổ chính phủ và kiểm soát toàn bộ đất nước, mà chỉ là để thiết lập các khu vực ly khai, như ở Ukraine sau này. Và đặc biệt là ở Chechnya và Syria, quân đội Nga đã hành động vô cùng tàn nhẫn đối với dân thường. Điều đó không phù hợp để “giải phóng” một dân tộc anh em.

 

Về diện tích, Ukraine lớn hơn đáng kể so với Chechnya, Georgia hay Syria. Nhưng theo Galeev, lần này Putin dựa vào những thành công từ năm 2014. Khi đó, quân đội Ukraine không có cơ hội nào ở bán đảo Crimea hay ở Donbass.

 

Ukraine đã học từ thất bại của mình

 

Ví thất bại năm 2014, Ukraine đã hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình. Galeev cho rằng khoảng 400.000 binh sĩ Ukraine đã có được kinh nghiệm chiến trường trong những năm vừa rồi thông qua việc thường xuyên hoán chuyển quân đội trên chiến tuyến với các khu vực ly khai. Ukraine cũng mua nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, chẳng hạn như hệ thống Javelin chống tăng. Ngoài ra, đất nước còn thiết lập một lực lượng bảo vệ quốc gia 60.000 người, được gọi là bảo vệ lãnh thổ. Điểm mấu chốt là các lực lượng vũ trang ngày nay đã ở một cấp độ hoàn toàn khác so với năm 2014. Và những người lính của Putin hiện đang cảm nhận được những điều này.

 

Ngay cả khi không phải tất cả các báo cáo và video đều có thể được xác minh, thì hiện nay có một số dấu hiệu cho thấy xe tăng, trực thăng và các phương tiện quân sự khác thuộc các lực lượng vũ trang Nga bị hư hỏng, bị bắt và bị phá hủy. Người Ukraine dường như đang tấn công các nguồn tiếp liệu một cách có chủ đích, điều này cũng có thể xảy ra vì đợt tấn công thứ hai hoặc thứ ba của quân đội Nga cho đến nay vẫn chưa có. Làn sóng tấn công đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Putin không có tiến triển gì ở Kyiv, nó sa vào các cuộc giao tranh gay gắt ở các thành phố khác và chịu tổn thất liên tục. Bộ Quốc phòng Ukraine và các phóng viên hiện đang nói về việc hàng trăm xe cộ bị phá hủy, 200 binh sĩ Nga bị bắt và khoảng 5.400 người thiệt mạng về phía Nga. Không rõ liệu các con số này có chính xác hay không.

 

Cuộc chiến có thể sẽ trở nên đẫm máu hơn

 

Ngoài ra, nhiều video cho thấy cách thường dân không vũ trang đối đầu với binh lính Nga – họ vẫy cờ Ukraine, hát quốc ca, hét “Cút đi!”, đứng ngăn cản các phương tiện cơ giới này. Họ đang thể hiện một lòng dũng cảm và sự phản đối cuộc xâm lược của Nga mà Putin không ngờ tới.

 

Galeev phỏng đoán rằng cuộc giao tranh diễn ra càng lâu hơn thì nó sẽ càng đẫm máu hơn, rằng số lượng bom được ném xuống sẽ nhiều hơn đáng kể khi so với thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược. Nếu nhìn vào diễn biến kể từ đầu tuần nay, điều này có vẻ đúng như vậy. Các báo cáo về những cuộc tấn công bằng tên lửa ngày càng tăng. Không chỉ các cơ sở quân sự là mục tiêu, như quân đội Nga tuyên bố lúc ban đầu, mà các khu dân cư cũng bị tấn công. Cũng có nguồn tin cho rằng các lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng các loại vũ khí khác, chẳng hạn như bom chân không hoặc bom chùm.

 

Bất chấp sự leo thang này, Galeev cho rằng ngay cả khi Putin không thể bị đánh bại về mặt quân sự, thì cuối cùng ông ta vẫn sẽ thua trong mọi trường hợp. Bởi vì ông đã mắc sai lầm trong việc lập kế hoạch và thực hiện “chiến dịch đặc biệt” của mình và vì ông đã đánh giá thấp khả năng chống cự của Ukraine – của cả quân đội lẫn của người dân thường.

 

Phan Ba dịch

 

 




No comments:

Post a Comment