Sunday, March 27, 2022

KIRILL, THƯỢNG PHỤ CHÍNH THỐNG GIÁO NGA, CỰU ĐIỆP VIÊN KGB (Thụy My - RFI)

 



Kirill, Thượng phụ Chính thống giáo Nga, cựu điệp viên KGB   

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 24/03/2022 - 14:11

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220324-kirill-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-ph%E1%BB%A5-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%91ng-gi%C3%A1o-nga-c%E1%BB%B1u-%C4%91i%E1%BB%87p-vi%C3%AAn-kgb

 

Kirill hồi năm 1979 đã bị tình báo Pháp phát hiện là gián điệp và cấm cư trú. Với cuộc xâm lăng Ukraina, thượng phụ Matxcơva « và toàn nước Nga » đang mất đi giá trị luôn quý giá dưới mắt Vladimir Putin : ảnh hưởng ngoại giao.

 

https://s.rfi.fr/media/display/80cd5650-ab67-11ec-950e-005056a90284/w:1024/p:16x9/2022-03-14T111919Z_2134476744_RC2B2T9VG6IT_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-ORTHODOX.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) chúc mừng thượng phụ Kirill của Matxcơva và toàn nước Nga (P) nhân kỷ niệm 11 năm ngày ông nhậm chức tại Matxcơva, Nga ngày 01/02/2020. via REUTERS - SPUTNIK

 

Nhật báo La Croix hôm 22/03/2022 đặt câu hỏi : Phải chăng thượng phụ Kirill cũng chỉ là một trong những « bộ trưởng » của Vladimir Putin ? 

 

Một tuần sau khi có bài giảng cứng rắn - coi vụ tấn công vào Ukraina là hành động kháng cự trước chủ nghĩa tiêu thụ phương Tây và mưu toan áp đặt các « gay pride », tuần hành của giới LGBT - người đứng đầu giáo hội Chính thống giáo Nga 75 tuổi, xuất hiện trong chiếc áo choàng lễ tại ca đoàn một nhà thờ ở Matxcơva. Bên cạnh ông và tượng Đức Mẹ là Victor Zolotov, giám đốc Vệ binh Quốc gia Nga, cựu cận vệ của tổng thống Vladimir Putin.

 

Kirill thành kính lắng nghe người sĩ quan trong bộ quân phục nói về cuộc xâm lăng Ukraina « không nhanh chóng như chúng ta nghĩ », do « bọn phát-xít (tức những người lính Ukraina) núp sau thường dân ». Zolotov nói tượng thánh sẽ phù hộ quân đội Nga và « đẩy nhanh đến chiến thắng ».

 

Một hàng giáo phẩm từng nhiều năm làm việc tại Tòa Thượng phụ Matxcơva cay đắng nhận xét : « Thông điệp của thượng phụ trong những tuyên bố gần đây không hướng về đàn chiên, mà nhắm đến Kremlin. Đó là "Tôi đứng bên cạnh ngài đến cùng, bằng mọi giá" ».

 

Nhưng Kirill vẫn như thế mà ? Không, Serguei Chapnin - người từng nhiều năm phụ trách tạp chí của Tòa Thượng phụ, và đã gặp Kirill nhiều lần trước khi ông được bầu làm thượng phụ năm 2009 - trả lời.

 

«Vào thời đó, Kirill vẫn chưa là một "Putin nhỏ trong giáo hội" - độc đoán, đôi khi dễ nóng giận, và nhất là cô độc - như ngày nay. Trước 2009, ông là một nhà ngoại giao, nhà trí thức, có thể tranh luận và bất đồng với ông về thần học...». Nhưng ông đã bắt đầu thân thiết với điện Kremlin.

 

Kho lưu trữ của KGB được mở cửa một thời gian ngắn ngủi sau khi Liên Xô sụp đổ, và việc một cựu giám đốc tàng thư, Vasiliy Mithrokhin bỏ trốn sang Anh đã giúp khẳng định rằng Vladimir Mikhailovitch Goundiaiev (tên khai sinh của Kirill) là gián điệp. Năm 22 tuổi, ngay cả trước khi được phong chức giáo sĩ, và chỉ mới đi tu được ba năm ở Leningrad, ông đã được gởi sang chu du các nước tư bản. Điệp viên « Mikhailov » (mật danh của Kirill), 25 tuổi, được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thượng phụ Matxcơva tại Hội đồng Giáo hội Thế giới ở Genève. Đó là năm 1969, một năm trước khi ông được phong chức.

 

Thụy Sĩ đối với Kirill là nơi để khám phá môn trượt tuyết và xe gắn máy phân khối lớn, và nay vẫn là đam mê của ông. Đã hẳn Kirill nhanh chóng tỏ rõ nhiệt tình về Công giáo - ông dịch các nhà thần học như Karl Rahner hay Urs von Balthasar, và nghiên cứu chủ thuyết xã hội của giáo hội Nga - nhưng thượng phụ tương lai chú tâm xây dựng mạng lưới ảnh hưởng vững chắc phục vụ cho bộ máy Nhà nước. Kirill bị tình báo Pháp phát hiện là điệp viên năm 1979 và bị cấm cư trú - theo thông tin của Le Point, tuần báo đã gặp gỡ cựu thư ký riêng của Kirill là Innokenti Pavlov (qua đời năm 2020).

 

Năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Trước đó, Kirill đã có đủ thời gian để lên đứng đầu Viện Thần học Leningrad (năm 1970), sau đó đổi sang Smolensk hẻo lánh (1984) do xung đột với tân giám đốc KGB - cũng theo Pavlov. Năm 1989, Kirill lợi dụng chủ trương perestroika của Gorbatchev để đến Matxcơva, trở thành chủ tịch ban quan hệ quốc tế của Tòa Thượng phụ, một chức vụ đầy quyền lực do Stalin đặt ra năm 1943.

 

Mạng lưới của ông càng trải rộng, điều này thu hút Vladimir Putin, lên nắm quyền từ năm 2000. Đối với Putin, vùng ảnh hưởng của Tòa Thượng phụ là tất cả những gì còn lại của đế quốc đã đánh mất. Kirill là một trong những người cuối cùng có thể nói về « thế giới Nga » mà sau đó Putin cố gắng tái chinh phục bằng vũ khí. Một kiểu trao đổi diễn ra : Vladimir Putin ủng hộ việc tái thiết giáo hội, còn Kirill trao cho Putin những mối quan hệ ngoại giao.

 

Le Point ngày 22/03/2022 tiết lộ, Kirill còn là nhà tài phiệt. Ông sở hữu nhà nghỉ ở Zurich (Thụy Sĩ), và tích tụ được gia tài lớn nhờ vào đầu những năm 2000, giáo hội được chính quyền Nga dành cho những ưu tiên. Để ủng hộ Irak trước Mỹ, Matxcơva gởi thực phẩm, thuốc men, kể cả thuốc lá sang nước này. Tòa Thượng phụ được phép trích huê hồng trên thuốc lá, và Kirill thì phụ trách đối ngoại.

 

Làm « tái sinh » nước Nga, đó là mục tiêu của Hội đồng thế giới dân tộc Nga, do thượng phụ thành lập từ năm 1993, hàng năm tưng bừng tập hợp các chính khách, quân nhân và giáo sĩ cao cấp, tái khẳng định sự gắn bó với « các giá trị truyền thống ».

 

Nhà nghiên cứu Alexander Agadjanian của trường đại học Khoa học Nhân văn Nga mô tả : « Kirill là một chính khách hàng đầu, nhưng ông bị lệ thuộc quá nhiều ». Bản thân quan điểm đối ngoại của ông nói lên tất cả. Matxcơva quyết định ủng hộ chế độ Syria ? Thượng phụ bèn bay sang Damas, gặp Bachar Al Assad ngay từ 2011. Lính đánh thuê của Wagner do Kremlin chỉ đạo cắm rễ ở Trung Phi và Mali ? Đầu 2022 Kirill loan báo khoảng một trăm giáo xứ châu Phi đứng về phía Matxcơva...

 

Đôi khi Kirill tạo được cảm giác phát ngôn tự do, như sau cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008. Nhà báo kiêm giáo sĩ Jivko Panev nói : « Vladimir Putin nhìn nhận độc lập của Abkhazia nhưng Kirill vẫn để giáo dân Abkhazia dưới sự quản lý của giáo hội Gruzia », như vậy ông « không hoàn toàn lệ thuộc Putin ». Năm 2014, Kirill vắng mặt trong buổi đại tiệc do Kremlin tổ chức để mừng việc sáp nhập Crimée, vì sợ rằng sẽ mất đi các tín đồ trên lãnh thổ Ukraina. Đó là một trong những hành động độc lập cuối cùng của ông.

 

Cuộc xâm lăng Ukraina được khởi động, vị thượng phụ phải chiến đấu sau lưng Vladimir Putin. Phản ứng lại, các đại diện giáo hội ở Ukraina bỏ rơi ông. Nhiều giáo xứ châu Âu gắn bó với Matxcơva nay từ chối đọc tên ông trong các thánh lễ. Vatican hủy bỏ một cuộc gặp đã được lên lịch từ rất lâu. Các nhà thần học Chính thống giáo cáo buộc ông đặt đức tin phía dưới lợi ích quốc gia. Như vậy đối với Vladimir Putin, một thượng phụ nay chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế, còn ý nghĩa gì không ?

 




No comments:

Post a Comment