Christian
Neef -
DER SPIEGEL
Người dịch: Daniel Trần
https://diendankhaiphong.org/ke-hoach-tong-the-cua-putin/
Hình : https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2022/03/tat06-putin.jpg
Vừa nhậm chức được một năm rưỡi ông đã đứng ra
phát biểu trước Hạ Viện Đức vào ngày 25 tháng 9 năm 2001 với tư cách là Tổng thống
Nga. Hôm đó, Vladimir Putin mặc một bộ vest màu tối và cà vạt màu xám bạc,
khuôn mặt lúc đó còn gầy, và trước mặt ông là Tổng thống Liên bang Johannes
Rau, Thủ tướng Liên bang Gerhard Schröder và Chủ tịch Hạ Viện Wolfgang Thierse.
Ông nói với ngôn ngữ của Goethe, Schiller và Kant, Putin nói với các “đồng nghiệp”
của ông trong quốc hội Đức, đề cập đến Lessing và Humboldt, Dostoyevsky và
Tolstoy và tất nhiên là Công chúa của Anhalt-Zerbst, sau này là nữ hoàng
Catherine của Nga.
Putin nói về “những ý tưởng dân chủ và tự do”
và: “Nga là một quốc gia thân thiện. Chúng tôi đang chung tay góp sức xây dựng
ngôi nhà châu Âu”, lấy mục tiêu là hòa bình trên lục địa. Tiếng vỗ tay làm gián
đoạn ông ta 16 lần, thậm chí nhiều lần được ghi nhận là “không khí hào hứng”.
Khi ông chấm dứt tuyên bố lúc 3:47 chiều, các đại biểu đứng lên tán thưởng. Từ
đảng Tả sang đảng Công Giáo Thống Nhất, Putin, lãnh đạo hy vọng mới của Nga, được
hoan nghênh nhiều phút dài.
Hiện nay dường như không còn ai ở Đức hoan
nghênh ông ta. Đóng góp của Putin cho ngôi nhà châu Âu bây giờ là đánh bom phá
hủy nó. Không còn ai liên kết tên của ông ta với dân chủ hay tự do nữa. Putin
đã làm điều mà từ thời Hitler đến nay không ai dám làm: tấn công một quốc gia
khác ở giữa lục địa bằng binh lính và không quân của ông ta và chiếm đóng với
hơn 100.000 quân. Nhìn dưới ánh sáng bạch nhật, sự phấn khởi của người Đức lúc
đó đã bị nhầm lẫn, họ trở thành mù quáng. Có lẽ, vì trong một khoảnh khắc nào
đó, họ đã xem Putin như một Gorbachev thứ hai. Có lẽ, vì họ không nhận thấy những
gợi ý ẩn chứa trong bài phát biểu: rằng châu Âu nên quay lưng lại với Mỹ, rằng
sự trung thành với NATO cần đặt thành câu hỏi và hệ thống an ninh ở châu Âu
không còn phục vụ lợi ích của Nga. Nhưng người ta lẽ ra phải tỉnh táo vì một lý
do khác – bởi vì Putin, người rất mềm mỏng ở Berlin, đã bắt đầu nhiệm kỳ của
mình 20 tháng trước đó một cách cực kỳ tàn bạo. Người Đức lẽ ra phải nhận thấy
rằng bài phát biểu về hòa bình ở Berlin của ông và các hành động của ông ở Nga
không đi đôi với nhau.
Cuộc chiến Ukraine là sự tiếp nối của những gì
bắt đầu vào sáng Mùng Một tháng giêng năm 2000 – tại thành phố Gudermes của
Chechnya: Sự tái sinh của nước Nga như Putin hiểu. Vào giờ đó, một người đàn
ông được đào tạo bài bản xuất hiện trước các binh sĩ của Sư đoàn xạ thủ cơ giới
số 42 của Nga: “Các bạn không chỉ bảo vệ nhân phẩm và danh dự của nước Nga ở
Chechnya. Đó cũng là việc chấm dứt sự tan rã của đất nước chúng ta ”, vị khách
mời – một người đàn ông đến từ Moscow xa xôi mà hầu hết mọi người không thực sự
biết vào thời điểm đó: Vladimir Putin.
Vào thời điểm đó, Putin chưa làm tổng thống được
24 giờ. Một ngày trước đó, Tổng thống Boris Yeltsin đã tuyên bố từ chức trong một
cuộc đảo chính bất ngờ và trao lại chức vụ cho thủ tướng của mình. Việc Putin
bay tới trận địa Chechnya cùng đêm đó là một cử chỉ của sự suy tính hoàn hảo. Bởi
vì cuộc chiến này ông đã ấp ủ trong tim – Cộng hòa Caucasus của Chechnya bị đe
dọa sẽ ly khai khỏi Nga. Putin coi đây là sự thu hẹp quyền lực của Nga. Điều
này phải được ngăn chặn. Sau một cuộc tấn công ở nước cộng hòa Caucasus ở
Dagestan và một số vụ đánh bom vào các tòa nhà dân cư ở Moscow và miền nam nước
Nga, Putin đã tuyên chiến với “những kẻ khủng bố Chechnya” vào cuối mùa hè năm
1999, nhưng thực ra ông ấy muốn tuyên chiến cả quốc gia Chechnya. Người ta
không chứng minh được rằng quân khủng bố Chechnya đã cho nổ tung các tòa nhà.
Ngược lại, đã có dấu hiệu rõ ràng cho thấy cơ quan mật vụ Nga FSB có dính líu
vào cuộc đánh bom. Lãnh đạo cơ quan này trước đó là Putin.
Phải chăng ông ta và những
người thân cận đã ngụy tạo một cái cớ cho cuộc chiến mới ở Chechnya? Giống như
cách họ đang đưa ra những lý do sai trái để xâm lược Ukraine?
Các cuộc không kích hàng ngày vào nước cộng
hòa Caucasus bắt đầu vào tháng 9 năm 1999, và quân đội Nga xâm lược Chechnya
vào đầu tháng 10. Như ở Ukraine ngày nay, cuộc chiến không được gọi là “chiến
tranh” mà là „Chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Kaukasus”. Hàng trăm nghìn người
đã thiệt mạng trong cuộc chiến đó hoặc phải di tản vì quân đội Nga hành động với
sự tàn bạo khó tin được. Buổi bình minh ở Gudermes cũng là giờ bắt đầu tái trỗi
dậy của Nga như một cường quốc. Người cùng thời, được thăng tiến nhờ Putin,
Anatoly Sobchak, đã từng là thị trưởng thành phố Saint Petersburg, đã mô tả
Putin như sau: “Ông ta cứng rắn như đinh đóng cột và hành động quyết đoán đến
cuối cùng.”
Nếu
xem cuộc chiến ở Chechnya là điểm khởi đầu và nhìn lại những quyết định chính
trị quan trọng nhất ở Nga trong những năm sau đó, ta phải tự hỏi tại sao phương
Tây không coi Putin là mối đe dọa sớm hơn. Bởi vì những gì ông ta làm rõ ràng
chỉ phục vụ một mục tiêu: khôi phục lại sự vĩ đại trước đây của nước Nga, bằng
bất cứ phương tiện nào.
Khi nhậm chức, Putin hứa rằng Nga sẽ “không
bao giờ sao chép mô hình tự do của phương Tây”, cam kết nắm quyền kiểm soát nhà
nước đối với ngành công nghiệp lớn và khôi phục niềm tự hào của người Nga đối với
quốc gia của họ.
Những chặng đường
quyền lực của Putin
· Đêm giao thừa năm 1999
Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ trao nhiệm vụ
chính thức cho Vladimir Putin.
. Tháng 3 năm 2005
Điều gọi là Cách mạng hoa Tulip nổ ra ở
Kyrgyzstan, gây ra lo ngại trong Điện Kremlin về các cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ
hơn nữa.
. Tháng 8 năm 2008
Quân đội Nga xâm lược Gruzia và đưa các vùng của
đất nước dưới sự kiểm soát của Moscow.
· Tháng 3 năm 2014
Vi phạm luật pháp quốc tế, Putin sáp nhập bán
đảo Crimea của Ukraine. Ngay sau đó, một cuộc chiến giữa chính quyền Ukraine và
các phiến quân thân Nga bắt đầu ở miền đông Ukraine.
.Thủ tướng Putin, Tổng thống Medvedev 2011: Biện pháp hoán vị ghế tổng thống và thủ tướng
Tổng thống
Nhưng những năm cầm quyền của Putin cũng mang
đến thất bại – những thất bại mà có lẽ chỉ tiếp thêm sức mạnh cho người đàn ông
này, người từ khi còn nhỏ luôn cảm thấy sự phản kháng là một sự xúc phạm cá
nhân. Một trong những lần thất bại là năm 2004, khi Viktor Yanukovych người được
Putin tin dùng, một chính trị gia có tiền án xuất thân từ miền đông Ukraine chịu
ảnh hưởng của Nga, chỉ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine
gian lận với ba triệu phiếu bầu – sau đó là Cách mạng Cam đã nổ ra.
Hơn 100.000 người đã xuống đường và buộc phải
bỏ phiếu lần thứ ba, mở đường cho thủ lĩnh phe đối lập Viktor Yushchenko vào chức
tổng thống. Vào thời điểm đó, sự thất bại của Putin là điều hiển nhiên: trước
đó ông đã đưa Yanukovych tới Moscow và ôm hôn trước ống kính, thậm chí đến thăm
ông hai lần ở Kyiv và ca ngợi ông là người bảo đảm cho “những chuyển đổi dân chủ”.
Điều tương tự cũng đã xảy ra đối với ông ta vào tháng 3 năm 2005. Đó là khi cuộc
Cách mạng hoa Tulip nổ ra ở Kyrgyzstan xa xôi. Những người phản đối chế độ đã
chiếm lấy ghế của chính phủ ở Bishkek bằng cuộc tấn công bất ngờ, và Tổng thống
Askar Akayev cùng gia đình chạy sang Nga bằng máy bay trực thăng. Khả năng cho
thấy mầm mống của cuộc cách mạng cũng sẽ lây lan sang các nước Cộng hòa thuộc
Liên Xô cũ.
Ở Moscow, Putin cảm thấy bất an và thất vọng.
Theo ông Viktor Cherkashin, một người đã phục vụ trong KGB 40 năm, khẳng định rằng,
cựu đại tá tình báo đã không thay đổi điều gì ở Điện Kremlin, ông là một ” người
quan liêu”. Theo lời một cố vấn của Điện Kremlin, Putin đã “mất khả năng đưa ra
quyết định”. Chính do sự thiếu ý chí của một bộ phận cầm quyền về việc “dùng vũ
lực” khi phe đối lập đã giành được thế thượng phong ở khắp mọi nơi. Người ta có
thể tưởng tượng điều này ảnh hưởng đến Putin như thế nào.
Đó có lẽ là bước ngoặt thực sự – nó không liên
quan gì nhiều đến NATO và việc Nga cáo buộc là bị bao vây từ bên ngoài. Một năm
sau, Putin chứng minh rằng ông đã rút ra được bài học. Ông đã tổ chức hội nghị
thượng đỉnh G8 trong cung điện của Đại công tước Constantine gần Saint
Petersburg. Ngay cả trước đó, phương Tây đã bị đả kích và được khẳng định hiện
nay là kẻ thù chính. Putin tuyên bố rằng Nga “trở thành là một cường quốc thế
giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Nga đã, đang và sẽ luôn là một cường quốc“.Quả
thực nền kinh tế Nga đã phát triển vượt bậc. Đồng rúp được định vị như một bổ
sung cho tiền tệ dự trữ thế giới. Chủ đề của hội nghị thượng đỉnh năm 2006 này
là an ninh năng lượng toàn cầu. Vào thời điểm đó, Putin đã phần lớn tái quốc
doanh hóa lĩnh vực dầu khí và mô tả nó là “Vị Thánh” của ông. Chỉ vài tháng trước
đó, vào ngày đầu năm mới 2006, công ty nhà nước Gazprom đã cắt nguồn cung cấp
khí đốt cho Tổng thống cải cách không được ưa thích Yushchenko và người
dân Ukraine. Thế giới từ đó mới có nhận định rằng Putin và thân cận biết giá trị
của những quân bài tẩy trong tay và sẵn sàng sử dụng chúng.
Mười sáu năm đã trôi qua kể từ khi cuộc đối đầu
về địa chính trị bắt đầu. Trong suy nghĩ của phương Tây, 16 năm không tạo ra
tác dụng đáng kể. Và điều này bất chấp thực tế là thời đó châu Âu đã bắt đầu
nói về việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của mình. Putin cũng đã lấy lại
được chỗ đứng trong chính sách đối ngoại. Ông giành lại ảnh hưởng đã mất ở các
quốc gia hậu Xô Viết và thiết lập một liên minh với Trung Quốc, Ấn Độ và
Pakistan. Nhà khoa học chính trị học Dmitrij Trenin ở Moscow vào thời điểm đó
cho rằng, chính sách đối ngoại của Nga đã đánh đổi vị thế yếu thành vị thế mạnh:
»Sự sỉ nhục thời hậu Xô Viết đã là dĩ vãng, các nhà lãnh đạo Nga thích trò chơi
cứng rắn«.
Để không vi phạm hiến pháp, vốn chỉ cho phép
hai nhiệm kỳ cho Tổng thống Nga, Putin tạm thời đồng ý thay đổi quyền lực vào
năm 2008 và trao lại chức vụ tổng thống cho Phó Thủ tướng Dmitry Medvedev. Vào
thời điểm đó, Medvedev là người được coi là một người theo chủ nghĩa tự do. Chỉ
vài tháng sau, Putin đã hối hận về bước đi này. Vào đầu tháng 8, nỗ lực của Tổng
thống Gruzia Mikheil Saakashvili nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực tự trị
Nam Ossetia đã châm ngòi cho cuộc chiến ở Gruzia. Nga đáp trả bằng cách xâm lược
Gruzia. Chiến dịch “thực thi hòa bình” được Moscow gọi là cuộc chiến thực sự đầu
tiên giữa Nga và một quốc gia hậu Liên Xô. Cuối cùng, Nga đã trừng phạt Gruzia,
quốc gia đã có khuynh hướng thân phương Tây dưới thời Saakashvili. Người Nga thậm
chí còn thả bom xuống thành phố Gori, nơi sinh của Stalin.
Vào thời điểm đó, phương Tây bất lực khi đối mặt
với chủ nghĩa Tân Đế quốc của Nga, cũng giống như hiện nay khi đối mặt với cuộc
xâm lược Ukraine. SPIEGEL đã tường trình vào mùa hè năm 2008 rằng “Nước Nga dưới
thời Putin đã bị đánh giá sai cho đến nay” – cho dù các dấu hiệu đúng ra không
thể bỏ qua. Sau cuộc đổi ghế với Medvedev và trở lại ghế tổng thống, Putin đã bỏ
qua mọi sự e dè. Vào cuối năm 2013, ông đã yêu cầu đồng nghiệp người Ukraine
Yanukovych lật ngược Thỏa thuận Liên kết với Liên minh châu Âu đã được chuẩn bị
trong nhiều năm, từ đó gây ra tình trạng nổi dậy ở Ukraine. Kết tiếp là cuộc
chiến ở miền đông Ukraine và việc chiếm đóng Crimea. Từ đó, Putin đã cô lập Nga
khỏi thế giới và tuyên bố nước này là một pháo đài. Ông ta công khai tôn thờ bạo
lực. Đạo diễn người Nga Andrei Svyagintsev trong nỗi kinh hãi cho biết: “Những
phức hợp trả thù, tự khẳng định bản thân và thù hận vô nhân đạo, ác quỷ đột ngột
được đánh thức và biến ra ngoài“ ngự trị trong tâm trí người Nga.
Tất cả những điều này đáng để nhớ lại, khi mọi
người hiện nay tỏ ra khó hiểu về động cơ xâm lược Ukraine của Putin, và hơn thế
nữa, về mức độ nguy hiểm của ông ta. Vào đầu tuần thứ ba của cuộc chiến, câu hỏi
đầu tiên được đặt ra là: Lần này Putin có tính toán sai lầm không? Có phải ông
ta đã đi quá xa so với thực tế? Các lực lượng vũ trang Nga đang tiến rất chậm,
hiện theo phỏng đoán, số thương vong có thể lên đến hàng vạn, và một số tướng
lĩnh cấp cao đã bị giết.
Về mặt kinh tế, thiệt hại cũng sẽ lớn hơn những
gì Điện Kremlin thừa nhận với công chúng Nga. Nhận thức này thậm chí còn lóe
lên với cơ quan nhà nước Nga Ria Novosti, khi cơ quan này giải quyết hậu quả của
các lệnh trừng phạt đối với hàng không Nga: 777 trong số 980 là máy bay thuê.
Chỉ có khoảng 150 máy là do Nga sản xuất, nhưng ngay cả những máy bay này cũng
sử dụng động cơ của Pháp và các thiết bị điện tử trong buồng máy của phương
Tây.
Những máy bay này phải được bảo dưỡng, cần
thay các thiết bị hao mòn và phụ tùng thay thế – tất cả những điều đó sẽ khó xảy
ra. Sự sụp đổ của ngành giao thông hàng không ở Nga chỉ còn là vấn đề thời
gian. Có phải cơ quan mật vụ, đặc biệt là cơ quan mật vụ nước ngoài SWR, đã thất
bại không phân tích được tình hình? Hay Putin thậm chí không ghi nhận những
đánh giá của cơ quan này? Cuộc họp truyền hình của Hội đồng Bảo an của ông cho
phép đưa ra một số kết luận. Sergey Naryshkin, giám đốc cơ quan tình báo nước
ngoài, đã được Putin đối xử như một cậu học trò – vị tổng thống lẽ ra không bao
giờ nên làm điều đó với người thân tín và người ủng hộ ông trong cuộc chiến
này. Cố vấn của Putin, Dmitry Kozak, đặc trách của ông về Ukraine, cũng bị đối
xử thô bạo.
Các thành viên khác của Hội đồng Bảo an cũng
chủ yếu là đồ trang sức, ngoại trừ bốn nhân vật: Bộ trưởng Quốc phòng Sergei
Shoigu, Giám đốc tình báo trong nước Alexander Bortnikov và người tiền nhiệm
Nikolai Patrushev, và Viktor Solotov, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Quốc
gia. Lực lượng cảnh sát của ông báo cáo trực tiếp cho Putin và được giao nhiệm
vụ trấn áp các cuộc phản kháng trong nước. Cả những người có chức năng trong quốc
hội và trong giới thân cận tổng thống đều không thể can thiệp vào các quyết định
quan trọng. Các nhà tài phiệt và doanh nhân của Nga cũng không còn ảnh hưởng trực
tiếp đến Putin. Có lẽ chỉ những người thân cận nhất với Putin có thể nói cho
ông ta nghe, những người như Shoigu hoặc Patrushev. Họ có lẽ sẽ nói với ông ta
những gì ông muốn nghe, và không ai trong số họ được phép nghi ngờ phán quyết của
Putin.
Nếu Putin giành được chiến thắng trong hai
ngày, ông ấy đã có thể nhận được sự hào hứng vô hạn của giới tinh hoa Nga và sự
ủng hộ hoàn toàn của người dân. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã thất
bại. Rõ ràng là Putin rất thất vọng vì điều này. Tuy nhiên, như hai thập kỷ qua
đã chứng minh, ông ta hầu như làm giảm sự thất vọng bằng cách tăng tính hiếu
chiến. Có thể khó khăn khởi đầu chỉ là một cuộc giao tranh sơ bộ đã định sẵn và
cỗ máy quân sự của Putin sẽ tấn công toàn lực trong vài ngày tới – ví dụ như ở
Kyiv. Qua việc nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Ukraine là một quốc gia do phát xít điều
hành và phương Tây là đồng phạm cho thấy sự leo thang là có thể. Đưa đoàn quân
trở về nước Nga mà không có nổi một chiến thắng là điều cấm kỵ. Vì vậy Putin sẽ
phải giải thích cho người dân của mình một cách hợp lý tại sao ông ta muốn cuộc
chiến chống “chủ nghĩa Quốc xã” và “chế độ diệt chủng” ở Ukraine kết thúc thắng
lợi. Nhiều khả năng ông ta sẽ dừng quân ở bờ đông của Dnepr và không tiến thêm
về phía tây, tuy nhiên, điều này không thực sự mang lại cho ông ta sự bình yên
về chính trị và quân sự. Tại quê nhà, ông ta sẽ biện minh cho điều đó với lời
nói dối rằng mối quan tâm duy nhất của ông ta là bảo vệ miền đông Ukraine.
Việc chiếm đóng miền tây Ukraine chống Nga sẽ
dẫn đến chiến tranh du kích, điều được coi như không thể chối cãi. Trong mọi
trường hợp, theo Giám đốc CIA William Burns, không thể đoán trước được “làm thế
nào mà người đứng đầu Điện Kremlin có thể duy trì một chế độ bù nhìn hoặc một
ban lãnh đạo thân Nga ở Ukraine mà ông ta đưa lên để chống lại sự kháng cự mãnh
liệt của người dân Ukraine.”
Đối với Nga, một lối thoát khỏi tình thế nan
giải có thể là một thủ đoạn tuyên truyền khác: Nước này có thể thông báo về tiến
bộ trong các cuộc đàm phán với người Ukraine và sau đó hùng hồn tuyên bố ngừng
bắn. Điều này sau đó sẽ được sử dụng để tìm kiếm các lựa chọn khác.
Các lựa chọn này lại không tính đến việc liệu
có các vết nứt trong vòng quyền lực của Nga hay không. Một số phương tiện truyền
thông đối lập của Nga còn lại trên Internet trong tuần này đã nhắc lại “kịch bản
về lon thuốc lá”. Điều này nhắc lại vụ ám sát Hoàng đế Nga Paul I, con trai của
Catherine Đại đế. Do tuổi thơ khó khăn của mình, ông ta bị coi là cực kỳ đa
nghi ngay cả những người thân cận nhất với mình, khó lường và thất thường, say
mê mọi thứ liên quan đến quân sự. Khi ông đề nghị cùng với Pháp tấn công Ấn Độ
thuộc Anh, tầng lớp quý tộc Nga coi ông là kẻ mất trí và chuẩn bị vụ ám sát.
Những kẻ âm mưu dạng này hiện không thấy ở
Nga. Nhưng câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra sau thời đại Putin, cũng được nhiều người
Nga đặt ra. Không ai biết những gì ông ta đã chuẩn bị cho mình một lối thoát,
nhưng chắc chắn ông ta đã có những người kế vị nào đó. Tuy nhiên, các ứng cử
viên khả dĩ không bao gồm những người thường được phỏng đoán, được nhắc đi nhắc
lại như: thủ tướng, những người đứng đầu quốc hội hoặc thị trưởng Moscow. Ngay
cả Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cũng khó có thể là một lựa chọn làm người kế nhiệm,
vì ông có quá ít uy tín. Tuy vậy, trong vòng lãnh đạo, có một người đã nhiều lần
được nhắc đến với tư cách là người kế vị đầy hứa hẹn của Putin. Ông có quan hệ
rất mật thiết với Putin, nhưng bị thuyên chuyển từ Moscow về tỉnh vài năm trước.
Người này tên là Alexei Dyumin và hiện là thống đốc vùng Tula, cách thủ đô
Moscow gần 200 km về phía nam. Dyumin phục vụ trong Cơ quan An ninh Tổng thống
từ năm 1999, thời điểm Putin trở thành thủ tướng và ngay sau đó là tổng thống.
Khi Putin trở lại nắm quyền vào năm 2008,
Dyumin đã trở thành giám đốc an ninh và phụ tá của ông. Dyumin cũng trở lại Điện
Kremlin cùng với Putin vào năm 2012, trở thành phó giám đốc phụ trách toàn bộ
cơ quan an ninh và phó cơ quan tình báo quân đội GRU. Dyumin là một trong những
người dẫn đầu cuộc thôn tính Crimea. Sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó Bộ trưởng
Quốc phòng, lúc này với quân hàm trung tướng. Việc Putin bổ nhiệm ông làm thống
đốc ở Tula vào năm 2016, chỉ vài tháng sau đó, đã khiến nhiều người khi đó ngạc
nhiên, kể cả chính Djumin. Nhưng điều đó có thể có lo-gic của riêng nó, bởi vì
trong thế giới chính trị đầy mưu mô của Moscow, những người leo cao nhanh chóng
đều bị thiêu rụi. Putin ngưỡng mộ Dyumin vì sự tận tâm của ông, gốc rễ lý lịch
trong cộng đồng tình báo và kinh nghiệm trong các chiến dịch khó khăn. Ngoài
ra, nếu được sử dụng trong giới quyền lực cao nhất, Djumin, người kém ông ta 20
tuổi, sẽ được coi là một lực lượng mới không có liên hệ với giới chóp bu trước
đó.
Có lẽ ngay cả bản thân Putin cũng không biết
khi nào Putin sẽ rời sân khấu chính trị, điều đó cũng có thể phụ thuộc vào việc
cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào.
./.
Nguồn: Tuần báo DER SPIEGEL, Số 11 / ngày 12.3.2022
(báo giấy, không có link)
No comments:
Post a Comment