Sunday, February 27, 2022

TRỤC ÁC MỚI ĐANG DẦN LỘ DIỆN (Tuấn Khanh, RFA)

 



Trục ác mới đang dần lộ diện?

Bình luận của blogger Tuấn Khanh
2022.02.27

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/evil-alliance-appears-02272022095448.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/evil-alliance-appears-02272022095448.html/@@images/cb51349a-38f0-4818-80a5-7f223c2ce2e9.jpeg

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 4/2/2022 . AFP

 

Trong khi máu và đổ nát đã diễn ra ở Ukraine trong bánh xích xe tăng của Nga, thì rõ ràng Bắc Kinh đang im lặng quan sát cách phản ứng của thế giới còn lại, và chuẩn bị cho mình những thủ pháp mới.

 

Việc Tổng thống Vladimir Putin leo thang quân sự ở Ukraine đã làm lộ diện một người bạn đường quan trọng là Trung Quốc. Người ta nhìn ra là rõ ràng, trong sự kiện binh biến tầm quốc tế này, đã có sự rỉ tai rất thân thiết giữa Putin và Tập Cận Bình. Trước đó, trong sự kiện Mỹ và nhiều quốc gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông 2022 với lý do nhân quyền, Putin đã xuất hiện đúng lúc và sáng lòa với tuyên bố chung cùng Tập Cận Bình là “hợp tác không có giới hạn”. Nhiều nhà quan sát thời sự đã sớm nhận định rằng Moscow và Bắc Kinh đang hình thành – dù không chính thức - một “liên minh chiến lược” và điều này sẽ là một mối lo về sự ổn định trật tự thế giới tự do. Trước khi tiếng súng vang lên ở Kyiv, Ukraine, đã có dự đoán cho rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ ủng hộ các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

 

Điều mà mọi người lờ mờ nhận ra, rằng “hợp tác không có giới hạn” được báo đài Nga Và Trung Quốc đưa ra, là Thế vận hội Mùa đông của Bắc Kinh được bảo đảm kết thúc tốt đẹp trong không khí thế giới hòa bình. Vài ngày sau buổi bế mạc, Putin bắt đầu lên giọng về Ukraine.

 

Rõ ràng, cuộc thể hiện quyền lực quân sự mới nhất của Điện Kremlin vừa là một bài toán hóc búa về cách bộ mặt ngoại giao của Bắc Kinh, nhưng cũng vừa là nguồn cung cấp những bài học kinh nghiệm đắt giá, cơ hội bất ngờ không kém cho Bắc Kinh. Vốn là một quốc gia luôn có âm mưu chiếm đóng và mở rộng các vùng lãnh thổ từ nhiều thế kỷ nay, bài học viễn giao cận công từ thời Tần Thủy Hoàng đã có chút thay đổi: hai kẻ mạnh đứng kề nhau, quyền lợi không nhiều chồng chéo, có thể là một kế sách chiến lược mới.

 

Tuy nhiên, thể diện và cách trình diễn nhiều màu sắc của Bắc Kinh cũng đang diễn ra. Vào ngày thứ hai của cuộc chiến xâm lăng từ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã nói một cách mềm dẻo rằng rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được bảo vệ, bao gồm cả Ukraine; và Nga và Ukraine nên quay trở lại bàn đàm phán. Đó được nhiều người coi là quan điểm rõ ràng nhất mà Trung Quốc đưa ra về tình hình hiện tại và được nhắc lại qua cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin hôm nay.

 

Nhưng đàm phán gì, khi một chính phủ chỉ còn trong tay một thành phố đổ nát, bị bao vây bằng xe tăng và hỏa tiễn. Có phải đó là loại đàm phán mà Trung Quốc từng đưa ra với Đức Đạt Lạt Ma khi đưa hàng chục ngàn quân với vũ khí hạng nặng tiến vào thủ đô Lhasa, và nói rằng muốn xây dựng một Tây Tạng mới, không còn “lạc hậu và tội ác”.

 

VIDEO : Người Ukraine bàng hoàng khi chiến tranh nổ ra

             https://www.youtube.com/watch?v=WRAUu7H6K8U

 

Trong giấc mơ sớm cho diễu hành quân đội của mình tại Đài Loan, Trung Quốc cũng tính tới những bước lâu dài là nếu chiếm đóng Đài Loan, có phải đối diện với các cuộc trừng phạt kinh tế dài lâu và mệt mỏi, mà Moscow đang bắt đầu cảm nhận được, kể từ khi Mỹ và nhiều nước khác đồng loạt tuyên bố từ ngày 24-2-2022.

 

Dù ra vẻ coi trọng chủ quyền của quốc gia, nhưng trong cách nói đầy chuẩn bị từng con chữ một, Bắc Kinh không coi Ukraine như Đài Loan, vốn luôn được xác định là một vùng đất làm loạn. Nhưng Trung Quốc sẽ cẩn thận theo dõi sự sẵn sàng của phương Tây và quyết tâm ứng phó với tình hình ở Ukraine, điều này cũng có thể được coi là dẫn chứng cho Đài Loan sau này.

 

Lúc này, chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Điện Kremlin cũng sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho Trung Quốc ở một mức độ nào đó. Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, Trung Quốc có các khoản đầu tư đáng kể và quan hệ tài chính với Nga sẽ phải chấp nhận tuân theo các lệnh trừng phạt của phương Tây. Bên cạnh đó, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine, với nguồn cung cấp ngũ cốc và thiết bị quân sự, nên điều họ Tập đang phải cân nhắc là một chính quyền mới sau khi Nga xâm lược, liệu có còn sẽ nối dài các mối cung cấp này hay không.

 

Nói gì thì nói, cuộc khủng hoảng Ukraine mang đến hai cơ hội bất ngờ cho Chủ tịch Tập. Trung Quốc coi tình hình Ukraine là một sự phân tâm đúng lúc sẽ khiến Mỹ rời xa khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và quay trở lại châu Âu, ít nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11. Điều này mang lại một sự thở phào nhẹ nhõm bất ngờ cho Trung Quốc với tư cách là đối thủ chiến lược chính của Mỹ. Và chính điều này khiến người ta tự hỏi, là có hay không một cuộc phối hợp chiến lược bài bản như vậy.

 

Chưa bao giờ người ta nhìn thấy một trục ác mới đang hình thành lại lộ rõ như vậy. Nga và Trung Quốc đang có cách ứng xử giống nhau trong tính cách độc tài và thích phô trương vũ lực. Sau sự kiện Ukraine, nếu Putin và Tập xiết chặt tay nhau để đối trọng với sự thống trị của Mỹ hoặc nhằm xa hơn các mục tiêu địa chính trị của họ, thế giới đang ở trong một tình huống vô cùng bất an.

 

Nhưng lợi thế lớn nhất của Putin và Tập lúc này là gì? Đó là một số quốc gia cộng sản lý thuyết đã tan rã nhưng giấc mơ chư hầu vẫn âm thầm còn đó, vẫn đang cắn răng chịu đựng đối diện với thế giới dân chủ, sẽ mau chóng trở cờ chào đón một cuộc cách mạng mới từ những ông chủ cũ.

 

-----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

*

Tin, bài liên quan

·         Chiến tranh Nga – Ukraine: Bom đạn bên ấy, “khói lửa” bên này

·         Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và một vài điểm nhấn đối với Việt Nam

·         Người Việt trong xiềng xích

·         Nga xâm lược Ukraine, phép thử cho Mỹ ở Biển Đông?

·         “Đòn gió Ngoại giao” thời nay





No comments:

Post a Comment