Trò
chơi dân gian Nu Na Nu Nống và võ sĩ Joe Louis tuổi Dần
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 01/02/2022 - 14:20
Nu Na Nu Nống, một trò chơi dân gian bị chìm vào
quên lãng, một huyền thoại trong làng quyền anh thế giới cầm tinh con Cọp
và những năm Dần lẫy lừng trong sự nghiệp của « Hổ Chúa » Joe Louis
(1914-1981). Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư, tại Lyon thử giải đáp về ý nghĩa và xuất
xứ của trò Nu Na Nu Nống. Từ Chicago, nhạc sĩ Dương Hồng Kỳ nhìn lại sự nghiệp
của Joe Louis trong bối cảnh chính trị đặc biệt của nước Mỹ trước Thế Chiến Thứ
Hai.
Trò chơi dân gian Rồng rắn lên
mây. © Tranh Hàng Trống
Nhảy lò
cò, khiêng kiệu, mèo bắt chuột, đánh chuyền… vẫn còn là những trò chơi được học
trò Việt Nam ưa chuộng. Hiếm hơn một chút là cơ hội thả diều, đấu
pháo đất. Bên cạnh đó có những trò chơi bắt đầu chìm vào quên lãng : đó là
những trò chơi « hiền lành » như chi chi chành chành, kéo cưa lửa xẻ,
thả đỉa ba ba. Không biết trẻ con Việt Nam ngày nay có còn chơi trò Nu Na
Nu Nống hay không ? Chơi như thế nào, « Nu Na Nu Nống »
nghĩa là gì và xuất xứ của trò chơi ấy từ đâu ?
Trong tạp
chí ngày đầu xuân Nhâm Dần RFI tiếng Việt mời nhà nghiên cứu Nguyễn Dư trả lời các câu hỏi trên. Trước hết ông nhắc
lại Nu Na Nu Nống chơi như thế nào ?
NGHE
: Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư- Lyon
« Không
biết trẻ con Việt Nam ngày nay có còn chơi Nu na nu nống không?
Với cái đà đô thị hoá như bây giờ thì khó mà chơi được. Nơi nào cũng mở mang,
thi nhau xây nhà cao tầng. Mỗi thước đất là một cục vàng. Tìm được một góc vỉa
hè thông thoáng để chơi không phải là chuyện dễ.
Nu Na
Nu Nống là trò
chơi gì mà đòi hỏi khó khăn như vậy?
Chẳng có
gì là khó khăn. Ngược lại, Nu Na Nu Nống rất dễ chơi.
Con trai,
con gái đứa nào muốn chơi thì ngồi cạnh nhau, duỗi hai chân ra phía trước, xếp
thành hàng ngang. Đứa làm trưởng trò ngồi giữa hoặc ngồi đầu hàng phía tay trái
hay tay phải tuỳ ý. Trưởng trò dùng tay lần lượt chạm vào bàn chân những đứa
khác. Vừa chạm vừa hát bài Nu Na Nu Nống.
Nu Na Nu Nống
Cái
cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú hụ
Bà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he chân rụt.
Chạm hết
hàng chân thì quay trở lại, tiếp tục cho đến hết bài hát.
Tiếng cuối
cùng của bài hát rơi vào chân nào thì chân ấy phải rụt về. Trò chơi tiếp tục lại
từ đầu bài hát. Cứ như vậy, cho đến bàn chân cuối cùng. Đứa cuối cùng này bị
thua, phải làm trưởng trò chơi ván khác.
Muốn cho
trò chơi tăng thêm hồi hộp, thú vị thì trưởng trò có thể ngân nga kéo dài tiếng
cuối cùng rồi bất chợt vung tay chạm bất cứ chân nào. Chơi như vậy bắt buộc đứa
nào cũng phải chăm chú.
Nu Na
Nu Nống không cần
chạy nhảy, hò hét. Không làm dơ bẩn chỗ chơi. Người lớn có vẻ bằng lòng cái trò
‘dễ thương’ này ».
Một trò chơi xuất hiện từ khi nào ?
Nguyễn
Dư : « Ngay cả Ngô Quý Sơn, người biên khảo về các trò chơi của trẻ
con, cũng không trả lời được. Kể cả những người giúp ông đi điều tra, ghi chép
thông tin cũng không ai biết nghĩa là gì. Có lẽ vì vậy mà Ngô Quý Sơn mới đi đến
kết luận là tên Nu na nu nống không có nghĩa. Tuy nhiên, Ngô
Quý Sơn cũng cho biết một điều bên lề là những cộng sự già nua nhất của ông lúc
bé cũng đã từng chơi Nu Na Nu Nống. Dựa vào bằng chứng này,
ông cho rằng trò chơi Nu Na Nu Nống đã có từ lâu.
Sách Jeux
d´enfants du Vietnam (Trò chơi của trẻ con Việt Nam) của
Ngô Quý Sơn xuất bản năm 1943. Tạm cho là cộng sự già nua nhất của Ngô
Quý Sơn lúc này thọ khoảng 70 tuổi. (1943 – 70 = 1873). Như vậy thì trò
chơi Nu na nu nống phải có từ trước năm 1884, trước ngày kí hiệp
ước Patenôtre công nhận Pháp đô hộ nước ta. Có thể khẳng định rằng Nu
na nu nống là một trò chơi Việt Nam).
Có nhiều
bài hát Nu Na Nu Nống. Ngắn gọn nhất có lẽ là
bài:
Nu na nu nống
Thằng cống cái cạc
Chân vàng chân bạc
Đá
xỉa đá xoi
Đá
đầu con voi
Đá
chân thì rụt
Các bài
hát đều bắt đầu bằng câu Nu na nu nống. Trừ một bài:
Nu nả, nu na
Nở ra tua túa
Nổ túa lên trời
Nổ rơi xuống đất
Nổ bật nắp vung
Nổ tung nón lá
Nu nả, nu na.
Tất cả các
bài hát đều có cặp từ Nu na. Điều này cho thấy rằng Nu na là
từ chính. Nu nả hay Nu nống là từ phụ, từ lắp
láy của Nu na ».
Chữ nghĩa xuất phát từ chữ Hán
Nhà nghiên
cứu Nguyễn Dư giải thích :
« Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức định
nghĩa : Nu na là: Một trò chơi của trẻ con, ngồi duỗi chân ra
mà đếm. Nghĩa rộng của Nu na là : Ngồi thong thả nhàn hạ. Công
việc không có, ngồi nu na với nhau cả ngày.
Việt Nam tự điển của
Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ
định nghĩa: Nu na là: Đồ chơi của trẻ con như cái nghiên
mực, đáy thật mỏng, để giáng úp xuống cho nổ. Chơi nu na, nắn nu na.
(Chơi
nu na của Lê Văn Đức được tranh Oger gọi nôm na là Trẻ con
đánh pháo bằng đất)
Tự điển Việt Hoa Pháp của
Gustave Hue cũng định
nghĩa Nu na nu nống là một trò chơi. Nhưng G. Hue lại đưa ra một
câu nói khó hiểu làm thí dụ: Chồng đống mà nu na nu nống.
Chồng đống là trò chơi Chồng đống
chồng đe của trẻ con.
Người chơi
đứng hay ngồi thành vòng tròn, hai nắm tay đưa ra đằng trước, chồng lên nhau. Tất
cả chất thành một đống cao. Trưởng trò vừa hát bài Chồng đống chồng đe vừa
đưa tay đụng lần lượt cái đống nắm tay…
Chồng đống chồng đe
Con chim le lưỡi
Nó chỉ thằng nào?
Nó chỉ thằng này.
Cách
chơi Chồng đống chồng đe tương tự Nu Na Nu Nống. Một
đằng chồng tay, một đằng xếp chân. Chồng đống mà nu na nu nống. Nói
rõ hơn là Chồng đống mà chơi Nu na nu nống. Nghĩa
là muốn chơi Nu Na Nu Nống thì phải có thêm trò chơi Chồng
đống. Vô lí! Phải chấp nhận rằng Nu Na Nu Nống của
câu nói không phải là một trò chơi. Nu na nu nống còn
có nghĩa gì khác.
Nói tóm lại,
ba cuốn từ điển cho thấy Nu na (nu nống)có thể là một
trò chơi, một thứ đồ chơi hay một trạng thái như… ngồi thong thả, nhàn
hạ.
Nghĩa thứ
ba thật bất ngờ, thú vị. Nu na là Ngồi thong thả, nhàn
hạ. Có một bài ca dao chế giễu tục Tảo hôn (Lấy vợ sớm)
dùng nghĩa này:
Chồng lên tám, vợ mười ba
Ngồi rỗi nu nống nu na đỡ buồn
Mười tám vợ đã lớn khôn
Nu
na nu nống chồng còn mười ba
Mẹ ơi ! Con phải gỡ ra
Chồng con nu nống nu na suốt ngày
Đêm nằm khắc khoải canh chầy!
Cô vợ trẻ
than thở với mẹ rằng anh chồng bé con chỉ biết ban ngày thong thả ngồi chơi,
ban đêm lăn ra ngủ khì. Nu Na (Nu Nống) đúng là trạng thái
thong thả, nhàn hạ.
Tranh Oger
có tấm vẽ trẻ con chơi Nu na nu nống. Tên tranh bằng chữ Hán
là Nô na. Nô na nghĩa là gì?
Nô: Đầy tớ. Ngày xưa con cái kẻ có tội
phải vào làm đầy tớ cho nhà quan gọi là nô (Đào Duy Anh).
Nô: Đứa ở. Luật ngày xưa người nào có tội
thì bắt con gái người ấy vào hầu hạ nhà quan, gọi là nô tì. Về sau
kẻ nào nghèo khó bán mình cho người, mà nương theo về họ người ta cũng gọi
là nô (Thiều Chửu).
Nô bộc là đầy tớ trai. Nô tì là
đầy tớ gái.
Na: An nhàn. Hữu na kì cư là Chỗ
ở an nhàn (Thiều Chửu).
Na (Nghỉ): En paix, tranquille (an
nhàn), se reposer (nghỉ ngơi) (Génibrel).
(Từ điển
Đào Duy Anh không có Na nghĩa là an nhàn, nghỉ
ngơi).
Nói tóm lại, Nô
na nghĩa là Đầy tớ lúc được an nhàn, nghỉ ngơi. Đầy tớ
được an nhàn, nghỉ ngơi có thể hiểu là lúc được chơi đùa. Nghĩa rộng của Nô
na là Đầy tớ chơi đùa lúc được an nhàn, nghỉ ngơi.
Nô na của chữ Hán bị nói sai hay nói
trại thành Nu na của tiếng Việt.
Nô na ban đầu nghĩa là Đầy tớ (chơi
đùa) lúc an nhàn. Nô na bị bóp méo thành Nu na. Cuối
cùng, Nu na (nu nống) được hiểu theo nghĩa là Trò
chơi của trẻ con.
Nu na là trò chơi chứ không phải là đồ
chơi.
Nu na có thể là trò chơi Nặn
pháo bằng đất. Nu na không phải là cái pháo bằng đất.
Đầy tớ được
giải phóng, được mời vào cùng chơi đùa với trẻ con.
Vui vẻ cả
làng. Tha hồ Nu Na Nu Nống!
Huyền thoại Cọp Chúa Joe Louis
Nhâm Dần
nói chuyện Cọp : năm nay là năm tuổi của rất nhiều vĩ nhân trên thế giới,
như nữ hoàng Anh, Elizabeth II, ca sĩ người Mỹ Lady Gaga hay ông vua quần vợt
Tây Ban Nha, Rafael Nadal. Nhìn về quá khứ lịch sử thể thao Hoa Kỳ từng rất tự
hào với ông Cọp Chúa Joe Louis sinh năm Giáp Dần và những năm Dần luôn là những
cột mốc quan trọng trong gần 20 năm sự nghiệp của ông. Từ Chicago nhạc sĩ Dương
Hồng Kỳ phác họa lại chân dung của huyền thoại da màu cầm tinh con Cọp mang tên
Joe Louis :
Nghe
: Nhạc sĩ Dương Hồng Kỳ- Chicago
Nhạc sĩ Dương Hồng Kỳ : Ngược thời gian nhìn lại huyền
thoại quyền anh Joe Louis : « Nhà vô địch thế giới Quyền Anh hạng nặng
nổi tiếng bậc nhất lịch sử có lẽ là Joe Louis của Hoa Kỳ. Joe Louis tên thật là
Joe Louis Barrow, nhưng khi đề cập đến
nhà vô địch này, ai cũng chỉ gọi tắt là Joe Louis. Và Joe Louis "cầm tinh
con cọp", tức tuổi Dần.
Joe Louis
sinh năm 1914 (năm Giáp Dần) tại Chambers County, thuộc tiểu bang
Alabama, là con của Monroe và Lillie Barrow. Cha của ông ta (Monroe) là
người da màu nhưng ít nhiều cũng có mang thêm dòng máu Âu Châu, còn mẹ (Lillie)
có nửa dòng máu Cherokee (tên một bộ lạc thổ dân da đỏ).
Sự nghiệp
của Joe Louis bắt đầu từ năm 1934 và chấm dứt vào năm 1951. Ông ta giữ chức vô
địch từ năm 1937 cho đến 1949 khi ông ta giải nghệ lần thức nhất. Trong suốt thời
gian này, ông ta đã bảo vệ chức vô địch 25 lần trong 13 năm, tất cả đều là kỷ lục
tuyệt đối của tất cá các hạng trong bộ môn Quyền Anh. Lúc giải nghệ
(lần thứ nhất 1949), Joe Louis đã đấu tất cả 61 trận, thắng 60, chỉ thua có 1.
Mỉa mai
thay, chính trận thua của Joe Louis lại là đề tài được bàn đến nhiều nhất. Đó
là trận thứ 28 trong đời làm võ sĩ của ông ta vào năm 1936. Sau khi thắng liên
tiếp 27 trận (với 0 trận thua), Joe Louis được xem là võ sĩ số 1 của
Quyền Anh, là nhà vô địch chưa mang đai. Đối thủ của Joe Louis trận đó là Max Schmeling người Đức, từng giữ qua chức
vô địch Quyền Anh hạng nặng. Max Schmeling từng bị một cựu vô địch khác của Hoa
Kỳ là Max Baer hạ đo ván trong khi
chính bản thân Max Baer từng bị thảm bại dưới tay Joe
Louis nên không ai nghĩ Joe Louis có thể thua được. Nhưng ai có ngờ đâu Max
Schmeling đã âm thầm nghiên cứu lối đánh của Joe Louis. Và khi thượng đài,
trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, Schmeling đã chế ngự được
minh tinh số 1 của Quyền Anh lúc bấy giờ bằng cách hạ gục Joe Louis
vào hiệp thứ 12. Nhưng điều sỉ nhục cho Joe Louis nhất không phải là bại
trận mà là thái độ của lãnh tụ Đức Quốc Xã Hitler khi vinh danh Max
Schmeling, đưa đi khắp Âu Châu, hãnh diện khoe rằng người Đức không
thể thua ai được, nhất là dân da màu ».
Khi người Mỹ da trắng hãnh diện vì một
huyền thoại da màu
Nhạc sĩ
Dương Hồng Kỳ nhấn mạnh đến ý nghĩa cuộc phục thù : «Joe Louis phải đợi đến
tháng 6 năm 1937, sau 8 trận thắng nữa mới được quyền đụng đương kim vô địch James Braddock (Hoa Kỳ) lúc
bấy giờ. Joe Louis đã hạ đo ván James Braddock vào hiệp thứ 8 để đoạt chức vô địch
thế giới Quyền Anh hạng nặng. Và kể từ đó cho đến lúc giải nghệ lần thứ nhất
vào năm 1949, từng võ sĩ một, ai ai cũng phải gục ngã khi lên đài so
găng với “Hổ Chúa” Joe Louis.
Trong thời
gian này, Joe Louis tái đấu với Max
Schmeling vào năm 1938. Trận đấu này đối với dân Hoa Kỳ và dân Đức không phải
chỉ là một trận đấu Quyền Anh tranh vô địch bình thường, cũng không phải là trận
phục thù của Joe Louis, mà còn là thể diện của hai quốc gia giữa Hoa Kỳ và Đức
Quốc Xã nữa, chẳng khác gì Đệ Nhị Thế Chiến. Và lần đầu tiên trong lịch
sử Hoa Kỳ, dân da trắng không ngần ngại lên tiếng ủng hộ một võ sĩ da màu, hãnh
diện công nhận rằng Joe Louis xứng đáng đại diện cho họ trước một đối thủ mà Đức
Quốc Xã đang đặt nhiều kỳ vọng. Và Joe Louis dĩ nhiên không làm họ
thất vọng khi hạ đo ván, đánh ngã Max Schmeling tới 3 lần chỉ vỏn vẹn trong 2
phút 4 giây của hiệp 1.
Cứ như thế,
Joe Louis đi từ trận thắng này đến trận thắng nọ, và rồi không ai còn là đối thủ
của anh ta nữa. Đến năm 1949, với thành tích 60 trận thắng, chỉ có 1 trận thua,
bảo vệ chức vô địch 25 lần trong 13 năm, Joe Louis lên tiếng giải nghệ.
Năm 1950,
vì thiếu thuế chính phủ hơn nửa triệu Mỹ Kim, Joe Louis không còn đường nào lựa
chọn nên phải trở lại võ đài. Tranh chức vô địch với tân vô địch lúc bấy giở là
Ezzard Charles, Joe Louis thua điểm
chật vật sau 15 hiệp. Sau đó, Joe Louis thắng 8 trận liên tiếp trước khi đụng Rocky Marciano (Hoa Kỳ). Trận đấu giữa
Joe Louis và Rocky Marciano rất quan trọng vì người thắng sẽ được quyền thượng
đài tranh chức vô địch sau đó.
Nhưng kết
quả không được như ý cho Joe Louis, anh ta bị Rocky Marciano hạ đo ván vào hiệp
thứ 8 (Rocky Marciano sau đó đoạt chức vô địch Quyền Anh hạng nặng. Rocky
Marciano cũng là nhà vô địch Quyền Anh hạng nặng xuất sắc bậc nhất, và
cũng là nhà vô địch Quyền Anh hạng nặng duy nhất bất bại, không thua,
không hòa trận nào với 49 trận thắng. Hy vọng sẽ có dịp chia sẻ với độc giả về
Rocky Marciano một ngày gần đây). Sau trận đấu, thay vì ăn mừng chiến
thắng, Rocky Marciano đến gặp Joe Louis an ủi, rồi nhỏ lệ,
nói: “I’m sorry, Joe” (Tôi rất tiếc, Joe [cũng có thể nói: Tôi xin lỗi,
Joe]). Joe Louis cảm động đáp lại rằng: “What’s the use of crying? The better
man won. I guess everything happens for the best” (Có gì đâu mà phải khóc?
Người giỏi hơn tất thắng. Tôi nghĩ chuyện gì xảy ra cũng có lý do chính đáng của
nó).”
Sau trận
thua Rocky Marciano, Joe Louis giải nghệ lần thứ nhì, vĩnh viễn rời xa võ đài.
Đến nay, Joe Louis đương nhiên đã khuất bóng, nhưng tên tuổi
của ông ta bất tử, vẫn sống mãi với thời gian, không những trong giới
Quyền Anh mà còn ở ngoài đời sống nhân văn nữa, và sẽ tiếp tục sống
mãi muôn đời. Không những thế Joe Louis còn là một tấm gương sáng
cho mọi người noi theo, là người không mặc cảm với màu da của mình,
theo đuổi hoài bão đến cùng để rồi tự giành lấy cho mình một chỗ đứng trong lịch
sử Quyền Anh nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung ».
No comments:
Post a Comment