Sunday, February 6, 2022

THƯƠNG YÊU NÀO CHO NGƯỜI (Theodore Dalrymple)

 



Thương yêu nào cho người

Theodore Dalrymple

4/02/22

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/24012-thuong-yeu-nao-cho-ngu-i

 

Hầu như mỗi trí thức đều khẳng định trong lòng họ chỉ nghĩ đến phúc lợi của con người, và đặc biệt phúc lợi của người nghèo : nhưng vì không có vụ giết quá nhiều người nào diễn ra mà thủ phạm lại không tuyên bố rằng họ hành động vì lợi ích của nhân loại, nên tình cảm bác ái có thể thể hiện rõ ràng qua muôn vàn cách.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51861543532_ebc9f661b2.jpg

Khác với Gerasim chăm bẳm nuôi nấng nó với tất cả sự tận tụy dịu dàng, bà địa chủ lại muốn con chó phải yêu bà ngay lập tức, chỉ vì bà là người có quyền lực.

 

Hai tác giả lớn người Âu Châu vào thế kỷ thứ mười chín, Ivan Turgenev và Karl Marx, minh họa rất rõ ràng sự đa dạng này. Cả hai đều cùng sinh vào năm 1818 và cùng mất vào năm 1883, và cuộc đời của họ còn giống nhau gần như một cách kỳ lạ về nhiều điểm khác. Tuy nhiên cuối cùng họ có cái nhìn rất khác nhau, thực ra xung khắc tưởng chừng như hai thái cực khác hẳn, về cuộc đời và khổ đau của kiếp người. Turgenev thấy con người là những cá nhân luôn luôn được tạo hóa ban cho ý thức, tính cách, tình cảm, cùng những điểm mạnh và yếu về đạo đức ; Marx thấy họ là những bông tuyết trong cơn tuyết lở, là những trường hợp của các quy luật chung, là chưa hẳn là người vì bị hoàn cảnh chi phối hoàn toàn. Nơi Turgenev thấy con người, Marx thấy giai cấp ; nơi Turgenev thấy dân chúng, Marx thấy Nhân dân. Hai cách nhìn đời này tiếp tục tồn tại cho đến thời của chúng ta và vẫn ảnh hưởng sâu sắc, dù tốt hay xấu, đến các giải pháp chúng ta đưa ra cho các vấn đề xã hội.

 

Những điểm tương đồng trong nghề nghiệp giữa hai người khởi sự từ việc họ cùng theo học trường Đại học Berlin trong cùng thời gian, tại đây cả hai chịu ảnh hưởng sâu sắc - đến độ say mê-triết học biện chứng Hegel đang thịnh hành. Do thế, cả hai đều tính trở thành giáo sư dạy triết ở trường đại học, nhưng không có ai từng giảng dạy. Họ có nhiều người quen chung ở Berlin, trong đó có Mikhail Bakunin, nhà quý tộc Nga về sau trở thành nhà cách mạng theo chủ trương vô chính phủ, triết gia Bruno Bauer, và nhà thơ quá khích Georg Herwegh. Họ có điểm chung là chẳng màng đến tiền bạc, có lẽ vì cả hai đều sinh ra trong cảnh giàu sang nên chẳng bao giờ lo âu đến chuyện tiền nong. Lúc bắt đầu theo nghiệp cầm bút cả hai đều là những nhà thơ lãng mạn, tuy thơ của Turgenev được xuất bản nhiều hơn thơ của Marx.

 

Ảnh hưởng và thị hiếu văn chương của hai người đều giống nhau. Mỗi người đều đọc nhiều tác phẩm cổ điển La Tinh và Hy Lạp ; mỗi người đều có thể trích dẫn Shakespeare bằng tiếng Anh. Cả hai đã học tiếng Tây Ban Nha để đọc Calderón. (Turgenev, tất nhiên, học tiếng này để thể hiện qua ngôn ngữ bản xứ mối tình lớn nhưng không toại nguyện trong đời ông, nữ danh ca opera Pauline Viardot). Cả hai ngưòi đang ở Brussels vào lúc nổ ra cuộc cách mạng năm 1848 chống lại Quân chủ tháng Bảy tại Pháp, và cả hai rời khỏi nơi đấy để quan sát những biến cố ở nơi khác. Người bạn Nga thân nhất của Turgenev, Pavel Annenkov, người được ông đề tặng nhiều tác phẩm, biết Marx rất rõ ở Brussels và đã tả những điều không hay về Marx. Cảnh sát chìm theo đõi cả hai người, và cả hai đều sống phần lớn cuộc đời trưởng thành, và đều mất, trong cảnh lưu vong. Mỗi người đều có con riêng với người giúp việc : ở Turgenev đó là lầm lỡ tuổi trẻ, ở Marx đó là lầm lỗi lúc đã đứng tuổi. Tuy nhiên, khác với Marx, Turgenev thừa nhận con và cấp tiền nuôi dưỡng.

 

Người ta biết cả hai đều cảm thông với những phận người bị chà đạp và bị áp bức. Nhưng cho dù họ rất giống nhau ở nhiều điểm về giáo dục và kinh nghiệm, bản chất lòng trắc ẩn ở mỗi người lại khác nhau như một trời một vực : vì trong khi ở người này lòng trắc ẩn, bắt nguồn từ đau khổ của những cá nhân, là thực thì ở người kia lòng trắc ẩn, trừu tượng và chung chung, lại là không thực.

 

Để thấy sự khác biệt ấy, chúng ta hãy so sánh truyện "Mumu" vào năm 1852 của Turgenev với Tuyên ngôn Cộng sản của Marx được viết trước đó bốn năm. Cả hai tác phẩm, hầu như dài bằng nhau, đều ra đời trong hoàn cảnh khó khăn : Marx, do hoạt động cách mạng nên bị trục xuất khỏi nước Pháp, đang ở Brussels, nơi ông chẳng muốn ở và cũng chẳng có thu nhập gì, còn Turgenev đang bị quản thúc ở Spasskoye, điền trang hẻo lánh của ông ở phía tây nam Mạc Tư Khoa, vì đã viết Bút ký người đi săn, một tác phẩm bị xem là phá hoại khi lên án kín đáo chế độ nông nô. Viên chức kiểm duyệt cho phép tác phẩm được xuất bản đã bị sa thải và bị tước tiền hưu.

 

Truyện "Mumu" lấy bối cảnh ở Mạc Tư Khoa vào thời nông nô. Gerasim là nông nô có vóc người và sức mạnh phi thường nhưng bị câm và điếc, được chủ mình, một địa chủ già và khắc nghiệt, đưa từ quê ra thành phố. Vì không nói ra lời được Gerasim đành vụng về tán tỉnh một thiếu nữ nông dân tên Tatyana, người cũng thuộc quyền sở hữu của cùng địa chủ. Song, địa chủ, một người đàn bà góa tính tình chua ngoa và cay nghiệt, tự nhiên vô cớ, quyết định gả quách Tatyana cho một nông nô khác của bà, một người thợ vá giày hay say sưa tên Kapiton, qua đấy làm vỡ tan bao hy vọng của Gerasim.

 

Không bao lâu sau, Gerasim thấy một con chó con suýt bị chết đắm ở một dòng suối đầy bùn. Hắn cứu con chó và đem về nuôi nấng săn sóc cho đến khi nó khôn lớn và khoẻ mạnh. Hắn gọi nó là Mumu, đó là tiếng gần giống tiếng người nhất mà hắn có thể bật ra được, và mọi người làm công cho địa chủ ở Mạc Tư Khoa liền gọi con chó theo tên ấy. Gerasim càng ngày càng rất yêu thích con chó, người bạn chân thành duy nhất của mình, và hắn cho con chó sống chung với mình trong căn phòng nhỏ, và nó lẽo đẽo đi theo hắn khắp mọi nơi như hình với bóng. Con chó cũng thương hắn vô cùng.

 

Ngày nọ nhìn qua cửa sổ bà địa chủ thấy Mumu liền sai người mang con chó đến. Nhưng Mumu sợ bà nên nhe răng gầm gừ. Bà bỗng chợt thấy ghét con chó bèn ra lệnh tống khứ nó đi cho khuất mắt. Một người giúp việc của bà đem con chó đi bán cho người lạ. Gerasim cuống cuồng lên tìm kiếm chó khắp nơi nhưng không thấy. Tuy nhiên, Mumu lần tìm được đường trở về lại với hắn khiến hắn vui mừng khôn xiết.

 

Không may vào tối hôm sau Mumu lại cất tiếng sủa khiến bà địa chủ thức giấc. Tin rằng mình khổ sở đau đớn do sự mất ngủ này, bà ra lệnh lần này phải giết con chó. Những người giúp việc cho bà đến gặp Gerasim và ra dấu để truyền đạt mệnh lệnh của chủ. Gerasim, nhận ra kết cục tất yếu, hứa sẽ tự tay mình giết chó.

 

Sau đây là hai trích đoạn cảm động đến tưởng như đau xé lòng. Ở trích đoạn đầu, Gerasim đưa Mumu đến quán rượu trong vùng : 

 

"Trong quán rượu họ biết Gerasim và hiểu được ngôn ngữ ra dấu của hắn. Hắn gọi xúp cải bắp và thịt rồi ngồi đặt hai tay trên bàn. Mumu đứng kế bên cạnh ghế, đưa đôi mắt tinh anh vô tư nhìn hắn. Bộ lông của nó sáng ửng lên : rõ ràng bộ lông nó mới vừa được chải chuốt mượt mà. Họ mang ra cho Gerasim món xúp cải bắp. Hắn bẻ vụn bánh mỳ cho vào xúp, cắt thịt ra từng miếng nhỏ rồi đặt bát xúp xuống dưới nền nhà. Mumu bắt đầu ăn món ăn ngon thường lệ, cái mõm của nó tưởng chừng như không chạm đến thức ăn. Gerasim nhìn chăm chú nó thật lâu ; bất ngờ từ khoé mắt hắn ứa lăn ra hai giọt nước mắt nằng nặng : một giọt rơi trên trán con chó, giọt kia rơi vào súp. Hắn lấy hai tay che mặt. Mumu ăn hết nửa bát súp rồi vừa bỏ đi vừa liếm lông. Gerasim đứng lên, trả tiền bát xúp rồi rời quán".

 

Hắn đưa Mumu đi xuôi về hướng sông, dọc đường nhặt vài cục gạch. Đến bờ sông, hắn xuống thuyền với Mumu rồi chèo ra thật xa.

 

"Cuối cùng vẻ mặt buồn thảm cay đắng, Gerashim ngồi thẳng lên,vội vã lấy dây buộc những viên gạch lại với nhau thành cái thòng lọng, tròng nó quanh cổ Mumu, bế con chó lên trên mặt nước, nhìn nó lần cuối cùng ...Đầy tin tưởng và chẳng sợ hãi nó nhìn hắn và vẫy nhẹ đuôi. Hắn nhăn mặt quay đi rồi buông ra ...Gerashim không nghe gì, không nghe tiếng rên rỉ của Mumu khi rơi xuống, hay tiếng rơi tõm nặng nề trên mặt nước ; đối với hắn ngày ồn ào nhất vẫn là ngày yên ắng chẳng mảy may âm thanh gì, còn hơn cả đêm yên tĩnh nhất có thể không có tiếng động nào đối với ta ; rồi khi hắn mở mắt ra lại những làn sóng nhỏ vẫn luôn luôn chảy vội vã trên mặt nước, như thể đuổi bắt nhau, như thể chúng vẫn luôn luôn vỗ nhẹ vào mạn thuyền, và xa tít đằng sau một hay hai vòng tròn lớn đang lan toả vào bờ".

 

Chúng ta biết sau khi Mumu chết Gerashim bỏ trốn về lại làng cũ, nơi hắn làm việc quần quật ngoài đồng như một nô lệ : nhưng từ đấy hắn không bao giờ gắn bó thân thiết với người hay chó nữa.

 

Khi nhà cách mạng Nga lưu vong Alexander Herzen, vốn là người uyên bác thuộc dòng dõi quý tộc, đọc truyện này, ông giận run lên. Thomas Carlyle khẳng định đây là truyện xúc động nhất ông đã từng đọc. Còn John Galsworthy khi bàn về truyện đã thốt lên "chưa từng có ai viết ra được những lời xúc động nao lòng người hơn thế để lên án sự độc ác hà khắc". Và một người bà con của Turgenev, người được tác giả đọc "Mumu" cho, sau này viết, "Phải là một người rất tốt và nhân ái lắm mới thấu hiểu và diễn đạt được cảnh ngộ và bao đau đớn ở trong lòng người khác như thế".

 

Truyện có tính tự sự, và địa chủ cay nghiệt, xét nét, độc đoán, và ích kỷ ấy chính là mẹ tác giả, Varvara Petrovna Turgeneva. Chồng mất sớm, bà thành lãnh chúa tuyệt đối ở điền trang của mình. Nhiều câu chuyện về sự độc ác của bà vẫn còn lưu truyền đến chúng ta, tuy rằng không phải tất cả đều thật : chẳng hạn, bà đày hai nông nô lên Siberia chỉ vì cái tội không cúi đầu chào bà khi bà đi ngang qua - vì họ không thấy bà. Còn nhân vật Gerasim thật sự ngoài đời là một nông nô bị câm và điếc tên Andrei thuộc về Varvara Petrovna.

 

Rõ ràng "Mumu" là tiếng kêu bi thương phẫn uất chống lại sự thực thi quyền lực độc đoán giữa người với người, nhưng sự lên án ấy không nhằm mục tiêu chính trị. Dù sự lên án ấy hiển nhiên nhắm vào chế độ nông nô, nhưng truyện không ám chỉ rằng tàn nhẫn là đặc quyền chỉ riêng của những địa chủ phong kiến, và rằng giá như chế độ nông nô bị xóa bỏ đi thì ta không còn cần thiết phải cảnh giác với sự độc ác như thế. Nếu quyền lực là một đặc trưng mãi mãi hiện diện trong các mối quan hệ của con người - dẫu chắc chắn chỉ có tuổi mới lớn và những loại trí thức nào đấy, trong đó có cả Marx, mới mơ tưởng quyền lực tiêu vong - thì "Mumu"là lời kêu gọi bất tử thúc giục ta nên nhân ái, tự chủ, và công bằng khi thực thi quyền lực. Vì lẽ ấy 140 năm sau khi xóa bỏ chế độ nông nô ở Nga "Mumu" vẫn không mất đi sức mạnh làm lay động lòng người ; dù truyện diễn ra ở nơi chốn cụ thể vào thời gian cụ thể, truyện cũng mang tính phổ quát.

 

Khi đưa ra quan điểm chung của mình, Turgenev không gợi ý rằng các nhân vật của ông hoàn toàn không phải là những cá nhân với những đặc điểm riêng của mỗi người. Ông không xem họ chỉ là những thành viên của tập thể hay giai cấp, do bị áp bức nên hành động theo những cách đã định trước tựa như những tàu điện luôn luôn chạy trên những đường ray định sẵn : cho nên nhận xét tinh tế của ông về nhân vật thậm chí hèn mọn nhất vẫn là lời chứng thực có thể hùng hồn nhất cho niềm tin của ông về nhân tính của họ. Tuy là nhà đại quý tộc, và quen biết với những tâm hồn lỗi lạc nhất của Châu Âu, ông chẳng khinh khi xem thường người nông dân hèn mọn nhất, ngưòi mà không thể nghe và nói được. Những người nông dân bị đè nén của Turgenev hoàn toàn là những con người, được tạo hóa phú cho ý chí tự do và khả năng biết chọn giữa thiện và ác.

 

Ông tương phản tình thương dịu dàng Gerasim dành cho Mumu với tính tình khó chịu ích kỷ của địa chủ. "Thằng câm đó mà cũng có chó sao ?" bà hỏi, mà không chợt nghĩ thoáng qua trong đầu là biết đâu "thằng câm đó" cũng có niềm vui và yêu thương riêng của hắn. "Ai cho phép nó nuôi chó trong sân nhà tao ?".

 

Turgenev không gợi ý rằng quyền lực gần như tuyệt đối của bà địa chủ góa chồng dù gì nữa cũng đáng mơ ước cho bao người. Tuy mộ đạo theo cách hời hợt và hay răn dạy kiểu kẻ cả, bà coi Chúa là kẻ hầu, chứ không phải là chủ, và bà không thừa nhận bất kỳ giới hạn nào, dù của Chúa hay của luật pháp, cho sự thực thi ý muốn của mình. Kết quả là bà đau khổ, tâm trạng lúc nào cũng khó chịu, không bao giờ được vừa lòng, và sinh ra bệnh tưởng. Những ý muốn thất thường của bà dù có được thoả mãn nhưng vẫn không mang lại cho bà niềm vui, chính xác chỉ vì đó là những ý muốn thất thường chứ không phải là những mong muốn thật sự ; và -vì quen với sự phục tùng, và vì tin mình xứng đáng nhận được sự phục tùng - nên khi gặp phản kháng, dù phản kháng của thời gian, bà thấy không chịu đựng được.

 

Ví dụ, khi Mumu được đưa đến cho bà xem, bà địa chủ nói với nó bằng giọng vuốt ve, ngọt lịm nhưng khi con chó hờ hững không tỏ vẻ gì, bà liền đổi giọng ngay. "Đưa nó đi cho khuất mắt ! Đồ cái thứ chó nhỏ thấy phát tởm này !". Khác với Gerasim chăm bẳm nuôi nấng nó với tất cả sự tận tụy dịu dàng, bà địa chủ lại muốn con chó phải yêu bà ngay lập tức, chỉ vì bà là người có quyền lực.

 

Quyền lực khiến bà trở thành dối trá và không có khả năng tự xét lại mình. Khi Gerasim biến mất sau khi dìm chết Mumu, "bà đùng đùng nổi giận, khóc lóc, ra lệnh dù xảy ra chuyện gì chăng nữa cũng phải tìm ra hắn, thề thốt rằng bà không bao giờ ra lệnh giết con chó rồi cuối cùng quay sang quở trách người quản gia". Bà chối bỏ trách nhiệm một cách trắng tợn không ngờ. Quyền lực làm cho con người đồi bại, Turgenev biết ; và vì không chấp nhận bất kỳ hạn chế nào cho các ước muốn tàn nhẫn của mình nên hạnh phúc là điều không thể nào có được. Tuy nhiên, ông hiểu, không có chế độ xã hội nào sẽ loại bỏ hoàn toàn những nguy cơ này.

 

Turgenev cũng không tin rằng, do bị áp bức, nên những người dưới quyền của địa chủ trở thành cao thượng. Họ cũng mưu mô xảo trá và đôi khi còn tàn nhẫn vô tâm. Chỉ vì họ sợ sức mạnh thể chất của Gerasim nên họ mới không dám chế giễu hắn một cách quá đáng, và họ chẳng mảy may cảm thông với tình cảnh của hắn. Khi Gavrila, người quản gia của địa chủ, dẫn đầu đám nông nô kéo đến báo cho Gerasim biết hắn phải trừ khử cho được con chó, gã vừa đập mạnh cửa phòng Gerasim vừa kêu to "Mở cửa ra !". Từ bên trong vọng ra tiếng sủa nghèn nghẹn ; nhưng không có tiếng trả lời. "Tao bảo mày mở cửa ra !", gã lập lại.

 

"'Ông Gavrila Andreich ơi', từ phía dưới Stepan nói vọng lên, 'Nó bị điếc sao nó nghe được'. Mọi người bật cười rộ".

 

Trong tiếng cười của họ không có lòng trắc ẩn, không có ở lúc đó và cũng không có ở bất kỳ lúc nào khác trong truyện. Ác độc đâu chỉ riêng người địa chủ mới có, và cảnh những nông nô đối xử tàn nhẫn với Gerasim luôn luôn gợi tôi nhớ lại một cảnh tượng ngày thơ ấu, khi tôi độ 11 tuổi. Có lần tôi đứng xếp hàng mua vé xem bóng đá - vào thời đó, vì những lý do giờ đây tôi không còn nhớ rõ, tôi say mê môn thể thao này. Hàng thì dài, phải chờ ít nhất đến hai tiếng đồng hồ. Một ông lão mù với cây phong cầm đi dọc lần theo hàng người, vừa đi vừa hát bản nhạc "Người đàn ông đánh bài thắng lớn ở Monte Carlo", trong khi người bạn đường với ông chìa cái mũ ra để xin tiền. Họ đi ngang qua đám mấy người trẻ thuộc tầng lớp lao động, bọn này có sẵn chiếc radio liền vặn nó thật to lên để át tiếng hát của ông lão. Cả đám thấy vẻ bối rối của ông liền cười vang lên còn người bạn đường không nói gì lặng lẽ dắt tay ông bước đi.

 

Không ai can thiệp hay nói cho đám thanh niên ấy biết họ đã xử xự thật tàn tệ ; tôi quá hèn nhát nên chẳng dám nói năng gì. Nhưng trong cái cảnh tượng thoáng qua nhỏ nhoi ấy, tôi thấy con người luôn luôn có khả năng gây ra điều ác cho nhau, một khả năng vượt qua địa vị xã hội, giai cấp, hay giáo dục.

 

Nhiều năm về sau khi tôi hành nghề y trên một đảo ở Thái bình Dương một chuyện xảy ra càng khẳng định sâu sắc hơn bài học này. Kế bên bệnh viện tâm thần nhỏ có hàng rào lưới cao bao quanh sân là khu dành riêng cho người cùi. Khi chiều xuống, những người cùi xúm lại bên ngoài hàng rào bệnh viện để chọc ghẹo những người điên lúc họ được đưa ra sân đi dạo, vào những lúc này những người điên thường nhảy múa kỳ lạ và la to với những kẻ khuất mặt hành hạ họ.

 

Chiến thắng sự tàn nhẫn không bao giờ là chiến thắng cuối cùng, nên, giống như sự giữ gìn tự do, chúng ta cần phải mãi mãi cảnh giác. Và, như trong "Mumu", chúng ta cũng cần thực thi những mơ tưởng nhân ái.

 

Chuyển từ Turgenev sang Marx (dù Tuyên ngôn xuất hiện dưới tên của cả Marx và Engels, nhưng tác phẩm hầu như hoàn toàn do Marx viết), chúng ta bước vào một thế giới của đắng cay vô tận - chất chứa biết bao nhiêu oán thù, căm ghét, và khinh miệt - thay vì thương xót hay trắc ẩn. Đúng là, giống như Turgenev, Marx đứng về phía những kẻ dưới đáy, người không có gì, nhưng theo cách hoàn toàn ma quái. Nơi Turgenev hy vọng sẽ gợi cho chúng ta xử xự có tình người, Marx chỉ nhắm kích động bạo lực. Hơn thế nữa, Marx không cho phép ai được cạnh tranh với mình trên thị trường từ thiện. Ông khét tiếng là người chỉ trích kịch liệt tất cả những ai mong muốn cải cách thực tế : nếu giai cấp hạ lưu, thì họ thiếu sự đào tạo về triết học cần thiết để thấu hiểu những nguyên nhân của đau khổ ; nếu giai cấp thượng lưu, thì họ đạo đức giả khi cố gắng duy trì "chế độ". Chỉ có mình ông biết được bí quyết biến ác mộng thành giấc mơ đẹp.

 

Thực ra bao đống xương Vô định mà tín đồ của ông đã chất cao ngất - đến hàng triệu nạn nhân cuối cùng -đã hiện ra lờ mờ trong Tuyên ngôn. Cuồng tín và chủ nghĩa toàn trị có sẵn trong tín điều được diễn đạt : "Những người cộng sản không lập ra một đảng riêng biệt đối lập với các đảng giai cấp công nhân khác. Họ không có lợi ích nào tách khỏi lợi ích của những người vô sản nói chung".

 

Nói cách khác, không cần thiết phải có các đảng khác, chứ đừng nói đến những cá nhân với những cá tính riêng dị biệt : thật vậy, vì những người Cộng sản thể hiện rất rõ ràng lợi ích của những người vô sản, cho nên bất kỳ ai chống lại những người Cộng sản, theo định nghĩa, ắt phải chống lại lợi ích của những người vô sản. Hơn nữa, vì những người Cộng sản " công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ tất cả trật tự xã hội hiện hành", từ đó suy ra rằng Lê nin và Stalin đã hoàn toàn đúng khi dùng bạo lực tiêu diệt những người đối lập. Và vì, theo Marx, tư tưởng mà người ta có đều được quyết định bởi địa vị của họ trong cấu trúc kinh tế của xã hội, cho nên nhân dân càng không cần thiết tuyên bố lòng căm thù của mình : hay nói cách khác, nhìn địa vị biết kẻ thù. Giết sạch tầng lớp phú nông Nga là ứng dụng trong thực tiễn nhận thức luận của Marx.

 

Khi ta đọc Tuyên ngôn, những tai ương cộng sản tưởng như từ trong tác phẩm tiếp nối hiện ra tựa như các bóng ma, chẳng khác gì những lời tiên tri định mệnh do các phù thủy phán ra trong vở kịch Macbeth. Ví dụ hãy đọc điều 8 và 9 trong chương trình Cộng sản (Điều thú vị là cũng có tất cả mười điều như trong chương trình của Chúa công bố trên Núi Sinai) : "8. Bình đẳng trong trách nhiệm lao động. Thành lập các đạo quân công nghiệp, đặc biệt cho nông nghiệp. 9. Kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, tiến đến loại bỏ dần những mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn". Những ai đã trải qua chế độ của Pol Pot, và chương trình kế hoạch hóa đô thị kiểu trại lính của Ceausescu, qua đó san bằng làng mạc rồi thay thế bằng những khu hộ tập thể cao tầng hoàn tất dở dang nằm trơ trọi giữa cánh đồng, tất sẽ chẳng khó khăn gì nhận ra được cội nguồn đau khổ của họ.

 

Tuyên ngôn không nhắc gì đến cuộc đời cá nhân con người, ngoại trừ để phủ nhận tiềm năng của cuộc đời cá nhân ấy trong hoàn cảnh hiện tại. Đúng là Marx có nhắc đến tên một vài tác giả, nhưng chỉ để trút ra sự khinh bỉ theo kiểu rất Đức cùng những lời lẽ sỉ nhục họ.

 

Cho nên không lạ gì Marx chỉ nói về hai hạng người : giai cấp tư sản và vô sản. Đối với ông, những con người cá nhân chỉ là những bản sao, sự giống nhau giữa họ với rất nhiều người khác không phải do cùng có chung các gien, mà do cùng có chung các mối quan hệ với hệ thống kinh tế. Tại sao phải nghiên cứu một cá nhân khi ta biết cả Tập thể ?

 

Đây không chỉ là sự tổng quát hóa duy nhất trong Tuyên ngôn rút toàn bộ dân số con người xuống thành những con số không : "Gia đình hiện nay, gia đình tư sản dựa trên nền tảng nào ? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận riêng...Nhưng quan hệ gia đình này lại kèm theo sự biến mất gia đình trên thực tế trong giai cấp vô sản, và kèm theo nạn mãi dâm công khai... Lời nói khoa trương của giai cấp tư sản về gia đình và giáo dục, về mối quan hệ chung thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái, lại càng trở nên ghê tởm hơn khi, do tác động của công nghiệp hiện đại, tất cả các mối quan hệ ràng buộc trong gia đình của giai cấp vô sản càng bị hủy diệt, và trẻ em họ càng bị biến thành những món hàng mua bán và những công cụ lao động... Tư sản xem vợ mình chỉ là công cụ sản xuất... Giới tư sản của chúng ta, không bằng lòng là bọn họ đã có sẵn vợ và con gái của nhưng người vô sản để dùng, chưa kể đến các gái điếm thường, đều rất lấy làm thích thú đi quyến rũ vợ lẫn nhau. Hôn nhân tư sản trên thực tế là chế độ vợ chung cho nên, cùng lắm, những người cộng sản chỉ có thể bị chê trách rằng họ muốn đưa ra một chế độ vợ chung hợp pháp công khai để thay thế một chế độ vợ chung được che giấu một cách giả dối".

 

Lòng căm ghét và phẫn nộ hiện ra rành rành trong những lời này ; nhưng giận, tuy là xúc cảm thật và mãnh liệt, nhưng không nhất thiết là xúc cảm chân thật, cũng hoàn toàn không hẳn là luôn luôn do bất mãn. Con người, nhất là các trí thức, luôn luôn có cám dỗ cho rằng đức tính của người ta tỷ lệ với lòng căm ghét thói xấu của họ, rồi đến lượt lòng căm ghét thói xấu ấy lại được đo bằng nhiệt tình của sự tố cáo ở họ. Nhưng khi Marx viết ra những lời này, ông chắc chắn hẳn biết rằng, may ra, chúng là sự phê phán rất kịch liệt, còn tệ nhất, chúng là sự cố tình bóp méo được tính toán trước nhằm lừa dối và hủy diệt.

 

Bản thân ông cũng không làm tròn bổn phận đối với gia đình. Ông tuy sống ra vẻ quý tộc, nhưng đó là cuộc sống lang bạt, thiếu nề nếp, và dơ dáy tồi tàn. Hai con gái ông, Laura và Eleanor, đều tự tử, một phần do ông can thiệp vào đời riêng của họ. Nhưng ngay cả kẻ thù không đội trời chung của ông cũng không tuyên bố rằng y xem vợ ông, Jenny von Westphalen, "chỉ là công cụ sản xuất", hay nói chơi chữ, chỉ là một chiếc khung cửi. Một nửa các bài thơ tình thời trẻ ông tặng bà bằng ngôn ngữ say đắm và lãng mạn nhất mới chỉ viết ra trước một vài năm ông viết Tuyên ngôn ; và tuy về sau tình cảm họ đã lạnh nhạt, lúc bà mất ông vẫn rất đau buồn và chẳng bao lâu qua đời. Cho dù kiến thức của ông về con người chủ yếu từ sách vở, ông ắt hẳn biết rằng điều ông mô tả trong Tuyên ngôn về mối quan hệ giữa nam và nữ là hoàn toàn xuyên tạc. Vì thế, sự giận dữ của ông-như bao sự giận dữ ngày nay-hoàn toàn không thật, có lẽ đấy là cố gắng để giả vờ có tinh thần độ lượng, hay có lòng thương người, mà ông biết ông không có nhưng cảm thấy mình nên có.

 

Sự thờ ơ của ông về những cuộc đời cá nhân và về số phận của những con người thật sự - điều mà Mikhail Bakunin có lần gọi là sự thiếu thông cảm của ông với loài người - thể hiện rõ ràng qua việc ông không nhận ra nỗ lực thường cao quý của những người lao động khi họ phải đối mặt với bao hoàn cảnh khó khăn nhất để gìn giữ cuộc sống gia đình đáng kính. Phải chăng thật sự là họ không có các mối quan hệ gia đình ràng buộc, và phải chăng con cái họ chỉ là những món hàng mua bán ? Vậy chúng chỉ là những món hàng mua bán cho ai ? Do tính thiếu chính xác Marx thường để câu trả lời mơ hồ, như thể mua bán có thể tồn tại mà không phụ thuộc vào những người tham gia vào cuộc mua bán. Chỉ có sự giận dữ của ông là quá rõ ràng.

Marx cũng rõ ràng bám chặc vào ảo tưởng ở chỗ ông không hình dung ra điều gì sẽ xảy đến một khi gia đình tư sản sẽ thật sự bị sụp đổ qua sự áp dụng những tư tưởng của các trí thức cực đoan vốn chịu ảnh hưởng cách suy nghĩ của ông, một khi "sự biến mất gia đình trên thực tế " sẽ thật sự trở thành hiện thực xã hội không thể phủ nhận được. Lúc âý bất kỳ ai có kiến thức sâu sắc hơn ông về lòng người chắc chắn hoàn toàn có thể tiên đoán được cảnh ghen tuông gia tăng, cảnh trẻ em bị bỏ bê và bị hành hạ tràn lan, cùng với cảnh bạo lực tăng vọt giữa nguời với người trong xã hội (tất cả những bi kịch này diễn ra trong bối cảnh thịnh vượng vật chất chưa từng có).

 

Hãy so sánh sự thô thiển của Marx với sự tinh tế của Turgenev từng được Henry James gián tiếp nhắc đến. Ông quen biết Turgenev và viết một bài tưởng niệm nhà văn một năm sau khi ông qua đời : "Giống như tất cả những con người mẫu mực cao quý, ông là nhiều mảnh nhỏ khác nhau được ghép lại ; nhưng điều luôn luôn nổi bật ở ông là sự hoà hợp giữa sự giản dị và kết quả của vô số những quan sát khác nhau... Có lần tôi cảm thấy thôi thúc nhận xét về ông rằng ông có tánh chất quý tộc : Sau này nhờ biết thêm, tôi thấy lời nhận xét ấy dường như quá vô nghĩa. Ông không gò bó theo bất kỳ định nghĩa nào như thế, còn nói ông là dân chủ (mặc dù lý tưởng chính trị của ông là dân chủ) là mô tả ông một cách cũng hời hợt không kém. Ông cảm nhận và thấu hiểu những mặt trái của cuộc đời ; ông giàu tưởng tượng, chiêm nghiệm, hoàn toàn không trần trụi. Ông xa lạ với những tiêu chuẩn Anh, Tin lành, luân lý, thông thường, và ông phán xét mọi sự một cách phóng khoáng và tự nhiên khiến tôi luôn luôn qua đó thấy sự tươi tắn mới mẻ. Ý thức của ông về mỹ, tình yêu của ông về chân và thiện, là nền tảng cho bản chất của ông ; nhưng ta cảm thấy hấp dẫn khi trò chuyện với ông chủ yếu là vì ta hít thở bầu không khí mà trong đó những ngôn từ đạo đức giả và những khuôn mẫu áp đặt chỉ có vẻ lố bịch".

 

Tôi nghĩ không có ai viết ra những lời như thế về Marx. Khi ông viết "Công nhân không có tổ quốc. Chúng ta không thể lấy của họ cái mà họ không có", ông viết với tư cách một người, theo như ta biết, không bao giờ thèm bận tâm thăm dò quan điểm thực tiễn của bất kỳ ai ngoại trừ của chính ông. Tưởng chẳng cần nói gì hơn, ông đã tuyên bố quá sớm cái chết của tinh thần dân tộc. Hơn nữa khi ông viết rằng những người tư sản sẽ khóc thương cho nền văn hóa mà cuộc cách mạng vô sản tất yếu sẽ tiêu diệt, nhưng "nền văn hóa ấy..., đối với đại đa số, chỉ là sự đào tạo để hành động như một cái máy", ông đã không thừa nhận biết bao nỗ lực gây xúc động sâu xa của công nhân ở Anh để có được chính nền văn hóa mà là phương tiện giải phóng họ và làm họ trở nên cao quý ấy. Chỉ cần vận dụng một tí tưởng tượng là ta hiểu được sự phấn đấu phi thường của những con người ban ngày làm việc quần quật trong các nhà máy thời cách mạng công nghiệp tối về vùi đầu đọc Ruskin và Carlyle, Hume và Adam Smith như rất nhiều công nhân thời đó đã đọc (ngày nay người ta vẫn còn thấy trong các tiệm bán sách cũ những cuốn sách họ đã mượn đọc từ các thư viện và trường đại học thời đó) ; nhưng đến một tí tưởng tượng ấy Marx cũng không bao giờ sẳn sàng vận dụng, chỉ vì ông thấy chẳng đáng bõ công để làm điều này. Ta có thể hỏi phải chăng ông đã làm gương cho đám vũ phu có học trong các trường đại học, những kẻ đã tiêu diệt những gì có lợi cho bản thân nhiều người khác.

 

Khác rất xa với tất cả điều này, sự cảm thông Turgenev bày tỏ với những cảnh đời bị chà đạp là sự cảm thông với những con người đang sống và đang thở. Vì ông hiểu điều mà Henry James gọi là "những mặt trái của cuộc đời", ông hiểu đối với lịch sử không có hồi kết cục gay gấn, không có cuộc thế chiến hủy diệt tất yếu cuối cùng để rồi sau đó tất cả các mâu thuẫn đều được giải quyết, tất cả các xung đột đều biến mất,là lúc con người ai ai cũng trở nên tốt cả vì chế độ xã hội đã hoàn thiện, là lúc sự kiểm soát chính trị và kinh tế sẽ biến thành sự quản trị đơn thuần có lợi như nhau cho tất mọi người. Thần học thế mạt của Marx, thiếu tất cả sự suy xét bình thường, thiếu tất cả những kiến thức về bản chất con người, dựa trên những trừu tượng mà đối với ông còn thực hơn cả những con người thật sự quanh ông. Tất nhiên, Turgenev biết giá trị của những điều tổng quát chung và có thể chỉ trích những thể chế chẳng hạn như chế độ nông nô, nhưng ông không hề có bất kỳ ảo vọng ngu ngơ nào về thiên đường không tưởng : bởi lẽ ông biết Con Người vốn sa ngã, có lẽ, có khả năng cải thiện, nhưng không có khả năng hoàn thiện. Cho nên sẽ không có đống xương Vô định nào gắn liền với tên của Turgenev.

Theodore Dalrymple

Nguyên tác : How-and How Not-to Love Mankind, City Journal, Summer 2001

Trần Quốc Việt dịch

(04/02/2022

 

 

 

No comments:

Post a Comment